Hồi nhỏ tôi cá là cô nào cũng từng có mơ ước làm hoa hậu. Nhưng thói đời, mơ ước thường không tỷ lệ thuận với sự thật. Càng những đứa mong ước làm hoa hậu, lớn lên lại càng hay tự ti về ngoại hình của nó. Chính vì càng tự ti, nên chúng nó càng khó thể thành hoa hậu
Lý thuyết tưởng chừng rất đơn giản, hiển nhiên như việc ăn bún đậu là phải chấm cùng mắm tôm. Vậy mà để hiểu ra điều này, tôi phải nghiên cứu biết bao nhiêu truyện tranh, tiểu thuyết, hội họa, thậm chí đọc cả các-mác lê-nin rồi mới có thể tự trả lời. Đúng là ở đời để tự thân đạt được điều gì, phải đòi hỏi nhiều lắm sự nỗ lực
Quay trở lại chuyện bông hậu. Đã có lúc tôi tự hỏi bọn con gái có thật muốn làm bông hậu không nhỉ? Bởi chúng nó vắt mũi còn chưa sạch thì biết gì về bông với chả hậu
Tôi ngẫm nghĩ một hồi nhưng giờ không đến nỗi mất nhiều thời gian để có câu trả lời như trước (vẫn phải xin cám ơn các mác một lần nữa đã giúp đầu tôi nhảy số lanh lẹ hơn)
Thì câu trả lời chính là…từ chính người dạy chúng nó!
Bằng một cách nào đó người lớn vẫn hay cho rằng, hoa hậu là sẽ gắn liền với tiền tài, danh vọng, người đưa kẻ đón, nhà lầu xe hơi. Tựu chung là thượng lưu, là đẳng cấp. Bạn sẽ chẳng thể tưởng tượng nổi, hình ảnh một cô hoa hậu đi dép cao su Bác Hồ, áo thì rách nách, quần mặc sờn cả đít, chỉ chờ khi ngồi xổm là toang nửa cặp mông. Tôi bảo bạn đấy là điều không thể xảy ra trong cuộc đời này. Nó cũng phi thực tế như một đứa nhân viên văn phòng lương vài củ muốn làm triệu phú Forbes under 30
Cũng chính vì thế mà “người lớn” đã ghim vào đầu lũ trẻ con, đặc biệt là bọn con gái, là lớn lên nhất định con phải thành hoa hậu. Ở một cách khác, đấy là phiên bản mỹ miều hơn của câu
“Mày lớn lên liệu hồn mà phải GIÀU CÓ”
Tôi được biết dạng tâm lý đó có một tên gọi rất chi là kêu, đó là NỖI ÁM ẢNH TÀI SẢN
Hiện tượng này rõ ràng nhất thường bắt nguồn ở một đất nước có lịch sử nghèo đói và lạc hậu. Cũng chính bởi cái nghèo nên nỗi ám ảnh về tiền bạc là insign bất bại trong mọi nền văn hóa. Nó đi cùng năm tháng, già cỗi như chiều dài lịch sử 6000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta
Thậm chí là hơn cả thế
Nó to lớn và kinh khủng, có tác động mạnh mẽ hơn cả HIV , Sars, Covid, Êbôla hay dịch thổ tả cộng lại. Những đại dịch khủng khiếp kia, chỉ làm cho một cơ số người chết và ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái chung. Còn nỗi ám ảnh tài sản, nó ẩn giật, lẩn khuất, tinh vi, không loại trừ bất kỳ ai, nó khiến loài người chết mòn, thậm chí đến chết rồi cũng không biết được mình đã mắc bệnh

Thật khủng khiếp!

Thế nên thay vì gọi với cái tên kia, tôi xin gọi nó với cái tên dịu dàng và trìu mến hơn, đó là căn bệnh chết trước khi kịp sống, nói cách khác là căn bệnh chưa kịp già đã chết
Xét cho cùng thường người ta chỉ nói hay nhất, khi câu chuyện đó gắn đến đời mình.Thế nên xin phép không phân tích insign nữa mà quay trở lại câu chuyện của tôi
Mấy hôm nay, tự dưng thế nào, tôi đọc lại được bài viết về cô hoa hậu rạng háng trên máy bay, cô ấy hút phì phèo điếu thuốc lá, rồi cô ấy yêu ai, mến ai, đi chơi với ai, đang làm gì … Quá nhiều thông tin khiến tôi cũng chẳng nhớ hết
Quan trọng là khi nhìn những hình ảnh gần đây của cô ấy, thay vì ấn tượng bởi ngực căng mông tràn, thì đôi mắt đau khổ là điều duy nhất còn đọng lại trong đầu tôi. Bạn có thể trưng diện cả tá hàng hiệu, hay có dát cả triệu tấn vàng lên người thì cũng chẳng che dấu nổi sự tổn thương nơi đáy mắt
Những cô hoa hậu ấy, họ đều bị gán mác. Mà ai đã bị gán mác rồi cũng sẽ khổ nhiều. Ở đời chẳng phải muốn có được điều gì thì phải trả giá một điều tương ứng sao. Tự vấn lương tâm, tôi nghĩ mình không chịu được khổ, thế nên ước mơ dang dở năm xưa xin phép được gác lại ở kiếp này
Thú thật là ở thì hiện tại (tiếp diễn) tôi vẫn đang mặc cái quần rách đũng cũ mèm và bạc thếch mua từ chục năm trước, nó rất mát và dễ chịu. Tôi thấy mình là người may mắn! Nhưng cũng thật đáng thương cho những ai không được trải nghiệm cảm giác thênh thang. Nó thật sự rất Yô – mốt
Đó là sự tự do đích thực!
Nói đến đây tôi mới chợt nhớ ra trong ngăn kéo tủ tường, còn sơ cua thêm chục cái quần rãnh đũng với đủ các sắc màu và họa tiết khác nhau
Tôi nghe thấy âm thanh của sự mong ngóng, hình như chúng đang chờ được trưng diện