Buổi ăn mình cũng đã kết thúc, chúng mình dường như không chỉ no nê với những phần ăn đầy ắp mà còn vì những câu chuyện thú vị đã chia sẻ cho nhau trên bàn. Như một thói quen, mỗi người trên bàn rút điện thoại ra để đặt xe công nghệ đi về. Không ai dám tự lái xe đi về cho dù chỉ mới uống một chai bia, đó là một thay đổi dễ chịu trong văn hóa nhậu ở Việt Nam. Đó cũng là lúc mình để ý hầu hết mọi người trong bàn đều đặt xe Be thay vì Grab. Mình khá bất ngờ, vì ngay cả một người bạn của mình là anh Khang, một người nổi tiếng là khách hàng trung thành của Grab nay cũng chuyển qua Be. 
Anh là một người rất rất khó thay đổi, bạn phải hình dung là anh là người suốt 10 năm chỉ dùng dịch vụ của một ngân hàng, một nhà mạng Internet, một nhà mạng viễn thông, một hãng tủ lạnh, một hãng điều hòa. Anh suy tính rất kỹ khi chọn dùng một thương hiệu và khi đã chọn rồi thì gần như không đổi do anh không thích phải đắn đo lựa chọn hay thay đổi. Anh nói rằng anh muốn “tích lũy sự trung thành” (còn lòng trung thành đó có được đền đáp không là câu chuyện khác).
Ấy vậy mà anh đã chọn đổi qua Be thay vì Grab. mình hỏi anh:
- Ủa sao anh đổi qua Be rồi, trước giờ anh rất trung thành chỉ đi duy nhất một mình Grab thôi mà, không GoViet, không GoJek, không Be, không Baemin. Sao giờ anh đổi vậy?
- À khó bắt xe quá em.
- Là do khó bắt xe?
- Uh, anh bị ba lần bắt xe đi có việc mà đều chờ hơn 15 phút không bắt được. Mỗi lần đó anh đều chuyển qua bắt thử Be thì chưa đến 2 phút là có xe mình. Rồi thôi anh bắt Be luôn. Anh cũng không muốn đổi lại nữa.
Con người đôi lúc chỉ cần một lý do đơn giản để thay đổi. Anh Khang không quan tâm lắm về giá cả và anh chỉ nghĩ đơn giản: anh muốn kiếm xe nào bắt được là có liền. Thời gian với anh là quan trọng hơn hết. 

Từ chạy nước rút sang chạy đường trường

Ở thời điểm hiện tại năm 2024 dường như thị trường xe công nghệ dường như không còn được nhắc nhiều như 5 năm trước nữa. Trí nhớ con người thật dễ phai mờ, dường như chúng ta đã quên mất rằng chỉ vài năm trước đã từng có một cuộc chiến vô cùng khốc liệt trong lĩnh vực này. Mình vẫn nhớ năm đó báo chí đã đăng không biết bao nhiêu cuộc tranh luận về xe công nghệ và xe truyền thống, cuộc chiến giữa Grab và Vinasun đã lên đến tận tòa án. Chỉ trong giai đoạn ngắn 2018 - 2019, chúng ta liên tục được nghe nói về một công ty nào đó gia nhập thị trường Việt Nam để lật đổ Grab: ban đầu chúng ta có GoViet đến từ Indonesia, sau đó là FastGo của Shark Bình, rồi ta có ứng dụng VATO của hãng xe Phương Trang, cuối cùng là Be của một nhóm các công ty bất động sản và tập đoàn tài chính lớn lập ra.
Khi nhớ về giai đoạn đó mình nghĩ đó là khoảng thời gian vàng của startup công nghệ của Việt Nam, một làn sóng chuyển đổi số thực sự đã bùng lên và lan tỏa vào mọi ngóc ngách nhỏ trong cuộc sống: thương mại điện tử, ví điện tử, ngân hàng số, bán hàng online, mạng xã hội thuần Việt, vận chuyển hàng hóa, và tất nhiên không thể thiếu trong miếng ghép đó là cơn sốt blockchain. Hiếm khi nào xã hội Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi trong một thời gian ngắn như vậy.
Quay lại thị trường xe công nghệ ở năm 2024, chúng ta có thể thấy sự cạnh tranh khốc liệt bằng các chiến lược mở rộng thị trường thần tốc đã dần bị thay thế bằng những đợt xâm lấn từ từ nhưng cũng khốc liệt không kém. Khi nhìn lại chặng đường các công ty này đã trải qua mình không rõ điều gì làm mình bất ngờ hơn: việc ứng dụng gọi xe công nghệ vẫn còn tồn tại được hay là việc có một công ty thuần Việt Nam đang đấu ngang ngửa với Grab. 
Hãy nói về cuộc đấu giữa Grab với Be trước qua một số dữ liệu nổi bật mà mình tìm được trên truyền thông. Sau 5 năm kể từ khi có những khách hàng đầu tiên, Be hiện tại đang chiếm khoảng 32% thị trường khách đi xe công nghệ, so với mức 42% của Grab. Phần còn lại của thị trường được chia cho các hãng taxi khác, bao gồm cả taxi Xanh của VinFast. Be dường như đang thu hút được nhiều khách hàng trẻ ở độ tuổi 16 tới 23 hơn các đối thủ, với 45% lượng khách hàng này chọn Be để đặt xe máy di chuyển. Nhìn rộng ra cả thị trường đặt xe máy, Be theo thống kê đã chiếm được khoảng ⅓ thị phần trong mảng này. Tính chung trong 2 năm 2022 và 2023, Be có thêm được khoảng 5 triệu khách hàng mới ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 
Nhắc đến ứng dụng gọi xe thì không thể không nhắc đến khái niệm siêu ứng dụng (super app), một khái niệm mà mình nhớ không nhầm là do Grab đi tiên phong trong việc mang về Việt Nam.
Và hiển nhiên với một cụm từ hấp dẫn, dễ nhớ và hoành tráng như vậy, rất nhiều công ty công nghệ Việt Nam cũng tuyên bố họ sẽ trở thành siêu ứng dụng, còn nhẹ hơn thì là hệ sinh thái khép kín (giống kiểu Apple). Năm năm sau trào lưu trở thành siêu nhân, rốt cuộc số lượng siêu ứng dụng mà chúng ta có thể kể ra được chỉ đếm trên đầu ngón tay: Grab, MoMo và Be. Từ mảng gọi xe, Be đã mở rộng qua lĩnh vực gọi đồ ăn và gần đây nhất là mảng tài chính tiêu dùng.
Siêu ứng dụng không phải là một khái niệm các công ty công nghệ sinh ra để làm truyền thông cho ngầu, nó thực sự giải quyết vấn đề mệt mỏi của người dùng khi phải dùng quá nhiều ứng dụng khác nhau cho từng nhu cầu khác nhau. Hãy nghĩ đến một chuyến du lịch cơ bản: bạn cần một ứng dụng để đặt vé máy bay, một ứng dụng để đặt phòng khách sạn, một ứng dụng để thanh toán vé máy bay và phòng khách sạn, một ứng dụng để đặt xe ra sân bay cũng như đi từ sân bay về khách sạn. Nếu trong chuyến du lịch bạn ở ngoài trời là chủ yếu thì bạn sẽ lại cần nhiều dữ liệu 4G, tức lại cần một ứng dụng để nạp tiền điện thoại, hoặc bạn mệt mỏi không muốn nấu ăn thì sẽ cần một ứng dụng để gọi đồ ăn.
Trước khi lên hàng siêu phẩm, một ứng dụng cần phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dùng, do đó không quá bất ngờ khi chúng ta thấy sau tính năng gọi xe cốt lõi, các công ty lựa chọn tiến vào mảng giao đồ ăn. Gọi xe đã khó, gọi đồ ăn theo mình còn khó hơn nữa bởi vì ứng dụng gọi đồ ăn sẽ liên quan tới phần quản lý thực đơn bao gồm món còn hàng hết hàng, giá bán thay đổi, rồi các chương trình khuyến mãi cũng sẽ cầu kỳ hơn. Ngoài ra với ứng dụng gọi đồ ăn, tỷ lệ đơn hàng lỗi hay phải hoàn tiền sẽ cao hơn, và phần đánh giá phải tách bạch giữa đánh giá tài xế và đánh giá quán ăn. Chúng ta có thể thấy Baemin dồn toàn lực vào mảng giao đồ ăn và không hề có gọi xe mà vẫn thất bại là minh chứng cho việc lĩnh vực này cạnh tranh khó thế nào.
Do đó một công ty của Việt Nam có thể vừa cạnh tranh được với Grab về mảng gọi xe lẫn mảng giao đồ ăn là một thành tích đáng khen ngợi. Theo những gì mình đọc được thông tin đăng trên CafeF thì chỉ trong vòng 2 năm kể từ lúc ra mắt, mảng kinh doanh beFood đã đạt tốc độ tăng trưởng đơn hàng lên tới 390%, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tăng 250%. 
Số cửa hàng, quán ăn hợp tác với beFood cũng tăng gấp 7 lần kể từ năm 2022, nâng tần suất khách hàng đặt món hàng tháng lên 160%. Tính đến hết tháng 4/2024, trên beFood có khoảng 75.000 nhà hàng, quán ăn. Trung bình mỗi đối tác của beFood đều có tốc độ tăng trưởng đều đặn từ 15% đến 20% hàng tháng nhờ tham gia những chương trình quảng bá định kỳ, chia sẻ chi phí khuyến mãi.
Có một điều đáng chú ý ở đây là khác với các tay chơi khác, Be đã không vội ra mắt dịch vụ beFood mà chọn cách chờ thời điểm phù hợp để bước chân vào lĩnh vực này. 
Ngoài mảng chính là gọi xe, giao đồ ăn và giao hàng, vốn cũng đang tăng trưởng rất mạnh với mức tăng hơn 300% trong năm qua, Be còn đấu với Grab ở nhiều lĩnh vực khác trong mảng dịch vụ tiện ích. Không nói quá khi cho rằng những gì Grab làm dang dở, Be đều hiện thực hóa được, từ những tính năng đơn giản như nạp tiền điện thoại cho đến những thứ phức tạp hơn nhiều như thuê xe, mua mua bảo hiểm xe, mua vé máy bay, vé tàu hỏa. Mình đánh giá đây là combo ứng dụng lý tưởng cho những ai mê đi du lịch, bởi vì với bản thân mình, một người hay thuê xe để chủ động đưa gia đình lúc đi du lịch, việc đặt được vé máy bay và thuê xe trên cùng một app tạo ra rất nhiều sự tiện lợi. 
Việc mua vé máy bay, xe khách, mua bảo hiểm xe, hay vé tàu hỏa đã có nhiều ví điện tử, ngân hàng thực hiện khiến chúng ta cảm thấy bình thường, nhưng trên thị trường chỉ có duy nhất một ứng gọi xe có thể tích hợp được các tính năng này vào. Nói về mặt vận hành thì việc tích hợp nhiều tính năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau vào chung một ứng dụng điện thoại như vậy không hề dễ dàng, nhất là trong việc tạo ra một trải nghiệm hài hòa về tổng thể cho người dùng. Tạo ra trải nghiệm hài hòa cho người dùng là một việc khó, duy trì mối quan hệ tốt với các đối tác cũng đầy thử thách không kém. Nếu như siêu ứng dụng ví MoMo chỉ phải giải quyết vấn đề với nhóm đối tác doanh nghiệp là chính (để cung cấp các dịch vụ thanh toán, thanh toán hóa đơn, đầu tư, mua bảo hiểm) thì Be vừa phải vận hành ở cả mảng đối tác cá nhân, hộ gia đình (cho dịch vụ gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn), vừa phải duy trì quan hệ tốt với đối tác doanh nghiệp. Do đó có thể nói đội ngũ vận hành của Be đã rất tốt để có thể đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao ở nhiều mảng khác nhau như vậy.
