HOW WE DIE? Một lần đọc để Hiểu về sự “chết”
Ông hiểu rõ và mô tả kỹ về tiến trình bệnh, cũng như những sự thật không hề đẹp đẽ của chính quá trình đi đến cái chết, chứ không riêng gì bản thân cái chết.
“Hiểu về sự chết” là một cuốn sách mà mình tâm đắc từ những chương đầu tiên cho đến tận Lời bạt cuối cùng. Vậy nên, mình mong là những chia sẻ của mình về cuốn sách này sẽ mang lại cho các bạn thêm một gợi ý hay ho và chất lượng cho reading list gối đầu giường. Bây giờ thì bắt đầu review thôi!
Dưới đây là một số điểm chính mà mình sẽ đề cập trong bài review:
1. Thông tin về sách
2. Nội dung chính của sách
3. Những điểm hạn chế của sách
4. Những điểm hay của sách
5. Tổng kết
1. Thông tin về sách
Tên sách: Hiểu về sự chết: Phân tích khoa học về chương cuối đời người
Tên tiếng Anh: How we die: Reflections on Life’s Final Chapter
Tác giả: Sherwin B. Nuland
Dịch giả: Đặng Ly
Phát hành: NXB Thế giới
Số trang: 478
Tác giả: Sherwin B. Nuland
Dịch giả: Đặng Ly
Phát hành: NXB Thế giới
Số trang: 478
2. Nội dung chính của sách
Nội dung của sách được chia thành 12 chương và tập trung phân tích về 7 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cái chết, bao gồm: tuổi già, bệnh ung thư, bệnh AIDS, bệnh Alzheimer, tai nạn, bệnh tim và đột quỵ. Có thể nhiều người chết vì những nguyên nhân hay căn bệnh khác, nhưng cơ chế dẫn đến cái chết nhìn chung vẫn ít nhiều liên quan đến một trong 7 nguyên nhân chính trên. Vậy nên, khi hiểu về nguyên lý hoạt động của 7 nguyên nhân trên - từ lúc khởi phát, có những dấu hiệu đầu tiên, cho đến khi chúng kết thúc cuộc đời của một người - chúng ta hầu như sẽ phân tích được nguyên nhân của những cái chết khác. Tuy tác giả sử dụng giọng văn khá nhẹ nhàng, nhưng ông cũng phân tích một cách trần trụi và chân thực về hình ảnh của những cái chết, đến nỗi nhiều lúc khiến mình cảm thấy như quá trình đó đang diễn ra trước mắt vậy.
Nội dung sách không chỉ phân tích 7 con đường dẫn đến cái chết và sự tàn phá về mặt thể chất của chúng, trong suốt hành trình dài 478 trang của mình, tác giả còn miêu tả những thay đổi về mặt tâm lý của chính người bệnh và người nhà của họ, từ hy vọng cho đến lo sợ, bất an, cô đơn, và tuyệt vọng. Bằng kinh nghiệm trong ngành y, cũng như quá trình dài tiếp xúc với nhiều cái chết của bệnh nhân và người thân của chính mình, tác giả giúp chúng ta nhận ra rằng cái chết không hề đẹp đẽ, thậm chí nó còn đau đớn và nhục nhã. Tuy nhiên, cũng chính từ quá trình đi đến cái chết, chúng ta cũng được nhìn thấy những con người dám đối diện với cái chết của mình một cách đầy phẩm giá.
Một trong những đoạn khiến mình cảm động nhất chính là đoạn tác giả kể về Bob DeMatteis, một bệnh nhân ung thư ruột, và bữa tiệc Giáng Sinh cuối cùng trước khi ông qua đời (Carolyn là vợ của Bob). Mặc cho căn bệnh tàn phá, đến mức ông phải truyền thuốc qua đường hậu môn, Bob vẫn muốn mọi người nhớ đến ông trong bộ dạng của một quý ông niềm nở và lịch thiệp.
Bob đã khiến cho mọi việc đêm đó diễn ra suôn sẻ. Anh bảo Carolyn giảm bớt dòng điện đi để khách khứa không nhìn thấy làn da vàng đầy vẻ chết chóc của mình trong ánh sáng lờ mờ. Trong bữa tối, anh ngồi ngay đầu bàn ồn ào, vui vẻ, và vờ ăn uống, mặc dù đã từ lâu anh không còn có thể ăn đủ thức ăn để giữ cho dinh dưỡng hợp lý. Cứ hai giờ một lần, trong cái đêm dài dặc đó, anh khó nhọc lê mình vào bếp để Carolyn tiêm cho anh một liều morphine giảm đau. Khi tất cả khách khứa nói lời tạm biệt - quá nhiều bạn bè lâu năm và hàng thập kỉ không gặp lại - và Bob đã quay về giường, Carolyn hỏi anh thấy tối đó thế nào, cô vẫn nhớ chính xác từng lời của ông: “Có lẽ là một trong những Giáng sinh tuyệt nhất anh từng có.” Rồi anh nói thêm, “Em biết đấy, Carolyn, em phải sống trước khi em chết.
Sự đan xen của nhiều cung bậc cảm xúc và những câu chuyện rất đời được tác giả kể lại cũng cho ta hiểu hơn về bản chất của cái chết, giúp ta bớt kỳ vọng vào một cái chết đẹp đẽ, và chấp nhận cái chết như một đích đến của cả một quá trình sinh, lão, bệnh, tử.
Cuối cùng, bên cạnh những mô tả chuyên môn về những căn bệnh thường gặp và cơ chế dẫn đến cái chết của những nguyên nhân khác như tự tử, tai nạn, và án mạng, tác giả còn chỉ ra những bất cập trong hệ thống y tế của nước Mỹ. Không chỉ ở Mỹ, mình tin rằng những bất cập đó vẫn đang tồn tại ở Việt Nam. Đó là mặt trái của những tiến bộ của y học trong việc kéo dài sự sống của con người một cách vô nghĩa bằng máy móc; sự tự phụ của một số bác sĩ trong quá trình điều trị, chỉ tập trung vào chuyên môn mà quên mất cảm xúc của bệnh nhân; và cả sự cần thiết của mô hình bác sĩ gia đình.
Cuối cùng, bên cạnh những mô tả chuyên môn về những căn bệnh thường gặp và cơ chế dẫn đến cái chết của những nguyên nhân khác như tự tử, tai nạn, và án mạng, tác giả còn chỉ ra những bất cập trong hệ thống y tế của nước Mỹ. Không chỉ ở Mỹ, mình tin rằng những bất cập đó vẫn đang tồn tại ở Việt Nam. Đó là mặt trái của những tiến bộ của y học trong việc kéo dài sự sống của con người một cách vô nghĩa bằng máy móc; sự tự phụ của một số bác sĩ trong quá trình điều trị, chỉ tập trung vào chuyên môn mà quên mất cảm xúc của bệnh nhân; và cả sự cần thiết của mô hình bác sĩ gia đình.
3. Những điểm hạn chế của sách
Vì đây là một cuốn sách về chủ đề y học, nên sẽ khó tránh việc sử dụng và lặp lại nhiều các từ vựng chuyên ngành. Tuy tác giả có giải thích một số từ, nhưng mình nghĩ nếu có thêm kiến thức nền về sinh học thì sẽ dễ hiểu và thấy cuốn sách thú vị hơn. Thực ra thì ban đầu mình cũng không định đọc vì tựa sách “How we die” nghe khá chuyên ngành cũng như kém hấp dẫn, nhưng vì đứa em ôn thi khối B của mình ép dữ quá nên mình mới đọc thôi. Cũng thật may là nhờ vậy mình mới biết đến cuốn sách hay như thế này.
Điểm trừ thứ hai là nội dung của cuốn sách có thể khá là khó theo dõi vì cuốn sách dài gần 500 trang, nhưng chỉ chia ra 12 chương và trong mỗi chương không có thêm đề mục nhỏ nào. Để khắc phục thì các bạn có thể làm như mình là sử dụng một cây bút để đánh dấu và ghi chú những ý chính.
4. Những điểm hay của sách
Với mình, kiến thức chuyên môn và cách kể chuyện lôi cuốn của tác giả chính là chất liệu tuyệt vời nhất để ông viết nên cuốn sách này. Ông hiểu rõ và mô tả kỹ về tiến trình bệnh, cũng như những sự thật không hề đẹp đẽ của chính quá trình đi đến cái chết, chứ không riêng gì bản thân cái chết. Đó là chứng lở loét vì nhiễm trùng, chứng tiêu chảy, chứng suy dinh dưỡng, những thứ thường hay bị che giấu. Với tác giả, càng che giấu, chúng ta lại càng thêm kỳ vọng vào một cái chết đẹp để rồi hoang mang và tuyệt vọng khi bước đến chương cuối của cuộc đời. Chỉ có hiểu rõ về bản chất của cái chết, chúng ta mới có thể chuẩn bị tâm thế để đối diện với chúng, như cách mà Bob đã đối diện với cái chết của ông.
Nói về giọng văn thì mình tin rằng dịch giả của “Hiểu về sự chết” thực sự đã làm rất, rất xuất sắc. Có rất nhiều chỗ dịch giả dịch rất mượt và cảm động, thậm chí có những đoạn hay từ câu từ cho đến nội dung, khiến mình phải đọc lại 2-3 lần cho thấm (điển hình là bài thơ ở phần cuối của cuốn sách, mình sẽ để hình ở bên dưới).
5. Tổng kết
Mình mong là những chia sẻ vừa rồi có thể mang lại cho bạn một cái nhìn tổng quát về nội dung cũng như những điểm hay và chưa hay của cuốn sách “Hiểu về sự chết” của tác giả Sherwin B. Nuland. Mình viết bài review này một phần là để chia sẻ, một phần là để lưu giữ lại những cảm xúc mãnh liệt nhất dành cuốn sách, trước khi mình kịp quên đi là mình đã từng đọc một cuốn sách hay như thế.
Cuối cùng, đừng bỏ qua cả Lời giới thiệu và Lời bạt, vì “Hiểu về sự chết” thực sự thấm đến tận những trang cuối cùng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất