Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:


Đế quốc Mông Cổ - một trong những đế quốc lớn mạnh và vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, khi ở đỉnh cao của mình, lãnh thổ của đế quốc này trải dài tới 9700 km và rộng đến 24 triệu km2. Cũng như bao đế quốc khác, đế quốc Mông Cổ được hình thành từ những trận chiến liên miên, dai dẳng và đẫm máu, kéo dài từ thời của Thành Cát Tư Hãn đến đời cháu là Hốt Tất Liệt, trải dài qua sáu thập kỷ chinh chiến, đế quốc Mông Cổ mới thành hình. Sức mạnh của đế quốc Mông Cổ là không thể chối cãi, họ bành trướng, xâm lược khắp nơi, diệt Tây Liêu, diệt Tây Hạ, diệt Kim, diệt Tống, diệt Đại Lý, xâm chiếm Cao Ly, thậm chí đánh sang cả châu Âu, đến tận thành Kiev và cả Bulgaria. Nói về sức mạnh của đế quốc Mông Cổ, có một câu nói trứ danh rằng: "Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc lại được nữa" hoặc câu nói của chính người sáng lập - Thành Cát Tư Hãn: "Ta là sự trừng phạt của chúa trời. Nếu các ngươi không phạm lỗi lầm, thì ta đã không được cử xuống đây". Đối đầu với đế quốc hùng mạnh này, dường như không một quốc gia, không một lực lượng nào có thể cầm cự nổi.
Nhưng tất nhiên, luôn có những ngoại lệ, trong số những quốc gia từng rơi vào tầm ngắm của đế quốc Mông Cổ, chỉ có hai quốc gia cuối cùng không bị diệt hoặc bị chiếm cứ, một, chính là Đại Việt của chúng ta với chiến công ba lần đánh thắng đế quốc Mông Nguyên, và hai, chính là đảo quốc Nhật Bản, với hai lần chiến thắng vào năm 1274 và 1281.

1. Tình hình của đế quốc Mông Cổ và Nhật Bản khi đó
Tại châu Á khi đó, đế quốc Mông Cổ đang trong giai đoạn bành trướng thế lực, sau khi diệt Tây Liêu (1220), diệt Tây Hạ (1227), diệt Kim (1234), diệt Đại Lý (1253), Mông Cổ bắt đầu dồn lực cho công cuộc đánh chiếm Nam Tống. Cuộc xâm lược Nam Tống của Mông Cổ kéo dài từ tận năm 1234, sau khi diệt Kim đến tận năm 1271 mới cơ bản hoàn thành (cho dù Nam Tống đến tận năm 1279 mới hoàn toàn tận diệt sau trận chiến tại Nhai Môn). Trong suốt quãng thời gian tiến hành xâm lược Nam Tống, Mông Cổ gặp tương đối nhiều khó khăn khi tiến quân vào sâu trong Nam Tống vì gặp sự kháng cự mạnh mẽ của quân dân Nam Tống. Nổi bật nhất chính là chuyện thành Điếu Ngư đứng vững trước hàng trăm cuộc tấn công của Mông Cổ suốt hơn 30 năm trời, thậm chí Đại hãn Mông Kha của Mông Cổ còn tử trận ở đây năm 1259. Thành Tương Dương, yết hầu của Nam Tống là chiến trường đẫm máu suốt 6 năm trời giữa Mông Cổ và Nam Tống. Chỉ đến khi Tương Dương bị hạ năm 1273 thì lúc đó Mông Cổ mới có thể thọc sâu vào lãnh thổ Nam Tống và ép dần triều đình Nam Tống về phía Đông và cuối cùng diệt vong năm 1279. Ngoài việc gặp khó khăn khi xâm lược ra, Mông Cổ còn rơi vào những cuộc đấu đá nội bộ, đặc biệt nhất là khi Mông Kha Đại hãn tử trận năm 1259, Hốt Tất Liệt đang đánh Tương Dương phải rút về Mông Cổ để tranh ngôi Đại hãn với em trai là A Lý Bất Ca. Cả hai cùng tự xưng là Đại hãn năm 1260 và đấu đá nhau suốt 4 năm trời đến tận năm 1264 mới kết thúc khi A Lý Bất Ca đầu hàng. Năm 1267, Hốt Tất Liệt dời đô đến Trung Đô (Bắc Kinh ngày nay), đến năm 1271 thì đổi quốc hiệu từ Đại Mông Cổ đế quốc thành Đại Nguyên đế quốc. Triều đại nhà Nguyên cơ bản được thành lập xong, chỉ còn tàn dư của Nam Tống đang bị ép dần và vài năm sau thì bị diệt hẳn.
