Hay nói cách khác là tự viết, tự đọc và tự upvote
Ảnh bởi
Todd Pham
trên
Unsplash
Thú thiệt một điều rằng tôi là một người không có gì hứng thú với triết học, biện luận hoặc những điều tương tự. Lý do chính yếu nhất đó là tôi lười, lười tiếp thu và lười học hỏi những điều đó. Mà học hỏi rồi thì có khi phải thực chiến, phải cãi lý. Mà tôi thì sợ lắm thay những việc cãi lý đó vì tôi khá tệ mảng tranh luận. Tôi vẫn hay đùa rằng "I don't want to become a winner. I like to become a destroyer". Tôi chẳng muốn tranh luận với bất cứ ai nếu nó không đem lại lợi ích gì cho tôi cả. Còn nếu có lợi thì sao? Nếu món lợi đủ to thì tôi việc tôi muốn làm sẽ là hủy diệt và nghiền nát kẻ bên kia, đương nhiên nếu đủ bia bọt tôi sẽ viết về cái sự xấu xa "destroyer" này của tôi. Quay lại với tiêu đề thì tôi chỉa tiêu đề từ cuộc thi viết của Spiderum. Cũng như đã nói ở trên thì tôi không thích thú gì về triết học nói chung chứ đừng nói đến khắc kỷ, khắc gỗ, khắc laser gì. Hồi trước khi tôi nghịch ngu kiếm được vài con bọ trong API của Spiderum thì tôi cũng được tặng một cuốn sách về Seneca nhưng thật lòng xin lỗi vì tôi chưa hề xem nó lấy một lần, có áo Spiderum thì hình như có mặc một lần, hy vọng sắp tới ở Sài Gòn có offline để mà có dịp mặc tiếp hihi.
Mà quay lại với chủ đề lần nửa thì tại sao tôi lại gõ cái mớ từ này trong một ngày thứ hai đầy chán ngán nhỉ? Tất cả có lẻ đến từ một đoạn trong bài thi của Spiderum như sau:
Trong thế giới hiện đại chênh vênh, có điều gì bạn muốn thay đổi trong cuộc sống của mình không, và triết học Khắc Kỷ đã giúp bạn thực hiện điều ấy như thế nào?
Tôi thì chẳng đọc lấy một lần nên sẽ chẳng có cái gì để tiếp thu chứ đừng nói là giúp. Nhưng tôi viết ra đây để nói về một thứ tương đồng (hoặc đại loại thế) giữa một lá thư của Seneca và cách sống của tôi. Nói thêm một tí về tôi thì tuy có vẻ tôi là người vô đạo và chán ngán, lười biếng, ăn hại nhưng tôi không phải là kẻ vô thần đâu. Tôi là một người theo đạo Công Giáo La Mã và có thể xem là người sùng đạo. Tôi luôn luôn tin tưởng và phó thác nơi Chúa, sáng nào cũng một Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng, một Kinh Sáng Danh, làm dấu cẩn thận trước mỗi cuộc nhậu. Tôi có một thói quen lại nghe bất cứ cái gì từ Thạch Sanh Lý Thông cho đến Tất Đạt Đa hoặc là Hàn Phi Tử trong lúc làm bếp buổi sáng. Một ngày kia, tôi mở đại Spiderum lên để nghe về mấy lá thư đạo đức của lão Seneca. Nghe cũng hay hay, vui vui và cũng êm êm dù không êm bằng bia. Cơ mà đến một ngày kia tôi nghe đến lá thứ thứ hai mươi bốn của lão ta. Nghe một đoạn tôi phải rửa tay gấp để mà dừng đoạn video đó lại và chọn một đoạn khác để nghe. Không phải đoạn đó dở tệ gì đâu, mà chỉ là tôi muốn nghe nó một cách nghiêm túc hơi thôi. Thế lá thư đó nói gì nhỉ? Đại loại là thế này:
Nếu bạn muốn chấm dứt lo toan, hãy tập trung tâm trí bạn vào chính những thứ bạn lo sợ sẽ xảy ra, và tưởng tượng như thể chúng chắc chắn sẽ xảy ra vậy. Bất kể điều đó là gì, hãy ước lượng hậu quả trong đầu, và cả sự sợ hãi của bạn. Bạn sẽ sớm nhận ra những thứ bạn sợ thực chất không quá to tát hoặc sẽ chóng qua.
Những điều trong lá thư này thú thật chẳng khai sáng gì mấy cho tôi đâu. Nhưng điều làm cho tôi phải ngừng tay khi làm bếp để rồi "để dành" nghe những lời này là bởi vì tôi đã luôn sống, luôn nghĩ theo cách nghĩ này hơn mười năm nay. Tôi được xem là người nghĩ nhiều, kẻ lo toan, sợ sệt và luôn luôn tiêu cực. Nhưng tôi cũng không phải là kẻ sợ sệt rồi vẽ vời ra cho vui đâu. Nhưng tôi đã nói rằng tôi thích được trở thành một "destroyer" hoặc là một "winner". Sau khi vẽ ra một lô lốc những thứ tệ hại hoặc không tốt có thể diễn ra, điều tôi làm kế đó luôn là tìm ra những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa hoặc giải quyết những điều xấu xa kia. Đầu tiên sẽ là mình phải làm gì để điều đó không xảy ra, rồi nếu điều đó xảy ra thì mình phải đối phó thế nào, có đối phó được hay chăng? Nếu không đối phó được thì đành chịu tôi, coi phim Tàu chúng ra vẫn hay nghe cái câu mà "Là phúc thì không phải họa, mà là họa thì không phải tránh", hay như Tư Mã Ý từng chém là "Công nếu có thế công, thủ nếu không thể công, chạy nếu như không thể thủ, hàng nếu không thể chạy, và chỉ chịu chết nếu như không thể hàng".
Tôi đã và đang sống như thế, ngày ngày trong mọi chuyện tôi luôn vẽ ra cho mình những kịch bản tự xấu đến tốt cho mọi thứ. Sau đó vẽ luôn những chiến lược cho những điều có thể xảy ra. Dựa vào đó tôi có thể cho phép mình có được sự bình tĩnh nhất định trong mọi tình huống, kể cả tình huống tệ nhất. Đương nhiên điều đó không có nghĩa là tôi sẽ buông tay chấp nhận những gì tệ nhất sẽ đến. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đánh chặn và ngăn những điều đó xảy ra từ những lớp phòng phủ xa nhất. Tất cả những việc này cho phép tôi phần nào bình tĩnh cũng như có được phần nào đó sự chủ động nhất định trong các tình huống xảy đến. Trong trường hợp xấu nhất thì như chính Tư Mã Ý đã nói "không hàng được thì chịu chết", thế thôi.
Có người từng hỏi tôi rằng như thế thì có quá một mỏi không? Khi lúc nào cũng sống trong tiêu cực với những ý nghĩ về những điều xấu xa sẽ đến. Tôi thường cười trừ mà không nói gì. Tôi chỉ hay nghĩ rằng tôi là một kẻ tiêu cực, tiêu cực đến vô cùng. Nhưng nhờ đó mà tôi cũng phần nào có thể trở thành một kẻ tích cực, tích cực theo cách của tôi. Nhưng nói suông cũng đủ nhiều rồi, cho một thí dụ nhỉ. Một thứ kinh điển nhất với tôi có lẻ chính là việc đi làm đúng giờ. Tôi dường như luôn đi đến văn phòng sớm một tiếng đồng hồ cho đến ba mươi phút. Thay vì nghĩ rằng sẽ có một buổi sáng đi làm êm ả thì tôi luôn tin rằng sẽ có điều gì đó không tốt diễn ra như kẹt xe hơn bình thường, xe tôi bị hư hỏng gì đó... Để tránh những trường hợp đó thì tôi chọn cho mình việc đi làm sớm. Tôi từng đi làm ở Quận 11 với giờ bắt đầu là chín giờ sáng. Tôi xuất phát từ chân cầu Bình Lợi. Thay vì đi làm từ lúc tám giờ thì tôi dường như luôn bắt đầu đi làm từ bảy giờ đến bảy giờ ba mươi. Trải nghiệm đi làm của tôi những hôm như thế thường khá nhẹ nhàng và không hề có cảm giác căng thẳng khi phải chạy đua với thời gian. Nói một cách xấu tính thì tôi thấy cái vui khi nhìn những người khác phải phóng nhanh, vượt ẩu, leo lề và thậm chí tức tối dù ngày làm việc của họ chưa hẳn đã bắt đầu. Nhưng điều làm tôi thấy thú vị nhất của việc đi làm sớm không phải chỉ nằm ở việc... đi làm sớm. Mà nằm ở việc làm cách nào để tôi có thể đi làm sớm. Có vài lần tôi hỏi những người hay đi làm trễ về lý do họ hay đi làm không đúng giờ. Lời giải vẫn thường là nhà xa, kẹt xe. Tôi chẳng thấy ai nghĩ rằng lý do đơn giản chỉ là việc họ xuất phát quá trễ khi chỉ cách giờ làm trên dưới ba mươi phút. Họ không nghĩ thế vì đơn giản việc đó đại diện cho những phần tất yếu của lối sống như giờ thức dậy, giờ đi ngủ... Khi tôi hỏi họ sao không đi làm sớm hơn nếu nhà xa thì câu trả lời sẽ thường là "tới tám giờ mới dậy, sao mà dậy sớm được". Khi thực hiện quá trình "tiêu cực" của mình tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Cách để có thể xuất phát sớm thì sẽ phải dậy sớm hơn. Nhưng làm sao có thể dậy sớm hơn? Đương nhiên là ngủ sớm hơn rồi. Nhưng làm sao để ngủ sớm hơn? Câu trả lời của tôi đó là tối ưu hóa những công việc tôi làm mỗi tối như giải trí, ăn uống, học tập... Tôi sẽ phải dẹp đi hầu hết những "giờ vô định" của mình trước màn hình máy tính. Tôi sẽ phải nghĩ ngay vào việc mình sẽ phải học gì, đọc gì, code những dòng mã nguồn mở nào mỗi tối. Do thời lượng rãnh rỗi bị cắt giảm từ một đến hai tiếng cho việc ngủ nên tôi sẽ phải tính toán lại tất cả. Những thứ cần ưu tiên sẽ được ưu tiên. Sau khi hoàn thành chuỗi thay đổi đó thì tôi có được kết quả là tôi thường dậy lúc sáu giờ sáng hơn, khoảng bảy giờ ba mươi xuất phát và chạy thong thả để đến được văn phòng vào lúc tám giờ tới tám giờ mười lăm.
Nhưng làm nhiều thứ như thế chỉ vì một việc đi làm thoải mái liệu có đáng không? Có thể có hoặc không. Nhưng đúng là phải tốn khá nhiều công sức thật. Như việc chỉ vì trồng một loại cây nào đó mà tôi phải bới đào và cải tạo cả một mảnh vườn. Nhưng may mắn một cách chết tiệt là nhờ cái loại cây đó mà tôi có một mảnh vườn có thể trồng được nhiều hơn những điều mà tôi có và vứt được đi những thứ không cần thiết. Đó cũng chính là điều thứ hai tôi rất thích của việc trở thành một người tiêu cực. Cảm giác khi tối ưu mọi thứ để đạt được những mục tiêu thật sự rất hay ho, hay ho hơn nửa là tối ưu hóa những điều đã tối ưu ở các mục khác nhau thành một khối tối ưu chung lại còn thích thú hơn nửa. Nếu hỏi tôi có mệt không thì câu trả lời sẽ là có nếu như chúng ta xem những điều đó là không cần thiết và không nếu như chúng ta thật sự muốn hướng đến kết quả. Riêng tôi hiện tại thì không hề thấy mệt mỏi lắm vì mọi sự gần như đã chạy một cách thụ động bên trong lối sống hàng ngày của mình.
Điều cuối cùng làm tôi cảm thấy ổn khi sống trong những cái tiêu cực đó chính là việc dẹp bỏ đi những cái mập mờ xung quanh mình. Thay vì bước đi giữa muôn trùng câu hỏi như "Hôm nay có kẹt xe không?", "Chiều nay có mưa không?", "Có khi nào mình rớt phỏng vấn không?". Tôi luôn chọn cho mình những cái khẳng định đầy tiêu tực rằng là sẽ có. Có để tôi chuẩn bị mọi điều cho những điều đó, để từ đó những bước đi sẽ không còn phải đứng giữa sự nghi ngại theo kiểu 50 50 nửa. Với những điều xấu kia thì chẳng còn gì phải sợ hãi quá nhiều nếu như tôi đã nghĩ đến chúng và phương cách chống lại chúng. Còn nhiều không thể chống lại chúng? Thì tôi cũng đã làm mọi cách để ngăn chặn, nếu có thất bại thì cũng chỉ là thiên ý, tôi cũng sẽ phải học cách chấp nhận những điều tệ hại đó như một lẻ tự nhiên. Có đau khổ không? Có chứ, rất nhiều nhưng sẽ là một niềm đau khổ đến từ chính sự kiện đó gây ra chứ không phải sự vằn vặt, khó chịu vì đã để điều đó xảy đến một cách đầy cẩu thả và thờ ơ.
Thế thôi, kết thúc thôi nào. Trích vài câu của Acy nhỉ:
Nên tao chẳng vui cũng chẳng buồn lâu, khi ai đó ra đi. Vì nếu mày có đức tin, thì chắc mày đã đến Valhalla G. Cõi này là cõi tạm mà, còn nếu mày ko có đức tin thì... Có gì để tiếc, khi trở về đất và vô tri!
Eyes - Acy