Hầu Đồng: Uy TÍN, hay là mê TÍN ?
Vậy thì “hầu đồng” là gì mà lại có thể trở thành món ăn tinh thần cho đông đảo người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về như thế? Và làm thế nào để nét đẹp văn hóa này không bị biến tướng?
Tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Liễu (35 tuổi, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) về 2 tội danh "Hành nghề mê tín dị đoan" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bên báo Công An Nhân Dân còn đưa tin là số tiền chiếm đoạt đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vụ lừa đảo vẫn tồn tại trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây. Số lượng những vụ như thế này dần khiến tôi có cái nhìn không mấy thiện cảm với “hầu đồng”, và tôi chắc rằng kha khá các bạn trẻ cũng đang có ác cảm tương tự. Ấy vậy mà “hầu đồng” lại là một nghi thức tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận hồi năm 2016.
Vậy thì “hầu đồng” là gì mà lại có thể trở thành món ăn tinh thần cho đông đảo người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về như thế? Và làm thế nào để nét đẹp văn hóa này không bị biến tướng?
Xin lưu ý rằng bài viết có được tổng hợp và tham khảo từ các trang báo chính thống trong nước.
Nguồn gốc và ý nghĩa của việc Hầu Đồng
Giải thích một cách dễ hiểu, bản chất của việc hầu đồng là gọi cho các vị thánh thần nhập vào các ông/bà đồng để phán truyền, chữa bệnh và ban phúc lộc.
Theo như định nghĩa của Wikipedia Việt Nam, thì “hầu đồng” là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng Thờ mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Theo ban Tôn giáo Chính phủ, hầu đồng là nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và Đức Thánh Trần. Xin lưu ý rằng đây không phải một nghi lễ thuộc về Phật giáo. Hiện tại, có 3 Mẫu phủ được thờ bao gồm:
Mẫu Thượng Thiên: vị Mẫu cai quản Thiên Phủ Mẫu Thượng Ngàn: vị Mẫu cai quản vùng rừng núi Mẫu Thoải: vị Mẫu cai quản vùng sông nước.
Với mỗi vị thành, lễ hầu đồng sẽ có đặc điểm sắc thái khác nhau tương ứng với mỗi phủ, như là màu sắc trang phục, các bài trí điện thờ,...
Lễ hầu đồng chỉ có thể được thực hiện trong một không gian đặc biệt gọi là “nhà đồng”. Có 3 yếu tố quan trọng nhất trong một buổi lễ cần phải chuẩn bị bao gồm:
Người Đồng: là những người có căn, hữu duyên với các vị thánh nên được chọn để trở thành người truyền đạt lời thần ý thánh xuống cho phàm nhân. Tất nhiên là không có nghiên cứu cụ thể về những người có thể hầu đồng, đa số đều là những người có căn do di truyền của gia tộc, hoặc là do thần kinh yếu. Những người có căn này mà chưa trình Thánh, ra đồng sẽ dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ bị bệnh tật, đau ốm, hoặc là làm ăn thất bát. Chỉ khi đi đầu đồng, sức khỏe và tài vận của những người này mới được thông thuận.
Cung văn: là những người hát văn, hay còn gọi là hát chầu văn, hát hầu đồng, hát bóng. Người này sẽ ca những bài hát kể chuyện về các vị thần thánh. Nghi lễ hát chầu văn được chia thành 4 phần: Mời thánh nhập - Kể sự tích và công đức - Xin thánh phù hộ - Đưa tiễn thánh.
Dàn nhạc: những người chơi nhạc cụ dân gian để tạo không khi linh thiêng cho buổi lễ hầu đồng. Thường sẽ có đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, trống lớn, trống nhỏ, phách, cảnh đôi. Trong đó, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi là bắt buộc phải có, các nhạc cụ khác có thể thay đổi và thêm bớt tùy vào từng địa phương.
Ngoài ra, cũng cần phải có lễ vật cho buổi hầu đồng. Theo như tìm hiểu, lễ vật thường đơn giản chứ không cần quá cầu kỳ. Chỉ bao gồm các đồ cúng bình thường như xôi, thịt, hoa quả, trầu cau, rượu, thuốc, vàng mã,... Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, lễ vật ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.
