Một ngày nắng hạ, cô bắt gặp anh đang chơi cây guitar cũ. Đó là món đồ cha tặng anh nhân dịp sinh nhật lần thứ 18. "Một ký ức cũ". Hạnh phúc và lẽ sống của anh bắt đầu từ giây phút ấy. Nhưng ai biết rằng cũng chính những thanh âm kia đã khiến anh phải đánh đổi bao điều.
Cha anh hẳn cũng chỉ mong cho anh được vợ con tươm tất, hôn nhân sắp đặt để số anh được sung sướng, chẳng phải lao lực kiếm tiền ngoài kia. Nhưng anh không. Hai con người dứt khoát, không ai chịu xuống nước, và cha từ mặt anh.
Cũng đã ba năm rồi anh và cha chưa từng có một cuộc trò chuyện nào ra hồn. Anh vừa bước chân vào thềm nhà, cha uống vội chén trà rồi vào phòng, nằm quay mặt vô tường. Anh vừa bước đến cửa phòng, cha anh lớn tiếng gọi má vô tiếp khách. Lúc anh chuẩn bị đi sau bữa cơm trưa, cha anh gọi anh một tiếng, rồi quăng cây đàn vào mặt anh. "Mày đàn hát được thì cứ đàn hát đi, cứ đi mua vui cho thiên hạ đi. Đi mà sống cái cuộc đời ngửa mặt lên xin mấy cái đồng lẻ thương hại ấy. Đời mà không có tiền, đời mà mộng mơ thì chỉ có chết đói."
Cái tài hoa trong anh nó rõ ràng lắm. Anh mở một quán cà phê gần nhà trọ. Sáng anh vừa là quản lí, vừa là phục vụ như một nhân viên bình thường. Tối thì anh diễn ở quán mình. Mấy ngày quán không phục vụ âm nhạc mà để cho khách lẳng lặng nhìn ra chỗ bờ sông, anh đi đàn cho những quán nhỏ và trẻ khác. Chỗ nào gọi thì anh tới. Cũng gọi là đồng ra đồng vào, nhưng anh vui. Ba chữ "nuôi chí lớn" mà cha cố gắng đặt anh vào từ bé, anh không làm được. Nhưng anh biết tìm niềm vui cho riêng mình. Một cuộc đời không ổn định cũng không phải là mong muốn của anh. Nhưng cái nghề này, thì có gì là ổn định đâu? Phải chăng, chỉ khi bất ổn, thì mới có cái để cảm thấy, mới có cái để viết nhạc, để đàn, để trải, để thấu được con người ta. Anh chấp nhận hết. Nhưng cũng đau đớn lắm. Cả đời này, người anh thương nhất, vẫn là cha. Vẫn là những cái đánh, cú tát, những xỉa xói, mắng chửi. Vậy mà anh không thù hận. "Cha nuôi anh mà, cha mua đàn cho anh mà. Em biết không, anh chỉ không thể cứ đi học sửa điện nước rồi lấy con gái nhà người ta. Tiền là tiền của người ta mà. Anh không muốn. Anh không thể làm thế trong khi bản thân anh có thể sống với ít ỏi những đồng bạc trong túi, nhưng chẳng phải ngửa tay xin một ai, hay phải chực chờ lo sợ họ đuổi ra khỏi nhà vì phận ở rể."
Anh gặp cô. Gặp một con người cũng như anh: sáng ngày bưng quán ngày dạy thêm, tối ngày viết sách, ngày đến quán cà phê của anh nghe nhạc rồi chuyện trò. Anh gặp cô lần đầu ở quán thân quen. Muốn thay đổi không khí, lại kiếm cớ để được làm quen với cô, anh mời cô lên ngồi "buôn chuyện". Cô cũng kể dăm ba điều quen thuộc của tuổi trẻ, của "một cuộc đời đầy mơ mộng". Anh thấy cô dễ thương, người dễ thương mà giọng cũng dễ thương, anh mến. Rồi cô nghe anh đàn, bắt gặp cái nháy mắt táo bạo và nụ cười thiệt tình, cô mến. Cái duyên trời định, cứ thế nương vào nhau mà sống. Tuổi trẻ thật ít người sống được bình yên như thế.
Ngoài những giờ ở quán, anh ít khi mang cây guitar ra đàn. Anh thường đi chơi rồi dạy mấy đứa nhỏ trong xóm dăm ba cái chữ viết, khi chưa đến tuổi đi học. Bỗng dưng hôm nọ, cũng bình thường như bao hôm khác, vừa thức dậy sau giấc ngủ dài đêm qua, cô bắt gặp anh đang đàn. Vừa đàn vừa khóc. Nắng phủ một màu vàng nhẹ, nghe có gió lộng và những hoa những cỏ khẽ đung đưa. Chưa bao giờ cô được nghe bài này ở quán cả. Một bài nhạc ngắn. Vừa dứt, cô ngồi xuống bên anh. Ôm vai cô, anh khẽ nói : "Bài đầu tiên anh sáng tác đấy. Anh viết tặng cha. Bằng chính cây đàn này. Cha anh nghe cũng được nhiều lần rồi. Nghe xong lần nào cũng khen. Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất đời anh. Sáng nay mẹ vừa gọi điện báo tin cha nhập viện, anh hoảng hồn chạy đi mà không báo cho em. Anh vứt hết tất cả, quên tất cả, vác cái xác này đến gặp cha. Rồi, anh thấy cha nằm đó. Thấy mẹ khóc, thấy anh hai khóc, thấy người dì khóc. Dì anh bảo, trước khi đi cha mong nghe anh đàn bản này một lần. Giờ anh đang đàn đây. Anh đàn mà sao mãi cha chẳng về. Anh đàn mà sao mãi cha chẳng mỉm cười, chẳng khen. Anh đàn mà sao cha mãi vẫn chẳng chửi anh...". Đó, là ngày buồn đau đầu tiên của hai vợ chồng anh.
Nhiều năm sau, cứ đến ngày giỗ cha, anh cũng lôi cây đàn ra, chơi bản nhạc này. Anh có dạy cô vài nốt. Nhưng chẳng được bao lâu thì anh bất thần, và cứ ngồi ở đấy. Rồi anh ôm lấy cô, như thể tìm kiếm một bình yên, một niềm vui mà chẳng ai có thể cho anh lần nữa. Chỉ có người cha. Chỉ có ở người cha đã khuất.
Nhiều tháng sau, cô đến quán quen, nhưng không phải để trò chuyện. Cô đàn cho anh nghe. Piano. Những âm thanh lại cất lên, với những vun vén mong cho hạnh phúc nhỏ nhoi và nguôi ngoai phần nào niềm đau, từ một người phụ nữ. Anh hiểu, và anh yêu. Anh đã thôi không còn khóc. Anh càng cảm thấy trong trái tim mình một nỗi đậm sâu, một tình cảm anh sẽ chẳng thể nào dứt ra được, một tình cảm mà anh sẽ lại mang theo đến hết cuộc đời mình, vì con người đã cùng anh đi qua những ngày bão giông.