Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Con gái thích gì, muốn gì? Đó là câu hỏi muôn thuở của những ai chập chững học môn Introduction to female brain, môn học chưa ai thi đậu qua được. So good luck to you.
Nhưng bài viết này không phải là để giải đáp cho câu hỏi đấy và hàng trăm câu hỏi kì quặc khác (Con gái có thích game thủ không? Con gái có thích con trai mặc đồ hồng không?). Bài viết này, được viết dựa trên nhiều năm kinh nghiệm của mình làm love guru, đọc Kênh 14, đọc Webtretho, xem chương trình Thế Giới Động Vật Hoang Dã, ngồi nghe lỏm mấy bà chị tán dóc và mấy thằng em than thở, nhằm chỉ ra những lỗi mọi người hay mắc phải lúc tán tỉnh thôi. Lưu ý là lỗi thôi nhé, còn tán tỉnh đúng cách như thế nào thì mình chịu.

Con gái thích gì?

Đây là sai lầm đa số mọi người đều mắc phải khi tìm hiểu người khác. Phiên bản khác và phổ biến hơn của câu hỏi này hay bắt gặp trên các diễn đàn, confession là:
“Mọi người cho hỏi có phải con gái nó ………..”
Bạn điền nốt vào chỗ trống. Vấn đề của câu hỏi này là vấn đề nó đặt ra quá đơn giản. Nó đơn giản giống như bạn bỏ 3 đô vào máy bán nước và lon Pepsi rơi ra vậy. Hãy giả sử câu hỏi chi tiết là:
“Mọi người cho hỏi con gái có phải nó chỉ thích con trai năng động?”
Nếu câu trả lời có thì bạn chỉ cần là người năng động là con gái sẽ thích, còn không thì người không năng động như bạn sẽ ế (và mấy triệu đứa con trai sống nội tâm khác cũng sẽ ế giống bạn). Thật là đơn giản!
Và đó cũng là kết luận dở hơi nhất. Hãy nghĩ kỹ xem, ở Việt Nam có 93 triệu dân và vì nam giới hiện nay đông hơn nữ giới nên cứ cho là sẽ có khoảng 40 triệu người phái nữ. Bốn mươi triệu! Bốn mươi triệu người này không thể suy nghĩ giống nhau được. Ngay ở trong một lớp học với 40 bạn gái thì cả 40 cô nàng đã hỉ nộ ái ố khác nhau rồi. Khi mình thích ai đó mình chỉ nên xem người đó là người thế nào, người đó thích gì, người đó có hợp với mình không.
Cái khó nhất là tìm hiểu xem người đó là người thế nào, điều đó đòi hỏi cần thời gian tìm hiểu, làm việc, học chung lâu dài, có thể là nhiều tháng, lẫn nhiều năm. Đừng nghĩ rằng vì người ta là con gái nên người ta sẽ thế này, thế kia. Có cô thì thích chơi guitar, có người thích nhảy và ghét mèo, có người thích mèo ghét chó, có người thích xương rồng hơn là hoa hồng. Do đó mấy người mà cứ hay hỏi con gái thích gì thì tốt hơn nên hỏi thẳng cái cô bạn thích ấy:
“Em có thích ăn thịt chó không anh đi bắt cho?”
Như vậy câu hỏi ban đầu là vô nghĩa. Nhưng nhiều người cứ bám mãi vào câu hỏi vô nghĩa đó để tìm giải pháp cho những vấn đề cụ thể nên họ cứ cưa ai là người đó né.

Trai tốt, trai xấu

Việc đặt câu hỏi như trên cộng với việc định hình bản thân mình là trai tốt hay trai xấu là công thức tuyệt hảo cho việc ế muôn đời. Ngoài việc nó làm đơn giản hóa mọi thứ như câu hỏi trên (chả lẽ 45 triệu đàn ông ở Việt Nam có thể phân ra 20 triệu là tốt, 25 triệu là xấu?) nó khiến cho người ta bó hẹp bản thân lại.
“Hết rồi sao? Hóa ra anh chỉ có thể miêu tả bản thân anh là tốt hay xấu thôi sao?”
Mình thấy quan niệm trai tốt trai xấu này buồn cười vì mình thấy ở những người lớn, chững chạc, giàu kinh nghiệm sống, không ai có khái niệm này cả. Nếu siêng đọc phỏng vấn những người thành đạt thì bạn sẽ thấy người ta sẽ nói về bản thân họ là người liều lĩnh, táo bạo, siêng năng, gan lì, tàn nhẫn, bla bla các kiểu. Không ai nói:
“Tôi thấy tôi là một người đàn ông tốt.”
Không. Không ai lại nói một câu nhạt toẹt vậy.
Trai tốt, trai xấu nó chỉ là một khái niệm dành cho thiếu niên mới dậy thì, mang dép lào đạp xe đạp đi hẹn hò thôi. Khi người ta đã lớn, đã ra đời đi làm thì người ta sẽ nói:
“Tôi là kế toán trưởng. Làm việc này rất căng thẳng, mỗi ngày 10 tiếng nhưng tôi là người thích vật lộn với những con số, dùng những phân tích của mình để giúp công ty phát triển (và trốn thuế nữa). Tôi thấy nghề này rất là cool và rất hợp với người cool như tôi.”
(Mà thực sự làm kế toán rất là cool đấy, cool đến mức sắp có phim Người Kế Toán do Ben Affleck đóng, ra rạp vào tháng 11 này. Mọi người nhớ đón xem.)

Đọc thêm:

Như vậy nếu tự khép mình vào khuôn khổ “anh là trai tốt, anh kia là trai đểu” thì một đứa con trai sẽ mãi là một đứa nhạt nhẽo, chả có gì thú vị.
“Nhưng con gái nói con gái mong chờ một người yêu tốt, chẳng phải đó là trai tốt sao?”
Thật ra mà nói thì tốt chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Ví dụ như một người vào quán thức ăn nhanh và gọi hamburger vậy. Con trai tốt thì như cái hamburger 20 ngàn vậy á, có 2 miếng bánh thì kẹp 1 miếng thịt bò và một miếng rau sa lát. Hết. Đó là những thứ cơ bản để tạo nên một cái hamburger. Nhưng bạn có thích một miếng hamburger vậy không? Tất nhiên là không rồi. Bạn ăn thử một cái Hamburger 200 ngàn xem nào, ngoài cái nước sốt vàng ươm và béo ngậy thì miếng thịt bò là thịt bò hảo hạng của Úc, rau không chỉ có sa lát mà còn có hành tím, cà chua Hà Lan, olive và hàng tá thứ gia vị khác với những cái tên mỹ miều được cho vào. Khi mình nói mình thích ăn hamburger, không có nghĩa là mình thích cái hamburger 20 ngàn, vốn gợi lại những cảm giác chán đời như hồi học văn cấp 2, mà mình muốn những cái burger tuyệt hảo như cái burger 200 ngàn kia (thật ra thì burger 60 ngàn của MacDonald cũng là ngon rồi).

Friendzone

Nỗi ác mộng của thanh niên thế kỷ 21, nơi mà đa số con trai ai cũng từng vào 1 lần. Ở lứa tuổi mới nhớn thì ai chả còn non kinh nghiệm, mò mẫm rồi bị dính vào friendzone là bình thường. Nhưng khi một đứa con trai đã hơn 20 tuổi mà vẫn dính vào friendzone và sáng tác ra mấy châm ngôn tình yêu vớ vẩn như trong bài hát “Mình là gì của nhau” thì lỗi là tại nó thôi.
Tại sao một đứa con trai vào friendzone? Có 2 lý do chính:
Nó tự vào.
Nó bị đẩy vào.
Lý do thứ nhất rất là đơn giản.
Phải làm bạn thân rồi đi lên làm người yêu => tự vào friendzone.
Lý do thứ hai cũng rất đơn giản.
Cô ấy không thích mình mà vẫn cứ cố cưa => bị đưa vào friendzone.
Người ta có bạn trai rồi nhưng vẫn cứ cố cưa, tán tỉnh => vào friendzone
Thật ra người ta cho vào friendzone là còn may ấy, vì thường người ta cắt liên lạc luôn, bám dữ quá mà.
Về lý do thứ nhất, ai đa số cũng không đi quá được bạn bè là vì con gái thực sự nghĩ:
Đó là bạn mình.
Người ta lừa dối mình.

Đọc thêm:

