Mắt biếc là bộ phim điện ảnh được chuyển thể thành công từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Được ra mắt vào cuối năm 2019, bộ phim đã làm thổn thức bao trái tim người xem bởi câu chuyện tình đơn phương cùng những nỗi buồn thấu tận tâm can kéo dài suốt hai thế hệ. Một thứ tình yêu trong veo từ lâu đã nảy nở trong Ngạn, nó được nuôi lớn bằng những kỉ niệm tuổi thơ đẹp tựa giấc mơ nơi làng quê yên ả, và còn tưới tắm bằng những câu ca lấp lánh yêu thương do chính anh sáng tác dành cho Mắt Biếc của mình. Và rồi, cái cây tình yêu ấy đã không thể đơm hoa kết trái bởi người con gái anh yêu đã đem lòng si mê Dũng, si mê cái chốn thành đô hoa lệ, để rồi cho đến cuối cùng cô đã bỏ lỡ Ngạn. Ai nói bộ phim nào mà chả kết thúc có hậu? Ai nói người lương thiện trong phim khi đã chịu quá nhiều khổ đau rồi thì đến cuối chắc chắn họ sẽ được hạnh phúc? Mắt biếc có một kết thúc thật buồn, với tôi thì cả bộ phim có mấy phút vui vẻ ? Ngạn đã khóc thầm biết bao lần, lần nào nỗi buồn của anh cũng nhuốm màu biếc xanh, màu sắc ấy len lỏi chạm đến mọi cảm xúc của tôi nhưng mà phải đến lần xem thứ ba tôi mới bất giác nhận thức được.
Nhà quay phim Roger Deakins​ đã từng nói: “Khá dễ dàng để làm cho màu sắc trông có vẻ đẹp, nhưng để làm cho nó truyền đạt câu chuyện thì lại khó hơn nhiều”. Vậy, hãy để những giai điệu xanh biếc kia kể bạn nghe về một mối tình dang dở …
Làng Đo Đo, đồi sim xanh, một màu xanh trong trẻo, sáng bừng
Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tại ngôi làng nhỏ Đo Đo. Những kỷ niệm hai người lần đầu gặp nhau tại lớp học nhỏ, những chiều đi bên nhau vào rừng hái sim, hay những giây phút lặng lẽ ngồi dưới dàn thiên lý, tất cả đều trở thành thước phim kí ức trong veo, xanh biếc đóng khung trong trí nhớ của Ngạn và người xem. Cách phối màu đơn sắc ( tức là chỉ dùng một màu duy nhất nhưng sử dụng các Value – giá trị màu khác nhau ), cụ thể là màu xanh gần như xuyên suốt bộ phim nhưng có sự khác biệt ở từng giai đoạn trong hành trình nhân vật. Màu xanh của tuổi thơ Ngạn thật nhẹ nhàng và tươi sáng biết bao!
Trái tim Hà Lan đã rời bỏ làng Đo Đo, rời bỏ Ngạn để hướng tới chốn phồn hoa đỏ rực ánh đèn …
“Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng đốm lửa hi vọng trong tôi chưa tắt hẳn. Nó vẫn cháy dù là leo lét, bản chất của tình yêu là hi vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất.”
Màu đỏ vốn là màu của tình yêu, sức mạnh, quyền lực nhưng đồng thời màu đỏ còn mang ý nghĩa cảnh báo, một màu nguy hiểm. Phải chăng đạo diễn đang ngầm thông báo tới người xem sự thay đổi đột ngột trong hành trình nhân vật Ngạn. Màu đỏ với value thấp hòa trộn với màu đen là tông màu chính, xuất hiện chủ đạo trong những phân cảnh Ngạn đi tìm Hà Lan, trong những lần Ngạn bắt gặp Hà Lan bên Dũng,…Như con thiêu thân, Hà Lan đem hết trái tim trao cho Dũng, một người thiếu niên bội bạc, thiếu tránh nhiệm đã bỏ rơi cô ở tuổi mười bảy. Khi ấy cô mang thai Trà Long. Cứ ngỡ như tình yêu Ngạn dành cho Hà Lan sẽ kết thúc khi anh hay tin, nhưng không, chính anh đã tự trao cho mình hi vọng, cái hi vọng của anh nó cháy leo lắt như ngọn lửa đỏ kia, dai dẳng mà chẳng thể dập tắt.
Lỡ...
Ngạn lúc này mới nhận ra mình đã bỏ lỡ Hà Lan. Giây phút anh quyết định thổ lộ tình yêu ấy thực sự đã muộn màng… Cũng giống như tâm lý nhân vật, phân cảnh Ngạn quay người lại nhìn và bắt gặp Hà Lan bên Dũng, có sự chuyển màu từ đỏ sang xanh, từ sáng sang tối. Màu đỏ là một màu nguy hiểm, đúng vậy, đúng như ý nghĩa của nó, nó đã đốt rụi trái tim Ngạn, cháy thành tro, phủ đầy lên cái cây tình yêu trong lòng Ngạn, báo hiệu một kết thúc buồn?
“Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi kí thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về.”
Dũng
Dũng là nút thắt, xuất hiện làm rối tung mọi chuyện. Dũng phóng khoáng, lãng tử, biết chơi ghi ta điện làm Hà Lan si mê nhưng anh ta không hề đáng tin? Bởi vậy tôi mới đắn đo mãi, tại sao đạo diễn lại đặt anh ta vào những khung hình xanh lam? Phải chăng trong tiềm thức, tôi đã mặc định rằng xanh lam là màu của lòng tin, đại diện cho hòa bình nên tôi khó chấp nhận được điều này? Cho đến khi màu xanh ấy lặp được lại trong một không gian và bối cảnh hoàn toàn khác, tôi mới dần hiểu ra ý nghĩa đằng sau đó. Bởi vì trong một bộ phim, khi một màu lặp lại, nó có ý nghĩa nhất định; khi màu sắc thay đổi, thì ý nghĩa trước đó của nó cũng thay đổi.
Tôi đã bỏ sót mất một ý nghĩa khác của xanh lam ( xanh lam trong tiếng anh là blue – cũng có nghĩa là nỗi buồn ) Dũng xuất hiện chính là nỗi buồn đáng lo nhất , đáng bận tâm nhất của Ngạn chẳng phải sao. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa.
Một màu xanh rất khác
Ngày hôm ấy, Ngạn cùng Trà Long ( con gái Hà Lan ) lên thành phố thăm cô, nhưng ba người rơi vào tình huống vô cùng khó xử trước bạn trai “ mới “ của Hà Lan. Hà Lan đã làm tổn thương Trà Long, làm tổn thương Ngạn khi nói họ chỉ là bà con ở quê lên thăm cô. Trời mưa to, bối cảnh u ám bao trùm lên hai chú cháu. Bảng màu xanh trầm lúc này đem đến cảm giác thật lạnh lẽo, cô độc và có thể nó sẽ không còn là một màu yêu thích của ai đó nữa. Đó là cách màu sắc trong phim ảnh chạm đến cảm xúc của người xem, đôi khi chính bản thân họ cũng không nhận thức được điều ấy.
Nhưng có một khác biệt lớn ở chỗ này, bảng màu bây giờ không còn đơn thuần độc màu xanh lam nữa. Các bạn có nhìn ra màu xanh lá không ( rõ ràng nhất là ở cảnh Trà Long khóc ). Đạo diễn sử dụng nguyên tắc phối màu tương đồng ( nghĩa là kết hợp các màu cạnh nhau trên bánh xe màu để tạo để tạo ra cái nhìn đơn sắc nhưng thật sự phong phú ) để tiết lộ với chúng ta điều gì? Hay chỉ đơn giản là đạo diễn thích như thế ?
Trà Long…
Trà Long chính là một món quà ý nghĩa dành cho người xem và dành cho cả tôi – tôi luôn trách Ngạn tại sao lại chọn đau khổ về mình như thế, tại sao chọn đời đơn phương? Trà Long yêu thương Ngạn bằng thứ tình cảm cao quý, trong sáng và thuần khiết. Cũng giống như Ngạn, Trà Long yêu Đo Đo hết lòng, cô chọn Đo Đo là bến đỗ vì có Ngạn ( Ngạn hướng về Đo Đo vì đó là nơi lưu giữ kỷ niệm của anh với Hà Lan mà Dũng không bao giờ đánh cắp được điều đó). Không ít lần hai người xuất hiện bên nhau mặc những trang phục đồng màu xanh, bối cảnh xung quanh cũng man mác xanh theo. Nếu tôi được chọn cái kết cho phim, tôi sẽ chỉ dừng lại ở giây phút hạnh phúc này mà thôi, rõ ràng ai cũng nhận thấy Ngạn yêu đôi mắt biếc của Trà Long mà, Ngạn thương Trà Long, một tình thương đặc biệt. Nhưng ... đó chỉ là ảo ảnh cho thấy Ngạn quá yêu Hà Lan mà thôi. Tôi đã quá thất vọng …
Màu xanh của nước mắt, màu của nỗi buồn và sự bỏ lỡ
Nhìn bức ảnh trên bạn có muốn thốt lên “ Ngạn ơi đừng khóc ” ? Từ đầu đến giờ, tôi chỉ toàn thấy ánh mắt Ngạn buồn bã, nếu có thì chỉ ngân ngấn nước mà thôi, Ngạn chưa khóc. Nhưng thực sự làm gì có ai gắng gượng kìm nén để chịu mãi một nỗi đau cơ chứ, cuối cùng Ngạn cũng đã khóc, khán giả khóc và tôi khóc. Tôi nghĩ Ngạn phải khóc từ lâu rồi mới đúng, phải khóc ngay từ cái ngày hay tin Hà Lan mang thai con của Dũng. Mọi người nói Ngạn yếu đuối, nhút nhát nên mới bỏ lỡ Hà Lan. Không, Ngạn với tôi là một chàng trai dũng cảm hơn bất cứ nhân vật nào mà tôi từng gặp. Ngạn một mình ở Đo Đo, ngày ngày đối diện với những ký ức về Hà Lan có khiến anh đau? Ngạn từ chối người con gái duy nhất ngỏ lời được chăm sóc anh trong phần đời còn lại chỉ vì anh nuôi hi vọng ngày nào đấy, chính anh được chăm sóc cho Hà Lan? Ngạn quyết định rời bỏ làng Đo Đo để Trà Long quên anh, quên đi tình yêu nó dành cho anh? Bạn có thấy màu xanh lúc này tối như mực không? Cũng là xanh, nhưng giờ chẳng còn biếc như cái hồi tuổi thơ ở Đo Đo. Xanh lúc này thật nặng nề, u uất, phải chăng đó là nỗi lòng của Ngạn ?
Ngạn khóc trên chuyến tàu chở anh rời xa làng Đo Đo, mãi mãi...
Người viết,
Hà Trần