"Chúng ta sống cùng nhau 5000 năm, nhưng lại bị chia cắt 70 năm"
Tổng thống Moon Jae In phát biểu trong chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng 2018.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Lời nói đầu:

Nhân dịp Hàn Quốc vừa tổ chức một cuộc duyệt binh hết sức quy mô để "dằn mặt" Triều Tiên =)))))) thì mình viết bài viết này để bàn luận về thái độ của người dân Hàn đối với Triều Tiên nhéee.

I. Từ cuối Joseon đến Hiệp định đình chiến Nam - Bắc triều.

Bán đảo Triều Tiên cuối thời Joseon bắt đầu suy vong và dần rơi vào tay đế quốc Nhật Bản (1910). Trước đó, bán đảo này vẫn là một khối thống nhất, mặc dù vẫn có những khoảng thời gian trong lịch sử, Triều Tiên vẫn chịu cảnh nội chiến. Cứ ngỡ rằng cái tên Joseon ( với ý nghĩa: Bình minh tươi mới ), sẽ mở ra một thời đại chẳng còn chia rẽ. Nhưng chỉ sau 35 năm, khi "Bình minh" lụi tàn, bán đảo này lại một lần nữa rơi vào tình trạng chia đôi đất nước. Mà sự chia đôi lần này, thậm chí còn khó hàn gắn gấp hàng trăm hàng vạn lần.

Đất nước bị biến thành bàn cờ.

Năm 1910, khi Joseon - triều đại phong kiến cuối cùng của Triều Tiên sụp đổ, đế quốc Nhật Bản đã tiến hành chiếm đóng bán đảo này. 35 năm sống trong sự thống trị của Nhật Bản, người dân Đại Hàn thành lập nhiều tổ chức đấu tranh vì độc lập, những phong trào biểu tình, những hội nhóm sinh viên yêu nước được thành lập nhiều cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Và thời cơ ngàn năm có một đã đến, cơ hội để đất nước độc lập: Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện.
Cứ ngỡ sẽ được tận hưởng niềm vui độc lập, niềm vui chiến thắng. Nhưng vừa sau khi Nhật đầu hàng, bán đảo Triều Tiên lập tức rơi vào tình trạng bị phân chia.
Cuối năm 1945, tại hội nghị Moskva. Phe Đồng Minh tán thành việc cho phép Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh tham gia quản lý bán đảo Triều Tiên 5 năm trước khi tiến đến độc lập thật sự. Người dân Triều Tiên đổ xô xuống đường biểu tình, đòi độc lập ngay lập tức. Nhưng Đảng Cộng Sản Triều Tiên ủng hộ việc quản lý 5 năm này vì có liên kết mật thiết với Đảng Cộng Sản Liên Xô.
Công dân Triều Tiên xuống đường biểu tình sự tiếp quản của quân Đồng Minh và đòi được độc lập ngay lập tức.
Công dân Triều Tiên xuống đường biểu tình sự tiếp quản của quân Đồng Minh và đòi được độc lập ngay lập tức.

Đất nước chia đôi

Dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Liên Xô lên Đảng Cộng Sản Triều Tiên, các "uỷ ban nhân dân" miền Bắc thể hiện thái độ thân thiện với chế độ quân quản của đàn anh Liên Xô. Nhưng tình hình ở miền Nam lại hoàn toàn khác.
Người dân miền Nam liên tục biểu tình và lên án hành động chia đôi đất nước của phe đồng minh, đòi được độc lập và thống nhất ngay lập tức. Những cuộc biểu tình vũ trang cũng nổ ra nhằm chống lại sự quản chế của Hoa Kỳ và phản đối chính phủ lâm thời Lý Thừa Vãn vì không muốn đất nước bị chia hai.
Mặt khác, ngay trong nội bộ của chính quyền Lý Thừa Vãn cũng phản đối chế độ uỷ trị của Hoa Kỳ lên đất nước, ông và nhóm của ông cho rằng 35 năm dưới sự thống trị của Nhật Bản đã quá đủ, Đại Hàn không thể tiếp nhận thêm bất kỳ một sự quản chế từ một quốc gia ngoại bang khác.
Kết quả, Hoa Kỳ quyết định rút ngắn thời hạn uỷ trị và tổ chức tổng tuyển cử ở Miền Nam. Vào ngày 15/08/1948, nhà nước Đại Hàn Dân Quốc chính thức được thành lập ở Miền Nam, Lý Thừa Vãn trở thành Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc.
Trước diễn biến trên, Bắc Hàn cũng đáp lại bằng một cuộc bầu cử quốc hội. Tháng 9/1948, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố thành lập, đứng đầu là Kim Nhật Thành (một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Nhật suốt 20 năm). Liên Xô chấp thuận và gia tăng ủng hộ với Kim Nhật Thành ở Miền Bắc.
Trước đó, Kim Nhật Thành đã tiến hành một cuộc "cải cách ruộng đất", cuộc "cải cách ruộng đất" này được tiến hành dù có ít bạo lực hơn những cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Việt Nam, nhưng vẫn dẫn đến việc nhiều người chạy xuống miền Nam. Ước tính có khoảng 400,000 người đã bỏ miền Bắc chạy xuống miền Nam trong thời kỳ này.

3 năm nội chiến

Có thể nói, chiến tranh Triều Tiên là một cuộc chiến diễn ra với tốc độ nhanh, quyền kiểm soát lãnh thổ thay đổi liên tục (riêng Seoul đã đổi chủ đến 4 lần).
Kim Nhật Thành luôn muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên, nhưng Stalin thì do dự vì không muốn bị lôi vào một cuộc chiến với Mỹ. Giữa năm 1949, Kim Nhật Thành đã gây áp lực với Liên Xô rằng thời cơ thống nhất bán đảo Triều Tiên đã đến, Bắc Triều Tiên cần sự hỗ trợ của Liên Xô để có thể mở một cuộc tấn công xuống miền Nam.
Cuộc tấn công phủ đầu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên xảy ra vào sáng sớm ngày chủ nhật 25 tháng 6 năm 1950 bằng cách bất ngờ vượt qua vĩ tuyến 38 đồng thời được hậu thuẫn bởi một trận địa pháo bắn phá dữ dội vào phía trước.
Trong những ngày đầu, quân đội miền Nam thua thiệt về quân số lẫn vũ khí, tinh thần chiến đấu giảm sút và lòng trung thành với chính phủ Lý Thừa Vãn lung lay, quân đội đã tháo lui toàn bộ và đào ngũ sang Bắc Triều Tiên. Chính phủ Lý Thừa Vãn và các quan chức cấp cao cũng chạy khỏi Seoul. Quân đội Bắc triều lúc đó đã chiếm được 95% lãnh thổ bán đảo.
Tuy nhiên, việc chính phủ Lý Thừa Vãn đầu hàng, quân đội Miền Nam giải tán và đất nước thống nhất đã tan thành mây khói khi quân đội Hoa Kỳ quyết định tham chiến để giúp đỡ Nam Triều Tiên.
Khẩu pháo Mỹ khai hoả ngày 27/09/1950
Khẩu pháo Mỹ khai hoả ngày 27/09/1950
Sau khi Hoa Kỳ tham chiến, Nam Triều Tiên đã lấy lại được phần lớn lãnh thổ. Quân đội Mỹ đã đẩy lui quân Bắc Triều đến vĩ tuyến 38.

Thương vong

Năm 1953, hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên được ký kết, chỉ trong vỏn vẹn vài năm chiến tranh, nhưng số người thương vong và hậu quả cuộc chiến để lại hoàn toàn gấp nhiều lần 35 năm bị Nhật chiếm đóng.
Theo New York Times, cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài trong vòng 3 năm, thiệt hại về người và những ảnh hưởng của nó hết sức nặng nề. Ước tính có khoảng 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến này, tuy nhiên tỷ lệ thương vong của thường dân còn cao hơn cả Thế chiến II. Điều nảy xảy ra là vì trong chiến tranh Triều Tiên, thường xảy ra những cuộc thảm sát vào khu nhà dân, những mồ chôn tập thể và cả những lần ném bom đã gây ra số thương vong cao ngất ngưỡng.

II. Người dân bị chia rẽ

Nhiều người cho rằng, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ xảy ra trong mơ khi Bắc Triều liên tục tự tách bản thân khỏi quốc tế, người dân hoàn toàn mù mờ về thế giới bên ngoài và những lời tuyên truyền của gia tộc Kim gần như được thần thánh hoá trong tâm trí người dân cả nước.
Tuy nhiên, sự thật còn phức tạp hơn thế. Chính phủ Hàn Quốc liên tục thay đổi phương cách để tiếp cận với vấn đề Bắc Triều Tiên, từ "công khai thù địch" đến "chính sách ánh dương" của các đời tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun

Thế hệ sinh trưởng trong chiến tranh có thái độ như thế nào?

Thậm chí, chính dân chúng cũng bị chia rẽ. Thế hệ sinh ra trước hoặc ngay khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ thường có khuynh hướng bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi và căm ghét với Bắc Triều Tiên, họ luôn muốn chính phủ phải có phản ứng cứng rắn trước bất kỳ thái độ gây hấn nào từ phía Bắc.
Trong khoảng thời gian giới quân sự nắm quyền ở Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên luôn được miêu tả khiến người dân Hàn Quốc luôn cần phải đề phòng. Những người đi học ở những năm 1960 ở miền Nam, luôn được giáo viên nhắc đi nhắc lại về một thế lực đáng lo ngại phương Bắc.
Và những điều cảnh báo này không chỉ là những lời vô căn cứ để doạ dẫm người dân nhưng nó đã thật sự xảy ra.
Vào ngày 21 tháng 1 năm 1968, 31 đặc công tinh nhuệ của Bắc Triều đã được rèn luyện 2 năm, đột kích qua biên giới với ý định tấn công dinh tổng thống và ám sát Park Chung Hee - tổng thống đương nhiệm.
"Ở Hàn Quốc, chúng tôi tin rằng không thể thoả hiệp và không có khả năng cùng tồn tại".
Tổng thống Lý Thừa Vãn.
Không thể "thoả hiệp", chỉ được xem là "kẻ thù sinh tử". Vì vậy, hoàn toàn có thể hiểu được khi những người Hàn Quốc lớn tuổi -những người sinh trưởng trong giai đoạn này - có khuynh hướng tin rằng:
"Không có khả năng hoà giải với miền Bắc và việc Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự rải rác trên lãnh thổ Hàn Quốc là điều cần thiết để chống lại cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên."

Thế hệ 386

Thế hệ 386 - được dùng để chỉ những người sinh ra trong thời hậu chiến. Khi cụm từ "386" được sử dụng tạo ra vào thập niên 1990, họ đang ở độ tuổi 30, vào đại học những năm 80 và sinh ra vào thập niên 1960.
Những người thuộc thế hệ này điển hình nghi ngờ Hoa Kỳ đã nhúng tay vào vấn đề bán đảo Triều Tiên. Họ cảm thấy Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng chia cắt đất nước và việc theo đuổi sự "thống nhất" là việc riêng của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.
Đối với thế hệ trước đó, những người chỉ suy nghĩ đơn thuần theo hướng "tư bản không đồng thuận với cộng sản" và "miền Bắc không đồng thuận với miền Nam" thì thế hệ 386 là một cơn ác mộng cực tả.

Chính sách ánh dương và thái độ của người dân Miền Nam.

Kim Dae Jung đắc cử tổng thống vào tháng 12 năm 1997. Kim khởi xướng "chính sách ánh dương" (haetbyeot jeongchaek), ông tiếp cận Bình Nhưỡng trong nổ lực cải thiện hành vi của họ thông qua mối quan hệ tốt hơn. Nhiều cử tri lớn tuổi xem đây là một hành động nhân nhượng nguy hiểm, nhưng đối với thế hệ 386 thì chính sách của Kim rất có khả năng sẽ đem đến một thời kỳ hoà bình.
Mục tiêu của chính sách này là giảm trừ mối đe doạ từ phía Bắc thông qua hoà giải. Bắc và Nam Triều Tiên có chung cả ngàn năm lịch sử văn hoá và vẫn có quan niệm rằng cùng là người Triều Tiên.
Thái độ của người dân cũng dần thay đổi với thực tế: Bắc Triều Tiên đã tụt hậu lại rất xa so với Hàn Quốc và là một quốc gia cần giúp đỡ.
Cho đến giữa năm 1970, Bắc Triều Tiên có nền kinh tế lớn hơn Hàn Quốc, nhưng trong khi miền Nam tiếp tục phát triển thần kỳ thì kinh tế miền Bắc lại trì trệ và sa sút chóng mặt vào những năm 1990. Giữa thập niên 1990, ước tính có khoảng 500,000 đến 2 triệu người chết vì nạn đói.
Khi Tổng thống Kim thăm Bình Nhưỡng trong hội nghị thượng đỉnh năm 2000, Kim Dae Jung mang theo món quà là 500 triệu USD. Sau đó ông giải thích về sự hào phóng này:
"Một người anh giàu có không nên đến thăm người em nghèo mà không mang theo gì."

"Người em nghèo" phát triển vũ khí hạt nhân

Trong suy nghĩ của người dân Hàn Quốc, chính sách ánh dương đã thất bại khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2006. Lee Myung Bak - tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đã tiến hành một chính sách cứng rắn hơn. Ánh dương kết thúc và chính sách viện trợ nếu Bắc Triều Tiên bãi bỏ vũ khí hạt nhân bắt đầu. Lee ủng hộ mạnh mẽ chính sách cấm vận của Hoa Kỳ lên Bắc Triều Tiên.
Dù vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và làm lơ lệnh cấm của Hoa Kỳ bằng việc tiếp tục giao thương với Trung Quốc - đồng minh duy nhất còn lại.

Xung đột Nam - Nam, xã hội Hàn Quốc bị chia rẽ

Kim Jong-il đáp lại chính sách của tổng thống Lee theo một cách khiến quốc tế ngạc nhiên.
Vốn đã ngừng gây bạo lực trực tiếp lên Hàn Quốc từ vụ đánh bom một máy bay của Korean Air năm 1987 khiến 115 người chết, Kim Jong-il được cho là đã ra lệnh cho 2 cuộc tấn công vào năm 2010. Đầu tiên là vụ phóng ngư lôi tàu hộ tống hải quân Cheonan khiến 46 thuỷ thủ thiệt mạng.
Miền Bắc im lặng, không có sự thừa nhận của Bình Nhưỡng, xã hội Hàn Quốc bị chia rẽ.
Những người lớn tuổi và cách hữu cảm thấy Bắc Triều Tiên đã gây ra sự kiện đó, trong khi những người trẻ và cánh tả lại nghi ngờ điều này. Nhiều người cánh tả nghi ngờ rằng vụ đắm tàu là một phần âm mưu của tổng thống Lee nhằm củng cố sự ủng hộ của chính sách cứng rắn với Bắc Triều Tiên.
Vụ tấn công thứ 2 thì hoàn toàn rõ ràng.
Ngày 23 tháng 11 năm 2010, quân Bắc Triều Tiên đã nã đạn vào đảo Yeonpyeong, nằm ở eo biển đang tranh chấp do miền Nam quản lý. Hai quân nhân hy sinh, nhưng quan trọng hơn, hai người dân vô tội của Hàn Quốc cũng thiệt mạng.
Với những người trong độ tuổi 20 và 30 chỉ biết đến hoà bình thì việc Bắc Triều Tiên có thể tấn công hoàn toàn là một cú sốc. Một người trẻ Seoul vốn ủng hộ chính sách ánh dương đã nói: "Tôi không thể tin rằng họ có thể tấn công chúng tôi như vậy. Chính phủ đáng lẽ nên đáp trả mạnh mẽ hơn".
Vụ tấn công Yeonpyeong là một sự thức tỉnh cho người dân Hàn Quốc về độ nguy hiểm của người anh em Triều Tiên.
Đảo Yeonpyeong bị quân đội Triều Tiên pháo kích
Đảo Yeonpyeong bị quân đội Triều Tiên pháo kích

Thờ ơ và ngờ vực

Sau khi sự kiện tấn công Yeopyeong xảy ra, hơn 68% số cử tri ủng hộ Hàn Quốc trả đũa quân sự, theo viện nghiên cứu Đông Á, và 39% muốn tấn công trên không. Tuy vậy, chỉ sau đó 9 tháng, người dân bắt đầu thờ ơ với việc này.
Dù chính quyền Hàn Quốc hiện tại luôn nhắc nhở người dân về cuộc nội chiến Triều Tiên và về sự việc Yeonpyeong bằng cách dựng các tấm bảng ở thủ đô Seoul, nhưng các cử tri hầu hết đều quan tâm đến kinh tế và tình hình việc làm hơn là Bắc Triều Tiên.
Chỉ khi Bình Nhưỡng thật sự tấn công thì thái độ thờ ơ này với Bắc Triều Tiên mới tạm thời chấm dứt.

III. Còn cơ hội nào cho việc thống nhất?

Hiện nay, chính sách ánh dương đã tắt và sẽ không bao giờ trở lại. Hơn nữa, thái độ của người dân cũng dần trở nên cứng rắn hơn. Gần 10% người Hàn Quốc phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Bắc Triều Tiên. Việc miền Bắc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và chính sách ngoại giao nóng - lạnh không che đậy, cũng như các sự kiện Yeonpyeong, cuối cũng đã dẫn đến việc dân chúng Hàn Quốc mất kiên nhẫn.
Dù thế hệ 386 hiện nay vẫn tiếp tục ưa chuộng hoà bình. Nhưng một diễn tiến thú vị đó chính là: thái độ tiêu cực của người trẻ hiện nay tăng dần với Bắc Triều Tiên trong những năm 2010. Đây là một thái độ phổ biến và được hoan nghênh xét về phương diện trưởng thành chính trị của người dân. Thế hệ 386 đã phải than phiền về thế hệ trẻ hiện nay và cho rằng họ "bảo thủ", nhưng như một nhạc sĩ trẻ ở Seoul nói: "Chẳng có điều gì liên quan đến Kim Jong-il tiến bộ hết."
Dù vậy, thế hệ trẻ người Hàn dường như không có mối quan tâm mạnh mẽ đến việc thống nhất đất nước như những thế hệ trước. Những người trẻ Hàn Quốc cảm thấy ít gắn kết với miền Bắc, dù người ở cả hai miền đều chung một dân tộc.
Họ cho rằng, nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ ảnh hưởng đến việc làm và họ sẽ phải bỏ ra một khoảng tiền khổng lồ để cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của miền Bắc lên gần đến tiêu chuẩn của miền Nam. Một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul nói: "Tôi không muốn thống nhất, đó là một vấn đề đau đầu và phải trả giá quá đắt".

Lời kết.

Người ta thường cho rằng trở ngại lớn nhất cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là sự đối nghịch tư tưởng chính trị của hai hệ thống và tình hình tham dự của các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trở ngại cuối cùng trên con đường thống nhất có thể là: một bên không biết và một bên thì không muốn.
Tài liệu tham khảo: