HIỂU ĐÚNG VỀ HƯỚNG NGHIỆP
Khi nghe các cha mẹ nói chuyện về việc hướng nghiệp cho con, những câu chuyện tôi thường nghe được là: “Anh chị hướng cho cháu theo...
Khi nghe các cha mẹ nói chuyện về việc hướng nghiệp cho con, những câu chuyện tôi thường nghe được là:
“Anh chị hướng cho cháu theo nghề của bố hoặc mẹ”
“Chị hướng cho cháu theo nghề x/y/z…”
“Cháu nó chọn ngành … nhưng anh chị nghĩ ngành đó không ổn định, không tốt cho con gái nên hướng cháu theo ngành ...”
“Lúc chọn trường đại học, nó đã nghe theo lời khuyên của bố mẹ. Thế mà đến lúc ra trường, bố xin cho được chỗ làm tốt bên …nhưng nó nhất quyết không chịu. Nó bảo là bây giờ con tự quyết định nghề nghiệp và cuộc sống của con. Con không muốn bố mẹ sắp đặt nữa.”
“Các con còn nhỏ nên còn thiếu kiến thức xã hội, thiếu kinh nghiệm, suy nghĩ chưa chín chắn nên mình phải định hướng cho các con chứ không nên để con tự quyết định.”
Tôi nhận thấy rất nhiều cha mẹ hiểu chưa đúng về khái niệm “hướng nghiệp”. Chính từ việc chưa hiểu đúng về hướng nghiệp dẫn tới việc cha mẹ có thể định hướng sai cho con, áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình lên con, con chọn ngành/nghề mình không thích chỉ để làm hài lòng cha mẹ, và trong nhiều trường hợp còn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên căng thẳng, xa cách do mâu thuẫn trong quan điểm chọn ngành, chọn nghề hay trong cách giao tiếp với nhau.
Trong bài viết này, tôi xin được làm rõ khái niệm “hướng nghiệp” từ góc độ của một người làm tham vấn nghề nghiệp (career coach) và trên các cơ sở lý thuyết về phát triển nghề nghiệp. Tôi mong rằng bài viết sẽ hữu ích đối với cha mẹ, thầy cô và những người đang quan tâm tới hướng nghiệp.
Hướng nghiệp không phải là hướng một người theo một ngành, nghề cụ thể.
Từ hướng nghiệp trong tiếng Anh là career guidance. Hướng (guidance) trong từ hướng nghiệp có nghĩa là hướng dẫn. Hướng dẫn là chỉ cách để một người có thể tự làm việc gì đó. Ví dụ bố mẹ hướng dẫn con cách nấu một món ăn. Hiểu một cách nôm na thì hướng nghiệp là hướng dẫn cho một người để người đó có khả năng ra quyết định lựa chọn và phát triển nghề nghiệp. Hướng dẫn là một quá trình.
Theo nhà tâm lý học người Mỹ - một trong những cây đại thụ trong ngành hướng nghiệp - tiến sĩ John Holland (1973), quá trình hướng nghiệp là một quá trình phát triển nghề nghiệp suốt đời; nó giúp học sinh có khả năng chuyển dịch thành công từ trường học tới thế giới việc làm, từ công việc này sang công việc khác, qua các giai đoạn của cuộc đời.
Theo giáo sư Sharf Richard tại Đại học Delaware (1997), hướng nghiệp là quá trình phát triển qua đó học sinh nhận thức được mối tương quan giữa sở thích, năng lực, trường học, việc làm, gia đình, các vai trò trong cuộc sống với việc lập kế hoạch học tập và kế hoạch nghề nghiệp.
Cha mẹ nào cũng mong muốn sau này con mình có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập tốt, hạnh phúc và thành công. Cách đây khoảng 20-30 năm, ổn định công việc có thể hiểu là có một công việc để gắn bó từ lúc bắt đầu đi làm tới khi về hưu. Nhưng trong thế kỷ 21, trước những thay đổi diễn ra nhanh chóng không chỉ về số lượng công việc mà cả về bản chất việc làm, cách nghĩ đó không còn phù hợp. Ngày nay, từ “ổn định” không nên hiểu là gắn bó với một công việc nhất định. Việc một người chuyển khoảng 5-10 công việc trong quãng thời gian đi làm là điều hoàn toàn bình thường. Vậy nên việc xác định một ngành, nghề để một người theo đuổi không phải là đích đến của hướng nghiệp.
Theo quan điểm của tôi, hướng nghiệp cho học sinh có thể hiểu rộng hơn là quá trình giúp cho các em học sinh có sự chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai nghề nghiệp về kiến thức, thông tin, tư duy, các kỹ năng và cả khả năng chống chịu trước những thách thức của thế giới việc làm.
Hướng nghiệp là quá trình song hành với hành trình phát triển của mỗi cá nhân
Trong các hội thảo hướng nghiệp dành cho cha mẹ do Dự án Hướng nghiệp Cánh Diều Xanh tổ chức, chúng tôi thường đặt câu hỏi “Cha mẹ nên hướng nghiệp cho con từ khi nào?” Phần lớn các cha mẹ đều đồng tình rằng quá trình này nên bắt đầu sớm nhưng băn khoăn không biết nên hướng nghiệp cho con theo từng giai đoạn như thế nào. Tôi sẽ chia sẻ về hướng nghiệp theo các giai đoạn và độ tuổi trong một bài viết khác. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được giới thiệu quy trình lập kế hoạch nghề nghiệp được ứng dụng phổ biến trong hướng nghiệp dựa trên mô hình DOTS của hai tác giả Bill Law và A G Watts, Viện Tư vấn và Giáo dục nghề nghiệp Anh Quốc.
Quy trình lập kế hoạch nghề nghiệp bao gồm 4 bước:
1. Nhận thức về bản thân (đặc điểm tính cách, sở thích, điểm mạnh, năng lực, giá trị, động lực, ước mơ/tham vọng)
2. Nhận thức về các cơ hội (các nghề, các xu hướng việc làm, các ngành học, các triển vọng nghề nghiệp)
3. Ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp và lập kế hoạch (ra quyết định, đặt mục tiêu, lập kế hoạch học tập và phát triển bản thân)
4. Thực thi kế hoạch (học tập, trải nghiệm, tích lũy hành trang nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, ứng tuyển việc làm)
Để có thể ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp thấu đáo và kế hoạch hành động hiệu quả, các em học sinh rất cần được trợ giúp. Sẽ rất khó để các em học sinh có thể tự nhận thức về bản thân, về thế giới việc làm, về thị trường đào tạo nếu không có sự hỗ trợ của những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Chúng ta đều biết rằng nhận thức là cả một quá trình. Nếu các em được hướng nghiệp từ sớm, các em sẽ phát triển các khả năng nhận thức về bản thân, về thế giới xung quanh sớm hơn và được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết. Các nhà giáo dục cho biết những gì chúng ta học được từ sớm góp phần hình thành cách chúng ta suy nghĩ và hành động, đồng thời góp phần định hình con đường nghề nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Đó cũng chính là hành trình phát triển của mỗi cá nhân.
Theo đó, mục đích của hướng nghiệp và các chương trình giáo dục nghề nghiệp là giúp học sinh có thể:
- hiểu các khái niệm liên quan tới học tập suốt đời, các mối quan hệ giữa con người với con người và lập kế hoạch nghề nghiệp
- phát triển các kỹ năng học tập, kỹ năng xã hội, ý thức về trách nhiệm xã hội, khả năng thiết lập và theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu học tập
- ứng dụng việc học vào đời sống, vào việc học tập và công việc ở trường và trong cộng đồng
Trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh, tôi nhận thấy các em trở nên tự tin hơn, có động lực hơn trong học tập và cuộc sống, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội hơn khi các em nhận ra mình có năng lực, có những thế mạnh riêng, và có khả năng tạo ra giá trị cho gia đình và xã hội.
Tôi mong rằng công tác hướng nghiệp sẽ ngày càng được chú trọng hơn nữa trong trường học và các cha mẹ có kiến thức cơ bản về hướng nghiệp để có thể đồng hành cùng con một cách hiệu quả trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp – kiến tạo tương lai.
Lê Hằng
Chuyên viên phát triển cá nhân & tham vấn nghề nghiệp
T&C Việt Nam
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất