Ngày 10/04, những dòng chia sẻ đầy tâm trạng về cuộc sống doanh nhân của Chi Anh Đào - "Cô gái triệu đô của startup Việt" được đăng tải trên trang cá nhân, và ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng. Người ta nhận ra, đằng sau những tựa đề báo nhấn mạnh vào thành tựu hiếm có của họ là muôn vàn khó khăn, đằng sau những tấm ảnh hào nhoáng là những mảng tối cảm xúc. 
Mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về những góc khuất của người khởi nghiệp, người viết đã tìm tới anh Nguyễn Duy Hải Linh - sáng lập Popart Hanoi School. Với trải nghiệm phong phú từ khi còn “làm thuê” đến chặng đường “ra riêng” không hề dễ dàng, những điều người doanh nhân mới bước qua tuổi 30 chia sẻ rất thực, nhưng không hề u ám, ngược lại, thể hiện bản lĩnh được tôi luyện cùng cá tính không thể lẫn lộn của anh.
Những cú tát từ thực tế
Không còn hứng thú với công việc dẫn chương trình tại Đài truyền hình, Hải Linh chuyển sang làm chuyên viên truyền thông tại tập đoàn IDJ Financial và sau đó là vị trí PR manager tại Mathnasium. Anh quyết định khởi tạo công ty của riêng mình bởi những băn khoăn mang tên “lẽ ra nên làm như thế này”, để làm những điều mà bấy lâu “tại sao không ai chịu làm”. Đó cũng chính là lúc anh nhận được những cú tát đến từ thực tế, bất chấp bề dày kiến thức và kinh nghiệm tích lũy bấy lâu. Anh tâm sự về giai đoạn khi còn khởi nghiệp với xưởng mộc, đã học hỏi không ít từ những công ty thành công cùng lĩnh vực, thành lập xưởng với hệ thống và quy trình bài bản theo sách vở. Nhưng những kiến thức ấy không hề đề cập đến việc những người công nhân của anh, với trình độ giáo dục cao nhất là tốt nghiệp trung học cơ sở, coi giá trị của hợp đồng chỉ là… một tờ giấy. Thậm chí, một vài người còn không có cả chứng minh thư nhân dân. Với nguồn lực của một công ty khởi nghiệp eo hẹp cả về nhân lực và vật lực, anh nhận ra thỏa sức sáng tạo là điều không thể. Những điều mới cách đây ít lâu còn là “lẽ ra nên làm như thế này” trở thành “hóa ra người ta không làm vậy đều có lí do cả”. 
Nhưng chính những cú tát từ thực tế ấy đã rèn luyện cho người doanh nhân khả năng phản ứng tuyệt với. Thương trường không phải cuốn phim có sẵn kịch bản, nơi một người thiếu đi sự ứng biến nhanh nhạy và sức bền để vượt qua những khó khăn trùng trùng phía trước có thể tồn tại.
Cô độc, áp lực từ thất bại, thành công lại gây buồn chán
Người doanh nhân luôn đứng một mình. Hải Linh hài hước tự ví mình như “con sói cô độc”. Những người đứng đầu phải chịu những áp lực đến từ mọi phía: khách hàng, nhân viên, đối tác, nhà đầu tư, … Họ không có người cầm tay chỉ đường. Những áp lực đó những người không trực tiếp trải qua không thể thấu hiểu, cũng không thể nào chia sẻ được. Anh tâm sự: “cô độc là điều không tốt, nhưng khó thoát ra được”.
Người doanh nhân luôn đứng trước nguy cơ thất bại. Tỉ lệ 90% startup thất bại được chỉ ra bởi nhiều nghiên cứu cũng đủ cho thấy sự khốc liệt của thị trường. Gặp Hải Linh tại trụ sở của Popart Hanoi School, anh vui vẻ chỉ cho tôi tấm gỗ được trạm trổ rất đẹp kê sát tường và bảo nó vốn được thiết kể làm cửa nhà tắm, hồi còn xưởng gỗ. Có những lúc anh từng nợ khoản tiền ngang giá trị của vài chiếc ô tô.
Người doanh nhân cũng có lúc buồn chán, không phải bởi thất bại mà chính bởi thành công. Sự tăng trưởng đều đều và những công việc lặp lại mỗi ngày khiến anh cảm thấy nhàm chán.
Nhưng những cảm xúc ấy có ảnh hưởng tiêu cực hay không lại do chính con người quyết định. Người doanh nhân bản lĩnh coi cô độc là gia vị cuộc sống, coi thất bại chỉ là một trong hai khả năng và nhàm chán là nguồn động lực cho đổi mới. Từ những trải nghiệm, cá tính của người doanh nhân hình thành.
“Một sáng ngủ dậy, quyết định đập hết, không làm nữa. Rồi nhìn văn phòng còn đó, tự hỏi… làm gì tiếp theo?”
“Thất bại? Thì phải tìm cách bò lên. Không bò được bên này ta qua bên kia. Không làm được lớn thì bắt đầu lại từ những gì nhỏ nhất.”
- Anh Hải Linh tâm sự
Có hay không câu chuyện thành công từ tay trắng?
Trước câu hỏi của tôi, anh Hải Linh cười: “Vậy phải định nghĩa rõ ràng tay trắng là gì. Nếu chỉ với một ý tưởng riêng lẻ mà thiếu nguồn lực thì khó mà thành công.” Khởi sự một doanh nghiệp cần nhiều sự chuẩn bị. Kiến thức và kinh nghiệm phong phú không chỉ là cần thiết để xử lí tốt công việc, mà còn là nền tảng để cộng sự, nhà đầu tư, thậm chí là khách hàng đặt niềm tin. Một ông thợ mộc học hết trung học chuyển sang làm giáo dục, sẽ nhận được bao nhiêu sự tin tưởng? Bản thân Hải Linh đã nhận được tiền đầu tư và sự giúp đỡ từ nhiều đồng nghiệp cũ. Khách hàng của anh biết đến anh và tự tìm đến. Anh tâm sự: “Anh may mắn không bị coi thường khi đến gặp nhà đầu tư hay đối tác, cũng phần lớn nhờ những gì bản thân đã tích lũy được qua nhiều năm.” Khả năng cá nhân, tiền vốn được đầu tư, các mối quan hệ, … là những yếu tố không thể thiếu. Dành riêng cho những người ấp ủ dự định khởi nghiệp, anh Hải Linh có lời khuyên nhỏ: “Nên khởi nghiệp khi đã trải qua những công việc tạo ra lợi thế.”
Đặt chân lên con đường khởi nghiệp, cũng như bất cứ con đường nào khác, mặt đường lúc bằng phảng khi lại gồ ghề. Nhưng một người đi đường biết tận hưởng con đường của mình, cả mảng sáng và góc tối, sẽ không bao giờ phải hối hận.
                                                                                                                Thanh Huyền