Nhiếp ảnh căn bản, Photography Basic
1. Bộ máy ảnh đầu tiên
Trước khi bước vào phần 2 của loạt bài viết về nhiếp ảnh cơ bản, anh có vài lời muốn chia sẻ với các gà về bộ máy ảnh đầu tiên.
Với người lần đầu tìm hiểu và chuẩn bị mua máy ảnh, chắc chắn họ sẽ bị cuốn hút và rối rắm với đủ mọi loại thông số kỹ thuật cùng những lời quảng cáo có cánh của hãng sản xuất hay của người bán. Nhất là với các gà đực, tin anh đi, ngày xưa anh cũng thế.
Nếu muốn trải nghiệm về thú chơi nhiếp ảnh, các gà có thể đem vất mấy lời này của anh vào sọt rác. Trải nghiệm là một cuộc hành trình đơn độc của mỗi người và mỗi con đường đều có những thú vị khác nhau. Còn nếu chỉ muốn mua máy ảnh như một công cụ để ghi những khoảnh khắc cuộc sống thì có thể tiếp tục, dù sao cũng đỡ mất thời gian hơn.
Để bắt đầu, các gà nên mua 1 bộ máy gồm những thứ sau đây:
-      1 body vừa phải, nếu muốn có quay phim thì chú ý chọn body nào có tính năng quay. Body nên chiếm khoảng 50% - 65% kinh phí.
-      1 lens kit. Thông thường lens kit là 1 lens zoom 18-55mm. Vừa đủ cho nhu cầu chụp góc rộng. Nếu tài chính khá hơn có thể chọn khoảng zoom tốt hơn, vd như 17-85mm.
-      1 lens normal 50mm/1.8. Có thể dùng để chụp tối, xóa phông tương đối. Lens kit và lens 50mm giá thị trường giờ khoảng 3 tr. Nếu tìm đc lens cũ, có thể mua chỉ với giá 2tr.
-      1 túi xách tốt, nó bảo vệ máy ảnh của các gà tốt hơn rất rất nhiều lần. Khoảng chừng 500k – 1tr. Nếu quen ai thì nhờ họ dẫn đi mua, tránh mua phải túi giả. Anh sẽ quất 1 bài về sự quan trọng và sang chảnh của túi máy ảnh sau.
-      1 hộp lock lock có bán ngoài siêu thị. Dùng nhiều lens thì mới cần tủ chống ẩm, không thì hộp lock-lock bỏ thêm hạt hút ẩm là đủ rồi.
-      2 thẻ nhớ khoảng 8gb để lưu trữ hình. Vì sao phải 2 thẻ 8gb mà không phải một thẻ 16gb. Đơn giản vì lỡ có sự cố nào đó, ít nhất các gà cũng còn 50% số ảnh chụp.
-      1 bộ lau chùi ống kính gồm có mấy miếng vải không sợi, 1 cây lens pen, 1 ống thổi bụi.
Nhiêu đây là đủ để bắt đầu. Ví dụ các gà có 13 tr đi, có thể phân bổ mua 1 body giá 7tr, 2 cái lens giá 3t5, túi và hộp khoảng 1tr, còn lại để mua thẻ nhớ linh tinh. Sau đó thì các gà có thể bắt đầu vọc máy rồi nhé.
2. Phần điều khiển cơ bản


Đầu tiên là nút On/OFF, đây là nút để bật tắt máy. Đa phần các máy đời mới đều có chức năng tự tắt sau 1 thời gian sử dụng nên lỡ có quên Off máy thì cũng không sao hết nha các bưởi.


1. Nút chụp (Shutter button)
Thông thường bên cạnh nút on/off là nút chụp. Nút chụp này có hai cấp độ lực, ấn nhẹ là lấy nét, ấn mạnh thêm 1 chút là chụp. Thao tác ấn nhẹ còn được gọi là ấn một nửa (half press).
2. Nút chế độ (Mode button)
Dùng để chỉnh các chế độ chụp. Nút này rất quan trọng, bài sau anh sẽ hướng dẫn chi tiết về các chế độ chụp của nút này.
3. Flash con
Flash con hay còn gọi là flash cóc, vì lúc bật lên nó nhảy như cóc.
4. Ống kính (lens)
5. Lỗ khẩu
6. Nút tháo lens
Khi tháo lens, tay trái đỡ dưới chân máy, ngón tay trỏ nhấn vào nút này nếu nó ở bên trái, ngón cái và ngón giữa xoay nhẹ lens để tháo ra khỏi ngàm. Tay phải giữ máy, tuy nhiên 1 số máy có nút tháo lens nằm bên phải thì sẽ dùng ngón trỏ tay phải để bấm nút.
Lúc gắn lens thì không cần phải nhấn nút, tuy nhiên nhớ vặn lens cho tới khi nghe tiếng ngàm khoá bật lên, nếu không lens chưa vào ngàm sẽ bị rớt.


7. Khung ngắm chụp
Khi chụp thì kê mắt nhìn qua khung ngắm này, tỳ xương trán vào khung ngắm, 1 tay đỡ dưới chân máy, 1 tay cầm vào báng máy để tạo thành ba điểm tựa tránh rung máy. Cách cầm máy cực kỳ quan trọng, cầm máy và hít thở sai là nguyên nhân làm ảnh bị nhòe do rung.
8. Nơi gắn flash rời
9. Nút chỉnh White Balance
Đây cũng là 1 chế độ quan trọng cần phải ghi nhớ khi chụp ảnh. Anh sẽ trình bày ở một bài khác. Nó có thể nằm chỗ khác nhau ở các máy khác nhau, nhưng lúc nào cũng sẽ được ký hiệu bằng chữ WB.

10. Màn hình điện tử
Các đời máy về sau màn hình LCD này càng đẹp, độ phân giải càng cao, rất là nịnh mắt. Tuy nhiên hình ảnh mà máy ảnh chụp được không thể hiện qua màn hình LCD mà thể hiện qua sensor và các công nghệ đi kèm. Cho nên nhiều khi thấy vậy mà hổng phải vậy.
11. Nơi gắn thẻ nhớ
Có 2 loại thẻ nhớ thông dụng là SD card và CF card. SD nhỏ gọn và rẻ tiền, tuy nhiên mỏng manh hơn CF. Thường các dòng máy cao cấp có 2 khe gắn thẻ và trong đó 1 khe luôn là CF.

12. Nơi tháo/gắn pin
Thông thường sẽ có 1 nút khoá ở đây, khi gắn hay tháo pin thì vặn nút. Thao tác này rất đơn giản nên các bưởi đừng sợ sai.
Trên đây là những nút bấm cơ bản của DSLR, bài sau anh sẽ bắt đầu đi vào Mode button (nút chỉnh chế độ) và các chế độ chụp auto của máy ảnh.