BÙM! Có gì đó vừa rơi xuống sông Hồng! Từ cầu Long Biên? Mọi người xúm lại xem. Đoạn đường bên trái từ Hà Nội đi ra tắc nghẹt. Không một ai bấm còi.
Có người tự tử? Nếu là thật thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên: Số người tự tử trên cầu Long Biên không ít. Hãy hỏi anh Ng, cư dân phường Ngọc Lâm: "Tôi nghĩ đâu đó tầm hai tháng một vụ, sáng chiều đủ cả. Ít đi đêm nên không biết tối thế nào. Hơi tắc đường.".
Vậy là người tự tử? Ô chẳng phải! Tiếng người tự tử không đánh ầm như thế. Mọi người nhìn xuống, rồi ngao ngán lắc đầu bỏ đi: Ấy chỉ là một cây cột bê tông! Một cây cột bê tông rơi ầm xuống nước.
Cây cột ở đâu ra? Có người tự hỏi. (Này, sao anh lại không đi đi mà còn đứng lại hỏi?). Để tôi trả lời: ấy là cây cột chống lũ cuốn. Cậu có thấy mấy cái chân cầu giữa sông không? Nó bé hơn và nhìn tạm bợ hơn, lộ cả khung thép ra. Ấy là vì vào năm 72 cầu bị đánh bom, gãy mất mấy cái chân. Làm lại phải nhanh nên không chắc được, các cụ sợ lũ cuốn đập vào mạnh nên mới phải xây mấy trụ bê tông hình tam giác trước mỗi chân cầu để cản đường nước cuốn. Ấy là tôi nghe thế, thực hư chẳng biết thế nào. Thôi anh đi đi.
Nhưng anh đứng lại. Anh nhìn xuống. Chắc chẳng ai sẽ ra tận giữa sông để trục vớt một khúc bê tông gãy. Nếu là một con người tự tử thì đã khác, người ta sẽ lái xuồng tới ngay. Đấy là những chuyện ở dưới nước, còn trên cầu thì vẫn vậy. Dù là người hay trụ bê tông tự tử, người ta cũng phải đi qua thôi. Ngó một chút, rồi phóng từ từ qua cầu, tiếp tục cuộc hành trình của mình vào thành phố hoặc ra Long Biên. Nhưng người ta sẽ đi qua.
Cậu có thấy đấy là một chuyện buồn không? Người ta nghĩ gì khi chọn chết trên một cây cầu? Đó là một cái chết hơi phiền toái, tôi thấy vậy. Chết từ cầu xuống là đối diện với rất nhiều người qua lại, rất nhiều người có thể, ừm, cản đường cậu. Những người từng tự tử, như tôi và cậu đều biết, trước lúc tự tử có một giây chúng ta muốn được... cứu. Nó quan trọng hơn cả việc muốn sống, đó là việc muốn được cứu. Muốn sống có nghĩa là muốn sinh mạng mình có giá trị với bản thân, còn muốn được cứu là muốn sinh mạng mình có giá trị với người khác. Những người tự tử trên cầu, những người nhảy lầu nhìn xuống, trước những giây phút thả chân vào không khí, họ có chú ý những đôi mắt đằng sau không? Họ có muốn cái chết của mình có ý nghĩa gì nữa không?
Anh không biết. Anh chỉ biết cầu Long Biên rất bé. Việc làm tốt nhất của mọi người, nếu có ai đó nhảy xuống, là đi tiếp. Anh từng thấy một người giận vợ, tức mình lao một mạch xuống cầu. Sự sống vụt đi trong nháy mắt và cái chết biến mất trong nháy mắt.
Dòng người đi tiếp, tiếp tục ngày dài của họ và cuộc đời của họ và tất bận sửa soạn cho cái chết của họ. Cái chết của ai đó hay một mong mỏi giành giật nào đấy cũng chỉ dừng lại thành một khoảnh khắc thôi. Người ta sẽ đến bên dưới và làm những gì có thể. Trên dưới một tiếng, cây cầu lại quay lại nhịp sống bình thường.
Nhưng một cây cột bê tông thì không. Nó chình ình ở đó. Cái chết của nó đầy những ký hiệu, rằng đã có gì đó từng ở trên kia, đã có gì đó từng hữu dụng, và đã có gì đó đã chết. Sóng vỗ ì oạp vào miếng bê tông ngoi lên như đỉnh của một kim tự tháp đầy bí mật. Một điều gì đó thật nhức nhối, một điều gì đó thật hơn cả cái chết thật. Miếng bê tông tự tử, ngày mai nó vẫn tự tử, và ngày kia, ngày kìa sự tự tử của nó vẫn nguyên vẹn, dù người ta lắc đầu bỏ đi hay đứng lại ngóng trông.
Những ngày hôm nay, trời đẹp và ít ô nhiễm. Ban sáng, đi qua cầu, phóng tầm mắt ra xa là cả một rặng núi. Còn cúi xuống dưới thì vẫn là một miếng bê tông thôi. Sóng vỗ ì oạp.
Nhưng kìa, cậu còn đứng đấy làm gì? Đã phải đi tiếp rồi.