(Bài dài một nghìn bốn trăm từ).
Theo người viết, sư Minh Tuệ đích thị là một người ''ngộ đạo'' (Tạm dịch: Là một người nhận thức được con đường lý tưởng của bản thân và quán chiếu với cuộc đời trần thế qua tâm linh).
Sư Minh Tuệ là điển hình của một người có khả năng thức tỉnh tâm linh ở khía cạnh cao hơn so với mọi người chung quanh. Tức là chỉ bằng bản năng, tâm trí mách bảo. Cộng với việc tu tập và nhận được sự giáo dục siêu nhiên từ một số người thầy, kinh sách trong quá khứ mà sư từng học tập. Đã có thể luyện được một tinh thần gang thép, chịu được nhiều khổ ải, buông được nhiều tham sân si, qua được nhiều trông gai lẫn thể xác và tinh thần mà một người bình thường trong thành thị ít ai có khả năng chịu được. Người đời bái lạy đảnh lễ thầy cũng là vì phẩm cách này.
Tuy nhiên, cần phải phân biệt được đâu là một người thức tỉnh tâm linh và đâu là một hoạt động thực hành Tôn giáo. Việc sư đi khuất thực trong suốt nhiều năm trời là một hành trình thức tỉnh tâm linh cực độ, nó mang tính cá nhân, riêng tư, đơn độc. Tự mình tìm và tự mình ra kết quả mà không cần quấy nhiễu nhân gian.
Tôn giáo thì mang tính vĩ mô hơn, là nơi để con người tụ họp lại, tham gia và tổ chức các hoạt động tâm linh cho số đông luyện tập. Đó là Hội Thánh, đó là Giáo Hội Phật Giáo.. Những người có chức sắc điều hành những nơi như vậy là các vị tăng cư sĩ, Trụ trì, sơ, thầy dòng, Linh mục, Giám mục, Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng.. Họ có trách nhiệm phát triển và giáo huấn tâm linh cho phần đông Xã hội, mà phượng tiện quan trọng để Tôn giáo có thể vận hành, ngoài giáo lý, cơ chế, phần còn lại chính là kinh phí. Từ khuôn viên, phòng ốc học tập, diện tích sinh hoạt. Từng món đồ dụng cụ, nội thất..(không thể kể hết các chi tiết). Tất cả đều phải chỉ trả bằng tiền chứ các nhà thầu thi công, nơi kinh doanh, không thể nhận lời đáp ứng bằng một câu ''chúc bình an'' là được.
Nên việc ta mượn sự khổ hạnh của sư Minh Tuệ để công kích các chức sắc Tôn giáo (Bản thân sư Minh Tuệ cũng không muốn điều đó) là một hành vi thiếu cân nhắc. Nó có thể đúng với một số người, nhưng nhìn chung thì nó chỉ khiến ta hả hê được một thời gian và vấn đề thì vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để (một lát sẽ bàn thêm).
Ở chiều ngược lại, nếu ở cương vị Tôn giáo mà đem các giới luật, giới răn để áp đặt bắt lỗi sư Minh tuệ thì đều là thuật đánh tráo khái niệm một cách lệch lạc và đầy tà kiến, vì 2 thước đo này khác nhau. Những câu nói và câu hỏi bắt lỗi như: Đã biết cái này cái kia chưa, đã tu đúng luật chưa, hay ai cũng đều đi như vậy thì lấy người đâu mà lao động gầy dựng kinh tế và lương thực.
Để trả lời thì cũng rất ngắn gọn. Ở khía cạnh Xã hội học, mỗi người đều được Xã hội chọn lọc tự nhiên và phân bổ vai trò ra nhiều khía cạnh đa dạng khác nhau. Ai rồi thì cũng sẽ có vai trò và trách nhiệm của người ấy. Một người trưởng thành thì không nên phát ngôn những câu nói nông cạn như trên, vì nó sẽ như những câu hỏi ấu trĩ thế này: Ai cũng dạy triết thì lấy đâu ra người dạy toán? Ai cũng ở nhà nấu ăn nội trợ thì lấy đâu ra người đi làm kiếm tiền? Ai cũng là chồng thì lấy đâu ra người vợ để cả hai cùng duy trì nòi giống?
Thật ra định đề của câu hỏi dạng này cũng có phần hợp lý chứ không hoàn toàn sai, chỉ cần được đặt đúng nơi đúng chỗ và đừng đưa ra những giả dụ không có thật là sẽ hợp tình hợp lý. Ví dụ trong bối cảnh Kinh tế và Tinh thần bị phân cực hóa trở nên quá khoảng cách, mọi thứ đang nghiên về Kinh tế nhưng dường như chỉ số hạnh phúc của mọi người không tăng lên mà ngày càng giảm xuống. Ở hoàn cảnh này ta có thể đặt một câu hỏi mang định đề như trên một cách hợp lý:
''Nếu ai cũng đua nhau làm kinh tế, lợi ích về vật chất. Thì còn ai là những người gìn giữ và phát huy các giá trị tinh thần''. (Có thể là một câu nói than vãn, nhưng hàm ý vẫn là đang mưu cầu chân lý chứ không xử dụng để hạ bệ người khác).
Trở về cụm từ ''Kinh tế'' khá nhạy cảm đối với các vị chức sắc Tôn giáo. Thông thường khi ta thấy vị nào có ''của'' nhiều ta sẽ tỏ lòng khinh ghét, ai có ít ta sẽ tỏ ra kính trọng. Tuy nhiên, những điều này cũng hoàn toàn dựa trên cảm tính và không có cơ sở kết luận. Vì hiện tại, không có một hạn định rõ ràng nào về việc các vị ấy phải giữ tài sản ở mức bao nhiêu là hợp lệ, hoàn toàn không có một con số trên văn bản rõ ràng (ngoại trừ các hạnh tu mang tính cá nhân ở khía cạnh thức tỉnh tâm linh). Nó lệ thuộc phần nhiều ở sự giản dị cá nhân của mỗi người (đừng nhầm lẫn với khiêm nhường). Nên thấy một vị đi chân đất đến chai sạn thì ta kính trọng, nhưng nếu thấy những vị đi xe hơi thì cũng chẳng sao. Miễn là họ hoàn thành tốt trách nhiệm ở vai trò mà họ nắm giữ là được.
Để dễ hình dung hơn về giới hạn quyền lực cũng như tài sản mà một vị chức sắc Tôn giáo có thể nắm giữ. Mình sẽ đưa ra một trường hợp điển hình về khía cạnh của môn Quan hệ Công Chúng:
Cách đây nhiêu năm, nhiều người dân đã lên tiếng vì bất bình với Chính phủ Mỹ về việc lạm dụng quyền lực lên đối với những công dân Mỹ, họ cho rằng quyền cá nhân riêng tư của họ bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Họ là những người thượng tôn pháp luật, tuy nhiên, họ cần biết được đâu là ''lằn ranh đỏ'' giữa quyền lực Chính phủ và sự tự do Dân chủ. Khi trả lời thì Chính phủ Mỹ đã vòng vo và không trả lời trọng tâm được câu hỏi, vì họ biết rõ rằng sẽ không bao giờ có một câu trả lời nào thỏa đáng cả. Vì đạo đức ở khía cạnh cá nhân sẽ không ưu tiên bằng khía cạnh đạo đức của Quốc gia, ở cá nhân thì việc gi.ết người là phạm tội ác nghiêm trọng, nhưng ở cấp độ Quốc gia sẽ khác. Nếu gi.ết người là một mệnh lệnh để bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh chiến tranh, thì trong trường hợp này gi.ết người là hoàn toàn hợp pháp.
Nhưng câu hỏi thêm: Nếu những vị chức sắc có quyền lực trong môi trường Tôn giáo lợi dụng chuyện đó để trục lợi cho bản thân thì sao? Câu trả lời của tôi cũng sẽ như Chính phủ Mỹ, đó là không có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Nó sẽ là vùng xám mịt mà tôi và bạn sẽ mãi không có được câu trả lời. Ta chỉ có thể kiểm soát bằng cách lên kế hoạch mục tiêu cho việc đó, thiết lập một cơ chế quản lý hiệu quả để giảm thiểu tình trạng và khả năng trục lợi cá nhân từ nội bộ.
Sài gòn 22/5/2024
Trân trọng.
KÍNH MỪNG LỄ PHẬT ĐẢNG.
Mai Văn Liêm
---
*Những hình ảnh đẹp, những con người đẹp. Trái đất luôn có đủ chỗ cho tất cả nếu mọi người biết cách tôn trọng lẫn nhau.