“Tự nhiên con người khao khát sống. Sống là một hạnh phúc lớn, nhưng những ảo tưởng sai lầm và sa đọa có thể làm mất hoặc làm biến chất sự sống đích thực. Liệu ai có thể tìm được hạnh phúc cho cuộc sống? Hạnh phúc ấy là gì? To lớn tới đâu?”[1]. Phải chăng là khi ta tìm được ý nghĩa và mục đích sống của cuộc đời? Hoặc đó là một trạng thái bình an nội tâm sâu xa mà khó để phát biểu thành lời. Thực vậy, câu trả lời cho hạnh phúc là gì phần nào tùy thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người và mang nhiều sắc thái khác nhau. Có người thấy được hạnh phúc từ những điều nhỏ bé bình dị, nhưng cũng có người cho rằng hạnh phúc là khi đạt được những thành tựu lớn lao vĩ đại. Bằng chứng cho thấy, chỉ cần một cú nhấp chuột trên google tức khắc ta có hàng chục ngàn kết quả khác nhau liên quan đến khái niệm hạnh phúc chỉ sau 0,16 giây.
Xét về ý nghĩa mặt chữ, trong tiếng Hán ‘hạnh’ có nghĩa là được yêu mến, được nhận sự may mắn, còn ‘phúc’ có nghĩa là vận may. Nếu ghép hai từ đó lại, có thể hiểu hạnh phúc là trạng thái được nhận điều may mắn và được yêu thương. Điều này tương tự với từ ‘happy’ trong tiếng Anh, “nghĩa gốc của từ happy rất gần với vận may và sự may mắn. Dấu vết ý nghĩa của từ này được tìm thấy trong tiếng Norse cổ (heppinn) và tiếng Scotts (happin) đều có ý nghĩa là vận may, may mắn”[2]. Trong khi đó, từ điển Tiếng Việt giải nghĩa về hạnh phúc như sau: “Đó là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt ý nguyện”[3].
Thật vậy, có thể ví hạnh phúc quả là những gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của bản nhạc định mệnh cuộc đời. Mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Sau đây, xin nêu lên một vài quan điểm về hạnh phúc của một số các triết gia, học giả qua các thời đại cổ kim và xem họ nói gì về hạnh phúc. Đối với Aristotle, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất thời cổ đại, ông cho rằng:
“Hạnh phúc là điều thiện quý nhất, đẹp nhất và thú vị nhất. Trong đó một hành động công bình nhất là hành động đẹp nhất. Một sức khỏe dồi dào là điều tối hảo, nhưng điều tuyệt thú vị là điều mà người ta khát vọng. Tất cả những tính chất ấy thuộc về hành động tối hảo. Chính những hành động ấy hay chỉ số ấy là hành động tốt nhất mà chúng ta gọi là hạnh phúc”[4]
Hạnh phúc của Aristotle gắn liền với điều thiện hảo, tức hành vi đạo đức. Trong khi, triết lý Nho giáo của Khổng Tử quan niệm hạnh phúc luôn nằm trong tầm tay của mỗi người, nằm ở ngay chính chúng ta, điều quan trọng là ta có khôn ngoan để nhận ra và hài lòng với số phận mình hay không, hay lại theo đuổi ước ao điều mà ta không thể có để rồi dẫn đến đau khổ. Plato một triết gia của ý niệm, từng là thầy của Aristotle và học trò của Socrates cho ta thêm một cái nhìn về hạnh phúc theo quan điểm của ông như sau: “Hạnh phúc là khi ta phân biệt được giữa các bóng hình, các phản chiếu với sự vật thực tế trong thế giới hữu hình”[5]. Ông tin rằng, nếu người ta chỉ tin vào những biểu hiện bên ngoài, người ta có thể bị sai lầm. Mà sai lầm thì mù quáng, khiến ta sống mãi trong cái hang tăm tối, ảo ảnh của sự mù quáng ấy dẫn đến tình trạng phủ nhận chân lý, phủ nhận sự thật đích thực và sau cùng phủ nhận luôn cả điều thiện hảo mà trong đó với Plato điều thiện hảo mới là hạnh phúc chân thật nhất, tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, Socrates cũng đưa ra quan điểm về hạnh phúc của ông như sau: “Hạnh phúc không đến từ những phần thưởng mà bạn được người khác trao tặng, nó đến từ cách mà người ta cảm nhận thành quả đó như thế nào”[6]. Ông dạy ta học cách trân trọng những gì mình có và bớt đòi hỏi, bớt đi những nhu cầu không cần thiết, cụ thể hơn đó là những ham muốn để được hạnh phúc.
Một tư tưởng đến từ giai đoạn cuối thời trung cổ, Thánh Tôma thành Aquinô cũng nhận định rằng:
“Hạnh phúc là mục tiêu của cuộc sống con người, nói cách thông thường hơn đó là những gì chúng ta mong muốn cách sâu xa nhất cho chính mình và cho người khác. Làm thỏa mãn khao khát hạnh phúc chính là động có thúc đẩy hành động của chúng ta”[7].
Hạnh phúc theo Thánh Tôma không chỉ dành riêng cho bản thân mà còn hướng đến tha nhân. Đó là hạnh phúc của tình yêu sẻ chia, bác ái. Đến thời cận đại, Kant, một gương mặt tiêu biểu trong trường phái triết học duy nghiệm cách tân, tư tưởng của ông được ví như một Corpenius trong nền triết học đương thời, ông quan niệm về hạnh phúc như sau:
“Con người dùng trí năng để tri thức vạn vật, nhưng phải dùng lý trí mới nhận ra ý nghĩa đời sống mình. Trí năng cho ta một tri thức chính xác và thực nghiệm về các hiện tượng thiên nhiên, nhưng lý trí mới giúp ta nhận thấy giá trị cao siêu và hạnh phúc đích thực của hành vi con người tự do”[8].
Bước sang thời hiện đại, Henry David Thoreau, một triết gia người Mỹ, khi bàn về hạnh phúc ông nói trong tác phẩm Walden của mình rằng: “Hạnh phúc giống như một chú bướm, bạn càng theo đuổi nó thì nó sẽ càng lảng tránh bạn, nhưng nếu bạn chú ý đến điều khác, nó sẽ đến và nhẹ nhàng đậu lên vai bạn”[9]. Thoreau đã phá vỡ thông lệ sẵn có và lảng tránh các thói quen bằng việc chấp nhận tính ngẫu nhiên để có thể tìm thấy cảm giác hạnh phúc ngập tràn hơn. Cùng thời với Thoreau, Friedrich Nietzsche cũng nhận định như sau: “Hạnh phúc là cảm giác bản thân trở nên quyền năng hơn, nghĩa là khi bạn có thể vượt qua được những rào cản”[10]. Như vậy, với triết gia người Đức này, ông đã coi hạnh phúc như một hình thức quyền năng có thể kiểm soát mọi thứ xung quanh nó.
Cũng vậy, khi nói về hạnh phúc ngay cả các tôn giáo lớn cũng có những diễn giải khác nhau. Hạnh phúc của Phật giáo có thể được tóm trong lời dạy của đức Thích Ca như sau:
“Này các Tỳ Kheo trong tất cả pháp dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp thoát ly tham là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát chấm dứt để lên cõi Niết Bàn”[11].
Như vậy, hạnh phúc và giải thoát đối với Phật giáo là đạt tới Niết bàn, mà trong trạng thái ấy mọi sự ràng buộc được xây dựng bởi các ảo tưởng đều tan biến. Ở đây người ta phải buông bỏ lòng tham, sân, si thay vì vun vén, tích trữ và chờ đợi sự ban phát. Hạnh phúc trong đạo Phật luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi người. Con người luôn ý thức và làm chủ ngũ dục của mình và phải coi vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Như đại sư Thích Trí Giải nói: “Mục đích chính là con người phải quay về với đời sống tinh thần tu tập, diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn được thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại”[12].
Đó là quan niệm của Phật giáo. Vậy, Kitô Giáo quan niệm thế nào về hạnh phúc? “Người Công Giáo tin rằng hạnh phúc là được làm con Thiên Chúa, là Cha đầy lòng thương yêu và được làm con trong cung lòng Mẹ Hội Thánh. Đó là ân ban, bởi con người chỉ là tro bụi, nhưng được Thiên Chúa đoái thương và nhận làm nghĩa tử”[13]. Để hiểu rõ hơn quan điểm này, sách GLHTCG số 01 dạy:
“Thiên Chúa tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó trong mọi thời và mọi người, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài”[14].
Thực vậy, con người luôn khao khát tìm kiếm một hạnh phúc đích thực và đối với người Kitô giáo hạnh phúc ấy chỉ có nơi Thiên Chúa vì:
“Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”[15].
Như vậy, qua các triết gia và qua tư tưởng của các thời đại cũng như qua một số quan điểm của một vài tôn giáo cho thấy có rất nhiều ý nghĩa, khái niệm, phạm trù để trả lời, cắt nghĩa và diễn giải câu hỏi thế nào là hạnh phúc? Hay hạnh phúc thực sự là gì? Bertrand Russell cũng vậy, ông cũng đưa ra quan niệm và cái nhìn của riêng ông về vấn đề hạnh phúc. Vậy, đối với Russell hạnh phúc là gì?

Khái quát về khái niệm hạnh phúc theo quan điểm của Bertrand Russell

Khi được hỏi đâu là những điều tạo nên hạnh phúc hay những gì là hạnh phúc, trong một cuộc phỏng vấn với Wryat, Bertrand Russell đã trả lời như sau: “Có bốn điều mà tôi cho là quan trọng. Thứ nhất có lẽ là sức khỏe. Thứ nhì là có đủ phương tiện để khỏi thiếu thốn. Thứ ba là sự giao hảo với mọi người và sau cùng là sự thành công trong công việc”[16]. Thực vậy, thật khó để sống, để làm việc và để hạnh phúc nếu con người ta không đủ sức khỏe hay quá thiếu thốn về phương tiện, không có sự giao hảo là tinh thần thân ái, yêu thương với mọi người và sau cùng là không có bất kỳ sự thành công nào trong cuộc sống.
Dĩ nhiên, để sở hữu hoàn toàn những điều kiện trên không phải là chuyện dễ bởi đâu phải ai cũng có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể vì đã và đang có rất nhiều người đạt được điều ấy. Cũng vì thế, Russell cho rằng con người có bổn phận đầu tiên là chinh phục hạnh phúc. Điều ấy thật chẳng sai trong bất kỳ thời đại nào. Hạnh phúc là thứ con người cần tìm và rất đáng để chinh phục được nó. Hạnh phúc mang lại cho đời sống con người ý nghĩa, lẽ sống, giúp đời sống con người thêm tươi đẹp và bớt sự khổ đau. Bertrand Russell chia làm hai thứ hạnh phúc trong ba trường hợp đó là chất phác và phong nhã, thú tính và tinh thần, cảm xúc và trí tuệ. Với ông “sự khác biệt giữa hai thứ hạnh phúc ấy đó là một thứ người nào cũng có thể đạt được, còn thứ kia chỉ những biết, hiểu, tìm kiếm và gắng chinh phục mới có thể đạt được”[17].
Hạnh phúc của BR là thứ hạnh phúc rất nhân văn và là thứ hạnh phúc của tình yêu. Nói như vậy vì chính ông đã từng khẳng định: “Không có nguồn hạnh phúc nào lớn bằng yêu nhiều người một cách tự nhiên”. Thực vậy, quan điểm về hạnh phúc của BR là những triết lý của tình thương yêu và hành động, có tính chất thực tế, tự do, can đảm, nhưng cũng mang tính duy lý và phản kháng. Dẫu vậy, nó cũng rất thanh cao, thi vị, sâu sắc và đậm chất giáo dục. (còn tiếp...).
- Hạ Sơn -

Trích dẫn

[1] X. Phần chú thích Kinh Thánh. HĐGMVN. Kinh Thánh. Dịch giả: Nhóm phiên dịch CGKPV. Nxb Tôn Giáo, 2017. Ấn bản 2011. Trang 1389.
[2] X. Hà Thủy, Nguyên – Tạp chí văn hóa Nghệ An. Quan niệm về hạnh phúc trong các tôn giáo lớn. Đăng ngày 04/08/2018. Tại redsvn.net.
[3] Gs Hoàng Phê. Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ Học. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018. Trang 450.
[4] Aristotle. Đạo đức học của Nicomaque. Trung tâm bộ văn hóa và giáo dục thanh niên, Sài Gòn, 1974. In lần thứ 2. Số 14. Trang 42.
[5] Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử triết học và các luận đề. Dịch giả: Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy. Nxb lao động, Hà Nội, 2014. Trang 57.
[6] X. Socrates. WhyPsychology – Theo BusinessInsider. Hạnh phúc là gì trong mắt các nhà triết học vĩ đại. Đăng ngày 26/02/2017. Tại doanhnhan.vn.
[7] X. Thánh Tôma Aquinô trích trong Giuse Nguyễn Cao, Luật, OP. Đường dài hạnh phúc. Học viện Đaminh, Sài Gòn, 2020. Tái bản lần thứ 2. Trang 14.
[8] X. Emmanuel Kant trích trong Trần Thái, Đỉnh. Triết học Kant. Nxb văn học, Tp. HCM, 2014. Tái bản lần thứ 4. Trang 307.
[9] Thoreau, David Henry. Walden – Một mình sống trong rừng. Dịch giả: Hiếu Tân. Nxb tri thức, Hà Nội, 2016. Trang 189.
[10] X. Nietzsche, Friedrich. WhyPsychology – Theo BusinessInsider. Hạnh phúc là gì trong mắt các nhà triết học vĩ đại. Đăng ngày 26/02/2017. Tại doanhnhan.vn.
[11] X. Thích Ca Mâu Ni. Hà Thủy, Nguyên – Tạp chí văn hóa Nghệ An. Quan niệm về hạnh phúc trong các tôn giáo lớn. Đăng ngày 04/08/2018. Tại redsvn.net.
[12] X. Thích Trí, Giải. Hạnh phúc theo quan điểm của Phật Giáo. Đăng ngày 08/01/2012. Tại thuvienhoasen.org.
[13] X. Nguyễn Giới, OP. Hạnh phúc của người Công Giáo. Đăng ngày 21/08/2013. Tại daminhvn.net.
[14] HĐGMVN - UBGLĐT. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. Tái bản lần 1. Số 01. Trang 17.
[15] X. Sđd. HĐGMVN - UBGLĐT. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Số 27. Trang 28.
[16] X. Bertrand Russell trả lời phỏng vấn của Woodrow Wryat. “Bertrand Russell bàn về Hạnh phúc”. Dịch: Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Đăng ngày 23/09/2020. Tại tramdoc.vn.
[17] X. sđd. Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Trang 137.

Tài liệu tham khảo

Từ Điển:
HĐGMVN, UBGLĐT, Ban từ vựng Công Giáo. Từ điển Công Giáo. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.
Giáo Hoàng học viện Thánh Piô X, phân khoa thần học Đà Lạt. Điển ngữ thần học Thánh Kinh. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.
Gioan Maria Trần Văn Hiến, Minh. Từ điển và danh từ triết học. Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2014.
Gs Hoàng Phê. Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ Học. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
Sách và giáo trình:
Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
Dương Quảng, Hàm. Quốc văn trích diễm. Nxb trẻ, Tp. HCM, 2005.
Dương Quảng, Hàm. Văn học Việt Nam. Nxb trẻ, Tp. HCM, 2005.
Quang Hùng – Minh Nguyệt. Từ điển tiếng Việt. Khoa học xã hội nhân văn. Nxb từ điển bách khoa, Hà Nội, 2007.
Youcat Việt Nam – Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ. Chuyển ý: Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng. Nxb tôn giáo, Hà Nội, 2013.
Jung, Carl Gustav. Thăm dò tiềm thức. Dịch giả: Vũ Đình Lưu. Nxb tri thức, Hà Nội, 2019. Tái bản lần 4.
T.Schaefer, Richard. Xã hội học. Dịch giả: Huỳnh Văn Thanh. Nxb thống kê, Hà Nội, 2005.
Pascal, Blaise. Suy tưởng. Dịch giả: Quách Đình Đạt. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019.
Russell, Bertrand. Những điều tôi tin. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2018.
Russell, Bertrand. Minh triết Phương Tây. Dịch giả: Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2020.
Russell, Bertrand. Những tiểu luận triết học. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019. Tái bản lần 1.
Russell, Bertrand. Các vấn đề triết học. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019.
Matthieu, Ricard. Bàn về hạnh phúc. Dịch giả: Lê Việt Liên. Nxb lao động, Hà Nội, 2017. Tái bản lần 5.
Tolstoy, Lev. Bản Sonata Kreutzer. Dịch giả: Trần Thị Phương Phương. Nxb hội nhà văn, Tp. HCM, 2016.
Boyne, John. Chú bé mang Pyjama sọc. Dịch giả: Lê Nguyễn Lê. Nxb hội nhà văn, Tp. HCM, 2018.
Cervantes, Miguel De. Don Quixote II. Dịch giả: Trương Đắc Vị. Nxb văn học, Tp. HCM, 2018.
Braun, Adam. Lời hứa về một cây bút chì. Dịch giả: Hải Đăng. Nxb thế giới, Hà Nội, 2019. Tái bản lần 3.
Minh Niệm. Hiểu về trái tim. Nxb tổng hợp, Tp. HCM, 2018. Tái bản lần thứ 15.
Rothberg, Abraham. Lịch sử sống động đệ nhị thế chiến. Dịch giả: Nguyễn Quốc Dũng. Nxb từ điển bách khoa, Tp. HCM, 2012. Tái bản lần 1.
Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử triết học và các luận đề. Dịch giả: Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy. Nxb lao động, Hà Nội, 2014.