Sau cơm mưa đêm qua, cái nắng Sài Gòn dường như gắt gỏng hơn bao giờ hết. Tôi chợt nhớ về quê nhà, nơi có khu vườn xanh mướt đầy cây ăn quả với con sông quê chảy quanh, tôi nằm ngất nghểu trên chiếc võng đung đưa được mắc vào hai thân cây do, tay cầm ly nước chanh ít đường nhiều đá được vắt bằng mấy quả chanh hái vội ngoài vườn. Và ở xa xa phía cuối sân, cái bếp lò của Mẹ lúc nào cũng ngun ngút lửa, âm thanh "xèo...xèo..." vang lên rộn một góc vườn, hóa bột sống thành bánh vừa giòn vừa ngon, bánh xèo của Mẹ luôn là tuyệt vời nhất!

Nếu bạn đã từng xem qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney mang tên Ratatouille, chắn hẳn mỗi người trong chúng ta đều cảm phục trước tinh thần dám theo đuổi đam mê của chú chuột Remy, cho đến khi gặp nhà phê bình ẩm thực khó tính Anton Ego, Remy đã nấu món Ratatouille và điều làm cho Anton xúc động chính là vì món ăn này đã đem lại cho ông những ký ức về món ăn của Mẹ. Qua Anton, tôi thấy một phần của mình trong đó, và dù đã đi nhiều nơi và ăn vô số những món ngon của lạ trên đời, cho dù bếp lửa ngày xưa giờ đã được thay thế bằng bếp ga bếp điện thì đối với tôi, món Bánh Xèo Nam Bộ do chính tay mẹ tôi nấu chính là món ăn khiến tôi xúc động nhất mỗi khi nghĩ về.
Bánh Xèo không còn là món lạ, chiếc bánh vàng vàng, bên trong đầy nhân thịt, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt đã quá đỗi gần gũi với tất cả mọi người Việt Nam. Vốn là món ăn có phần suồng sã, mang đậm tính địa phương, hào sảng như chính tính cách con người Nam Bộ.

Bột Bánh Xèo ngon nhất là được xay từ gạo trộn với một ít đậu nành, thêm một tô nước cốt dừa nguyên chất. Màu vàng đẹp mắt của Bánh Xèo cũng được làm từ bột nghệ rất tốt cho sức khỏe. Phần nhân bánh được xào từ măng tươi và thịt, kèm một chút hành lá và tiêu cho thơm, nêm nếm vừa ăn.



Người dân quê không gọi là chiên Bánh Xèo mà gọi bằng từ “đổ Bánh Xèo”. Bánh Xèo muốn ngon phải đổ đều tay thì bánh mới mỏng và giòn. Bột bánh vừa chín thì cho nhân bánh vào, gấp bánh lại rồi mang để ra dĩa.




Muốn ăn Bánh Xèo ngon nhất định phải pha nước chấm ngon, nước mắm được pha bằng tỏi ớt xay nhuyễn thêm ít nước cốt chanh tươi, khi pha tuyệt đối không được quên câu thần chú “ba nước một mắm”, tức là với mỗi muỗng nước mắm cho vào thì nhất định phải thêm ba muỗng nước tương ứng thì nước mắm mới thơm ngon hảo hạn.

Rau sống ăn kèm Bánh Xèo cũng rất phong phú, nhưng đã về quê thì nhất định phải ra vườn, dạo một vòng là có thể gom được một rổ rau sống tươi ngon đủ loại, nào rau muống, rau thơm, lá cóc, lá xoài non… 

Để ăn Bánh Xèo sao cho ngon cũng là một nghệ thuật, Bánh Xèo nóng hổi, cuốn thêm rau tươi, chấm nước mắm mới pha rồi cho hết vào miệng, cảm nhận được cái giòn của da Bánh, cái vị ngon ngọt của nhân Bánh, vị thơm của rau mới hái và vị chua ngọt của nước mắm. Đã có lúc tôi từng nghĩ trên đời này không còn gì có thể sánh bằng món bánh này.

Bánh Xèo của Mẹ tôi là được học từ Bà Nội. Chị em chúng tôi thường nghe Mẹ kể lại rằng ngày xưa khi vừa theo Ba về nhà đã được Bà Nội chỉ ngay cách làm món Bánh này. Giờ đây, khi Bà Nội đã già không còn đủ sức để “đổ Bánh Xèo” nữa thì Mẹ lại chỉ cho hai chị em tôi cách làm. Thật ra, cái cách mà những người phụ nữ thuộc nhiều thế hệ trong cùng một mái nhà chỉ nhau làm một món bánh cũng hay lắm, tựa như một nét văn hóa gia đình luôn được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Sau này, nếu có con gái, tôi cũng muốn được hướng dẫn con mình làm món Bánh Xèo của Mẹ, của Bà Ngoại.
Trong một lần đi du lịch từ nước ngoài về Việt Nam, đó cũng là một trong những ngày giáp Tết, Việt Kiều khắp mọi nơi lũ lượt về thăm quê hương. Cũng trong lần ấy, tôi có dịp nói chuyện với một người chị học tập, kết hôn và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, chị tâm sự: “Thật sự bây giờ chị chỉ muốn về nhà nhanh để ăn cơm của Mẹ chị nấu thôi!”. Chính lúc đó, tôi mới hiểu ra rằng, trong cuộc đời này có lẽ không chỉ tôi mà có rất nhiều người cũng giống như Anton Ego, cả đời ăn triệu món ngon cũng không bao giờ bằng được một món ăn của Mẹ. Chỉ cần về nhà với Mẹ rồi nói “Mẹ ơi! Con thèm Bánh Xèo quá!”, Mẹ nhóm bếp lên ngay.