8h : ăn sáng no nê rồi, mở máy lên làm việc thôi. Cơ mà trước tiên mở nhẹ cái tab facebook rồi làm ngụm cà phê thư giãn cái đã.
9h: Phù, căng đầu quá, lướt qua tab face coi có gì mới không, giải trí một ít rồi làm tiếp.
9h30: Ting! hình như có ai mới tag mình vào bài viết mới, vào check một tí mới được.
10h: Hình như hôm qua có phốt XYZ chia tay thì phải, lên search để coi chi tiết xem như nào.
11h: Quên mất, để inbox A coi tối nay đi quẩy chỗ nào.
11h30: Thằng B check in Đà Lạt kìa, sướng quá, còn mình phải ngồi đây với mớ giấy tờ chán ngắt này.
12h: chết tui rồi, mớ giấy tờ mới vơi đi một ít, mà tới giờ nghỉ trưa mất rồi. Thôi, hạ quyết tâm ngủ trưa dậy sẽ làm cho xong việc.
Bạn có thấy quen không? quen quá đi chứ. Cứ làm 1 tiếng là phải check face 15 phút. Nỗi lo lắng bị tụt hậu, sợ khi mình đang ngồi làm thì có biết bao nhiêu thứ thú vị đang trôi đi ngoài kia, ước ao khi thấy đứa bạn của mình đang đi du lịch Đà Lạt, Phú Quốc, Maldives,….
Nhưng có một tin vui là không chỉ mỗi mình bạn cảm thấy như vậy đâu. Cảm giác nghiện được biết và thèm những thứ mình không có phổ biến đến nỗi mà nó được đặt cho một tên gọi hẳn hoi “Fomo”.

Giải thích coi, FOMO là gì mậy?

Khoan vội nào, tại vội quá nên mới bị Fomo đấy. Đùa thôi, thực ra Fomo có từ rất lâu rồi. Kể từ những ngày đầu khai sinh ra kỷ nguyên truyền thông và quảng cáo.
Những chuyên gia về lĩnh vực này đã sớm “bắt bài” được điểm yếu trong tính cách của mọi người và âm thầm lợi dụng nó để sinh lời (xin lỗi mấy anh quảng cáo).
“Giảm giá chỉ còn một ngày duy nhất”, “cơ hội cuối cùng”, “những người thành đạt đều có thứ này”. Dường như bạn cũng chẳng còn lạ gì, và các từ ngữ này, như có một sức hút mạnh mẽ, đủ để khiến bạn phải chạm nút thanh toán một sản phẩm nào đó. Dù đôi khi bạn thậm chí còn không biết là mình có cần nó hay không.
Mãi cho đến năm 1996, Fomo mới được công khai rõ ràng trong bài nghiên cứu của tiến sĩ Dan Herman, người định nghĩa khái niệm “Fear of missing out” (nỗi sợ bị bỏ lỡ).
Sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng khiến cho chúng ta ngày càng có nhiều lựa chọn, nhiều đến mức khiến chúng ta không dám chọn vì nỗi sợ bỏ qua lựa chọn tốt nhất. Ý này người viết đã từng mô tả rất chi tiết trong bài “Nghịch lý của sự lựa chọn”, bạn đọc thêm nhé.
Nhưng Fomo còn rộng hơn nữa, và ví dụ sát nhất với chúng ta chính là sự so sánh xã hội. Khi mà bạn khổ sở đem cuộc sống của mình so sánh với những thứ xịn nhất mà người khác show lên mạng.

FOMO nặng sẽ làm bạn khổ sở như nào ?

1. So sánh cuộc sống bình thường của mình với cuộc sống nghìn like của người khác

Đi làm cũng check, đi chơi cũng check, trước khi ngủ cũng check, Fomo biến chiếc smartphone thành tình nhân 24/7 (tâm sự được nhưng không quất được, ây bậy quá). Có phốt gì mới là Fomo-er phải biết ngay, không thể trở nên “tối cổ”.
Fomo sẽ khiến bạn so sánh bản thân dẫn đến tự ti, dễ bị “chầm cảm” khi mà bạn bè ai ai cũng show lên face mấy cái thành tựu xịn xịn. Còn chưa kể so với thời ông bà mình, thì tỷ lệ doanh nhân thành đạt ở lứa tuổi 2x, 3x cực kỳ cao (lâu lâu đăng ảnh chụp tay cầm vô lăng, mấy cục tiền, số dư tài khoản rồi che thông tin lại,…).
Người viết nghĩ ông bà mà sống vào thời của mình thì cũng dễ “chầm cảm” thiệt chứ chẳng đùa.
Fomo giúp mạng xã hội phát triển ngày càng lớn và mạng xã hội lại gián tiếp khiến cho mọi người bị Fomo nhiều hơn. Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh con rắn tự nuốt đuôi, một vòng lặp vô tận.
Designed by freepik

