Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Một ngày đầu xuân năm 1967, tôi đang thảo luận với những học trò của mình tại Đại học Yale về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ ở Oregon, và tôi đã tham gia vào Lực lượng dự bị Hải quân. Phần lớn những người bạn nhỏ của tôi đến từ các trường dự bị ở bờ Đông. Một trong số họ nói rằng Lyndon B. Johnson (tổng thống thứ 36 của Mỹ) đã nói dối mọi người về cuộc chiến. Tôi buột miệng "Nhưng... tổng thống Mỹ sẽ không nói dối người dân Mỹ chứ?", và họ cười vào mặt tôi. 

Khi tôi kể câu chuyện này cho những đứa con, chúng cũng cười phá lên. Đương nhiên là những vị Tổng thống sẽ nói dối. Ôi chúa ơi, bố đến từ hành tinh nào vậy? - chúng nói. 

Trước chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều suy nghĩ giống như tôi. Sau chiến tranh Việt Nam, họ tư duy giống như những đứa trẻ của tôi. 

Nước Mỹ không chỉ đơn giản là thua một cuộc chiến tranh, hi sinh tính mạng của 58,000 con người: cuộc chiến Việt Nam đã thay đổi nước Mỹ mà cụ thể hơn là một thế hệ người Mỹ. Rất nhiều trong số những thay đổi đó là tiêu cực: nó khiến chúng tôi trở nên hoài nghi, mất niềm tin vào thể chế và đặc biệt là chính phủ. Với nhiều người, nó làm xói mòn một quan niệm vốn vô cùng phổ quát: phụng sự nước Mỹ là một phần của nghĩa vụ công dân. 

Nhưng không phải mọi điều về cuộc chiến tranh này đều tiêu cực. Với cương vị một Đại uý Hải quân ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến cách mà cuộc chiến này quy tụ những nam thanh niên từ mọi chủng tộc và tôn giáo đến với nhau và buộc phải đặt lòng tin vào nhau. Nó là một lò luyện đóng vai trò quan trọng trong việc tôi rèn nên một nước Mỹ hội nhập thực sự. 

Và dù cuộc chiến Việt Nam vẫn còn tiếp tục định hình nước Mỹ, nhận thức của người dân Mỹ về chuyện này đã sụt giảm đáng kể. 65% người Mỹ dưới 45 tuổi và do đó không còn có thể nhớ rõ về cuộc chiến. Trong khi đó, những cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, sự tham gia của Mỹ vào Syria, sự vật lộn trong cuộc chiến chống khủng bố - tất cả đang đẩy Việt Nam lùi vào dĩ vãng. 

Bài viết này hi vọng có thể trả lời phần nào câu hỏi: Cuộc chiến Việt Nam đã có những tác động gì đối với những công dân Mỹ?

Sự hoài nghi

Việt Nam đã thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận về chính trị. Mọi người đã nói về "sự thiếu tin cậy" của Johnson, một cách nói giảm nói tránh của sự thật rằng Tổng thống đang nói dối. Trước cuộc chiến, việc nói dối của lãnh đạo là một điều gì đó xấu & bất thường. Sau khi cuộc chiến kết thúc, điều đó vẫn được coi là xấu nhưng chẳng còn gì lạ lẫm nữa. Ngày nay khi những chính trị gia nói dối, những người kiểm chứng sẽ chỉ ra điều gì là sự thật, còn mọi người thì tiếp tục cuộc sống của họ và chẳng bận tâm nữa. 

Người Mỹ đã chuyển từ niềm tin sang sự hoài nghi. Mang trong mình niềm tin ngây thơ như rất nhiều người ở thế hệ của tôi, bạn sẽ gặp rủi ro của sự vỡ mộng. Nhưng sự hoài nghi thậm chí có thể đe doạ nền dân chủ, bạn dừng lại trước khi kịp nghĩ bất kỳ điều gì, mặc định "chính phủ" là một vũng lầy. Sự hoài nghi đáng sợ ở chỗ nó triệt tiêu ngay cả ý nghĩ muốn thay đổi của mọi người. 

Người ta không thể cùng một lúc hoàn thành hệ thống đường cao tốc lớn nhất thế giới, xây dựng một số lượng khổng lồ các trường dân lập và Đại học, thực hiện chính sách Xã hội thịnh vượng, tham gia một cuộc chiến lớn, và đi lên mặt trăng - những điều người Mỹ đã làm trong những năm 60 - nếu cứ luôn hoài nghi về chính phủ và những chính trị gia.

Hầu hết bạn bè của tôi ở Seattle đều từng chế nhạo khẩu hiệu của Trump "Make America Great Again" (Khiến Nước Mỹ Vĩ Đại Một Lần Nữa). Nhưng đúng là có một phần sự thật trong đó. Nước Mỹ đã từng vĩ đại hơn. Không phải toàn cầu hoá, sự di cư hay chủ nghĩa tự do, mà chính là cuộc chiến này đã thay đổi chúng tôi. 

Chủng tộc

Tháng 12 năm 1968, tôi ở trong một vùng rừng rậm hẻo lánh, cách vùng đình chiến khoảng 1 cây số. Một chiếc trực thăng nhỏ đã ghé qua mang theo thư tín và những gói hàng hoá lèn chặt. Ray Delgado, cậu nhóc 18 tuổi có gốc gác Tây Ban Nha đến từ Texas đang mở một gói quà  với đôi mắt ngấn lệ và nụ cười tươi rói. 

"Gì thế chàng trai?" Tôi hỏi.

"Là bánh tamales. Do mẹ em gửi". (một loại bánh làm từ bột được bọc bởi vỏ ngô hoặc lá chuối)

"Tamales là bánh gì vậy?" 

"Anh hãy thử một cái đi".

Tôi đưa miếng bánh lên miệng và vội vã nhai trong khi Ray và những người bạn gốc Tây Ban Nha không thể nín cười, còn tôi thì tự hỏi tại sao người ta có thể ăn loại bánh cứng như vậy. "Đại uý" - Ray nói - "Anh phải bỏ cái vỏ ngô ra đã". 

Ở Oregon tôi đã nghe nói tới tamales, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt. Trước khi gia nhập vào hàng ngũ Hải quân tham chiến tại Việt Nam, tôi chưa từng nói chuyện với một người Tây Ban Nha nào. Và những người như tôi thường có thói quen gọi Ray là "gốc Tây Ban Nha", dù họ hiển nhiên là người Mỹ. Mâu thuẫn sắc tộc nơi tôi lớn lên và giữa những người gốc Thuỵ Điển và Na Uy uýnh lộn với những người gốc Phần Lan mỗi tối thứ Bảy trong khu đậu xe. 

Tổng thống Harry Truman đưa ra quy định về xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ vào năm 1948. Trước chiến tranh Việt Nam, những người lính từ các chủng tộc khác nhau vẫn phụng sự nước Mỹ cùng nhau. Nhưng việc đặt mọi người vào cùng một đơn vị thực ra khác xa với việc khiến cho họ làm việc cùng nhau như một đơn vị. Đã từng có những vụ thủ tiêu lẫn nhau trong quân đội Hoa Kỳ bằng mảnh vụn lựu đạn, và người ta tìm ra động cơ của những hoạt động phạm pháp này hầu hết là vì xung đột sắc tộc.

Chiến tranh đòi hỏi những người lính có nhiều trải nghiệm chung, cùng với đó là sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Nếu tôi đang bị bao vây bởi vòng lửa đạn và cần một khẩu M-79, tôi sẽ gào tên Thompson bởi vì anh ta là người giỏi nhất. Tôi chẳng còn thời gian bận tâm tới màu da của anh ấy. 

Những gã da trắng nghe nhạc soul, trong khi những tay da đen nghe nhạc country. Chúng tôi không e sợ nhau. Những kỷ niệm đã gắn kết chúng tôi. Hàng trăm nghìn người lính trẻ quay trở về từ cuộc chiến Việt Nam với những quan điểm khác nhau về chủng tộc, và dù không phải tất cả đều màu hồng, hầu hết trong số họ có cái nhìn lạc quan hơn. Nạn phân biệt chủng tộc không được giải quyết tại Việt Nam, nhưng tôi tin rằng đó là nơi mà nước Mỹ cuối cùng cũng nhận ra rằng tất cả mọi người nơi đây đều có thể sống hoà hợp được, bất kể màu da. 

Nghĩa vụ quân sự

Tôi đang ở một buổi tuyển quân ở Fayetteville, New York city khi một cặp vợ chồng trẻ xuất hiện ở bàn đăng ký. Người đàn ông đứng thẳng lưng và cao lớn trong bộ quân phục. Người phụ nữa đang bế một đứa trẻ trên một tay và tay còn lại dắt theo một đứa khác mới chập chững. Họ đều rất trẻ. Người phụ nữ bắt đầu khóc. Tôi hỏi cô ấy có chuyện gì đã xảy ra, và cô ấy nghẹn ngào "Chồng tôi sẽ lên đường một lần nữa, vào ngày mai". 

Tôi quay sang người đàn ông: "Đây là chuyến đi thứ hai của anh phải không?"

"Không, thưa ngài" - anh ta đáp - "Đây là lần thứ 7 của tôi".

Trái tim tôi như vừa được treo thêm một quả tạ ngàn cân. Đây là nền cộng hoà của nước Mỹ đó sao? 

Cuộc chiến Việt Nam được đưa vào ở cuối giai đoạn tuyển quân, cái mà Lầu Năm Góc gọi là "nghĩa vụ tự nguyện". Nhưng tôi gọi nó là nghĩa vụ bắt buộc. Tình nguyện viên phải là những người chen nhau ở bưu điện đăng ký thời Trân Châu Cảng hoặc khi Toà nhà Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom. Trong trường hợp này thì không phải vậy. 

Chế độ quân dịch thực tế là không công bằng. Chỉ có đàn ông bị gọi đi nghĩa vụ. Và những ai đủ tiền đi học đại học sẽ không bị gọi nhập ngũ cho tới tận khi chiến tranh đã đi tới hồi kết. Nhưng việc bỏ chế độ quân dịch không phải là cách để giải quyết sự thiếu công bằng. 

Giới tinh hoa của Mỹ đã gần như nằm ngoài phạm vi của nghĩa vụ quân sự. Đến bây giờ trên những bức tường tại sảnh Woolsey của Đại học Yale còn khắc tên hàng trăm sinh viên Yale đã hi sinh trong Thế chiến I và II. 35 người đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Và từ đó đến nay, chưa có thêm ai cả. 

Ở một mặt khác, tầng lớp dân lao động Mỹ ngày càng gánh chịu nhiều con số thiệt mạng và thương vong hơn từ Thế chiến II. Trong một nghiên cứu của Đại học Luật Memphis, Douglas Kriner và Francis Shen đã xem xét mức chênh lệch về thu nhập của những người lính tử vong: sự khác biệt về thu nhập trung bình của những hộ gia đình trong những cộng đồng có số người tử vong lớn nhất và những cộng đồng người còn lại. Khoảng cách này là 5,000$ ở cuộc chiến tranh Triều tiên, 8,200$ ở chiến tranh Việt Nam và 11,000$ ở cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Nói cách khác, những nhóm dân số nghèo nhất phải gánh chịu nhiều thương vong hơn 50% so với những nhóm giàu nhất. 

Nếu sự bất công này tiếp tục kéo dài, sự giận dữ cũng sẽ gia tăng theo, cùng với đó là khoảng cách ngày càng rộng hơn giữa quân đội và người dân. Nó sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nền dân chủ, với quân đội và một phần của đất nước trung thành hơn với thủ lĩnh của mình thay vì trung thành với Tổ quốc. 

Nước Mỹ cần phải khôi phục lại tinh thần của hoạt động tuyển quân, và cách mọi người tư duy về nghĩa vụ phụng sự Tổ quốc. Chúng ta đã nhìn nhận nghĩa vụ quân sự giống như cách chúng ta suy nghĩ về thuế. Tôi sẽ không đóng thuế nếu không có nguy cơ bị bỏ tù. Nhưng là một công dân có trách nhiệm, tôi cũng sẽ cho rằng việc nộp thuế là cần thiết để duy trì bộ máy chính phủ - chính phủ của tôi và của mọi người dân Mỹ. 

Hãy để cho việc đi nghĩa vụ trở thành một trong rất nhiều cách mà một người trẻ có thể phụng sự đất nước. Với những nghĩa vụ gìn giữ hoà bình quốc tế, một chàng trai từ Seattle có thể có cơ hội chia sẻ chiếc bánh tamale với một cô gái gốc Tây Ban Nha từ El Paso chẳng hạn. Những người bảo thủ và những người tự do sẽ học cách để hoà hợp cùng nhau, vì một mục tiêu chung. Chúng ta sẽ quay trở lại tinh thần của thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khi những người thuộc mọi sắc tộc biết học cách để hoà hợp.

Cuối cùng, cho dù chúng ta đã lãng quên nó hay chưa, thì cuộc chiến tranh Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới nước Mỹ và những công dân Mỹ. Chưa quá muộn để nhớ lại, và hành động. 

(Dịch từ bài viết của Karl Marlantes trên Nytimes)