Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thuật ngữ Quyền sở hữu trí tuệ được chính thức sử dụng từ Bộ luật Dân sự năm 1995 và các đạo luật được ban hành sau đó. Đó là một loại hình quyền sở hữu đặc biệt mà đối tượng là các sản phẩm sáng tạo do lao động trí óc con người tạo ra, là sản phẩm trí tuệ con người. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bổ sung thêm đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với giống cây trồng.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 đã đưa ra khái niệm: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng là một loại quyền tài sản, do đó nó có đầy đủ đặc tính của quyền tài sản nói chung đó là: chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản của mình (bao gồm chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) và không ai được sử dụng tài sản đó nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất đặc thù của các đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp có những đặc điểm riêng để phân biệt với quyền sở hữu khác, thậm trí với cả quyền tác giả. (Tác giả sẽ phân tích cụ thể hơn về chủ đề quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả tại bài viết khác)
Điều kiện để góp vốn vào doanh nghiệp bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tư nhân dành nhiều quan tâm, chú ý đến các điều kiện, thủ tục, quy định về góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ vào doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình. Do đó, cần xác định rõ tiêu chí để từ đó có thể đánh giá được giá trị quyền sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác là cần phải vật chất hóa loại quyền này để có thể dễ dàng định giá và sử dụng trong việc góp vốn.
Hiện nay, việc góp vốn bằng giátrị quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Bên cạnh đó có một số văn bản hướng dẫn thực hiện những luật trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện.
Cơ sở pháp lý cơ bản về tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Do đặc thù của tài sản quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình nên khi góp vốn các bên góp vốn và nhận góp vốn cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xác định rõ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đem góp vốn (Ví dụ Bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa/ dịch vụ, kiểu dáng công nghiệp, ...). Đặc biệt để các tài sản này được ghi nhận là tài sản cố định vô hình thì cần xác định được thời gian khấu hao tài sản.

Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:
+ Tại Khoản 2 Điều 2 hướng dẫn các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:
“2. Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...”
+ Tại Điều 3 hướng dẫn về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định;
+ Tại Điều 11 hướng dẫn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình:
“1. Doanh nghiệp tự xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm.
2. Đối với TSCĐ vô hình là giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất thuê, thời gian trích khấu hao là thời gian được phép sử dụng đất của doanh nghiệp.
3. Đối với TSCĐ vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với giống cây trồng, thì thời gian trích khấu hao là thời hạn bảo hộ được ghi trên văn bằng bảo hộ theo quy định (không được tính thời hạn bảo hộ được gia hạn thêm).”
+ Tại Điều 13 hướng dẫn về phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:
“…
3. Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSGĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.
4. Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.”

Thứ hai, cần thống nhất cách thức định giá (xác định giá trị) của đối tượng góp vốn.

Theo đó, các chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp thỏa thuận với người góp vốn/cổ đông mới về cách thức định giá với tài sản này hoặc các bên cũng có thể thống nhất thuê một đơn vị thẩm định giá độc lập làm công việc này. Kết quả cho ra là chứng thư thẩm định giá.

Thứ ba, cần lập hợp đồng góp vốn quy định rõ nội dung liên quan đến việc góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, các quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao và doanh nghiệp với tư cách là người nhận chuyển giao các quyền sở hữu công nghiệp.

Do đặc thù của công việc, không phải ai là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ cũng mất công tìm hiểu về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Chính bởi vậy mà một phần nào đó giá trị của quyền sở hữu trí tuệ đã không được khai thác và đánh giá đúng mức. Đơn cử có thể thấy rõ việc cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp nhà nước đã không liệt kê các giá trị của quyền sở hữu trí tuệ về: Nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, các sáng chế và giải pháp hữu ích, ... gây thất thoát một giá trị không nhỏ tài sản nhà nước.
Đứng trước thực trạng trên, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ cần phảinhận thức đúng đắn, đầy đủ và toàn diện về quyền sở hữu trí tuệ cũng như giá trị có thể mang lại khi sử dụng các quyền đó. Điều đó được thể hiện qua một số nội dung sau:
+Đăng ký để xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
+ Xác định được giá trị của quyền sở hữu trí tuệ.
+ Tiến hành góp vốn theo quy định.
Xem xét một cách khách quan, các khía cạnh pháp lý về góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ xoay quanh 03 chủ thể: Bên góp vốn, bên nhận góp vốn và cơ quan quản lý nhà nước, trong đó vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng.
Kết luận:
Quyển sở hữu trí tuệ là một loại tài sản có thể được định giá, ghi nhận và đóng góp vào khối tài sản của doanh nghiệp. Minh chứng là hiện nay có thể kể đến hàng nghìn doanh nghiệp ở Việt Nam đang và sẽ chỉ tồn tại nếu thương hiệu của sản phẩm tên tuổi còn được người tiêu dùng tin dùng như Cafe Trung Nguyên, Bánh kẹo Hải Hà, Bia Hà Nội ... Những vụ việc đáng tiếc như hình ảnh logo thương hiệu của nhãn đồ ăn "Mixi food" của Streamer nổi tiếng Phùng Thanh Độ đã bị một đơn vị khác làm thủ tục đăng ký bảo hộ trước, phải chăng streamer này sớm quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu hay đưa thương hiệu này trở thành 1 phần tài sản của doanh nghiệp thì có thể hình ảnh logo đã không bị "đánh cắp" dễ dàng như vậy?