2. Fomo sẽ khiến bạn thủng túi

Fomo làm bạn bị hấp dẫn bởi các mẫu quảng cáo, bằng việc lựa chọn và sắp xếp từ ngữ (như người viết đang làm đây haha). Các doanh nghiệp sẽ phù phép rút sạch túi tiền của bạn hô hô.
Lấy ví dụ điển hình nhất là đồ công nghệ, mặc dù người viết công nhận chất lượng của iphone là không thể bàn cãi. Nhưng theo khảo sát, thì một số người cân nhắc chiếc điện thoại quả táo này chỉ đơn giản là vì nó mang lại cảm giác xịn sò hơn người khác thay vì tiện ích của nó (ai nhột đừng đánh người viết nha).
Cảm giác sợ bị thua kém, khi bạn bè đều có 11 Pro Max khiến không ít người phải cắn răng vay tiền trả góp để có thể đem quả táo về up “Sì to ry” bắt trend (xong rồi ăn mì gói).
Cơ mà quan điểm của người viết là có tiền thích thì cứ xúc, tiền của bạn quyền của bạn. Nhưng nên cân nhắc là mình có thật sự cần nó không, hay là mình đang bị Fomo dụ.

3. Các mối quan hệ bị pha loãng

Bạn bè:

Fomo sẽ làm bạn cố gắng kết bạn với thật nhiều người, về mặt nào đó, thì việc mở rộng mối quan hệ sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống hơn.
Nhưng đôi khi cũng vì vậy mà chúng ta quên mất những mối quan hệ quý giá mà mình đang có. Cái gì quá cũng không tốt, nhiều mối quan hệ không chất lượng cũng mất thời gian và tốn tiền cà phê lắm, cứ vừa đủ mà xài bạn nhé.

Người yêu: 

Fomo trong tình yêu là không được đâu nhé (hư đấy).
Một Fomo-er nặng lúc nào cũng sẽ đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng thèm muốn và thấy người khác toàn diện hơn người yêu của mình.
Họ khó có được sự thỏa mãn trong các mối quan hệ và luôn cảm thấy rằng hạnh phúc đích thực của mình nằm ở nơi khác. Vừa khổ họ vừa khổ người.
Theo tiến sĩ Dan Herman: “FOMO giống như việc bạn tập trung sự chú ý vào phần không có nước trong một ly nước”.

Chúng ta có đang bị FOMO ám không ?

Hầu hết chúng ta đều bị Fomo trong cuộc sống, không nhiều thì cũng có chút chút. Kể cả người viết trước khi biết đến khái niệm FOMO cũng vậy.
Như vừa rồi người viết thấy giá vàng lên mà không kịp bắt cũng tiếc hùi hụi đấy chứ. Nhưng thôi, bỏ đi mà làm người bạn ơi, biết trước thì ai cũng giàu.
Designed by freepik

3 CÁCH ĐỂ “XÙY XÙY” CON CÚN FOMO NÀY ĐI

Thứ 1: Hạn chế chơi với mấy cá nhân hay khoe khoang

Bạn sẽ dễ cảm thấy cuộc sống bình thường của bản thân thật là “thiếu muối” khi ở cạnh những người này. Họ sẽ đăng tải những thứ hoàn hảo nhất của đời mình để mọi người chú ý và ao ước. Dù đôi khi người viết chẳng biết những gì họ khoe có phải là thật không (ai cũng có quyền show mà, nhưng mà show nhiều quá thì hơi í ẹ).

Thứ 2: Dùng mạng xã hội cho những mục đích xịn hơn

Bớt hóng drama một tí, bớt tốn thời gian theo dõi mấy đứa mình ghét 1 tí, đừng bắt chước mấy đứa suốt ngày đi soi mói người khác rồi vào dìm để mình đỡ cảm thấy kém cỏi. Người viết rất thích câu: “không nói được gì tử tế thì hãy im mồm, à nhầm, im lặng”.
Hãy theo dõi những người “xịn thiệt”, những page chuyên môn về lĩnh vực bạn đang quan tâm. Mỗi ngày đọc được những thông tin bổ ích từ các nguồn này cũng không thua gì đọc sách đâu, thậm chí còn đỡ buồn ngủ hơn(nếu bạn lười đọc sách).

Thứ 3: học cách biết ơn với hiện tại

“Hãy biết ơn chiếc xe mà bạn đang đi, dù cho nó có đang trầy xước cũ kỹ.
Hãy biết ơn bữa cơm đạm bạc mà người thân nấu cho bạn, dù nó không sang trọng như nhà hàng.
Hãy biết ơn người bạn đời đang ở cạnh ta, dù cho ở họ có những điểm khác biệt với ta.”
Chỉ với 2 chữ, cụm từ “biết ơn” sẽ giúp bạn đến gần hơn với hạnh phúc. Không phải tự nhiên mà sự biết ơn lại được nhắc đến rất nhiều trong các văn hóa, tôn giáo, lối sống đến vậy.
Designed by Diana Stoyanova

Túm cái quần lại

Fomo là một căn bệnh quốc dân mà bất cứ ai cũng đã ít nhất trải qua một lần. Nhưng không sao, người viết đã ở đây với bạn rồi. Sau khi nhận biết  được mình đã bị Fomo, bạn hãy làm theo 3 bước sau để xua đuổi căn bệnh tà ma này nhé.
1. Hạn chế chơi với bạn toxic
2. Dùng mạng xã hội vào mục đích học nhiều hơn
3. Biết ơn
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây nhé, chúc bạn may mắn.
Bình Viết Gì.