Đem tiền về cho mẹ, đừng mang phiền về cho mẹ - Tuy tôi không thích thông điệp của bài hát này nhưng qua từng câu chữ anh Đen miêu tả về mẹ, tôi cảm thấy rằng mẹ anh là một người tuyệt vời. Thực là một sự may mắn lớn cho những người có ba mẹ biết lắng nghe, sẵn sàng cảm thông và biết mở lòng. 
Tuy nhiên tôi đã được nghe kể và chứng kiến những hoàn cảnh như : 
Mang tiền về cho mẹ nếu không mẹ doạ tự tử.
Mang tiền về cho mẹ nếu không mày sẽ là đứa con bất hiếu !
Mang tiền về cho mẹ nếu không mày sẽ là đứa vong ơn bội nghĩa !
Mang tiền về cho mẹ vì mẹ đã hi sinh quá nhiều cho mày ! 
Mang tiền về cho mẹ đánh số đề.
Mang tiền về cho mẹ cúng tiền cho thầy bói.
Mang tiền về cho mẹ xây nhà lầu mua xe hơi còn cuộc sống của mày như thế nào thì mẹ kệ mày.
Mang tiền về cho mẹ chạy đua đồ hiệu với bà hàng xóm.
Đừng mang phiền về cho mẹ ! Tôi cũng muốn vậy, nhưng tôi tự hỏi nếu sự tự do và ước muốn chính đáng của cá nhân lại là sự ưu phiền của mẹ thì tôi phải làm gì ? 
.... (chữ mẹ ở đây có thể hiểu là mẹ hoặc ba hoặc cả ba và mẹ) 
Lúc nhỏ, từ nhà tới trường, chúng ta đều được dạy rằng phải ngoan ngoãn nghe lời ông bà cha mẹ. Khi lớn lên, sự hiếu thảo và nghĩa vụ đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục luôn được nhắc tới như một bài học bắt buộc phải thuộc lòng khi vào đời. Đối với tôi, sự ngoan ngoãn, chữ hiếu hay sự báo hiếu hiện nay đều là một trong những định kiến có từ xã hội phong kiến tồn tại đến tận bây giờ. Hiện nay, những định kiến này cũng được các nghệ sĩ khác và giới truyền thông khai thác một cách triệt để. 
Một số người có thể sẽ muốn trở thành một đứa con ngoan ngoãn tuyệt đối phục tùng và cung phụng vật chất cho ba mẹ. Tuy nhiên, đó chỉ là lựa chọn chứ không phải là nghĩa vụ. Chính vì sự lan truyền chữ hiếu cực đoan này, các bạn trẻ vẫn đang loay hoay chuyện cơm áo gạo tiền, một cách vô tình bị đặt thêm áp lực phải kiếm thật nhiều tiền. Những đứa con không thể mang tiền về cho mẹ cũng thấy chạnh lòng. 
Sự ngoan ngoãn phục tùng còn tạo ra những rào cản tư duy làm cho những đứa trẻ giảm khả năng sáng tạo, hình thành tư duy phụ thuộc (lúc nào cũng phải xin ý kiến phụ mẫu), khó phát triển một cách độc lập. 
Mặt khác, chữ hiếu cực đoan còn tạo cho các vị "ông bà, ba mẹ" tư duy độc đoán, bắt buộc con cái phải phục tùng, mọi sự phản biện đều bị gắn cho cái mác "mất dạy". Nguy hiểm hơn, tư tưởng này khi được đi kèm với những trận đòn roi và những lời xỉ vả, thì xã hội lại xem nó như là sự yêu thương (thương cho roi cho vọt). Khốn nạn hơn nữa, đó là việc xem con cái như công cụ kiếm tiền và là tài sản để "dưỡng già". 
Một người bạn của tôi đã tâm sự rằng, đa số những cuộc gọi từ phía gia đình nó (do nó làm việc xa nhà) đều bắt đầu bằng câu "tháng này con gởi tiền chưa ?" và thường kết thúc bằng việc kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà tuyệt nhiên không một lời hỏi han hay động viên nó. Một đứa khác thì hay bị ba nó xỉa xói cái nghề của nó, mặc dù nó đang làm rất tốt và luôn bắt nó phải đi học nghề khác chỉ để ổng lên mặt với mấy ông bạn nhậu. 
Một người là nạn nhân, cũng đã chứng kiến những hoàn cảnh giống mình, họ đều là những đứa con bị gia đình bắt phải đi xuất khẩu lao động, thậm chí có người đi làm trái phép, phải làm việc, sống trong môi trường lao động khắc nghiệt và bị chủ bóc lột sức lao động đã phải thốt lên với tôi rằng : "bọn nó (chỉ gia đình của anh ta và cả những người bạn) là bọn uống máu người !". Tất nhiên người bạn này cũng đã cắt đứt mọi liên lạc với gia đình của mình. 
Ở độ tuổi 19 lần thứ 10, tôi cũng thường được những người bạn, những người bà con xa gần, những người hàng xóm khuyên những câu đại loại như là "mày tranh thủ kiếm 1 đứa đi, để nữa về già có người nuôi !".
Đứa con là sản phẩm được hình thành từ ước muốn của những người lớn. Nó không có quyền lựa chọn được sinh ra hay không. Xã hội hiện nay còn tồn tại những đứa con được sinh ra nhưng không phải do ước muốn của ba mẹ nó, mà do sự thiếu kiến thức về tình dục, thậm chí là do tác động gia đình và xã hội. Chính vì vậy, đã có rất nhiều đứa trẻ chưa được sinh ra nhưng đã phải gánh ước mơ dang dở của ông bà, ba mẹ nó. Lúc chập chững biết đi thì phải gánh thêm kì vọng của một hoặc một chục bà hàng xóm nào đó. Lúc lớn lên, nó có thể chỉ có 3 lựa chọn : sống theo gia đình như một con rối hoặc tự do nhưng bị dán nhãn mất dạy hoặc chết. Đó là chưa kể tới hoàn cảnh những đứa con được sinh ra trong sự miệt thị của gia đình nội/ngoại, sự hối hận của những ba mẹ trẻ và cả sự tuyệt vọng của người mẹ bị cả thế giới bỏ rơi. 
Quan điểm cá nhân, tôn trọng, biết lắng nghe, biết thông cảm, biết chia sẻ và biết giúp đỡ lẫn nhau sẽ luôn là nền tảng trong bất kì mối quan hệ nào, đặc biệt là gia đình. Sự tương tác cởi mở từ hai phía chính là chìa khoá. Ba mẹ tôi luôn quan tâm, lắng nghe, tôn trọng và hỗ trợ tôi bất cứ lúc nào. Tôi trân trọng những gì ba mẹ đã làm cho tôi và tôi tự động đền đáp ngược lại một cách tương xứng. 
Bài viết đã quá dài nhưng vẫn còn rất nhiều điều muốn nói. Cám ơn các bạn đã đọc hết bài viết :D 
01/01/2022 - Trương Hoàng Sơn