Nhìn lại có thể thấy những người tiêu dùng như chúng ta đang rất may mắn khi có thể sử dụng đa dạng các loại dịch vụ chỉ bằng vài thao tác đơn giản trong một ứng dụng, một điều mà chỉ mới 5 năm trước chúng ta không thể tin là có thể khả thi. 

Đi sau nhưng sắp về trước?

Bản thân mình nghĩ rằng ngoài yếu tố năng lực triển khai tốt, Be có thể đạt được và duy trì được mức tăng trưởng tốt như thế này trong gần hai năm là nhờ việc tận dụng được việc đối thủ đã giáo dục thị trường dùm. Khi Be ra mắt thị trường vào cuối năm 2018, đầu năm năm 2019 thì Grab đã vào Việt Nam 5 năm. Khi Be ra mắt beFood năm 2022 thì GrabFood đã vận hành được 4 năm. Do đó bất kỳ sản phẩm mà Be triển khai thì người dùng đều đã quen với loại hình sản phẩm đó, Be sẽ bớt nguồn lực để giáo dục thị trường mà đánh mạnh vào dành thị phần hơn.
Chúng ta cần ghi nhận sự dũng cảm và tâm huyết của Grab ở đây. Thực sự với những sản phẩm mới thay đổi toàn bộ hành vi người dùng, phải mất rất nhiều năm, có khi là cả thập kỷ để sự thay đổi này thấm được đến từng hộ gia đình. Chi phí bỏ ra cho điều đó có thể tới hàng tỷ đô. Grab thực sự đã rất tâm huyết với dự án này, họ đã đi tới cùng và chuyển đổi số thành công cả một mảng kinh doanh truyền thống tồn tại gần nửa thế kỷ ở Việt Nam. Mình vẫn nhớ lúc Grab mới ra được vài năm, rất nhiều người tin rằng mô hình này sống được ở Việt Nam dựa theo các lý do cảm tính như: dân trí Việt Nam thấp lừa đảo nhiều, ra đường vẫy xe nó tiện hơn dùng điện thoại, mấy người đang chạy xe ôm chắc chắn không chuyển qua xài vì tiền thu về ít hơn. Đó là chưa nói đến các lý do vĩ mô hơn các vấn đề giấy phép, pháp luật. 
Nhưng việc Grab đi trước và giải quyết trăm việc khó không có nghĩa rằng những gì Be làm sẽ dễ hơn. Hãy nhìn vào trường hợp của Netflix, đây vẫn là tập đoàn streaming mạnh nhất toàn cầu và những đối thủ đi sau của họ như HBO hay Disney+ tính đến giờ đều đã thất bại trong việc giành được thị phần lớn dù đã đốt hàng tỷ đô la vào những dự án khổng lồ. Trong 5 năm qua, cổ phiếu của Netflix đã tăng trưởng hơn 84%, trong khi cổ phiếu Disney giảm gần 27% và cổ phiếu của Warner Bros, chủ sở hữu HBO, thì giảm hơn 70%. Chen chân vào một thị trường đang bị thống trị bởi một gã khổng lồ là không dễ, vươn lên để cạnh tranh ngang ngửa với gã khổng lồ đó là một việc còn khó hơn. Một trường hợp tương tự Netflix là xe điện Tesla ở Mỹ, vốn vẫn đang chiếm phần lớn thị phần xe điện trên toàn cầu bất chấp sự xuất hiện của ngày càng nhiều đối thủ. Nói chung những công ty đi trước dẫn dắt và chiếm lĩnh thành công thị trường thì thường có một tập người dùng rất trung thành, đến mức dù đối thủ có đưa ra ưu đãi hấp dẫn hơn thì cũng chưa chắc đã lay chuyển họ được, như anh Khang ở đầu bài viết là một ví dụ.
Bản thân mình đánh giá một yếu tố then chốt giúp Be có thể vươn lên nhanh được là nhờ có sự thuận lợi trong nguồn lực tài chính. 
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu lý do tại sao có nhiều người gặp phải vấn đề khó bắt xe Grab như anh Khang. Cốt lõi của việc khiến nhiều người dùng khó bắt xe Grab đến từ việc số lượng tài xế bị giảm đi do Grab cắt bớt các khoản thưởng, tăng số lượng cuốc chạy yêu cầu để được thưởng và tăng các mức phí. Những thay đổi này xuất phát từ tình hình khó khăn tài chính của công ty. 
Trong năm 2022, Grab đã báo cáo mức lỗ khoảng 1,74 tỷ USD, giảm 51% so với mức lỗ 3,55 tỷ USD của năm 2021​ và qua năm 2023 mức lỗ này giảm còn 485 triệu USD. Dòng tiền tự do sau điều chỉnh của công ty là âm 234 triệu USD. Cổ phiếu Grab niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ) ở thời điểm tháng 06/2024 đang giao dịch quanh mức 3.5 USD, giảm gần 80% từ mức đỉnh 16.75 USD ghi nhận trong tháng 01/2021. Mặc dù mức lỗ đã giảm mạnh và tình trạng tiền mặt có cải thiện nhưng những con số âm đó vẫn là rất lớn và giải pháp hiệu quả trong thời gian ngắn luôn là tăng giá cước cũng như các loại phí.
Trái ngược với Grab, Be có nền tảng tài chính tốt hơn, và theo báo cáo của công ty đưa ra chỉ sau hai năm vận hành họ đã hòa vốn vào năm 2020. Các thông tin gần đây cho thấy họ đã có lãi dương bắt đầu từ nửa đầu năm 2022. 
Chính nhờ việc kinh doanh thuận lợi mà Be liên tục thành công trong việc gọi vốn, bao gồm nhận được khoản vay 100 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank của Đức trong tháng 9 năm 2022. Gần đây nhất vào tháng 01 năm 2024, Be nhận được khoản đầu tư khoảng 740 tỷ đồng (khoảng 30 triệu USD) từ công ty chứng khoán VPBank (VPBank Securities) thuộc ngân hàng VPBank. 
Tất cả những khoản tiền này đổ vào Be trong bối cảnh tình hình tài chính của Grab lại đang có dấu hiệu đi xuống. Những khoản đầu tư Be nhận được không hề lớn so với Grab nhưng vì Be chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Việt Nam nên nó lại đủ sức giúp Be vươn mình lên ngang ngửa và thậm chí vượt qua Grab ở một số mảng.
Chính vì nền tảng tài chính tốt hơn nên Be có thể liên tục duy trì mức chiết khấu và nhiều phần thưởng hấp dẫn để giữ tài xế ở lại với mình và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại lớn của khách hàng.
Nếu như yếu tố về chiết khấu ảnh hưởng tới lòng trung thành của khách hàng thì các dịch vụ thanh toán và ưu đãi tài chính lại giúp Be thu hút được khách hàng đến với mình. Ở mặt tài chính này, Grab yếu thế hơn do bản thân là công ty nước ngoài. Rào cản giấy phép cũng như việc khó kiếm được đối tác khiến Grab rất khó triển khai được các dịch vụ tài chính ở Việt Nam, cho dù họ đã cố gắng thực hiện điều đó qua ví điện tử Moca. 
Trong khi đó tận dụng lợi thế sân nhà, Be dễ dàng vượt qua Grab trong mảng thanh toán khi cho khách hàng chọn gần 10 loại hình thanh toán khác nhau, từ các loại ví điện tử phổ biến như MoMo, ZaloPay, Viettel Money cho đến các tích hợp thẻ, tích hợp tài khoản ngân hàng, cho đến một lựa chọn hấp dẫn là ví trả sau. Người dùng trung thành cũng được thu hút bởi các chương trình đổi điểm để được ưu đãi hấp dẫn mà rất khó tìm thấy ở trên đối thủ, bao gồm ưu đãi mua sắm, khám bệnh, ưu đãi ăn uống từ các đối tác của Be. 
Trong tương lai, với sự hẫu thuận từ các tổ chức tài chính lớn, người dùng có thể kỳ vọng Be tiếp tục tung ra nhiều dịch vụ tài chính tiện dụng hơn nữa như các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, du lịch, và giải trí.

Chiến thắng trên sân nhà chỉ là bước đầu

Khi nhắc đến các công ty đa quốc gia, truyền thông thường dùng cụm “gã khổng lồ" để mô tả, nhưng nếu xét kỹ theo sự ảnh hưởng của công ty đa quốc gia đó đến từng địa phương, thì có thể thấy chưa chắc họ đã là gã khổng lồ ở địa phương đó. Sự vươn lên của Be là ví dụ thực tiễn cho thấy những doanh nghiệp nội địa tuy có thể đi sau, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế sân nhà và dồn nguồn lực tập trung vào một lĩnh vực cốt lõi, thì hoàn toàn có thể vượt qua được những đối thủ chuyên nghiệp của nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng hậu.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra thì mô hình kinh doanh của Grab, và rộng hơn nữa là Uber, là một mô hình kinh doanh rất khó bởi vì công ty muốn đạt được hai thứ: vừa muốn vận hành ở nhiều quốc gia mà vừa muốn trở thành siêu ứng dụng cung cấp đa dạng các loại dịch vụ. Trở ngại lớn nhất đến từ việc vận hành ở nhiều quốc gia cùng lúc, bởi vì mỗi quốc gia đều có những luật lệ riêng, quy định riêng và văn hóa di chuyển riêng. Điều đó khiến cho công ty không thể nào không vướng vào được các vấn đề liên quan tới luật pháp, kiện tụng. Chi phí để phát triển mô hình kinh doanh cho vừa phù hợp với luật pháp vừa phù hợp với văn hóa giao thông của từng quốc gia là quá lớn, trong khi mức sinh lời từ dịch vụ này lại không cao. 
Đó là chưa kể đến việc phát triển thành siêu ứng dụng, muốn làm như thế điều cốt lõi luôn đến từ các dịch vụ tài chính và triển khai các dịch vụ này lại là một chặng đường chông gai khác. Do đó không có gì lạ khi lịch sử hoạt động của Grab và Uber là đầy rẫy các vụ kiện tụng cũng như phản kháng từ tài xế. Gần đây nhất là vào tháng 3/2024, chính phủ Úc đã yêu cầu Uber bồi thường 178 triệu USD cho các tài xế taxi địa phương vì những thiệt hại họ đã hứng chịu kể từ khi Uber vào thị trường này năm 2012.
Do đó có thể nói việc chọn chiến lược thực tế là chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam lại rất tốt cho Be. Nhưng ngay cả khi như thế, việc Be có thể hòa vốn và tìm được con đường sinh lời từ mô hình kinh doanh này là một thành tích rất đáng nể. Không có nhiều công ty gọi xe trên thế giới có thể làm được điều này. Chúng ta có thể thấy ví dụ ở Lyft, một đối thủ gọi xe của Uber ở Mỹ. Công ty thành lập năm 2012 và khác với quy mô toàn cầu của Uber, Lyft chỉ hoạt động ở hai thị trường là Mỹ và Canada, tức rất tập trung và không bị dàn trải. Nhưng sau 11 năm hoạt động, Lyft vẫn ghi nhận lỗ hơn 300 triệu USD trong năm 2023. 
Gần hơn thì chúng ta có GoJek, một công ty gọi xe đến từ hàng xóm Indonesia thành lập năm 2010, hoạt động ở thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và Úc. Khác với Grab đăng ký ở Singapore và hầu như không có sân nhà rõ ràng, GoJek có lợi thế sân nhà là Indonesia với hơn 270 triệu người dùng hỗ trợ để vươn mình thống trị ở thị trường này. Cũng như Grab, mặc dù liên tục ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng trong thời gian đầu, nhưng hiện tại GoJek đang khựng lại và chưa tìm thấy con đường để sinh lời. 
Như vậy có thể thấy lợi thế sân nhà hoàn toàn không đủ để một công ty theo mô hình gọi xe để hòa vốn. Be đã có thể vượt qua được các đối thủ nặng ký đến từ nước ngoài nhờ chiến lược tiếp cận thị trường chậm mà chắc. Ngoài ra có thể thấy chiến lược marketing du kích của Be có thể gọi là “nhỏ nhưng có võ”, với các hình ảnh mau chóng trở thành xu hướng trong nhóm người dùng trẻ như các chiến dịch “Be gội đầu”, “Be đi thuyền” với nhiều triệu lượt xem, thậm chí Be còn chơi lớn khi cho xuất hiện các tài xế Minion vui nhộn trên app của mình. 
Tuy nhiên, những đánh giá tích cực như vậy không có nghĩa rằng con đường phía trước của Be đã bằng phẳng. Grab không còn giữ thế thượng phong nhưng điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn bị gạt khỏi cuộc chơi này. Có thể đà kinh doanh của ông lớn này đi xuống trong một số năm gần đây nhưng điều đó không có nghĩa rằng Grab không thể vực lại. Họ vẫn có nhiều lợi thế trên thị trường gọi xe ở Việt Nam: họ vẫn nắm giữ khoảng 55% thị phần gọi xe tính theo dữ liệu quý 1, và chiếm khoảng một nửa thị trường gọi đồ ăn.
Về mặt nguồn lực nội bộ, theo mình biết Be chỉ có khoảng 300 nhân sự tại toàn Việt Nam trong khi con số đó của Grab lớn hơn rất nhiều khi trải khắp các thị trường Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… Nền tảng công nghệ của Grab cũng được cho là vững chắc hơn Be với đội ngũ lập trình viên đông đảo, giúp họ có thể liên tục tối ưu các thuật toán về tìm đường, tính giá cả trong từng thời điểm. Thậm chí Grab đã nâng cấp phần mềm để hỗ trợ kinh doanh cho các cửa hàng vừa và nhỏ hiện đang là đối tác. 
Grab cũng có một ưu thế đó là độ nhận diện thương hiệu cao và vận hành ở nhiều quốc gia, giúp họ có ưu thế tăng trưởng trong bối cảnh thị trường du lịch đang tăng trưởng tốt trở lại ở khu vực Đông Nam Á. Việc có thể dùng ở nhiều quốc gia khác nhau khiến cho Grab là lựa chọn hàng đầu của nhóm khách hàng ngoại quốc khi tới Việt Nam cũng như những người Việt hay đi nước ngoài. Đây cũng là nhóm có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn so với nhóm khách hàng trẻ mà Be đang nhắm tới, giúp Grab có nhiều cơ hội mở rộng biên lợi nhuận hơn so với đối thủ. 
Tất cả những điều này tạo ra một thử thách rất lớn cho Be trong việc chinh phục những khách hàng khó tính nhưng bạo chi đến với mình.

Grab và Be: Ai sẽ là người còn lại?

Cuộc chiến của các công ty công nghệ chưa bao giờ là dễ đoán kết quả bởi các công ty này luôn có khả năng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trên thị trường và liên tục đưa ra các sản phẩm mới đầy sáng tạo, mang tính đột phá để thay đổi cục diện. Ngày hôm nay có thể họ đang khó khăn, nhưng hôm sau họ đã bật dậy và vươn lên dẫn đầu. Cả Grab và Be, mỗi bên đều có một lợi thế riêng để đạt được mục tiêu thống lĩnh thị trường gọi xe.
Be có thế mạnh sân nhà, có thể tận dụng các mối quan hệ sẵn có để xây dựng một hệ sinh thái chuyên biệt cho người tiêu dùng Việt, đặc biệt là những người trẻ. Còn Grab thì có độ nhận diện quốc tế cao, và phần nào đã tạo ra được hình ảnh thương hiệu cao cấp, giúp họ thu hút được nhóm khách hàng cao cấp trong và ngoài nước, những người thường xuyên phải đi qua nhiều quốc gia khác nhau và muốn trải nghiệm các dịch vụ cao cấp. 
Có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới thấy rõ được kết quả, liệu chúng ta có nên hy vọng rằng một công ty thuần Việt đầu tiên sẽ là người đứng vững cuối cùng trong thị trường gọi xe đầy khốc liệt này?