Mình là một bạn sinh viên ở tuổi 16 (Gen Z), mình đã từng là một đứa trẻ vô tư, vui vẻ với những năm học Tiểu học được danh hiệu "Học sinh trung bình" đến bây giờ đã là một bạn sinh viên có được một vài thành tựu nhỏ trong học tập. Sau khi nhìn lại nhiều năm qua thì mình thấy hành trình "vượt lên chính mình" để chinh phục được phiên bản tốt hơn của mình vào những ngày sau này thật là "gian nan trắc trở".

Mình đã trải qua những gì khi học Tiểu học?

Mình chỉ nhớ thấp thoáng những mảnh ghép của kỉ niệm của thời đó. Mình nhớ rõ là mình được mẹ cho đi học thêm hè và đó là một mùa hè rất kinh khủng đối với mình. Vì lúc đó chỉ là một đứa trẻ không biết dấu ngã, dấu hỏi khác nhau chỗ nào? Tại sao lại phải học ê, b, bê? Tại sao phải học cộng, trừ những con số? Mình bị ngợp vì những trang giấy luyện chữ với những vệt thước đỏ trên tay. Đi học trên trường thì bị bắt nạt bởi những đứa con trai trong lớp mà không dám kể ai nghe. Lúc đó mình ghét học và cũng sợ đến giờ học cực kì. Và rồi mình được danh hiệu "Học sinh trung bình" vào lớp 2 và lớp 3. Mình vẫn chưa nhận ra điều đó đến khi những lúc đi chơi với gia đình thì một số người hỏi "Năm nay con học sinh gì?". Ba mẹ và những người thân mình ái ngại và đến khoảng năm mình lớp 4 thì mình mới biết lí do. Đó là những hồi ức kinh khủng mà mình giấu kín đến lúc này.
Năm lớp 4, mình gặp cô Huyền và mình đã được ba mẹ cho đi học thêm chỗ cô. Nhờ cô thì mình mới nhận ra là việc quy đồng phân số hay cộng, trừ, nhân, chia những chữ số cũng không khó đến vậy. Cứ đà như thế thì mình đã được danh hiệu "Học sinh có sự tiến bộ vượt bậc trong học tập" trong hai năm cuối cấp. Nhờ những lời khen, lời động viên của giáo viên và các bạn trong lớp thì mới có mình trong thời điểm bây giờ. Mình không muốn phải sống mù mờ đến hết cuộc đời này một cách vô nghĩa và trống rỗng như hồi đó!

Trung học thật nhàm chán nhưng cách mình nhận thức ra được vài điều thì không!

Nếu dùng tính từ để miêu tả những ngày học Trung học của mình thì đó chính là hai từ "nhàm chán". Mình vẫn nhớ như in, ngày đầu tiên đi học thì gần cả lớp đã bị nhắc nhở vì không soạn bài trước ở nhà. Mình cũng ngạc nhiên vì không biết "soạn bài" là sao? Vì lúc đó mình không có tiếp xúc với công nghệ gì ngoài cái tivi thông minh ở nhà. Sau đó là những chuỗi ngày sáng đi học, chiều đi học thêm, tối làm bài tập rồi đi thi. Nó cứ lặp đi lặp lại đến khi mà mình tốt nghiệp Trung học.
Có một đoạn thời gian mà mình cảm thấy bản thân bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Đó là thời gian dịch Covid bắt đầu bùng phát, mình không tiếp xúc với người ngoài và điểm tổng kết cuối năm là 7,9 khiến mình bị gò bó với sách vở và những lời "hỏi thăm" về tình hình học tập của mình. Mãi đến lúc mình đạt được danh hiệu "Học sinh giỏi" cuối năm lớp 8 thì mình cảm thấy trống rỗng vô cùng. Do thời điểm đó thi online nên có thể gian lận một cách dễ dàng để đạt được số điểm cao. Đúng! mình đã làm điều đó và nó làm mình suy nghĩ mãi. Đến năm lớp 9 thì mình lại được đến trường và học tập như mình bình thường với lịch trình "nhàm chán". Với đà được là một học sinh giỏi thì mình tự tin về bản thân mình hơn và đương nhiên thì vào cuối cấp mình vẫn nhận được danh hiệu đó.
Năm lớp 9 là năm mình có cảm thấy bản thân có khả năng tư duy mạnh mẽ nhất từ trước đó. Mình gặp những giáo viên có tâm và có tầm khiến cho mình như được khai sáng vài điều ở những môn học khác nhau. Cô San dạy lí thì giúp mình phân tích và tóm tắt những vấn đề trong cuộc sống như là những bài lí, cô Thụy dạy tiếng Anh giúp mình hiểu hơn về sự rõ ràng trong lời nói, cô Hạnh dạy toán thì giúp mình có sự kỉ luật khi nộp bài tập và nhiều giáo viên khác. Mình cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm từ các cô khiến cho mình càng thêm có động lực học tập và thi cử. Nhưng đến đoạn thời gian cuối năm lớp 9 mình đã quá sức nên mình chọn cách buông xuôi và thả lỏng. Vì vậy mà thành tích học tập của mình nó không được tốt như mục tiêu đã đặt trong đầu năm. Lúc đó trong đầu mình chỉ nghĩ là "Rốt cuộc mình học những cái này để làm gì? Mình hiện đang muốn điều gì?". Mình rơi vào trạng thái hoảng loạn và chán nản. Vì đó mà mình đánh cược tương lai của mình vào việc học Cao đẳng năm 15 tuổi trong một trạng thái không ổn một tí nào.

Chặng đường mà mình đã chọn nó có khiến cho mình cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn không?

Câu trả lời là không!
Mình công nhận là môi trường học tập mới thì có nhiều "thành viên không được ổn" và nó gây ra nhiều vấn đề không được ổn với mình. Nhưng có giảng viên tận tâm và các chương trình, phương án "buộc" các bạn sinh viên phải làm, phải tự tin mà làm. Môn kĩ năng mềm đầu tiên mà mình được học là môn "Kĩ năng nhận thức bản thân". Mình được học cách để hiểu bản thân mình qua nhiều cái kì lạ như là bánh xe cuộc đời, bảng SWOT... . Và có một lần mình phải thuyết trình về cuốn sách "Trên đường băng" của Tony Buổi Sáng.
Đó là lần đầu tiên mình đọc sách một cách nghiêm túc và đoàng hoàng. Và sau đó thì mình đã được đọc nhiều quyển sách hay hơn. Lúc đó đã đọc xong cuốn sách và hoàn thành xong môn thì mình nghiệm ra được nhiều điều và cũng hiểu được việc học là của mình. Ngoài ra thì mình biết bản thân mình đang thiếu xót điều gì cần bổ sung và cách bổ sung những điều đó nữa.
Chia sẻ ngoài một chút là sau khi học xong hai học kì thì mình đã tự tìm được việc làm mà mình cảm thấy rất ý nghĩa là gia sư cho những bé học sinh Tiểu học và Trung học (cấp 2). Mình cảm thấy rất may mắn vì mình đi học thêm không chỉ học mỗi kiến thức mà còn học cách tư duy về bài toán của giáo viên và bạn bè. Mình dựa vào những kiến thức còn sót lại và thêm một ít thời gian để học và ôn lại những thứ cần thiết để đi gia sư là ổn. Mình đã gắn bó với công việc này hơn một năm rồi.
Đến hiện tại thì mình không quan tâm đến những con điểm số nữa. Mình chỉ quan tâm là những thứ mình đang học có cần thiết hay không? Nó có thể giúp được gì cho mình sau này? Mình đang cần cái thông X thì mình có thể tìm kiếm tài liệu ở đâu? Với mục tiêu Y thì mình cần làm những gì? Nói chung là mình mặc kệ những cô chú có những đứa con xuất sắc có những tấm bằng danh giá. Và mình tự tin để nói với cô chú ấy là "Con chỉ là một đứa học Cao đẳng nghề nên sẽ không thể sánh với con cô chú được. Con cảm ơn nhé!".
Sau một hành trình dài như vậy đến bây giờ thì mình cảm thấy bản thân đã có tí "tri thức" và tự tin hơn rất nhiều. Bởi vì mình biết được những gì hiện mình đang có đều là do chính bản thân mình phấn đấu, cố gắng mới có.
Mình xin tóm tắt lại những điều sau đây: 1. Để dạy một đứa trẻ điều gì đó thì trước tiên hãy yêu thương nó trước. 2. Những lời khen cũng chính là bàn đạp, sức đẩy để cho những đứa trẻ có động lực cố gắng học và tự tin. 3. Khi bắt đầu một việc gì đó thì nên đặt ra mục tiêu rõ ràng. Để bản thân biết mà phấn đấu hơn. (Các bạn có thể đặt mục tiêu theo phương pháp SMART). 4. Đọc sách không chỉ giúp bạn có thêm "tri thức" không có trên mạng mà còn giúp bạn tư duy nhiều hơn. (Hãy đọc sách đúng cách). 5. Hãy nhìn vào thứ mình đang có nhiều hơn thứ mình đang thiếu. 6. Chỉ có bản thân mình mới giải quyết được những trăn trở, khó khăn của bản thân. 7. Chỉ có mình mới bứt phá được giới hạn của bản thân.
Chúc các bạn sẽ luôn cố gắng trở thành "phiên bản tốt hơn của chính mình" nhé! Đừng bỏ cuộc bạn nhé!