Thật sự là vậy. Nếu bạn có một cô gái bạn gặp hằng ngày, giao tiếp bình thường như bạn bè, bạn không có cảm tình gì cả thì chuyển sang yêu rất khó. Kiểu bạn cái gì cũng biết về người ta, coi người ta bình thường thì có tình cảm gì mà chuyển sang yêu. Nhưng có một lý do chính khiến con gái ghét những đứa làm bạn để chuyển thành yêu là vì nó không chân thật.
“Tại sao anh lại giả vờ làm bạn tôi để sau này yêu tôi? Sao không hẹn hò ngay từ đầu?”
Nó khác gì là anh lợi dụng tình bạn để tiếp cận tôi, anh chăm lo quan tâm cho tôi là để một ngày tôi yêu anh rồi anh được quan hệ thôi. Tuy vậy mấy người con trai chọn cách giả vờ làm bạn này để chuyển sang yêu là vì họ ngại, nhát, không dám mở miệng ra hẹn hò. (gạch chân, bôi đen, in nghiêng, highlight bằng 3 thứ màu).
Bạn cứ đọc hàng tá câu chuyện về friendzone thì sẽ thấy một thứ rất chung đó là: đứa con trai chẳng bao giờ mở miệng ra mời con gái đi hẹn hò ăn uống cả.
Nope. Never. Ever.
Đa số thường là quen nhau lâu, rồi thích nhưng không dám nói, chỉ hay tâm sự, trò chuyện, giúp đỡ, hỏi han, chụp ảnh chung, nhớ thầm. Rồi thì quyết định tiến đến nhưng không dám nói nên nhắn tin gạ này nọ, đổi tên người chat thành crush, rồi nhắn tin nói thích qua Facebook, qua điện thoại. Đa số đó là những hành vi passive – aggressive nữa, hiểu nôm na là gây hấn bị động, ép người ta phải theo ý mình. Ví dụ tiêu biểu nhất là tỏ tình giữa đám đông, như nhảy flashmob, xếp vòng hoa giữa công chúng. Nó chẳng khác gì dùng sức ép đám đông bắt người ta phải đồng ý cả, nên đa số là thất bại.
Giải pháp cho lý do thứ nhất rất đơn giản. Hãy nghe theo Ms Anonymous trên Quora, người luôn trả lời thẳng thắn những câu hỏi về tình cảm con gái, từ tư thế sex ưa thích đến việc con gái có thích con trai IT ở điểm nào. Cô ấy đưa ra lời khuyên sau:
“If you want a girl to lick your ball, grow some f***ing balls and tell her to do so.”
Đừng nói bóng gió. Đừng nói vòng vo. Đừng viết ẩn ý trên Facebook và qua tin nhắn. Hãy hỏi cô ấy:
“Em có muốn hẹn hò với anh ở Paris không? Anh bao hết vé.”
Mình cá 99% là cô ấy sẽ đi với chàng trai dũng cảm dám hỏi thẳng cô ấy như thế.
Còn lời khuyên cho lý do thứ 2 thì hãy nghe theo chàng khờ Sherlock trong series BBC Sherlock:
“As Miss Adler says in her masthead, know when you are beaten.”

Không phải cái gì cũng có lý do của nó

Đôi lúc buổi sáng mình ngủ dậy và mình thèm ăn phở. Phở thịt bằm tái bò viên. Chính xác là như vậy. Nhưng tại sao mình thích ăn phở vào sáng đó? 
Uhm….
Nhưng tại sao mình phải quan tâm là tại sao mình thích? Chỉ là sáng hôm đó mình ngủ dậy và thèm ăn phở. Vậy thôi. Không phải là vì mình ghét hủ tiếu hay cơm tấm gì hay bánh canh. Chỉ là mình thích ăn phở vào sáng hôm đó.
Và đôi lúc người ta cũng không cần lý do gì để không thích bạn. Có nhiều người luôn tự hỏi: sao nhỏ đó không thích mình? Có phải mình lùn quá? Mình không đẹp trai? Chắc nó chỉ thích trai giàu.
Nope.
Thế có bao giờ bạn tự hỏi tại sao bạn chẳng bao giờ có rung động với một nhỏ bạn thân bạn thấy rất bình thường mà mấy anh khác mê như điếu đổ chưa? (Tất nhiên là vì bạn gay rồi!) Đó là vì mỗi người có cảm xúc khác nhau, nhìn nhận cùng một sự vật dưới nhãn quang khác nhau, giống như thành ngữ trong tiếng Anh này vậy:
Beauty is in the eyes of the beholder – Cái đẹp nằm trong mắt người nhìn.
Trong mắt bạn đứa con gái bạn thân có ba vòng chuẩn như Ngọc Trinh, cười xinh như Mai Phương Thúy, cao 1m75, học giỏi nhất khối đó có gì đặc biệt đâu (thôi gay cmnr) nhưng với người khác đó là cả ước mơ. Do đó nếu bạn thích người khác mà người ta không thích lại thì đó là bình thường, đôi lúc chẳng cần lý do gì cả. Đừng trách người ta, cũng đừng ráng đi tập Gym cho bụng 6 múi hay là mua Iphone 7 rồi chụp hình up lên mạng cho người ta mê.
A: “She said she doesn’t like me. How can I change her mind?”
B: “You can’t. Move on.”

Không biết vẽ ranh giới

Đôi lúc bạn sẽ đọc được những dòng tâm sự đau khổ của “anh trai” nào đó lúc nào cũng chiều chuộng cô “em gái đáng thương” nhưng không bao giờ được em đền đáp lại mà toàn bị cho vào brotherzone, bỏ trong đó ngàn năm.
Đó là hậu quả của việc không biết vẽ ranh giới – personal boundary. Ranh giới này là ranh giới chỉ những gì mình nên làm và những gì không nên. Tại sao chỉ mới gặp và nói chuyện một chút với người ta mà đã:
Tặng quà mắc tiền.
Sẵn sàng cúp học đi giúp người ta.
Hẹn hò nơi đắt tiền và bao hết chỗ đó.
Quan tâm cực kì nhiều đến người ta, nhiều một cách bất thường (em hôm qua ngủ sớm không?)
Sẵn sàng thức khuya tán dóc cả tiếng đồng hồ.
Nghe người ta khóc lóc tâm sự chuyện buồn.
Và thường việc không biết vẽ ranh giới này hay đi kèm với việc “quyền mặc định” (self-entitlement). Ví dụ tiêu biểu nhất cho self-entitlement là khi một đứa trẻ 16 tuổi hét lên với cha mẹ nó, những người làm ăn rất thành đạt:
"Sinh nhật 16 của con bố phải mua cho con một chiết Audi RS7. Con không biết, bố mẹ phải mua cho con không con không đi học!!!"
Thằng nhóc khốn nạn đó nghĩ rằng vì nó là con trai của ba mẹ nó và giờ nó đã tròn 16 nên mặc nhiên ba mẹ nó phải mua xe Audi RS7, mẫu xe sẽ được ra đời năm 2017 với động cơ V8 mạnh mẽ giúp bạn lướt trên xa lộ với vận tốc 190 dặm/h, xe cũng được gắn trí thông minh nhân tạo đời mới, sẽ là người phụ tá đắc lực cho bạn trên hành trình dài. Đó là self-entitlement.
Ông anh trai kia cũng thế. Sẽ có lúc ổng bùng nổ và hét lên, trong trí tưởng tượng của ổng hoặc qua tin nhắn, (vì nếu ổng dám nói thẳng thì đã không vào brotherzone rồi):
"Tại sao anh tốt với em, quan tâm tới em từng li từng tí như vậy mà em không đáp lại tình cảm của anh?"
Đó là vì em gái ấy không phải là cái máy bán tình cảm, không phải là:
"Hôm nay anh nghe em nói chuyện 4 tiếng đồng hồ (chỉ có thằng điên mới làm vậy), anh ghi thêm được 10 điểm tình bạn nhé. Đủ 1000 điểm thì em sẽ nâng cấp anh lên thành người yêu."
Ông anh kia làm như thế hoàn toàn là do tự ổng làm, tự chịu, là quyết định của riêng ổng chẳng có quyền gì mà bắt người ta phải đền đáp cả.
Giải pháp:
Nếu cô gái bạn thích nhắn tin cho bạn lúc 11h đêm than đói và thì:
Hãy mặc kệ và chơi game/ngủ/đọc sách tiếp. Đó không phải là chuyện của bạn.
Hãy trả lời tin nhắn và trò chuyện.
Nếu cô ấy nói bóng gió là mong có người mua đồ ăn đến thì:
Hãy cắt đứt liên lạc với người đó. Nếu người ta không thấy phiền khi yêu cầu như thế thì người ta là kẻ ích kỷ, trơ trẽn và tốt nhất đừng quan tâm đến người đó.

Kết luận

Còn nhiều vấn đề khác mà mình không có thời gian viết ra ở đây. Đa số những người đã lớn mà còn dính 4 vấn đề trên là vì họ không rút ra được bài học đúng đắn sau những mối tình thời niên tiếu, chính xác hơn là họ rút ra những kết luận sai lầm sau mỗi thất bại. Hãy tạm gọi đó là “Bài học mèo con” như cách gọi của Franklin Veaux, một chuyên gia tình cảm khác trên Quora, người tình lý tưởng của Ms Anonymous:
“Bạn biết đấy mẹ tôi trước đây có nuôi một con mèo Ba Tư rất đẹp và rất giỏi rút ra những bài học sai lầm. Ví dụ như nó biết rằng trong tủ lạnh có kem và do đó nó thường cố gắng trèo vào tủ lạnh khi mẹ tôi mở tủ. Khi mẹ tôi đóng cửa tủ lạnh và kẹp vào mũi nó, bài học mà nó rút ra không phải là “Mình không được trèo vào trong tủ lạnh” mà là “Mình phải chạy thật nhanh vào tủ lạnh mỗi khi cửa tủ mở.” Và mỗi lần nó chạy và đập mặt vào cửa tủ, bài học nó rút ra là “Mình phải chạy nhanh hơn nữa.””
Sài Gòn, tháng 11 năm 2016.

Ủng Hộ Tác Giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Sự ủng hộ của bạn sẽ giúp mình có động lực tìm hiểu và viết, dịch thêm các bài mới. Chân thành cám ơn bạn đọc! :)

Đọc thêm: