Nếu có tiền, ở Việt Nam vẫn là sướng nhất
Mười năm trước, khi mình dời khỏi Việt Nam đi du học, có người bà con cô bác có nhắc mình học xong thì về quê hương, phục vụ Tổ quốc....
Mười năm trước, khi mình dời khỏi Việt Nam đi du học, có người bà con cô bác có nhắc mình học xong thì về quê hương, phục vụ Tổ quốc. Khi giờ mình nói chuyện với mọi người thì rất ít người nói câu đó. Bây giờ người ta đổi kiểu nói. Bây giờ mình nghe nhiều người nói câu này hơn: "Nếu có tiền, ở Việt Nam vẫn là sướng nhất." Ý người ta nói, ở Việt Nam cái gì cũng rẻ. Ở Mỹ, muốn đi chơi lại bận, muốn ăn cái gì phải tự làm, không có người giúp việc, cái gì cũng phải tự làm lấy, lại còn không kể có người người ta phân biệt đối xử. Ở Việt Nam nhà giàu sướng như tiên, cơm ăn nước uống tận miệng, người hầu người hạ, thuế phải đóng ít, thiên hạ nhìn lên. Nếu là người nhanh nhẹn kiếm ra tiền, thì cuộc sống dễ dàng lắm. Ở Việt Nam mà giàu và quen biết ai nữa thì muốn gì được nấy, có khó khăn uẩn khúc thế nào cũng giải quyết được. Khi bệnh nặng có tiền là được chữa ngay, khi cần kíp việc gì chỉ cần gọi điện cho người quen làm ở chỗ này chỗ kia là được lên đầu hàng.
Từ thời sinh viên ở Mỹ, mình có lẽ là thu nhập ở đáy 10% xã hội. Mình thuê nhà trọ cùng với 7 người khác ở trong một căn nhà cũ, mỗi người ở một phòng, đêm nếu mở cửa đi tè thì phải nhón chân không cọt kẹt. Mình thèm đồ ăn thì phóng xe đạp đi mua bánh Hamburger McDonalds giá 1 đô một cái, cộng với một gói khoai tây chiên xoắn giá 1 đô nữa là 2 đô. Còn hôm nào có thời gian thì mình phóng xe đạp đi chợ mua đồ Ấn Độ ở cạnh nhà, về nhà tìm hiểu Google nấu lấy món ăn Ấn Độ. Khi ăn xong rồi thì quy định của cái bếp chung 8 người đấy là phải đi rửa bát (bằng tay) ngay. Nếu cảm thấy thừa thời gian không biết làm gì, mình lên eBay nhập các linh kiện điện tử từ Trung Quốc về để mình dùng, còn thừa thì bán cho người ở Mỹ để nuôi thú vui nghịch đồ điện tử của mình. Sống như vậy, một tháng mình cũng để dành ra được một hai trăm đô phòng khi trái gió trở trời, mà vẫn có đồ để chơi. Mình không có nhiều tiền, nhưng thật sự mình chưa bao giờ cảm thấy thiếu tiền.
Sau khi ra trường mình có việc làm, thu nhập của mình cao hơn so với hồi sinh viên. Mình vẫn thuê một căn hộ nhỏ, vẫn nấu ăn đồ Ấn Độ, vẫn mua Hamburger để ăn. Khi mình ăn Hamburger McDonalds vẫn thấy ngon như xưa, ăn khoai tây chiên xoắn vẫn thấy giòn như xưa. Mình vẫn để quần áo thành một đống cuối tuần đi khuân xuống dưới nhà giặt. Mình ăn xong vẫn tự đi rửa bát bằng tay. Mình vẫn ngồi viết code, vẫn ngồi hàn gắn mấy thứ đồ Arduino nhái giá 4 USD một bo mạch. Mình vẫn dùng chiếc điện thoại iPhone 6 màu hồng ra 5 năm trước, mình mua loại màu hồng vì nó có khuyến mãi. Khi mua đồ mình vẫn đi mua đồ second hand để về nhà chế. Hôm nay mình vẫn đi xe đạp (second hand) về nhà. Về nhà mình viết bài này trên một chiếc máy tính mình tự lắp 8 năm trước. Chiếc máy tính đó vẫn cài Ubuntu - một hệ điều hành miễn phí. Khi mình muốn viết bài thì mình vẫn phải ngồi tự gò lưng mấy tiếng để viết. Cái mình nhận ra là số tiền mình có trong tài khoản nó cũng chỉ tăng lên một con số. Con số đó nhà băng giữ, một tháng nó nhích lên hai lần. Có lúc mình thấy có thêm số 0 ở trong tài khoản. Trong khi đó mình vẫn nặng 50kg, ăn được chừng đấy, chơi được chừng đấy, tiêu được chừng đấy, tháng này qua tháng khác những điều đó không khác đi tí nào. Điều trớ trêu là một khi anh quen với sự hàn vi rồi thì anh thích cái sự hàn vi đấy.
Trong mười năm có lẻ ở Mỹ, nhiều khi mình tự hỏi mình đã đánh mất những gì. Mình đã đánh mất mười năm để cúi đầu xuống đất đi học ở xứ người, để bắt đầu lại từ số 0 với 0 người thân thích để gây dựng những gì mình đã mất ở Việt Nam. Vì mình luôn ám ảnh một nỗi sợ, đó là việc mình đã từng là kẻ kém cỏi, thua cuộc. Mình đã từng viết mình là một người bỏ đại học ở Việt Nam ngoài ý muốn và đi du học vì đó là nước đường cùng. Cho đến giờ mình vẫn không hiểu thật sự lý do gì mà mình bị đuổi khỏi phòng thi ở trường mình đang học hôm đó. Mình chỉ biết hôm đó, một hôm rất bình thường như nhiều hôm khác, mình đi thi, vì một lý do vớ vẩn mà mình bị đuổi khỏi phòng thi. Khi đó mình đứng một mình với một người mình phải xưng là thầy đứng lên quyết định cuộc đời mình, không có đường nào cãi, không có người nào bênh, không có bạn bè cùng lớp nào dám đứng lên phản đối. Mình được 0 điểm. Và khi mình thất thểu về, thì bỗng dưng sau một cuộc điện thoại của bố mình cho một người quen ở trường trong 15 phút, mình lại có điểm đỗ ở trong kỳ thi đó. Khi đó thật sự mình cảm thấy một điều là ngay cả khi mình cố gắng học thêm 5 năm để kiếm lấy tấm bằng, thì nó cũng không còn bất cứ ý nghĩa gì với mình nữa. May mắn thay, do một người giới thiệu đi học ở Mỹ. Những gì đã xảy ra với mình ở Việt Nam đã không xảy ra với mình ở Mỹ. Mình đến nay có tấm bằng cao nhất mình có thể lấy được. Có lẽ con đường học của mình ở nước Mỹ của mình có lý do một phần là sự sợ hãi: sợ hãi vì mình nghĩ mình là người thật sự có lỗi vì những gì mình đã làm, kém cỏi, sợ hãi những gì đã xảy ra với mình ở Việt Nam sẽ xảy ra một lần nữa. Khi bạn sợ hãi thì sự sợ hãi có thể bị đào sâu chôn chặt nhưng bạn vẫn sợ hãi như thế.
Mình tự nghĩ nếu mình về Việt Nam thật thì mình trở thành người như thế nào. Có lẽ để làm lại ở Việt Nam mình nghĩ cũng không còn quá khó do những vốn liếng mình tích lũy được trong những năm vừa qua. Nhưng mình cũng vẫn không ăn được nhiều hơn, không nhậu được nhiều hơn, không lấy tiền để mua được thời gian mình đã mất. Mình nhiều khi tự hỏi nếu về Việt Nam thì mình có sợ không? Mình nếu ở Việt Nam chắc giờ này cũng có con bắt đầu đi học lớp 1, mình cũng sẽ cố gắng cho vào trường tốt. Và có thể nó cũng sẽ bị "bỏ quên" trên xe bus vào một ngày rất bình thường như bao ngày bình thường khác. Và mình có bao nhiêu tiền, bao nhiêu mối quan hệ cũng sẽ không thể biết được tại sao tai họa lại giáng xuống gia đình mình vào một ngày bình thường như thế và sẽ không bao giờ biết sự thực cái gì đã diễn ra. Và biết đâu mình cũng có những người cô, người bác như bà Quy, đi làm kiếm tiền vào một ngày bình thường và trở thành kẻ giết người mà không có ai bảo vệ cho mình được như vậy. Vì mình biết, cuộc đời mình cũng đã quay ngoắt 180 độ ở một ngày bình thường như thế khi mình còn là một sinh viên đại học.
Mình mong không ai nói với mình câu "nếu có tiền thì ở Việt Nam sướng nhất" nữa vì đó không phải là cuộc sống mình muốn sống, một xã hội mình muốn thấy. Vì khi mình bắt đầu đo sự hạnh phúc của mình, đo công lý của mình bằng số 0 trong tài khoản của mình để đổi lấy sự hạnh phúc và sự công bằng của người khác, thì lúc đó sẽ có người giàu hơn đo công lý của họ bằng số 0 trong tài khoản của họ, để đổi lấy công bằng của mình.
Ngày xưa mình có đọc "Dế mèn phiêu lưu ký" có nhớ đoạn này:
"Nhưng cũng vì thế mà tôi tỉnh ngộ. Trời ơi, thế ra từ khi bị hai đứa trẻ bắt vào vòng u tối, tôi đi đánh nhau làm trò cười cho thiên hạ, tôi chỉ làm ác mà tôi không biết. Mà những kẻ bị tôi đánh, họ cũng là họ hàng xa gần nhà dế cả. Tôi thở dài, thầm nghĩ:- Hôm trước ta đã vướng điều lẫm lỗi, bây giờ lại mắc lỗi nữa... Ôi, ta hèn quá. Cũng may bác Xiến Tóc không giết ngoém ngay ta đi. Mới biết đời này hồ dễ ai bắt nạt nổi ai. Ta đánh kẻ yếu hơn ta thì kẻ khác mạnh hơn ta đánh ta. Thôi thôi, giấc mê kia đã tỉnh ra rồi.Nghĩ được thế, lòng tôi mới tạm yên. Nhưng nói cho hết nhẽ, nếu bây giờ tôi muốn bỏ tính hung hăng xằng bậy đi thì tôi nhất quyết phải rời hai đứa trẻ này ra. Bởi mục đích của họ là để bắt tôi làm trò choảng nhau, cho họ cười. Văng vẳng bên tai tôi hai tiếng thoát ly."
Hôm nay nhân tiện người đã giúp mình ngày mình khó khăn lại tiếp tục quyết định đứng lên giúp tiếp người khác, mình chia sẻ lá thư của anh ấy ở đây.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất