Phá giải lời nguyền của những đứa trẻ ngoan
“Nếu con không nín, con sẽ không được kẹo” “Nếu con tiếp tục khóc, con sẽ không được kẹo” Chứ không phải là kẹo đây con nín đi
P/s: Bài viết này được viết sau khi đọc được bài viết “Lời nguyền bất hạnh của những đứa trẻ ngoan” và trùng hợp thay mình cũng trúng lời nguyền này cho đến khi mình nhận ra nguồn cơn của vấn đề không phải ở việc mình chọn làm trẻ ngoan hay hư, mà là cách tư duy và giáo dục sai lệch của người lớn.
“Mẹ xin lỗi vì đã bỏ bê con, nhưng vì con hiểu chuyện, độc lập nên mẹ mới yên tâm không quản”
Đây là câu nói mẹ tôi đã nghẹn ngào nói với tôi khi đến thăm tôi ở Canada sau gần 3 năm tôi không về Việt Nam.
Tôi là con út trong gia đình, chị của tôi hơn tôi 8 tuổi nhưng lại lại là một đứa trẻ “hư”. Bắt đầu từ lúc chị tôi vào cấp ba, tức là tôi vào cấp 1, thì chị tôi trở nên hư hỏng và nổi loạn. Mọi thứ mà bạn có thể nghĩ về một đứa trẻ hư thì chị tôi đều có. Trốn học, đánh nhau, yêu sớm, trộm tiền, nói chung là đủ mọi tật xấu. Mặc dù bị trách mắng, gầy la nhưng mọi sự tập trung của gia đình và đặc biệt là mẹ tôi đều đổ dồn vào chị tôi.
Còn tôi thì ngược lại, tôi thấy mẹ khóc rất nhiều vì chị nên tôi cố trở nên ngoan ngoãn, từ trường học cho đến khi về nhà. Tôi hy vọng sự ngoan ngoãn đó của tôi có thể khiến mẹ vui, nhưng niềm vui đó của mẹ lại đi kèm theo một cái giá mà khiến cả tuổi thơ của tôi trở nên ảm đạm, đó là thiếu đi sự quan tâm và yêu thương từ mẹ. Nếu chị tôi được quản gắt gao và để ý từng chút một, thì cuộc sống của tôi lại xoay quanh người giúp việc vì mẹ tôi bận đến trường chị tôi học (lúc này chị tôi học ở thành phố, còn tôi vẫn ở dưới quê học). Ăn uống, ngủ nghỉ, trừ lúc tôi còn học cấp 1 thì sau này tôi đều tự lo, hoặc có người giúp việc nấu hộ và rồi lủi thủi ăn một mình. Những lúc tôi gặp mẹ ít đến đếm trên đầu ngón tay, mỗi lần nhìn điểm số trong trường bà cũng chỉ khen tôi dăm ba câu cho có. Tôi biết bà thương tôi, nhưng sự quan tâm và sức lực của bà không thể san sẻ cho cả hai đứa con cùng một lúc. Chị tôi thì trong giai đoạn nổi loạn và có thể sa ngã bất cứ lúc nào, nên bà luôn dành sự quan tâm cho chị tôi. Vô tình sự quan tâm lệch đó khiến một đứa trẻ hiểu chuyện cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Lâu dần tôi chợt nghĩ hay mình cũng nổi loạn để dành sự chú ý từ mẹ, thế là tôi nổi loạn. Khiến mọi thứ trong trường học rối tung rối mù, nhưng để rồi nhận được những cuộc gọi họp phụ huynh không người bắt máy. Cho đến khi tôi đánh nhau với bạn, thì những gì tôi nhận được chỉ là ánh mắt thất vọng và tức giận từ mẹ. Cho đến giờ bà vẫn không chấp nhận được một đứa trẻ ngoan như tôi trở nên hư hỏng, nhưng lại luôn cố dỗ dành người chị hư của tôi chỉ vì không muốn chị ấy tiếp tục sa ngã như xưa.
Lúc đó tôi cảm thấy việc trở thành một đứa trẻ ngoan thật sự là một lời nguyền. Và tôi đã chọn những cách tiêu cực nhất để trở nên hư hỏng thử một lần. Tôi uống rượu, chơi bời và thử những thứ mà ba mẹ tôi cấm cản. Nhưng tôi lại qua cái tuổi và giới hạn mà ba mẹ tôi có thể quản, nên tôi chỉ ngập ngụa trong những thứ tiêu cực của chính mình mà không một ai còn quan tâm đến. Sau khi quậy đủ, tôi tỉnh táo lại và thấy rằng bản thân mình không phải con người như thế, tôi cũng chẳng thích như thế. Những bữa tiệc bét nhè không dành cho tôi, những cuộc chơi không hồi kết nó cũng chẳng khiến tôi vui vẻ, và hơn hết, cái tôi muốn tôi vẫn chưa có được, đó là sự quan tâm của mẹ.
Nên tôi cũng ngưng hết tất cả và quay về cuộc sống mà mình mong muốn - trừ việc có thể gần hơn với mẹ. Có lần bà bật khóc và nói với tôi rằng bà nghĩ tôi độc lập và trưởng thành nên bà mới không quan tâm tôi nhiều như chị. Thế là tôi đã lạnh lùng nói với bà một câu là dù tôi có trưởng thành cách mấy, cái tôi cần là sự quan tâm của bà, giờ bà có xin lỗi thì cũng chẳng thay đổi được gì.
Mối quan hệ của tôi và bà trong suốt những năm tháng đó cũng đã không thể nào có một vé khứ hồi để làm lại. Tôi với bà vẫn giữ ở mối quan hệ mẹ con nhưng xa cách. Đến giờ thì có thể gọi là đỡ hơn, nhưng tôi với bà vẫn luôn có một bức tường vô hình. Dù tôi hiểu rõ lý do bà hành xử như thế, nhưng thông cảm không có nghĩa có thể giải quyết được hết những vấn đề của quá khứ.
Trong suốt thời gian ở Canada, tôi trở nên tiêu cực rất nhiều, vì cuộc sống khác biệt, vì những sự lựa chọn sai của bản thân, và vì cả sự cố chấp của chính mình. Nhưng tôi lại học ra được những thứ mà tôi cho là vô giá. Tôi đã từng cho rằng làm đứa trẻ hư thì luôn được sự chú ý của thầy cô và ba mẹ, tôi còn từng khẳng định chắc nịt với bạn tôi rằng “ Để tồn tại trong một lớp học, ngoại trừ trở thành người giỏi nhất, thì cứ trở thành kẻ tệ nhất.”
Nếu bạn giỏi nhất, bạn sẽ là đứa trẻ ngoan, nhưng mờ nhạt, là thành tích của thầy cô nhưng đồng thời cũng chẳng được gì khác. Và khi bạn lỡ phạm sai, thì mọi sự cố gắng của bạn sẽ bằng không. Tức là làm 10 điều tốt, 1 điều xấu, thì người ta chỉ nghĩ đến cái xấu bạn làm.
Nếu bạn tệ nhất, bạn sẽ bị mắng, nhưng đồng thời là sự quan tâm đặc biệt của thầy cô. Và khi bạn đột nhiên trở nên ngoan ngoãn, thì bạn lại là niềm tự hào của thầy cô và cả ba mẹ vì họ được công nhận là đã dạy dỗ tốt được một đứa trẻ hư.
Và đây là vấn đề trong cách tư duy của người lớn mà vô hình chung lại tạo ra một đứa trẻ “hư” khác.
Sau nhiều lần quan sát, tôi nhận ra cách giáo dục ở xã hội chúng ta rất chuộng sự “công nhận”. Tức là “giáo dục tốt”, “cải tạo thành công”, “hướng thiện”, và đồng thời coi nhẹ lời khen và hình phạt. Cách giáo dục duy nhất cho trẻ hư là đánh chúng, nhưng đồng thời lại cực kì quan tâm đến chúng. Hoặc có những trường hợp vì phiền quá nên chiều chúng để có thể tiếp tục việc mình làm mà không bị quấy rầy. Nếu chỉ có 1 đứa trẻ hư duy nhất, thì mọi thứ không quá phức tạp, nhưng nếu đứa trẻ hư có một đứa trẻ ngoan khác để so sánh. Chúng sẽ nhận ra, việc trở nên hư hỏng có lợi nhiều hơn là trở thành một đứa trẻ ngoan phải cố gồng mình với những quy chuẩn người lớn đặt ra. Đương nhiên ai trong chúng ta đều biết việc sống lành mạnh và hiểu chuyện thì có lợi hơn trong tương lai, nhưng trong mắt trẻ con. Hãy nhớ là rất ít đứa trẻ có khả năng tính toán cho việc đó.
Chính cách đối xử và khao khát cải tạo một đứa trẻ hư khiến cho những đứa trẻ ngoan gặp bất hạnh. Nhưng không phải ở đâu việc trở nên tốt đẹp cũng đều là sự bất hạnh. Khi đi làm ở nước ngoài, tôi nhận ra những đứa trẻ hư sẽ bị trừng phạt, và điều đó không khiến cho việc trở nên hư sẽ có lợi nhiều hơn như tôi đã tưởng.
Phần lớn lý do đến từ cách tư duy khen chê của họ. Có lần tôi tham gia vào một lớp huấn luyện chó (và dạy chó với dạy trẻ thì có thể xem là như nhau). Họ sẽ có những phần thưởng và lời khen tương ứng khi một đứa trẻ hay chú chó trở nên ngoan ngoãn, đồng thời là những hình phạt và cách nhìn gay gắt cho những lần chúng trở nên hư hỏng. Và hình phạt họ dạy chúng tôi nên có chính là “không chú ý” đến nữa. Tức là một đứa trẻ hư, quậy phá khóc lóc đòi kẹo, việc của người lớn không phải là ẵm chúng đến quầy kẹo và mua cho chúng viên kẹo mà chúng thích mà là những yêu cầu như
“Nếu con không nín, con sẽ không được kẹo”
“Nếu con tiếp tục khóc, con sẽ không được kẹo”
Hoặc đơn giản là họ sẽ mang đứa bé ra khỏi nơi đó, và đợi cho đến khi chúng ngừng khóc và nói với nó rằng :”Nếu con ngoan, cuối tuần con sẽ được kẹo, còn nếu con khóc như thế thì sẽ không bao giờ có kẹo.”
Tôi đã từng chứng kiến một trường hợp thực tế với cách giáo dục như thế. Thời tiết lúc đó là âm ba mươi độ, đứa bé khóc ré lên vì muốn lấy đồ chơi trong xe. Người bố sau khi nói vài câu nhưng đứa bé không nín thì dứt khoát mang đứa bé đã mặc ấm ra khỏi nhà hàng, tôi đã đinh ninh nghĩ là đứa bé đó sẽ được món đồ chơi mà nó muốn. Còn đứa bé ngồi lại với mẹ nhất định sẽ lại thất vọng nhìn đứa bé kia có đồ chơi. Nhưng tầm 10 phút sau đó thì người bố mang đứa bé với gương mặt đỏ bừng quay lại và nước mắt thì đông cứng trên mặt, đương nhiên là chẳng có món đồ chơi nào cả. Hóa ra người bố và đứa bé đã đứng bên ngoài với thời tiết âm ba mươi độ như một sự trừng phạt. Và người bố thì cũng chịu phạt cùng.
Suốt buổi ăn hôm đó đứa trẻ ngồi lại được người bố khen là “good manners” nhưng không hề có một câu “look at your brother” hoặc những câu mang ý so sánh. Nhưng cách đối xử có thể cho thấy sự khác biệt giữa hai đứa trẻ. Thế là đứa trẻ hư nhận ra nó đang bị phạt, và không nhận được sự chú ý của ba mẹ nữa, và nếu chúng tiếp tục hư, thì chúng sẽ lại bị phạt tiếp. Thế là bọn chúng trở nên ngoan ngoãn sau đó.
Tương tự với trong lớp học, giáo viên không đua thành tích, và mọi thành tích đều là vấn đề cá nhân riêng các học sinh. Nhưng họ bỏ tâm huyết vào bài giảng, đứa trẻ ngoan ngoãn lắng nghe giảng sẽ được sự chú ý đặc biệt, còn những đứa trẻ bấm điện thoại hoặc không tập trung thì sẽ trở nên vô hình trong mắt họ. Đó là một sự trừng phạt, không phải những đứa trẻ hư sẽ nhận được sự chú ý và quyền lợi đặc biệt, mà vì chúng hư nên sẽ bị mất đi những quyền lợi đặc biệt mới khiến chúng trở nên ngoan ngoãn.
Nhưng cách giáo dục nào cũng sẽ có lỗ hổng, và xã hội nào cũng sẽ có những thành phần khác biệt. Hiểu chuyện hay ngoan ngoãn có thể là một lời nguyền, nhưng những thứ tốt đẹp đều đến từ sự toi luyện.
Chúng ta đều đã lớn, có thể đã từng là đứa trẻ vâng lời hiểu chuyện nhưng ít nhận được sự quan tâm, có thể là đứa trẻ hư đang tìm đường hối cải. Dù thế nào thì đó cũng đã là thời gian đã qua, nếu tiếp tục nhìn về phía trước, hãy đối xử với những đứa trẻ một cách đúng đắn. Chẳng có một lời nguyền nào dành cho sự ngoan ngoãn và vâng lời, tất cả chỉ đến từ tư duy sai cách của người lớn khi đối diện với những đứa trẻ. Làm trẻ ngoan thì khó, nhưng lời khen dành cho trẻ ngoan thì đâu khó để nói ra đâu đúng không?
-Lâm Duệ Nghi-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất