Dù thế giới có rộng lớn hơn, người ta vẫn sẽ nghe những gì họ muốn nghe, nhìn những gì họ muốn nhìn và nói những thứ họ muốn nói?
Internet phổ biến ở Việt Nam cách đây chưa lâu, cũng chục năm trước gì đấy, nhưng nó xâm nhập vào cộng đồng thì nhanh hơn như vậy, nhanh như cách nó hoạt động truyền tải tốc độ ánh sáng và xử lí thông tin. Những buổi học về Internet, thiết bị điện tử hiện đại kết nối với nhau, cô giáo hỏi và chúng tôi trả lời. Một câu trả lời quen thuộc về lợi ích của Internet - Mọi người có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn.
Internet mở ra một thế giới mới dường như vô hạn, người ta chỉ cần con chuột, bàn phím và màn hình có thể đi xa vạn dặm hơn bất cứ con người nào trong thế kỉ trước có thể đi, thu được hàng vạn dữ liệu, thông tin hơn bất cứ thư viện nào có thể chứa. Tưởng rằng, góc nhìn của con người được chạm tay vào Internet ấy chắc hẳn sẽ rộng lớn, uyên bác lắm. Y như những gì chúng tôi được bàn luận trong những buổi học về lợi ích của Internet. Tuyệt nhiên chẳng mấy nói đến hoặc xem nhẹ tác hại, mặt trái của luồng thông tin này cũng như người ta hiếm khi nói đến tác hại của việc đọc sách vậy.
Đã hơn nửa thập kỉ gắn bó với mạng xã hội và Internet, góc nhìn của tôi rộng hơn khá. Nhưng nông hơn so với những cách thức khác trước đó từng gắn bó như TV, sách, báo. Thậm trí đôi khi thu nạp nhiều quá mà bội thực. Tùy vào từng người tiếp cận, không trách mạng xã hội được. Nhưng có thể nói tôi và nhiều người khác có thể khẳng định rằng mình là lão làng Facebook, mặc dù tuổi đời dùng nó mới 5 năm. Sao mà không chắc chứ, người ta bảo thành chuyên gia sau 10.000 giờ cơ mà. Con số này chắc chẳng là gì so với thời gian đôi mắt gắn với những bóng pixel phát sáng, những hình ảnh, con chữ chảy vào bộ não của tôi và khá nhiều người trẻ hiện nay.
Nếu bạn để ý kĩ, Facebook đã thay đổi xu hướng đám đông người dùng đáng kể trong khoảng thời gian 5 năm. Mình cũng không chắc, hoặc là nhu cầu tự thay đổi của chính cộng đồng. Những năm trước kia người ta thích tiêu thụ những thông tin từ những trang tin nhanh, fanpage đăng ảnh hài hước, đua nhau tranh luận trên phần comment ở các fanpage lớn, chủ yếu là về giải trí…; Ngày nay, ý mình là những năm gần đây xu thế của người dùng là phân chia cộng đồng Nhóm - (Group). Đúng như xu hướng chuyên môn hóa của xã hội vậy :)). Dễ dàng giải thích cho xu hướng này, những người có chung sở thích, chung thế giới quan thì sẽ tự tìm đến nhau, có lẽ là một phần nào đấy. Những Fanpage - Trang hiện nay vẫn hoạt động mạnh nhưng không hề thu hút được việc bàn luận và chia sẻ quan điểm nhiều như ở các Group cộng đồng. Cũng dễ hiểu, thay vì tiếp nhận bị động thông tin từ một người và bị bó hẹp góc nhìn thì tại Group, ai cũng có quyền chủ động chia sẻ, từ đó mà đa góc nhìn hơn.
Thông tin nhiều, góc nhìn nhiều, chủ quan nhiều, chính kiến nhiều và từ đó tin giả cũng nhiều. Người ta bắt đầu đòi hỏi góc nhìn khách quan. Trong đa số trường hợp, khách quan nghe có vẻ vẫn thích hơn là chủ quan, hay nói cách khác, khách quan gắn với tích cực và chủ quan gắn với tiêu cực. Người ta bảo nhau là hãy theo dõi những thông tin chính thống, những trang tin tức thông tấn nổi tiếng, những cơ quan lớn. Vì chắc rằng nó uy tín, có khả năng và nó có góc nhìn khách quan hơn. 
Càng lớn lên, đọc được càng nhiều hơn, hiểu được càng nhiều hơn những thứ vĩ mô. Mình hiểu rằng, dù người phát ngôn có lớn đến mấy, cũng cần phải có tư duy phản biện. Bởi không phải cứ lớn đi kèm với uy tín, cứ lớn thì đi kèm với SỰ THẬT. Cụ thể hơn, mỗi người chúng ta cần phải có cho mình góc nhìn riêng. Nhưng thật tiếc, đám đông lại không trang bị được thứ này, họ đang nhìn theo góc nhìn của người khác - lớn hơn - to hơn thay vì góc nhìn của chính mình. Hay liên hệ với luận điểm bên trên, tiếp xúc với thế giới lớn hơn không chắc sẽ khiến người ta có góc nhìn rộng hơn cho bản thân mình. Hay có thể phản biện luôn luận điểm đầu bài. Người ta nhìn, nghe, nói theo những thứ mà người khác muốn họ làm vậy, góc nhìn của những con người nhỏ bé bị bao trùm bởi góc nhìn của những kẻ khổng lồ. Ngay cả những người tự nhận mình trang bị được một góc nhìn riêng, cũng không tránh khỏi việc giao thoa với góc nhìn lớn hơn.