Lãnh thổ của Đại Nguyên đế quốc
Thế còn về phần Nhật Bản thì sao? Vào thời điểm này, Nhật Bản đang ở trong thời kỳ của Mạc phủ Kamakura được thành lập năm 1185 bởi Minamoto no Yoritomo (có thể xem lại quá trình hình thành Mạc phủ Kamakura ở đây). Tuy nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc đã gần như không còn giao thiệp gì nữa từ tận thời Heian giữa thế kỷ thứ 9 sau khi nhà Hậu Đường sụp đổ. Mặc dù Nhật Bản vẫn tiến hành giao thương với nhà Tống ở một mức độ nào đó, nhưng về cơ bản thì hai bên không còn quá quan tâm gì đến nhau. Tuy nhiên, khi đế quốc Mông Cổ tiến hành xâm lược Nam Tống và thành lập nhà Nguyên năm 1271, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã yêu cầu Nhật Bản phải triều cống cho nhà Nguyên và đe dọa sẽ tiến hành xâm lược nếu họ từ chối. Tuy nhiên, Nhật Bản làm ngơ trước yêu sách, triều đình Kyoto và Mạc phủ từ chối yêu cầu của Mông Cổ và chuẩn bị phòng thủ đất nước.
Về phía nhà Nguyên, khi đó Nguyên Thế Tổ đã rất muốn đưa quân sang Nhật Bản để bắt đảo quốc này phải quỳ xuống trước vó ngựa Mông Cổ, nhưng vì cuộc xâm lược Nam Tống đang trong giai đoạn ác liệt, cho nên nhà Nguyên chưa thể tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn với Nhật Bản được. Đến năm 1273, sau khi thành Tương Dương bị hạ, nhận thấy lúc này đã thích hợp để tiến hành chiến tranh với Nhật Bản, Nguyên Thế Tổ cử một hạm đội lớn gồm khoảng 600-700 tàu chiến cùng 23 ngàn quân (15 ngàn quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của tướng Hốt Đôn và 8000 quân Cao Ly dưới sự chỉ huy của tướng Kim Bang-gyong) ra khơi tại cảng Tuyền Châu năm 1274. Cuộc xâm lược Nhật Bản lần thứ nhất bắt đầu.
2. Cuộc xâm lược lần thứ nhất (1274)
Vào ngày 5 tháng 10 năm 1274, hạm đội quân Nguyên đổ bộ xuống bãi biển Komohadama thuộc quần đảo Tsushima. Lãnh chúa của Tsushima - So Sukekuni, do đã được Mạc phủ cảnh báo từ trước, đã dẫn đội kỵ binh của mình đối đầu với đại quân Nguyên. Tuy nhiên, sức mạnh của quân Nguyên thì ai cũng đã biết, hơn nữa với lực lượng vượt trội và thiện chiến hơn, quân Nguyên dễ dàng áp đảo quân của lãnh chúa Sukekuni. Tsushima là một đảo tương đối nhỏ với cư dân không nhiều, chỉ vài trăm người. Sau khi đội quân ít ỏi của lãnh chúa Sukekuni bị đánh bại, quân Nguyên tàn sát hầu hết dân của đảo Tsushima và tiếp tục tiến quân đến đảo Iki. 
Trận chiến tại đảo Tsushima
 Tại đảo Iki, lãnh chúa Tairano Takakage dẫn quân của mình đối đầu với đại quân Nguyên trong khi ông chỉ có khoảng 100 kỵ binh và khoảng hơn 1000 bộ binh. Sau khi bị đánh bại, lãnh chúa Takakage rút về lâu đài Hidzume và sau khi thành bị hạ, ông tự sát, gần như toàn bộ quân Nhật đều bị tàn sát. Đến ngày 19 tháng 10, quân Nguyên đổ bộ lên vịnh Hakata gần Dazaifu, thủ phủ của Kyushu. Ngày hôm sau diễn ra trận Hakata đầu tiên - trận đánh quy mô lớn đầu tiên giữa hai bên, phía Nhật Bản có khoảng 120 samurai và khoảng 3000 bộ binh. Phía quân Nguyên, mặc dù tổng lực của họ nhiều hơn, nhưng số quân tham chiến tại Hakata thì không đến mức quá áp đảo so với Nhật Bản, lực lượng của họ cũng chỉ vào khoảng 3000 - 4000 quân mà thôi. Tuy nhiên, quân Nguyên có lợi thế hơn nhiều, quân lính Nguyên đều đã trải qua rất nhiều trận chiến khác nhau, trong khi quân Nhật đã không rơi vào chiến tranh mấy chục năm rồi. Vì thế, dù quân số không thực sự chênh lệch thì quân Nguyên vẫn áp đảo được quân Nhật với vũ khí mạnh mẽ hơn (thứ nhất là kỵ binh quá mạnh, thứ hai là nghệ thuật bắn tên của người Mông Cổ cũng cực kỳ trứ danh), vì thế quân Nhật bị áp đảo. Tuy thế, quân Nhật vẫn cố gắng để cầm cự để chờ quân cứu viện tới nơi, trong khi quân Nguyên cũng chờ lực lượng còn lại với hơn 2 vạn quân đang dong buồm trên biển có thể cập bến Vịnh Hakata.

Nếu như các cánh quân nhà Nguyên có thể hợp nhất, thì quân Nhật sẽ dễ dàng bị áp đảo và tàn sát, Kyushu sẽ nhanh chóng bị thất thủ. Tuy nhiên, khốn nỗi là trời không giúp quân Nguyên. Đêm hôm đó, bão nổi lên ngoài khơi Vịnh Hakata, hạm đội quân Nguyên ngoài khơi đã yêu cầu lực lượng trên bộ rút về tàu, bởi vì nếu bão to hơn, hai bên sẽ bị chia cắt hoàn toàn. Nhưng hóa ra đó lại là một hành động tự tay bóp chết quân mình, bão đêm đó to đến mức đánh đắm rất nhiều tàu chiến của quân Nguyên. Đến sáng hôm sau, hạm đội quân Nguyên tan tác hết cả, hơn 200 tàu chiến bị đánh đắm, số còn lại không hư hại nặng thì cũng hư hại nhẹ, và chắc chắn một điều là đội quân Mông Cổ bách chiến bách thắng trên bộ đang... say sóng hết cả một lượt với nhau, mà như thế thì còn đánh đấm nỗi gì? 200 tàu chiến bị đắm, kéo theo khoảng 13 ngàn quân cũng theo đó mà chìm xuống nước, thiệt hại quá nửa, cuộc xâm lược này có nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, quân Nguyên vẫn cố gắng thực hiện hai cuộc tấn công nữa vào Akasaka và Torikai-Gata. Tại Akasaka thì tướng Kikuchi Takefusa đã đánh úp quân Nguyên và khiến họ phải rút lui dù tổn thất không nhiều lắm. Nhưng đến trận Torikai-Gata thì mới là thảm họa khi quân Nguyên bị hai cánh quân Nhật do Takezaki Suenaga và Shiraishi Michiyasu tấn công, quân Nguyên thảm bại khi hơn 3000 quân bị giết. 
Đại quân Mông Cổ ra khơi từ Tuyền Châu với 23 ngàn quân, giờ sau khi "tế" hơn 1 vạn quân cho biển, hơn 3000 quân trong trận Torikai-Gata thì lực lượng chỉ còn lại khoảng 1/3 so với ban đầu. Nghĩ kiểu gì cũng không thể đánh tiếp, vì thế nên quân Nguyên buộc phải rút lui. Cuộc xâm lược lần thứ nhất kết thúc chỉ sau 1 tháng với phần thắng thuộc về Nhật Bản. 
3. Cuộc xâm lược lần thứ hai (1281)
Mặc dù thất bại trong cuộc xâm lược thứ nhất, nhưng Nguyên Thế Tổ vẫn không bỏ tham vọng nuốt chửng Nhật Bản. Phía Mạc phủ Kamakura cũng thừa biết nhà Nguyên không dễ gì bỏ cuộc, vì thế họ gấp rút chuẩn bị để đối phó với một cuộc xâm lược nữa có thể xảy ra. Nhằm một lần nữa thăm dò Nhật Bản, Nguyên Thế Tổ cử đoàn sứ thần gồm năm người đến Kyushu năm 1275 để truyền đạt lại lời của Nguyên Thế Tổ là yêu cầu Thiên Hoàng phải thân hành đến Đại Đô để thần phục trước Hoàng đế nhà Nguyên. Đáp lại yêu sách này, Nhiếp chính lúc đó là Hojo Tokimune đã ra lệnh áp giải đoàn sứ thần nhà Nguyên về Kamakura và chém đầu hết cả. Đến năm 1279, một đoàn sứ thần nữa tiếp tục được cử đến với mục đích tương tự và cũng bị... chém đầu hết. Mạc phủ Kamakura đã quyết tâm chống lại nhà Nguyên, Nhiếp chính Tokimune đã lệnh cho các lãnh chúa sửa sang, củng cố các thành trì ven biển để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược mà chắc chắn sẽ mạnh mẽ và lớn hơn rất nhiều. Nhật Bản cũng đã xây dựng một phòng tuyến bằng đá khổng lồ dọc theo bờ biển tại Vịnh Hakata - nơi diễn ra trận chiến ác liệt năm 1274. Tuyến phòng thủ này cao từ 5-15 feet (1 feet = 0,3m) và dài đến 25 dặm. 
Mùa xuân năm 1281, Nguyên Thế Tổ phát động cuộc xâm lược Nhật Bản lần thứ hai, lần này với hai đạo quân lớn và có số lượng nhiều hơn đạo quân lần thứ nhất rất nhiều. Đạo quân đầu tiên, gồm 900 tàu chiến, xuất phát từ cảng Masan, Cao Ly với 15 ngàn quân Nguyên và 10 ngàn quân Cao Ly. Đạo quân thứ hai, xuất phát từ miền nam Trung Quốc với 3500 tàu chiến và 10 vạn quân, một con số khổng lồ. Hai đạo quân gộp lại với 4400 tàu chiến và gần 13 vạn quân, Nguyên Thế Tổ xem ra rất quyết tâm lấy cho bằng được Nhật Bản. 
Lược đồ cuộc xâm lược lần hai 
Tháng 5 năm 1281, hạm đội ra khơi từ Cao Ly cập bến Vịnh Hakata, còn hạm đội ra khơi từ Trung Quốc vẫn chưa đến nơi. Mặc dù có số lượng tương đối lớn với 25 ngàn người, quân Nguyên không thể xuyên phá được hàng phòng thủ bằng đá vững chắc của Nhật Bản tại Vịnh Hakata cho dù đã sử dụng đến cả máy bắn đá. Thêm vào đó là chiến thuật quấy phá của quân Nhật khi đêm nào họ cũng cho quân ra đột kích tàu chiến Mông Cổ. Quân Nhật Bản lần này chiến đấu ngoan cường hơn rất nhiều khi họ cứ liều mạng xông lên để phá hủy những cỗ máy bắn đá của quân Nguyên. Dịch bệnh cũng là một vấn đề lớn với quân Nguyên, ít nhất 3000 người chết vì bệnh, số người chết vì các cuộc đột kích hay trong các trận chiến vô vọng để công phá hàng phòng thủ Hakata lên tới hàng ngàn. Quân Nguyên sa lầy ở Hakata và đành phải chờ hạm đội chính với 10 vạn đại quân đến nơi. 
Tranh vẽ cảnh quân Nhật đột kích tàu Mông Cổ
Về phần hạm đội chính của quân Nguyên thì sao? Hạm đội này không đến thẳng Vịnh Hakata mà đi lòng vòng hơn nhiều. Đầu tiên đội quân tiên phong tiếp tục đổ bộ xuống đảo Tsushima, nhưng lần này chịu sự chống cự ác liệt của quân Nhật nên buộc phải rút lui. Đến ngày 8 tháng 6, quân Nhật chia làm hai đạo và tấn công quân Nguyên tại eo biển có tên Umi no Nakamichi, đây lại là một thắng lợi nữa của quân Nhật khi họ đánh bại quân của hai tướng nhà Nguyên là Hong Dagu - tướng người Cao Ly và Trương Thành - tướng người Hán. Ngày hôm sau Trương Thành cố gắng tập hợp lại quân để đáp trả quân Nhật nhưng thất bại do gặp phải sự kháng cự quá lớn. Sau thất bại này, Trương Thành dẫn số quân còn lại rút về đảo Iki để họp với lực lượng ở đây. 
Đến ngày 29 tháng 6, quân của ba gia tộc Matsura, Ryuzoji và Takagi hợp lại với hơn 1 vạn quân và mở cuộc tổng tấn công đạo quân Nguyên ở đảo Iki. Lần này thì chính quân Nguyên lại bị thua kém về số lượng khi đại quân của họ đang ở đảo Hirado. Trận chiến trên đảo Iki kéo dài vài ngày và kết cục là quân Nguyên bị đánh bại và tàn quân của họ rút về đảo Hirado, họp với đại quân ở đây.
Lúc này, ở Hirado đang tập trung đại quân Nguyên gồm khoảng 10 vạn quân và đang chuẩn bị dong buồm tới Vịnh Hakata để trợ giúp đạo quân Nguyên còn lại. Nhận ra thời cơ chỉ có một, Takezaki Suenaga - vị tướng từng chiến thắng quân Nguyên 7 năm trước ở Torikai-Gata quyết định bất ngờ tấn công hạm đội của quân Nguyên. Do bị bất ngờ và không có sự chuẩn bị, thêm nữa là phần lớn quân lính đã đóng trại trên bờ, hạm đội của quân Nguyên bị tổn hại khá nặng nề, hầu hết các chỉ huy cấp cao của quân Nguyên đều ở trên tàu, một số bị giết, một số chạy về Đại Nguyên, bỏ mặc đại quân 10 vạn người ở lại Hirado. 
Không còn chỉ huy, 10 vạn quân Nguyên lâm vào thế bị động, không biết nên làm gì, dong buồm đến vịnh Hakata hay tiếp tục ở lại Hirado? Cuối cùng, đại quân quyết định dong buồm đến Hakata nơi đạo quân còn lại đang sa lầy. Ngày 12 tháng 8, hai đạo quân của nhà Nguyên cuối cùng cũng hợp lại được với nhau và tổng số là hơn 11 vạn quân. Với lượng quân khổng lồ như vậy, quân Nguyên hy vọng cuối cùng họ cũng có thể xuyên phá được lớp phòng ngự Hakata. Tuy nhiên, chưa kịp tấn công thì quân Nguyên lại một lần nữa gặp hạn, lần này cũng lại là kẻ thù cũ - bão! Ngày 15 tháng 8, một cơn bão lớn khủng khiếp quét qua miền Nam Nhật Bản, cơn bão này lớn hơn cơn bão 7 năm trước gấp bội phần, nhưng kết quả thì vẫn y chang nhau - cơn bão đánh đắm hầu như toàn bộ hạm đội 4400 tàu chiến của quân Nguyên, dìm xuống biển hàng vạn người, số còn lại sống sót được và leo lên bờ thì bị quân Nhật xử lý nốt. Cuối cùng thì lúc đi 13 vạn quân, đến khi cơn bão tan đi và tàn quân Nguyên chạy về được Cao Ly thì chỉ còn lại khoảng gần 3 vạn người.

Lại một lần nữa Nhật Bản chiến thắng Đại Nguyên đế quốc nhờ... bão, cũng chính vì thế mà người dân Nhật Bản tin rằng họ được thần linh che chở, và họ gọi những cơn bão đó với cái tên tôn kính Kamikaze - Thần Phong. Về phần Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, thất bại nặng nề tại Nhật Bản làm ông chùn bước đôi chút, nhưng ông vẫn giữ tham vọng xâm lược đảo quốc này và thậm chí còn có ý định phát động cuộc xâm lược lần thứ ba. Nhưng chuyện này mãi mãi không thể xảy ra, vì chỉ 4 năm sau thất bại tại Nhật Bản, đạo quân "bách chiến bách thắng" của Đại Nguyên đế quốc tiếp tục nếm mùi thảm bại, thậm chí còn nặng nề hơn ở Đại Việt, để đến nỗi tổng chỉ huy là Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng tránh tên để thoát về nước. Rồi thì ba năm sau đó nữa lại hứng thêm thất bại kinh hoàng không kém, cũng tại Đại Việt, đến nước này thì Nguyên Thế Tổ hẳn đã nản lắm rồi, nhận ba thảm bại liên tiếp trong vòng chưa đến 10 năm, thôi thì dẹp, dẹp, đánh đấm gì nữa! Càng đánh càng thua đau, thôi yên phận làm hoàng đế cho rồi.
Và như thế, hai cuộc xâm lược Nhật Bản của Đại Nguyên đế quốc đều kết thúc trong thảm bại, với hàng trăm tàu chiến bị đắm, hàng vạn quân chìm xuống đáy biển, trong khi ngọn gió Thần Phong vẫn thổi đều đều như muốn tuyên bố: "Đứa nào muốn xâm lược Nhật Bản thì cứ sống sót sau khi dính bão đi đã rồi bàn sau"