Lễ vật trình đồng được trình bày trên một kỷ tháp hình chữ nhật, kê chính giữa và gồm chén, đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Ở chính giữa sẽ có một cái gương được phủ khăn thêu. Trước kỷ sẽ bày bốn mâm lễ Tứ Phủ và mỗi mâm có: 09 quả trứng, 01 lược, 01 quạt, 01 guốc; 09 miếng vải vuông phủ lên trên. Bên cạnh mâm lễ phải có một chung nhỏ, một thau nhỏ, một mâm hài sơn trang có mũi hài thêu hình chim phương; một trăm vàng thoi. Ngoài ra, trước bàn thờ sẽ bày các loại mã và 02 chiếc thuyền rộng hình cánh phương có 12 hình nhân đang chèo thuyền, 01 đôi ngựa, 01 đôi voi đã đủ yên cương, hàm thiếc.
Vậy thì tổ chức một lễ hầu đồng phức tạp như vậy để làm gì? Theo lý thuyết, thì ai cũng có thể ra hầu đồng. Như đã mô tả ở trên, chủ yếu những người phải ra hầu đồng là những người có căn. Hợp duyên với thánh mà không ra trình thánh, nên là bị thánh đày ải, khiến sức khỏe và công danh sự nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, vẫn có nhiều người đi hầu đồng chỉ đơn giản vì muốn cầu may, cầu tài lộc cho năm mới.
Hầu đồng cũng có ý nghĩa sâu xa hơn. Tổ chức lễ hầu đồng cũng là để thể hiện truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam. Vì theo các truyền thuyết từ xưa, nghi lễ hầu đồng là để tưởng nhớ tới các vị đức Thánh đã có công tạo nên cuộc sống bình yên tới toàn thể con dân. Nghi lễ được tổ chức một cách uy nghiêm và trang trọng cũng thể hiện được nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ xa xưa tới hiện tại. Chính bởi ý nghĩa cao quý này mà nghi lễ hầu đồng được nhà nước ta công nhận và bảo vệ.
Ấy vậy mà phần lớn người tổ chức và thực hiện hầu đồng ngày nay lại chỉ nghiêng về mục tiêu cá nhân nhiều hơn khi tổ chức lễ hầu đồng. Bởi vậy mà nhu cầu tổ chức hầu đồng lại càng ngày càng tăng cao. Mục tiêu và ý nghĩa của buổi lễ cũng chệch hướng hoàn toàn so với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Phong tục vốn là nét đẹp văn hóa nay bị biến tướng ra sao?
Thẳng thắn mà nói, việc hầu đồng hoàn toàn là thuộc về tâm linh. Và tâm linh thì có mục tiêu lớn nhất là để mang lại yên lành cho tinh thần của những người tìm tới nó. Nhưng cũng vì là tâm linh nên rất dễ bị biến tướng thành mê tín dị đoan.
Theo trang Thư Viện Pháp Luật, hầu đồng phải tuân thủ một số điều kiện để được thực hiện, bao gồm:
- Chỉ được tổ chức hầu đồng tại các cơ sở tín ngưỡng, di tích thờ Mẫu. - Không được lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền. - Không được tuyên truyền những thông tin sai trái, mê tín dị đoan.
Vậy như thế nào mới được coi là “mê tín dị đoan” ở trong hầu đồng? Lật lại vụ lừa đảo Nguyễn Thị Liễu, cô này lợi dụng việc mong muốn có con của một người bị hiếm muộn. Điều này hoàn toàn có thể giải thích hoặc chữa trị bằng khoa học, nhưng “cô” Liễu lại dọa gia đình là bị thánh trù, nên phải hầu đồng để cúng cầu siêu bạt độ, khiến gia đình nạn nhân gom góp toàn bộ tiền tiết kiệm khoảng hơn 320 triệu đồng để làm lễ. Điều này vốn là không hề có trong mục tiêu ban đầu của việc hầu đồng.
Cũng tương tự như trường hợp trên, một vài hoạt động khác được chính quyền khuyến cáo bao gồm hoạt động cúng trừ tà ma, phù phép chữa bệnh, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền sấm trạng hay yểm bùa chú hại người. Tất cả các hoạt động này không phải là mục tiêu của nghi lễ hầu đồng. Hầu đồng chỉ là nghi thức xin thánh nhập để cầu an, còn các nghi lễ biến tướng, hoặc là “giả vờ được thánh nhập”, hoặc là gọi hồn cầu siêu chứ không phải gọi thánh. Tuy nhiên, có cầu thì khắc có cung, các đối tượng lừa đảo vẫn tồn tại ngoài kia có lẽ cũng chỉ vì người dân không nắm được đầy đủ khái niệm và ý nghĩa của hoạt động hầu đồng.
Bên cạnh đó là hiện trạng chi tiền quá đà của một bộ phận những người tham gia hầu đồng chính thống. Tôi xin trích một phần của bài phóng sự được Vietnamnet đăng tải hồi năm 2011 như sau:
“Tiền đặt lệ phí trung bình cho mỗi lần hầu đồng ở những đền phủ các tỉnh thường dao động khoảng 500.000 đồng. Nhưng một con nhang cho biết, nếu vào những ngày cuối năm thế này thì số tiền có tăng chút đỉnh. Còn ở các thành phố lớn thì giá thường cao hơn. Nhưng số tiền này là quá nhỏ so với những người chuyện đi hầu đồng. Vì nhiều người cho rằng giá hầu càng nhiều tiền thì công việc trôi chảy hơn hoặc tâm linh được thoải mái... cho nên họ sẵn sàng bỏ ra tiền chục, thậm chí là tiền trăm để thực hiện các giá hầu. Bình thường, nhà nào có điều kiện ở mức trung bình thì chỉ phát lộc tờ tiền loại 5 nghìn, 10 nghìn, cao thì 50 nghìn. Nhưng buổi hầu lần này là buổi lớn, cô đều phát lộc tiền loại 50 nghìn trở lên. Tiền vung ra làm thiên hạ lóa mắt vì toàn thấy 100 nghìn, 500 nghìn. Tiền trao tay cho những người bạn cùng đi hầu thì chỉ có loại 500 nghìn. Dân xung quanh ít khi thấy giá hầu nào cao tiền như thế này nên đổ xô đến nhặt lộc rơi lộc vãi. Có cụ già 70 tuổi cũng cố gắng chống gậy lên để mong nhặt được 1 tờ tiền lộc của buổi hầu này thì nhà cụ cũng ăn được vài bữa. Dân kéo đến đông quá, người nhà của thanh đồng phải cử nhau ra canh, chặn không cho vào gian hầu vì sợ náo loạn.”
Tất nhiên rằng những người vung tiền như vậy không sai, vì họ không phạm phải bất cứ điều nào trong luật pháp. Trích lời của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền của Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam: “Trong thời hiện tại, với gia tài kếch xù cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ của ai đó thì chuyện tốn một vài tỉ cho mỗi vấn hầu hàng năm cũng không lấy gì làm lạ. Đó là một niềm tin hồn nhiên trong cuộc trao gửi, cầu xin- đón nhận tưởng tượng của con người”.
Nhưng nhìn về cảnh tượng hầu đồng tưởng nhớ công lao và cầu bình an, mà tiền bay phấp phới, không biết các Thánh sẽ nghĩ sao nữa.
Làm sao để giữ được ý nghĩa tốt đẹp ban đầu
Thực ra không phải là chính quyền không có biện pháp xử lý. Đã có cả mức phạt tiền lẫn mức phạt truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nằm ở ý thức và nhận thức của những người tìm tới hầu đồng nói riêng và các nghi lễ tâm linh nói chung.
Hy vọng thông qua bài viết này, mọi người đã có thể hiểu được về nghi lễ Hầu Đồng cũng như ý nghĩa tốt đẹp thực sự của nó. Và từ những hiểu biết trên, hãy tỉnh táo và tận dụng tâm linh để hướng thiện, sống tích cực và tìm được sự chữa lành cho tinh thần của bản thân.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất