Lão Rơm (tên Facebook) - một người về vườn sống và có nhiều năm làm vườn. Anh cũng có nhiều kinh nghiệm quý báu sau những lần thử nghiệm trên mảnh đất của mình. Được sự đồng ý của anh Veque đã biên tập và chia sẻ lại những kinh nghiệm này.
vươn lam rom hien dai min

Nhà của tác giả Lão Rơm người canh tác theo cụ Fukuoka.

1. Làm sao trồng ngô trên đất khô cằn?
Bài này tôi chia sẻ một phần về cách tôi tạo ra sản lượng trên mảnh đất khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng và chai cứng trong một thời gian ngắn. Cụ thể là cây ngô. Làm sao để trồng cây ngô và cho thu hoạch trên loại đất này?
 
Dat kho can min

Tình trạng đất khô cằn của Lão Rơm trước khi cải tạo.

1.1. Hành trình tìm cách giữ ẩm cho đất
Nói qua về loại đất, các bạn có thẻ xem ảnh tôi chụp miếng đất để hiểu rõ hơn về nó, các bạn ở mạn phía Bắc sẽ hiểu hơn, khi mà canh tác trên các khu đồi thấp mà vốn đã được trồng keo bạch đàn nhiều năm trước hay khu đất được san lấp cho bằng phẳng trước khi canh tác. Khi đó đất mặt canh tác là loại đất đỏ pha với đá cứng, gặp nước thì dẻo, quánh, dấp dính, khi khô thì giòn tan và cứng, không tich được nước, rất khó để canh tác cây hoa màu.
Điểm mấu chốt để canh tác trên loại đất này là bạn phải giữ ẩm cho đất. Nhưng chẳng nhẽ để giữ ẩm thì phải tưới nước suốt ngày? Chắc chắn là không vì sẽ không đủ nước tưới cũng như chi phí nhân công và điện vận hành không bù nổi lỗ đâu.
Thế là tôi nghĩ đến việc để cỏ che phủ để giữ ẩm. 3 tháng ròng mùa mưa tôi chờ cỏ mọc, nhưng mọi thứ không như dự kiến, vì đây không phải là đất mặt, đất đã có từ trước mà đây là đất lấy ở nơi khác đổ vào, lại là loại đất được lấy từ bên trong lòng đồi, chẳng có mấy hạt giống cỏ có sẵn trong đất, mà có chắc cũng chẳng tươi tốt được, đất khô và rắn quá mà...
Sau 3 tháng thấy không ổn mà mình và lũ ngan gà thì lại đang đói quá, phải trồng lấy gì ăn, thế là tôi áp dụng thêm bài che phủ bằng rơm rạ, cây ngô. Thời gian này là tháng 5 nên bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa và ngô nên nông dân bỏ rơm rạ và cây ngô khô nhiều lắm, tôi siêng năng kéo xe đi xin từng nhà, mang nguồn che phủ từ ngoài vào vườn rồi rải kín các khu vược đất này.
Thật may thời gian này là mùa mưa nên nguồn che phủ gặp ẩm có mục nát đôi chút nhưng không thấm vào đâu, trồng cây đợt đầu trên lớp che phủ này cây ngô còi cọc, không trổ nổi bông huống chi là lên bắp? Lại do che phủ kín mít dẫn đến chuột nhiều, ăn hết gần nữa hạt giống chưa nảy mầm...
u dat min

Bước đầu tạo lớp phủ với rơm, thân ngô.

1.2. Giải pháp từ Gieo mầm trên sa mạc
"Ta có thể tạo ra những cánh đồng tươi tốt ở một vùng đất khô cằn nếu bơm nước ngầm lên và phun tưới lên sa mạc, như họ làm ở những nông trại trồng theo dạng vòng tròn ở Mỹ. Nhưng do nước được tưới theo cách này nhanh chóng bốc hơi mất, muối trong nước tưới kết tủa lại, trơ ra và tích tụ ở các lớp bề mặt của đất. Khi cây cối chỉ được tưới chút ít nước phía trên bề mặt, đất sẽ trở nên chắc đặc lại. Khi đó nước không thể ngấm sâu xuống dưới, rễ cây không thể lan rộng ra; rốt cuộc, việc ta tưới thì cũng giống như đem đổ nước lên những tảng đá bị hâm nóng. Vì lý do này, nhiều cây bị héo và chết".
Tôi xin bắt đầu câu chuyện bằng một đoạn trích dẫn trong cuốn Gieo mầm trên sa mạc. Nó phản ánh quá đúng với loại đất mà tôi đang canh tác, nhưng tôi đã không nhận ra và vẫn kiên trì tưới nước liên tục, hàng ngày trong những ngày đầu về vườn.
Đặc biệt là những ngày nắng nóng, bề mặt đất bị trơ ra giữa ánh nắng rồi săn lại, đất ngấm nước quá nhanh gần như là bao nhiêu nước tưới cũng không đủ, đi qua chỗ mới tưới mà chỉ ướt được bề mặt thì sẽ có hiện tượng đất dính dép thành từng tảng và phía dưới lớp đất ướt vừa bị bóc lên ấy thì mọi thứ... vẫn khô khốc.
Cái này các bạn có vườn mà kiểu đất như này không còn lạ gì? Tôi xin trích dẫn và lấy kinh nghiệm của bản thân ra để khẳng định cho việc dùng nước tưới liên tục để giữ ẩm cho đất, đặc biệt với loại đất này là không phù hợp cả về hiệu quả lẫn kinh tế.
co ngo cung phat trien min

Ngô và cỏ cùng phát triển trong vườn Lão Rơm.
1.3. Tìm ra giải pháp giữ ẩm cho đất
Trong phần 1, tôi có nói rằng mấu chốt để phục hồi đất loại này là giữ ẩm cho đất. Mà giữ ẩm thì tôi biết có 2 cách chính. Một là tưới nước đều, hiệu quả thì tôi đã trình bày ở trên rồi. Hai là tạo thảm thực vật che phủ đất để giữ ẩm. Cách này thì nhiều tài liệu, chuyên gia và các anh chị đi trước vẫn đang áp dụng rồi, giờ áp dụng sao cho hiệu quả đây?
Trước tôi đã thử để cho đất tự phục hồi, và dùng sinh khối (cây ngô, lạc khô..) che phủ bề mặt nhưng với tầm ngắn hạn thì nó chưa hiệu quả ngay có thể là do bề mặt đất quá khô, không tự mình giữ ẩm được tốt và vốn đã không có nhiều loại hạt giống có sẵn trong đất.
Lần này, tôi thử cách liều lĩnh hơn mà khiến cho bố mẹ hàng xóm liệt tôi vào hạng "dở hơi" đó là gieo hạt cỏ vào đất.
Để đạt được mục đích, tôi đi kiếm khắp khu vực mình sinh sống các khu vực có cỏ dại mọc hoang, càng nhiều loại càng tốt, cỏ già càng tốt, ưu tiên các loại có hoa và phát tán giống bằng hạt. Đặc biệt là xuyến chi, cỏ cứt lợn, cây lúc lắc, lá chó đẻ ( loại ngày xưa hay dùng lá để đánh bảng phấn)... ngoài ra thì có rắc thêm các loại hạt đậu như đậu đen, đậu xăng. Loại nào thu hạt thì đem về rắc trước sau đó các loại cỏ cắt về đem phủ lên bề mặt rồi tưới. Thời gian đầu chịu khó tưới một chút cho các loại hạt này nó mọc, may mắn là toàn cây cỏ bản địa nên chúng lên mầm và phát triển khá nhanh và khỏe.
Chưa đầy 2 tháng, bề mặt đất vốn trơ trọi đã um tùm các loại cỏ, đất được rễ cỏ đâm sâu xuống, bị đánh tơi lên đặc biệt là bộ rễ của cỏ xuyến chi và cứt lợn, chúng phá tan kết cấu sét, rắn cục của đất, giúp nước dễ thẩm thấu xuống dưới và lưu được lâu hơn, hơn nữa, bề mặt đất được lớp cỏ che phủ nên cũng hạ được nhiệt, tốc độ bốc hơi cũng giảm đáng kể.
"Sau khi quăng hạt nhiều giống rau Nhật khác nhau vào giữa đám cỏ khô và dùng lưỡi liềm chế tại chỗ cắt chúng xuống, tôi dùng ống nhựa đưa nước từ con suối gần đỉnh một ngọn đồi và phun đẫm khắp khu vực đó. Tôi nghĩ chờ vài ngày cho tới khi nước bốc hơi hết thì sẽ biết thế nào ngay. Cuối cùng, màu xanh đã bắt đầu nhô lên giữa đám cỏ nâu. Tất nhiên, đấy là màu xanh của bọn cỏ đuôi cáo. Như tôi đã dự kiến, sau một tuần khi nước đã biến mất, chỗ cỏ đã nảy mầm đó bắt đầu héo đi trong cái nóng, nhưng trong đám ấy những cây bí Nhật, dưa leo, cà chua, đậu bắp, củ cải và ngô bắt đầu phát triển tốt um. Phần trung tâm của cánh đồng biến thành một vườn rau. Bọn cỏ đuôi cáo cứng đầu đã nảy mầm, rồi héo đi và trở thành lớp bổi, và từ chỗ của chúng, những cây rau lớn lên" - Trích dẫn từ sách Gieo mầm trên sa mạc của cụ Masanobu Fukuoka.
Đợt cắt cỏ tấp ủ lại đất lần đầu tiên khá phấn khởi. Lần đầu tiên tận dụng được nguồn sinh khối có sẵn tại vườn, dồng thời, đa dạng loại cỏ, lại được cắt khi còn tươi chắc chắn sẽ trả lại cho đất nhiều chất dinh dưỡng hơn việc phủ rơm hay cây ngô khô, và rồi khi mục dần đi chúng có tác dụng như lớp phủ bổi cho vườn rau, làm mát đất và giữ ẩm.
“Vấn đề không phải là đất trồng thiếu hụt các dưỡng chất như ni-tơ, phốt-pho và ka-li. Vấn đề nằm ở chỗ những dưỡng chất này đã bị hút vào lớp đất sét và không tan trong nước, nên rễ cây không thể hấp thụ được chúng. Cái mà ta cần là đôi kéo để cắt những dưỡng chất này ra khỏi lớp đất sét”. Trích dẫn từ sách Gieo mầm trên sa mạc.

dat sau cai tao min

Đất cứng nay đã được cải tạo rất tự nhiên.

2. Thành công sau một thời gian thử thách
Trong phần trước tôi có nhắc đến việc tự mang giống cỏ vào vườn và bước đầu có cải thiện một chút tuy nhiên sau một thời gian để cỏ và trồng thử cây tôi nhận thấy một vài khó khăn trong việc canh tác năng suất, cụ thể như sau:
Xuất hiện nhiều loại cỏ phát tán từ rễ, đoạn thân, hay củ mọc tràn lan, đồng thời vòng đời của chúng không theo vụ mà phát triển tốt quanh năm, dễ lấn át các loại cỏ và cây trồng khác, rất khó kiểm soát.Cỏ phát triển quá nhanh so với cây trồng. Lại do mình đi tắt đón đầu, cố gắng trồng cây hoa màu cần nhiều chất dinh dưỡng và độ ẩm trong khi đất chưa kịp hồi phục nên cây con yếu ớt, hay bị cỏ lấn lướt.Nói cỏ không cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây trồng, lấy 10 trả 100 chỉ đúng với cây lâu năm, cây ăn quả có tầng rễ ăn sâu. Còn với hoa màu thì chưa đúng lắm, vì cả 2 cùng có hệ rễ trên bề mặt, cạnh tranh chất dinh dưỡng là không thể tránh khỏi. Đất đã kém, nhà đã nghèo lại còn đông con nữa thì chăm sao nổi.Rễ cỏ phá kết cấu rắn của đất nhưng chỉ được một lớp mỏng trên bề mặt. Cỏ phủ lên bề mặt đất, mục đi cũng chẳng được là bao vì lớp đất phủ lên quá dày ( nhiều vị trí cao đến 1 m). Làm theo cách này, nếu không cày xới, để đạt được hiệu quả thì phải tăng lớp phủ liên tục, tạo lớp mùn dày lên 30 - 50 cm. Đợi cho tần rễ lấn sâu, lớp mùn dày đến như vậy thì câu chuyện chờ 7 -10 năm là khó thoát, trừ khi thêm lượng sinh khối từ bên ngoài vào.Vườn chỗ nào cũng có bước chân, lại là đất nhiều sét, mà mỗi bước chân di qua là một làn đất bị nén xuống, đặc quánh thêm. không cây nào mọc được.
Không có cỏ là hỏng, mà có cỏ lại không kiểm soát được chúng lại càng hỏng hơn. Vậy cách nào để lợi cả đôi đường. Hai cách sau đây tôi đang thử nghiệm, kết hợp đồng thời và tạm thời có kết quả tốt.
 
vuon lao rom min

Trên luống là khoai, dưới luống phủ thân cây ngô, khoai luôn được giữ ẩm trong giai đoạn này.

2.1. Chia cỏ, cách ly cỏ... để trị
Mỗi lần gieo hạt, trồng cây, tôi tiến hành phát quang cỏ. Nhiều vị trí trồng rau màu thì làm sạch cỏ hơn. Cỏ thu được tôi không tấp ủ lại bề mặt nữa mà rải quanh gốc cây lớn có tán, việc này có nhiều tác dụng: Giữ ẩm cho cây lớn, hạn chế sự phát triển của cỏ  không làm cỏ chết hẳn mà chỉ làm chúng yếu đi do bị thiếu ánh sáng).
Đặc biệt do lượng cỏ tập trung nhiều và một hoặc 1 vài vị trí cụ thể nên lớp cỏ phủ lên rất dày, khi cỏ mục bớt đi tạo rất nhiều mùn quanh gốc cây, lại là chỗ trú ngụ và phát triển lý tưởng của nhiều loại sinh vật dưới đất. Sẽ khác biệt với việc rải đều cỏ trên khắp bề mặt vườn.
Dần dần tôi mở rộng đường kính lớp phủ ra ngoài bằng cách lấy một phân lớp cỏ mục bên trong gốc  chỉ lấy 1 phần, không lấy hết) rải tiếp ra ngoài tăng đường kính chỗ phủ sau đó cho một lớp cây ko thể phát tán được nữa ( như lá chuối, lá cỏ vertiver, lá cây ăn quả hay một vài loại thân cỏ không thể tự phát tán) phủ lên lớp mới mở rộng ấy, mục đích là để giữ ẩm, bảo vệ hệ vi sinh vật bên trong lớp mùn đó an toàn ở môi trường mới đồng thời hạn chế mầm mống cỏ chưa hoai mục hết phát tán mạnh trở lại (tôi in đậm từ phát tán mạnh bởi ta không chủ ý triệt hẳn cỏ), vị trí bên trong gốc cây vừa lấy đi bớt mùn ta lại lấy lớp cỏ mới phủ lại. Vậy là có một vòn khép kín.
Ngoài cách đưa cỏ vào gốc cây có tán ta cỏ thể thử với một rãnh nước hay một hố sâu hoặc một vòng tròn chuối...
Một cách nữa là tôi sử dụng con Trâu, con bò làm "cô Tấm" chuyên lựa cỏ thay tôi. Bản tính mấy ẻm này rất thích ăn các dòng cỏ hay lan, khó kiểm soát, nên trước khi đem cỏ đi ủ tôi thường ném cho chúng ăn trước, vừa được thức ăn cho chúng, vừa đc chúng lựa bớt cho các loại cỏ kia ra giùm và chuyển hóa thành phân, phần còn lại chúng không ăn tôi mới đem đi.
da dang cay trong min

Xen kẽ cây trồng khác nhau.

2.2. Tạo rãnh
Cách này các cụ nhà ta từ xưa vốn làm nhiều rồi, lợi ích phải có thì cách làm này mới được duy trì từ đời này sang đời khác. Nhưng lạm dụng quá cộng với sử dụng nhiều thuốc hóa học thì lợi bất cập hại. Vậy ta vận dụng như thế nào đây.

B1: Lên luống, tạo rãnh ngay. Tùy từng loại cây trồng và lượng sinh khối sẵn có mà ta lên kích thước luống khác nhau, càng lên nhiều luống càng tốt.B2. Bổ sung chất dinh dưỡng cho luống. Bước này tùy cơ ứng biến, có nhiều phân chuồng thì tốt, ủ được phân hữu cơ, phân vi sinh gì gì đó thì lại càng tốt, không có thì dùng tạm phân hóa học cũng đc nhưng cho gần vừa đủ (nhìn cách hàng xóm họ bón như thế nào thì mình lấy một lượng bằng một nửa của họ) đảm bảo cho mỗi vụ đi qua, cây trồng sẽ gần như sử dụng hết lượng phân bón háo học đó, lượng dư càng ít càng tốt, sau mỗi vụ bón lại bớt đi một chút nữa cho đến khi đoạn tuyệt với chúng hẳn.B3. Nuôi rãnh: Sử dụng nguồn sinh khối mình có sẵn rải hết xuống rãnh luống (Ở đây tôi chủ ý tập trung dinh dưỡng cho rãnh trước, còn trồng cây trên luống chỉ là giải pháp năng suất tạm thời). Lớp thứ nhất tôi giải phân chuồng, lớp thứ 2 là lớp cỏ mục, lớp thứ 3 là lá khô, thân chuối, lá chuối... lớp cuối cùng là thân cỏ tươi. Sau này bỏ sung thêm lượng cỏ nhổ hoặc cắt ở trên luống trong quá trình dọn cỏ co cây ném xuống ( ảnh minh họa)B4. Sau khi thu hoạch trên luống tôi tiến hành reo hạt, hoặc trồng cây vào rãnh, sau đó ấp đất từ 2 bên luống lên. Khi này rãnh lại trở thành luống và luống trở thành rãnh. Lúc naỳ chu trình này tuần hoàn và chắc chắn sản lượng vụ sau sẽ ổn hơn vụ trước do ta đã " chăm bón" cho chỗ trồng cây vụ này từ khi vụ trước bắt đầu rồi.
Nuôi rãnh ở đây tức là mình đang tận dụng đặc tính nước chảy về chỗ trũng hay còn gọi là phương pháp "bẫy nước" kết hợp với che phủ và bổ sụng phân mùn nên dưới rãnh luống hệ vi sinh vật phát triển rất tốt, lượng sinh khối rải xuống nhanh mục và giữ đc chất dinh dưỡng gần như tối đa, nuôi rãnh là ta nuôi vị trí để trồng cây trong vụ sau.
Vụ đầu có thể không năng suất do đất bị đưa lên cao, nước lại bị hút về rãnh nên giai đoạn đầu tôi tiến hành trồng các loại cây chịu hạn tốt như cây sắn, khoai nương. một vài vị trí tôi xen thêm khoai lang và bí để chúng lan rộng khắp mặt luống để che phủ tạm thời cho đất.
tao ranh min

Tạo rãnh theo Lão Rơm.

3. Lưu ý trong cách làm vườn
Cách làm này vẫn đang là thử nghiệm, không phải là kết luậnCách này dành cho loại đất riêng biệt như tôi đã mô tả ở phần một, Với loại đất mặt lâu năm dù có xấu đến mấy (kể cả đất đồi keo, đồi chè canh tác lâu năm) thì vẫn có cách để xử lý hay hơn và tiết kiệm công sức hơn cách này.Muốn nhanh thì phải dày công. Đúng vậy, cách này chỉ trong 1 năm nếu kiên trì làm là có thể có thu hoạch sản lượng nhưng đồng nghĩa với nó là bạn sẽ phải bỏ công, bỏ sức ra nhiều hơn.
Hi vọng qua câu chuyện của tôi, mọi người có thể rút ra đc một chút kinh nghiệm nào đó để áp dụng vào khu vườn của mình. Một đoạn bài viết như này có thể tốn cả 2 tiếng để viết nhưng mất cả một đến vài năm để có tư liệu và cũng không biết đúng sai ra sao. Làm nông mà, nhưng thật sự còn nhiều anh chị và các bạn cần những trải nghiệm thực tế như thế này, giống như tôi giai đoạn trước khi về vườn sống, thèm đọc những bài chia sẻ chi tiết kinh khủng (dù nó có sai hay đúng).
Mời bạn ghé veque.com.vn xem thêm nhé!