“Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc”, chắc hẳn ai cũng quen thuộc với ba từ này trong Quốc hiệu Việt Nam. Ba điều trên là mục tiêu, là lý tưởng để ông cha ta đã chiến đấu, đổ xương máu chống lại giặc ngoại xâm, tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Là một trong những đứa trẻ được sinh ra hậu thời kì chiến tranh, tôi hay được nghe từ người lớn rằng:” mày sinh ra trong thời này sướng, mày nên cảm thấy hạnh phúc”. Cộng với sự giao thoa, phát triển của công nghệ thông tin, tôi từng nghĩ rằng có lẽ sinh ra trong một quốc gia có sự độc lập, tự do thì hạnh phúc sẽ là một điều tất yếu cho mọi người. Tuy nhiên, nếu như vậy thì tại sao tỉ lệ trẻ em, thanh niên mắc những vấn đề về tâm lý, bệnh trầm cảm lại tăng như vậy? Tại sao lại có những bạn trẻ, dù còn cả tương lai phía trước, lại sẵn sàng để lại tất cả sau lưng chỉ sau những hành động mà phần lớn cộng đồng mạng coi là “dại dột”. Kèm với sự lớn lên và trải nghiệm của bản thân, tôi cũng dần nghi ngờ lại định nghĩa của sự hanh phúc mà tôi hay được dạy, được nói về hồi còn bé. Vậy thế nào là hạnh phúc? 
Để đưa ra một định nghĩa cụ thể về sự hạnh phúc, tôi nghĩ rằng không có một tiêu chuẩn, một quy ước nào cho sự hạnh phúc cả. Xã hội nơi tôi được sinh ra và lớn lên là xã hội thời sau thời bao cấp, là thời điểm mà mọi người đều cố gắng khôi phục lại nền kinh tế hậu chiến tranh. Thời đó, việc có của ăn của mặc đã là một điều tốt, và việc sở hữu một cuộc sống ổn định là một lộ trình dường như dễ vạch ra hơn. Điều đó tạo ra một quan niệm mà tôi nghĩ không chỉ tôi cảm nhận được, rằng bậc cha mẹ đang quy ước rằng một người phải học những nghề danh giá, học trường tốt, kiếm được thật nhiều của cải thì mới có thể hạnh phúc được. Điều đó kèm theo những hành động, suy nghĩ áp đặt rằng bố mẹ là người đi trước nên bố mẹ biết rõ điều gì tốt nhất cho con. Những áp lực đó cũng đồng thời tạo ra rất nhiều đứa trẻ, trong đó có tôi, lớn lên mà không hiểu, không biết được bản thân mình là ai, mình cần làm gì vì những đứa trẻ đó quen với việc được phụ huynh hướng dẫn, tạo sẵn đường cho mọi thứ nên mất đi khả năng tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định đó của bản thân. Việc phải chiến đấu cho một vài tiêu chuẩn chung, kèm với việc sự phát triển của mạng xã hội, nơi chúng thấy được nhiều tấm gương, nhiều người tài, nhiều điều mà đem lại không chỉ áp lực học hành, áp lực gia đình, mà còn là những áp lực, nghi ngờ từ chính bản thân. Nghi ngờ rằng bản thân vô dụng khi không thể đáp ứng được nguyện vọng của người thân, cảm thấy thất bại, vô ích khi không thể đạt được thành tựu, mục tiêu mà bản thân đã đề ra. Và từ đó, sự tự ti, những suy nghĩ tiêu cực được hình thành bên trong và kìm hãm tâm hồn non trẻ đang cố gắng lớn lên và trưởng thành để tìm được ý nghĩa và hạnh phúc cá nhân. Kèm với guồng quay và thay đổi và xã hội, tôi cứ chạy và chạy như một cái máy, cuộc sống với guồng quay học và làm, gần như không dành thời gian để nhìn nhận lại bản thân, về con đường mình đang đi và sẽ đi, về những điều khiến một bản thân hạnh phúc và muốn được tiếp tục sống, được phát triển và cống hiến. 
Tuy nhiên, cuộc đời của mỗi cá nhân là một hành trình dài mà mỗi cá nhân sẽ có những lối suy nghĩ, cảm nhận, và phát triển khác nhau. Tôi không trách những bậc phụ huynh, những định kiến đó vì họ cũng là lần đầu làm cha, làm mẹ, kèm với áp lực lo toan thường nhật của riêng họ khiến cho việc lắng nghe và thấu hiểu dường như khó khăn hơn. Và vì điều duy nhất tôi có thể điều khiển, có thể thay đổi là suy nghĩ, hành động của bản thân tôi, nên tôi càng tin rằng tôi có trách nhiệm với hạnh phúc của cá nhân tôi chứ không nên phụ thuộc và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Quãng thời gian hai năm bùng dịch, với nhiều bạn bè, người thân của tôi là một quãng thời gian nhàm chán, vô vị, thì lại là một khoảng thời gian tuyệt vời cho tôi để định hướng lại bản thân đang lạc lối giữa các hướng đi của cuộc đời. Tôi may mắn được nghe, được đọc những câu chuyện về những con người tài năng với những quan điểm, hoàn cảnh sống và phát triển khác nhau. Từ những người em chia sẻ quan điểm và niềm tin về một tương lai tươi sáng, hay những người anh, người chị mà tôi cảm nhận được sự bao dung và cố gắng, và những người cô, người chú kể tôi nghe những câu chuyện về tuổi trẻ, về niềm tin như một cách để thuyết phục tôi rằng cố gắng thêm chút nữa, rồi những mông lung, nỗ lực của tuổi hai mươi, tôi đều sẽ thầm cảm ơn nó.  Mỗi người đều chia sẻ những quan điểm, những cảm nhận riêng về hạnh phúc, và qua những câu chuyện đó, tôi dường như thấy được rằng hạnh phúc có lẽ không phải là một điều gì đó quá cao siêu mà nó luôn ở quanh chúng ta. Hạnh phúc là việc bạn biết hay bạn thử và khám phá được rằng mình cảm thấy vui khi trải nghiệm những điều gì, đam mê của bạn là gì. Hạnh phúc còn là cảm giác bạn muốn yêu thương người thân và bạn cảm nhận được tình yêu thương từ họ. Hạnh phúc cũng là việc đạt được thành quả sau một quãng thời gian dài cố gắng và đặt ra mục tiêu… Hạnh phúc xuất hiện trong rất nhiều điều xung quanh ta nếu ta thực sự sống chậm lại một chút và chú ý đến những điều đó. Có lẽ việc không cảm thấy hạnh phúc là vì xã hội đang đấy chúng ta vào guồng sống nhanh, chúng ta liên tục đẩy bản thân về phía trước nhưng lại không nhìn, không hiểu rõ được vì sao mình đi và tận hưởng con đường mà mình đi. Vì vậy, tại sao chúng ta không chậm lại, tìm hiểu mọi thứ kĩ càng hơn, và rồi bứt tốc xa hơn với nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn cho một hành trình dài, phải không nhỉ?