"Tám chuyện chơi chơi" về ngôn ngữ người Nam bộ
Tết năm nào đó ở Tiền Giang, lúc đi ngang, ngó cái nhà thấy cưng quá nên tui đã chụp So với các vùng miền khác của cả nước, Nam...
So với các vùng miền khác của cả nước, Nam bộ là vùng đất mới được hình thành bởi các tiền nhân đi mở cõi, có niên đại lịch sử trên 300 năm. Từ lúc thành lập các trấn phiên, Nam bộ đã có sự hội tụ nhiều thành phần dân cư cùng nhau, do đó ngôn ngữ từ các vùng miền khác được sử dụng ở Nam bộ rất nhiều. Nam bộ có nhiều thành phần về dân cư và đa dạng về ngôn ngữ. Để giao lưu một cách thuận lợi, người dân phải hình thành nên lớp từ mới. Lớp từ này được sử dụng riêng biệt ở Nam bộ lâu dần được xem như tiếng địa phương hay nói cách khác đây chính là phương ngữ. Vùng phương ngữ Nam Trung bộ và vùng phương ngữ Nam bộ có sự giao thoa với nhau, nên ranh giới phương ngữ Nam bộ được tạm xác định từ Đồng Nai, Sài Gòn và trải dài cho đến mũi Cà Mau.
Năm 1698, khi chúa Nguyễn cho lập trấn dinh ở Nam bộ, phương ngữ Nam bộ cũng được hình thành và phát triển. Còn khi xét về mặt địa lí, dân cư Nam bộ là người ở từ nhiều vùng miền khác nhau, đến vùng đất này sinh sống và phát triển: người Việt từ miền Trung theo chân chúa Nguyễn Nam tiến, hoặc họ có thể là nhóm những lưu dân miền Bắc vào Nam để tìm miền đất mới (đây là nhóm dân cư tự phát, do cuộc sống khó khăn họ rời bỏ quê hương để tìm vùng đất mới), hoặc là người Hoa từ Trung Quốc sang (do họ không chịu thuần phục triều đình nhà Thanh).
Tám chơi chơi về cách đặt tên địa danh
So với cha ông ở miền ngoài trước đây: làng quê là một đơn vị công xã, ruộng đất công đời đời chi phối nên không gian làng thực sự thiêng liêng gắn bó. Còn khi Nam tiến, đời sống của họ có nhiều thay đổi, đồng ruộng cò bay thẳng cánh, đất đai tha hồ khai phá. Tuy cũng có địa chủ, tá điền nhưng đất công rất ít, vả lại, nếu địa chủ o ép quá, họ sẵn sàng vứt bỏ, tìm mảnh đất khác khai phá sinh sống. Bởi đó, trong cái làng của người Nam bộ, tính chất dòng tộc không chi phối nặng nề nữa. Có thể xem đây là một nơi mà con người tụ lại từ bốn phương. Lớp từ vựng phương ngữ Nam bộ phản ánh rõ nét tư duy của người đồng bằng Nam bộ là lớp từ thể hiện việc đặt tên đất, tên làng, tên sông, tên chợ... Những cách định danh này phản ánh khá rõ nét đặc điểm, tình hình của vùng đồng bằng sông nước. Tất cả các tên địa danh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu hết có mô hình "Cái + x": Cái Rạch, Cái Nước, Cái Răng, Cái Mơn, Cái Mới, Cái Đầm, Cái Cồn,... Cách gọi này cũng thể hiện được nét giản dị, mộc mạc mang tính chất dân dã, thân quen.
Tám chơi chơi về dấu ấn sông nước trong ngôn ngữ
Sông nước là thứ không thể tách rời đối với cuộc sống người dân Nam bộ. Nó ăn sâu vào tiềm thức và gắn liền với phong cách sống của con người nơi đây, từ cái ăn, thức uống, nơi ở đến đời sống sinh hoạt tinh thần. Riêng diễn tả sự vận động của nước, người Nam bộ xài biết bao nhiêu là từ: nước lên, nước xuống, nước nằm, nước lớn, nước ròng, nước lũ, nước lụt, nước rút, nước bò, nước nhảy, nước cạn, nước giựt,... Liệt kê sơ sơ mà thấy cũng quá trời quá đất từ rồi. Ấn tượng mang nét riêng của người dân vùng sông nước là lối diễn đạt của họ trong nhiều trường hợp mang màu sắc sông nước. Ví dụ như vầy, để nói về tình trạng chìm xuống, do đã được cố ý cho qua, không giải quyết triệt để, người Nam xài từ "chìm xuồng". Ngoài ra còn có mấy từ như: phá mồi, lặn hụp, vượt cạn, tép lặn tép lội,... đều để diễn tả những tính chất, đặc trưng xã hội bằng cái nhìn của người dân miền sông nước. Nhiều từ ngữ dùng để miêu tả giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm được sử dụng như: “đầu cá dồ”, “mỏ cá hô”, “râu cá chốt”, “mặt như trái bần”, “nói như tép nhảy”… Người Nam bộ thường dùng phép so sánh kiểu: “nói vòng vo như rạch Cái Tắc”, “mần ăn kiểu nước nhảy” (chỉ sự nhanh, bất ngờ, không bền vững), “buông dầm cầm chèo” (chỉ sự tháo vát, linh hoạt), “ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi” (chỉ sự tham ăn, lười biếng)...
Trong cách nói của người miền ngoài, người ta thường hay gọi hai người đàn ông cùng làm rể trong một gia đình là "đồng hao", hay "anh em đồng hao", "anh em bạn rể". Còn trong cách nói của người Nam bộ, người ta hay gọi "anh em cột chèo" ("anh em cọc chèo"). Cách gọi này có thể xuất phát từ tình huống sinh hoạt trên ghe ở thời kỳ chưa có động cơ. Các ghe này thường có hai cột chèo, được gắn đối diện ở phía trước và sau ghe kết nối với hai chèo dài để hai người đứng chèo (chèo mũi, chèo lái) cho ghe di chuyển. Mà cái công việc đi ghe như vầy thì chỉ có cánh đàn ông mới đủ sức, đủ lực đảm đương nổi, thành ra hai người đi chung này xem như anh em.
Đọc thêm:
Tám chơi chơi về cách phát âm
Nói về cách phát âm, người Nam có thiên hướng chọn lấy sự thoải mái, đơn giản. Về phụ âm đầu, người Nam bộ thường không phân biệt "s" và "x". Ví dụ: "bổ sung" được đọc thành "bổ xung", hoặc "vô duyên" thành "dô diên", "cá rô" thành "cá gô". Âm đệm trong phương ngữ Nam bộ hầu như không có, ví dụ như "Loan" đọc thành "Lon", "Thủy" thành "Thỉ". "bệnh" thì thành "bịnh", "nướu răng" thì thành "nú răng". Cách phát âm nhìn chung đơn giản, không cầu kỳ.
Phương ngữ Nam bộ nói chung, phương ngữ vùng đồng bằng nói riêng còn giữ lại một lớp từ cổ của tiếng Việt mà ngày nay phương ngữ Bắc bộ, tiếng Việt chuẩn không còn hoặc ít sử dụng. Điều này có thể lý giải là do lớp cư dân tổ phụ của người Nam bộ phần lớn là người Bắc Trung bộ. Vùng này hiện nay theo những cứ liệu ngữ học thì cho thấy còn khá nhiều yếu tố phương ngữ tương tự với vùng đồng bằng sông Cửu Long: ngộ (dễ nhìn), coi (xem), cậy (nhờ), méc (mách), hun (hôn), thơ (thư), nhơn (nhân),.....
Về đặc trưng ngữ âm, người Nam chủ yếu xài có 5 thanh điệu, trong đó thanh HỎI thật ra tương đương với thanh NGÃ. Đặc điểm này khiến cho người Nam thường viết sai chính tả ở hai thanh HỎI - NGÃ hơn so với người Bắc. Các cặp phụ âm đầu R - D/GI, S - X, TR - CH được chia tách tương đối rõ. Đặc điểm này khiến cho người Nam bộ ít viết sai chính tả ở các phụ âm này hơn so với người ở miền Bắc. Tuy nhiên, mức độ chia tách không đều. Ở một số nơi có tiếp biến với tiếng Hoa (Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...), phụ âm ngoặt lưỡi R biến thành phụ âm G hoặc J: "Bắt con cá gô bỏ dô gổ nó nhảy gồ gồ" (Bắt con cá rô, bỏ vô rổ, nó nhảy rồ rồ).
Tám chơi chơi về hiện tượng biến âm
Xưa nay, ở vùng đất miền Trung trở về trong hay xuất hiện những từ “kỵ húy” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà ít người để ý đến. Đó là những từ kỵ húy chủ yếu liên quan tới vua chúa triều Nguyễn, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gầy dựng xứ Đàng Trong. Trong khi người dân Xứ Đàng Trong tha hồ gọi tên húy của các vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì họ bị quy định hết sức ngặt nghèo trong viết hay nói các từ trọng húy của vua chúa nhà Nguyễn. Do đó mới có mấy kiểu biến âm vì kiêng kỵ: "phụng" (phượng), "phước" (phúc), "kiểng" (cảnh). Người Nam gọi màu hồng thành màu hường, nói nhiệm chức thay vì nhậm chức để tránh tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức. Làng Tân Kiểng xưa (Bây giờ còn Đình Tân Kiểng và chợ Tân Kiểng ở Phường 2, quận 5, Sài Gòn) vốn có tên là Tân Cảnh (trùng tên húy Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả vua Gia Long). Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có bài hát mang tên "Lên Đàng". Đàng là từ người miền Nam nói trại từ Đường (tên vua Đồng Khánh – Nguyễn Phúc Ưng Đường). Chữ Đường trong "thiên đường" cũng được nói trại thành "thiên đàng".
Tám chơi chơi về chuyện xưng hô
Về những danh từ nhân xưng hồi xưa, ngôn ngữ Sài Gòn xưa có "toa" (anh, mày – toi), "moa" hay "mỏa" (tôi, tao – moi), "en" hay "ẻn" (cô ấy, chị ấy – elle), "lúy" hay "lủy" (anh ấy, hắn – lui), "xừ" hay "me-xừ" (ông, ngài – monsieur)… Học trò trường Tây, những nhà trí thức khoa bảng hay cả những kẻ tỏ ra “thời thượng” ngày xưa thường dùng những đại từ này. Cũng vì thế có một câu mang tính châm chọc: “Hôm qua moa đi xe lửa, buồn tiểu quá nên moa phải đái trên đầu toa” (toa ở đây có 2 nghĩa: toa xe lửa nhưng cũng có ý là toi (anh) trong tiếng Pháp).
Trong quan hệ thứ bậc của các người con trong gia đình, người Nam không gọi người con đầu tiên là "anh cả", "chị cả" mà sẽ gọi là "anh hai", "chị hai"". Có ý kiến lý giải là, xuất phát từ tập tục Nam tiến xưa, nhiều gia đình để người con cả ở lại chăm nom phần còn lại của gia đình, nên trong số những người con tiên phong vào Nam, không có người con "cả". Như vậy, anh hai trong cách gọi của người Nam bộ, là anh cả, còn anh hai trong cách nói Bắc bộ, thì người Nam gọi là "anh ba". Có một cách lý giải nghe cũng hay hay khác, đó là xuất phát từ tâm lý sợ cọp. Có rất nhiều câu chuyện kể về việc những lưu dân thế hệ trước bị cọp bắt, cọp vồ ở khắp các vùng đất Nam Bộ như: Ðồng Nai, An Giang, Cà Mau,… Những người con trưởng, con cả trong gia đình bị cọp ăn thịt dẫn đến nỗi sợ hãi trong dân gian, không dám gọi con trưởng là con cả vì sợ xui rủi. Cũng cần nói thêm rằng, người dân miền Nam đã sáng tạo rất nhiều từ những “giá trị văn hoá” gốc của miền Bắc, việc gánh vác gia đình, phụng dưỡng tổ tiên của cư dân miền Nam không còn là vị trí độc tôn của người con trưởng, mà thường giao người con út. Từ đó có quan niệm “giàu út ăn, nghèo út chịu”. Người con út trở thành trụ cột trong gia đình, lo phụng dưỡng cha mẹ già, thờ cúng tổ tiên; nhiều người thứ út cũng được đặt tên Út, thậm chí còn sáng tạo: Út Tám, Út Chín, Út Mười, Út Thêm, Út Nữa, Út Chót, Út Hết…
- Út Thêm, lấy cho anh hai cái áo coi...
- Dạ, hai.
- Tết anh hai về, ở nhà ráng học ngoan đó nghen!
Còn nữa, người miền Tây hay gọi chị là "chế", gọi anh là "hia". "Chế, hia" là cách xưng hô xuất phát từ cách gọi chị, anh của người Hoa mà trong dòng giao thoa mạnh mẽ của 3 tộc người Việt-Hoa-Khmer đã hình thành một loại văn hoá xưng hô đặc trưng bản sắc chung của đất Tây Nam bộ.
Cũng giống như một số tỉnh miền Trung, người miền Tây Nam bộ không dùng đại từ tôi để xưng hô với con cháu và ngược lại, con cháu cũng không bao giờ xưng tôi với người lớn tuổi hơn mình. Nếu người nhỏ tuổi, vai vế nhỏ hơn xưng tôi với người lớn tuổi hơn, vai vế cao hơn sẽ bị đánh giá là xấc xược, hỗn láo. Người miền Tây Nam bộ chỉ dùng biến thể của "tôi" là "tui" để xưng hô và có sự phân biệt sắc thái rất rõ ràng giữa tôi và tui.
Nói chuyện xưng hô chợt nhớ ra một chuyện vui tui có lần được đọc. Ở Nam bộ, từ "dượng" là từ xưng gọi phổ biến để gọi đối tượng là nam, có quan hệ hôn nhân với dì hoặc cô mình. Ví như mẹ tui thứ tư trong nhà ngoại, thì tui gọi dì thứ ba là "má ba", còn chồng dì tui thì tui gọi "dượng ba". Hoặc chồng của cô út bên nhà nội tui, tui gọi là "dượng út". Cái này hoàn toàn khác với từ "dượng" trong phương ngữ Bắc bộ, vốn được dùng để chỉ "cha sau" (cha ghẻ) - tức không phải cha ruột. Trong giao tiếp Nam bộ, người ta cũng gọi những người nam không quen biết, nhưng để tỏ ý tôn trọng, xem như thân quen, thì vẫn gọi là "dượng". Số là, có anh chàng vốn là tay ăn chơi có máu mặt ở trần gian, khi "ngủm" (qua đời), chết xuống dưới được đưa đi gặp Diêm Vương. Diêm Vương đang lúc bị bà xã giận, mặt mày ủ rũ buồn bã. Lúc này anh chàng mới nghĩ ra một cách để lấy lòng, khi mới vào gặp, bèn hồ hởi: "Dạ thưa, dượng Chín mạnh giỏi".
Nghe câu chào gọi dượng, Diêm Vương mới nghĩ thầm "Mèn đét ơi, nó là cháu của vợ mình thiệt sao", nên vào hỏi vợ, cốt để tìm chuyện gợi cho vợ nói chuyện để làm lành. "Bà ơi, bà có thằng cháu nào ở dương gian hông, mà nó gặp tui nó kêu dượng". Vợ Diêm Vương đang quạu quọ trong người, gắt gỏng: "Vậy chớ ông tưởng tui dưới đất nẻ chui lên hay sao mà không có bà con dòng họ con cháu?". Diêm Vương nghe vợ nói vậy, vội vội vàng vàng chạy ra ngoài, bảo bọn quỷ canh gác: "Tụi bây mau đưa nó về dương trần... Lẹ lẹ dùm tao cái, tao mà đụng tới nó thì bả giết taooo...". Thế là nhờ từ "dượng" mà anh chàng này thoát chết.
Đọc thêm:
Kết
Tính cách nổi bật của người Nam bộ được thể hiện ở cái tư tưởng cởi mở, phóng khoáng, hào sảng. Thành ra cái lối nói chuyện cũng chân chất, hồn nhiên, ít khi rào trước đón sau. Mà cách nói chuyện hằng ngày cũng hướng tới sự đơn giản, không cầu kỳ, từ cách phát âm giản lược cho đến việc lựa chọn từ ngữ sử dụng. Nhìn chung, các yếu tố ngôn ngữ của người Nam bộ đã phản ánh được tư duy của họ. Đó là lối tư duy không nặng quy tắc, thể chế. Đó cũng chính là nét tính cách lạc quan, yêu đời, bình dân, mộc mạc. Các yếu tố hình thành tiếng Việt Nam bộ cũng là những yếu tố hình thành tập hợp cư dân ở nơi đây: di dân người Việt, người Chăm, người Khmer, người Hoa. Người Pháp, người Mỹ, mặc dù đã rút đi sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng cũng đã để lại nơi đây những dấu ấn sâu đậm về ngôn ngữ và văn hoá. Các nhóm cư dân ấy đã cung cấp cho nhau vốn liếng ngôn ngữ sẵn có của mình, đồng thời cùng nhau sáng tạo, phát triển vốn liếng ngôn ngữ sẵn có để nó có thể phản ánh không gian văn hoá mới và các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội gắn liền với không gian văn hoá mới.
Nguồn tham khảo 1. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/1383-ly-tung-hieu-tieng-viet-nam-bo-lich-su-hinh-thanh-va-cac-dac-trung-ngu-am.html
2. Huỳnh Công Tín (2014), "Chuyện chữ nghĩa", NXB văn hóa - văn nghệ.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất