Hôm trước, tui đi chơi với một người bạn cũ. Chúng tui đã rất lâu rồi không ngồi lại với nhau. Bạn vừa cười vừa bảo, dạo này tui thay đổi rồi, không còn hướng nội như ngày trước nữa. Tui bảo, à chắc là dạo này tui hay viết trên facebook nên là hướng ngoại hơn à? Bạn cười cười bảo là ừ, chắc thế, không nói rõ được nhưng thấy khác ngày trước nhiều lắm.
Tui chợt nghĩ, có thực sự cần phân biệt ra hướng nội và hướng ngoại không? Chẳng phải bình thường người ta thường nói nhiều những thứ mình thấy hứng thú và im bặt khi va vào chủ đề mình chẳng mảy may có chút quan tâm sao? Một người có thể vừa thao thao bất tuyệt khi ở bên cạnh người mình thấy thoải mái, nhưng cũng có thể cạy miệng không nói chữ nào khi bên cạnh một người khác. Vì tui nghĩ, chúng mình đều hướng tới những thứ khiến bên trong chúng mình bị hấp dẫn.
Nhiều người nghĩ bản thân họ là người hướng nội full time. Nhưng có thực sự là như vậy hay không? Tui thì nghĩ là không nè. Khi còn là một đứa trẻ, họ có thể đã cố gắng chia sẻ bí mật của mình với cha mẹ, và những người thân xung quanh nhưng ngay lập tức nhận ra không ai quan tâm đến điều họ nói. Cha mẹ bận rộn mưu sinh, không có thời gian cho những thứ nhỏ nhặt, ưu tiên việc khác quan trọng hơn. Những trải nghiệm rằng bản thân và những vấn đề của họ không cần thiết với bất kỳ ai hình thành nên một niềm tin rằng những gì họ quan tâm là nhảm nhí, không có ý nghĩa gì cả.
Vậy thì làm sao có thể hình thành được cảm giác an toàn cho một đứa trẻ? An toàn thế nào khi cha mẹ thường hung hăng không đoán trước hoặc là luôn có những suy nghĩ tiêu cực? Khi mà bầu không khí trong gia đình lúc nào những lạnh như băng, không thì sôi sục như chảo dầu. Những thứ khiến tụi mình héo úa tâm hồn không nhất thiết phải đao to búa lớn b. Có khi chỉ là những lời nhận xét tiêu cực khiến những tâm hồn thơ ngây bị tổn thương và cứ lặp đi lặp lại vết thương đó. Rồi lớn lên, khi gặp những quyết định quan trọng, đứa trẻ cũng sẽ có thói quen không chia sẻ, không nhờ vả, mặc nhiên tự quyết và khi ấy thì bố mẹ chúng lại la lên là sao con chẳng chịu chia sẻ hay nói chuyện gì của con cho bố mẹ biết thế?
Sự nuôi dưỡng ổn định, tự do, thoải mái và tin tưởng là những gì trẻ em cần nhận được từ cha mẹ hay đứa trẻ bên trong mong muốn được nhận từ chính họ trong phiên bản người trưởng thành. Có những người mắc phải khó khăn trong giao tiếp: khó nói chuyện, khó diễn đạt, không thể hiện suy nghĩ hay cảm xúc và kết quả là không nhận ra chính mình, không công nhận chính mình. Có thể bởi vì năm cậu ấy còn nhỏ, cậu đã từng bị bố mẹ phủ nhận và từ chối rất nhiều lần về sự có mặt và những lần cố gắng sửa chữa lỗi lầm của họ. Cho tới khi lớn rồi, cậu vẫn không nghĩ tới việc tin tưởng giao tiếp hay thể hiện mình với bất kỳ ai.
Có những vấn đề của tụi mình vấp phải hôm nay phần nhiều đến từ tuổi thơ không lành lặn. Có người 30-35 tuổi vẫn không thể bày tỏ cảm xúc, luôn chán chản, không nhận ra mình muốn gì, mất định hướng nghề nghiệp, không muốn hoặc sợ có con, không chịu lấy chồng, có xu hướng tiêu cực …… Tất cả đều có thể là do chấn thương từ tuổi thơ. Và chúng ta không thay đổi được cha mẹ, nhưng tất nhiên có thể thay đổi được chính mình. Và hãy học cách thay vì phán xét, đưa ra lời khuyên… ngay lập tức khi đứa trẻ bên trong cậu nói về một điều gì đó bằng việc chỉ cần ở đó và lắng nghe mà thôi.
-------------------------------
img_0