Quay lại với những Group, phải cảm ơn vì nhiều trong số đó đã đưa ra những thông tin từ nhiều góc nhìn khác nhau giúp mình hiểu được, không phải cái gì lớn thì đều đúng. 
Cuối năm 2019, đầu năm 2020. Truyền thông ngập tràn trong những thông tin về biểu tình Hong Kong, rồi gần đây là dịch COVID-19. Ta có thể thấy rõ rằng những ông lớn như Trung Quốc, hay Mĩ đều cố gắng điều khiển công cụ truyền thông của mình để bảo vệ và chèo lái dư luận theo hướng họ muốn. Hay gần gũi hơn là cách truyền thông Trung Quốc nói về chủ quyền biển đảo. Âu cũng là do lợi ích cá nhân của từng bên, lợi ích càng lớn thì góc nhìn càng bành chướng để định hướng đám đông ủng hộ cho lợi ích đấy.
Rodney Smith
TIN GIẢ - Fake news thì đáng sợ, nhưng không hề mới, chẳng qua nó tỉ lệ thuận với lượng thông tin chúng ta nhận được từ Internet. Từ ngày xưa, tin giả cũng không thiếu, và cũng to không kém phần ảnh hưởng. Đám đông tin rằng trái đất là cái rốn trung tâm vũ trụ mà cầm tù Galileo Galilei, những người tìm hiểu về khoa học thì bị gọi là phù thủy, ở châu Âu người ta khuyên không nên tắm vì có hại cho sức khỏe, hút thuốc lá từng được cho là có lợi. Bác sĩ Ignaz Semmelweis năm 1847 đề xuất việc rửa tay khử khuẩn và bị đồng nghiệp chế diễu, dư luận bác bỏ, phải đợi đến tận năm 1880, Louis Pasteur xác nhận sự tồn tại của vi trùng vi mô và thiết lập nên những nguyên tắc quan trọng trong vô khuẩn, rửa tay trở thành biện pháp bắt buộc để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Khi "Thuyết mầm bệnh” của ông được chấp nhận rộng rãi, khuyến nghị giữ vệ sinh do bác sĩ Ignaz Semmelweis đưa ra mới được công nhận.
Trong lịch sử Việt Nam, Mĩ cũng dùng tin giả để tạo ra cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 của hàng triệu người lợi dụng lòng tin mê tín của người Việt thời đó, để bảo rằng Chúa đã vào Nam, dùng các thầy bói phán rằng điều xấu sẽ xảy ra làm người ta tin vào việc Mĩ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, gây sâu sắc hơn nỗi mâu thuẫn Bắc Nam. Hay gần hơn nữa, dư luận châu Á, nói thẳng là Việt Nam chửi rủa, rè bỉu “lũ người da trắng” thượng đẳng không đeo khẩu trang và lí do thì có nhiều, ngoài việc do định kiến xã hội thì còn là do góc nhìn của họ bị bao phủ bởi góc nhìn của Chính phủ, các chuyên gia, bác sĩ rằng có bệnh thì mới đeo, không bệnh thì đừng đeo. Dễ thấy sự thiếu sót sơ hở, nhưng ở đây mình muốn lấy ra vắn tắt những ví dụ về Góc nhìn bị bao phủ và định hướng. Và Fake news thì tràn lan. Sự thật vẫn còn là một dấu hỏi khi những cơ quan lớn, tổ chức lớn, vốn được cho là uy tín nói vậy thì ta nên tin ai?
Bài hát Rung Chuông Vàng của nhóm Bức Tường có câu:
“...Bên kia đỉnh dốc, người ta đồn thế thôi!
Ở nơi kia, chỉ là ẩn số…”
Đúng vậy, ở nơi kia, chỉ là ẩn số. Bài viết với tựa đề “Góc nhìn” chỉ ra rằng những thứ chúng ta mắt thấy, tai nghe, miệng nói nhiều khi là do người khác muốn chúng ta làm vậy thay vì chúng ta tưởng rằng chính chúng ta đang làm chủ chúng ta. :)) Nhiều chữ chúng ta vl. Thay vì chỉ đứng nhìn dưới góc nhìn của bản thân hoặc là của người khác, thì hãy vừa quan sát, vừa bước đi, biết đâu tới được bên kia “đỉnh dốc”, bạn sẽ tìm thấy “ vầng dương vẫn chói chang…” ? Biết đâu, nhỉ?
Sự thật, thật một phần. Khách quan, khách một nửa. Theo mình sẽ chẳng có gì là khách quan tuyệt đối, khách quan vốn vốn dĩ chỉ là chủ quan tương đối, chủ quan tạo ra khách quan, trong khách quan lại bao hàm chủ quan, hai thứ tồn tại song song, khẳng định lẫn nhau. Triết 1 flashback.
Đa chiều là một thứ khó đòi hỏi như khách quan, nhiều góc nhìn hơn giúp chúng ta thấy được nhiều thứ hơn nhưng sẽ vô dụng hoặc phản tác dụng nếu như chúng ta không trang bị góc nhìn riêng, chính kiến riêng. Nếu không thì người ta sẽ bị loạn thông tin, không thoát ra được. Vì vậy, mắt nhìn, tai nghe nhưng đầu phải nghĩ, không phải cứ thế mà hấp thụ, nghẹn đấy. Hãy hỏi là “Liệu có 'Thật' như thế không?”, hỏi xong rồi thì bước đi, có đi thì mới có ngộ, những cái loại không đi thì chỉ có mà ăn cuối đầu bài, ăn tức. Nói thế cho nhanh, cho nó dễ hiểu. 
_______________________
#Rùa