gLeek là từ dành riêng cho những người yêu thích bộ phim Glee. Tuy nhiên biểu tượng chữ L mà các nhân vật làm ở đây là ký hiệu cho từ "Loser" - kẻ thua cuộc
gLeek là từ dành riêng cho những người yêu thích bộ phim Glee. Tuy nhiên biểu tượng chữ L mà các nhân vật làm ở đây là ký hiệu cho từ "Loser" - kẻ thua cuộc
“Vì sân khấu vẫn cứ tiếp diễn...ở khắp mọi nơi.. hay điều gì đó”
(The show must go on.. all over the place.. or something)
Khi viết về Glee, tôi đã phải mượn lời nói của nhân vật quá cố Finn Hudson (Cory Monteith đóng) để làm tựa đề cho bài viết của mình. Cory Monteith đã là thần tượng của con bé suốt năm cấp 3 khi ấy, để lại cho tôi một khoảng trống trong lòng khi qua đời vì quá liều thuốc. 
Nói đúng ra, tôi bị thu hút bởi sự ngốc nghếch dễ thương của Finn Hudson, về cách Finn luôn cố gắng để trở thành một người đàn ông (và điều này luôn là thứ khiến tôi buồn cười, vì nỗ lực bên cạnh cô bạn gái tài năng Rachel của Finn). Nhưng chỉ nói về Finn Hudson mà không nhắc đến những cá tính riêng của các nhân vật khác thì có lẽ chưa cảm nhận được tinh thần của Glee.
Tôi nhớ lần đầu mình xem Glee là năm lớp 9, ngay đúng mùa 2 khi câu lạc bộ Glee của trường William McKinley tham dự giải Sectionals. Điều giữ chân tôi lại với series là tất cả những bài hát trong tập Special Education: (I’ve Had) The Time of My Life của Quinn và Sam, Hey Soul Sister của The Warblers và The Dog Days are Over của bộ đôi Mercedes và Tina. Những bài hát cover được lồng ghép nhịp nhàng với bối cảnh, cùng cách phối bè độc đáo khác với bản gốc khiến tôi quả quyết sẽ xem tiếp phần sau.
Đoạn hát khiến tôi xao xuyến suốt thời cấp 2
Nhìn lại suốt quãng đời, cấp 2 là thời điểm đẹp nhất trong ký ức học trò không chỉ riêng tôi, mà những đứa bạn. Con đường đến trường đầy những khoảnh khắc nhí nhố, nhất quỷ nhì ma nhưng cũng lắm những chông gai. Cuộc sống không bao giờ dễ dàng với những đứa trẻ được đánh giá là “dị”, “khác biệt”. Những đứa trẻ chúng tôi ngày ấy ít nhiều đi học cũng bị bắt nạt, bị môi trường học đường trừng phạt và cô lập khi thể hiện chính kiến riêng, thậm chí trải qua rất nhiều nỗi bất an riêng. Chưa kể, lớn lên ở tuổi vị thành niên và ngầm nhận ra sự khác thường về xu hướng tính dục, ít nhiều cũng đã rèn luyện cho từng đứa trẻ năm ấy. Lớn lên từ môi trường khắc nghiệt đã rèn luyện cho mỗi đứa sự cứng cỏi và khả năng phản kháng ngầm cao. Và Glee, là nơi duy nhất có thể xoa dịu và nhen nhóm lên niềm tin trong mỗi đứa về một thế giới, hay một tương lai mà sự chấp nhận ắt sẽ tồn tại. Nó là liều thuốc, hay một thứ gì đó phép màu để chúng tôi hiểu rằng sẽ có ai đó yêu thương mình bằng chính con người mình thật sự, cũng như học cách yêu bản thân mình.
Xuyên suốt trong sáu phần, tôi nghĩ bất kể ai khi xem Glee cũng tìm kiếm hình ảnh mình trong đó. Bạn có thể không thể hát hay như các diễn viên trong Glee, cũng không có sân khấu để thể hiện cảm xúc như họ, nhưng chắc chắn có thể tìm kiếm chút ít hình ảnh chính mình trong Glee -  những điểm khác biệt mà bản thân cảm thấy sợ, không dám phơi bày trước những người lạ. 
Trước Glee, đã có một bộ ba phim nhạc kịch rất thành công của Disney: High School Musical. Trong HSM, các nhân vật cũng học cách phá bỏ stereotype để đến với niềm đam mê thật sự - ca hát. Nhưng Troy, Gabriella và những nhân vật khác - đều vẫn là những cô cậu học trò nổi trội nhất định ở trong trường, vẫn được ưa chuộng bởi một nhóm  hành trình họ chứng tỏ bản thân có gì đó dễ dàng và suôn sẻ hơn rất nhiều so với Glee. HSM là câu chuyện về ký ức ngọt ngào thời phổ thông, Glee là câu chuyện của sự trưởng thành mỗi cá nhân.
Đó là lý do vì sao Glee có điểm nhấn đặc biệt dù các ca khúc đều là phiên bản cover, ít có chỗ cho các ca khúc tự sáng tác.

Hành trình của những kẻ thua cuộc trở thành nhà vô địch 

Bối cảnh của Glee diễn ra ở trường William McKinley - một trường công rất bình thường ở tiểu bang Ohio, Mỹ. Will Schuester, thầy giáo dạy tiếng Tây Ban Nha đang dần cảm thấy mất nhiệt huyết với nghề và việc chịu thêm áp lực phải kiếm thêm tiền nuôi gia đình đã nghĩ đến ý tưởng điên rồ nhất: làm sống lại ký ức tươi đẹp hồi phổ thông qua câu lạc bộ New Directions, hay còn gọi với cái tên thân thương là Glee club.
Lần đầu tiên nghe đến Glee, tôi đã nghĩ đó là một cái tên gì đó rất đặc biệt của một câu lạc bộ. Nhưng mãi đến tập Sectionals, khi nghe tên thi đấu của đội nhóm này là The New Directions, tôi mới ngộ ra glee club là một kiểu câu lạc bộ âm nhạc ở bất kỳ trường trung học nào. Tức là bạn có thể tìm thấy tinh thần glee ở bất kỳ nơi đâu. Glee là cảm giác vui sướng, và chính việc được ca hát mang lại hạnh phúc.
“glee: ​a feeling of happiness, usually because something good has happened to you, or something bad has happened to somebody else” (Oxford Learner’s Dictionary) 
Trong suốt sáu mùa của Glee, người xem luôn thấy bên cạnh những niềm vui hằng ngày qua những ca khúc, New Directions luôn phải tập luyện liên tục để tham dự các kỳ thi Sectionals, Regionals và Nationals.  Họ so tài với các đối thủ ở trường trung học khác để dành được cúp, như đội Warblers với dàn soái ca luôn trong trang phục suit chỉn chu, hay nhóm Vocal Adrenaline với những dàn vũ đạo khiến bao người choáng ngợp. Dù câu chuyện chính vẫn là câu lạc bộ New Directions, nhưng những câu chuyện nhỏ của đội Warblers hay Vocal Adrenaline về những nỗ lực tập luyện vất vả, sống hết mình với đam mê cũng là điều đáng lưu ý. Hoá ra Glee không chỉ nằm ở câu lạc bộ của thầy Will, mà đó là câu chuyện có thể nhìn thấy ở bất kỳ câu lạc bộ văn nghệ nào. Glee lên tiếng cho sự khác biệt, ở một bờ cứu cánh với những cô cậu tuổi trung học đang lạc hướng, bất an, mặc cảm hay bị đánh giá là “lầm lỗi” ở trong trường.
Trên con đường khổ luyện để có được chiếc cúp quốc gia, từng thành viên trong Glee từng bước cải thiện nhiều về giọng hát và vũ đạo, thậm chí có những ca khúc sáng tác riêng dự thi. Tuy vậy, thứ họ học được nhiều nhất, là việc chấp nhận sự khác biệt của những người khác, cũng như học cách yêu thương bản thân mình.

“Rồi sẽ có một người xuất hiện, đến và yêu thương em vì con người thật của mình” 

Đây là lời của thầy Will (Matthew Morrison) từng nói với Rachel (Lea Michele) ở một tập mùa 1, sau khi chia tay Puck (Mark Sailing). Tôi tâm đắc với câu này, vì sau này Rachel đã tìm được Finn, lẫn trong phim cả ngoài đời. 
Nhà biên kịch kiêm đạo diễn cho Glee, Ryan Murphy đã từng nói trong một buổi loại thí sinh của The Glee Project, cuộc thi tuyển diễn viên mới cho Glee, và có lẽ đã nhắc lại rất nhiều lần: “Thứ chúng tôi tìm kiếm là một sự khác biệt. Glee mang thông điệp chính là các thành viên học cách chấp nhận điểm khác biệt lẫn nhau.” Dù các phần sau phần âm nhạc xuất sắc hơn, các nhân vật trưởng thành hơn và có nhiều sân khấu thể hiện mình hơn, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, mùa 1 đã thể hiện rõ nhất thông điệp ấy. Bởi vì khi đó, Glee thực sự chỉ là câu lạc bộ mới mở. Những thành viên được xưng hô dưới cái tên losers (kẻ thua cuộc) và quen với việc phải nếm cái vị ngọt lạnh ngắt từ cốc syrup đá được tạt vào mặt từ những thành viên câu lạc bộ bóng bầu dục đình đám. Mỗi thành viên ở thời điểm ấy, chí ít đều trải qua những biến cố cuộc đời. 
Để mở câu lạc bộ Glee, thầy Will đã chật vật rất nhiều để tìm kiếm các thành viên. Nhất là ở môi trường công bình thường, việc thuyết phục những người có định kiến tham gia vào câu lạc bộ ca hát là rất khó. Và cuối cùng, những mảnh ghép trong Glee đến từ hai thành phần khác nhau. Những thành viên đầu tiên của Glee là những đứa trẻ hay bị bắt nạt, bị thờ ơ, bị ném vào thùng rác như cô gái Do Thái Rachel, Tina người châu Á, Kurt thuộc cộng đồng LGBT, Artie ngồi xe lăn và Mercedes da màu thừa cân. Tuy nhiên, câu chuyện của những thành viên sau này, những con người từng lo sợ rất nhiều khi gia nhập câu lạc bộ Glee có phần đặc sắc hơn hẳn.
Họ có những câu chuyện mang nhiều chiều sâu hơn về chấp nhận bản thân, định kiến trong gia đình, hội bạn “nổi tiếng”. Với Quinn Fabray là câu chuyện làm mẹ ở tuổi 16, sau đó chơi “đồ” cùng nhóm bạn xấu. Với Santana là việc trở thành một kẻ xấu tính (bitchy), lẳng lơ để che giấu giới tính thật và sự tổn thương bên trong. Với Brittany là cách cô trở nên bình thường với sự ngu ngốc và sẵn sàng tốt nghiệp cấp 3. Còn với Finn Hudson, dù là trưởng câu lạc bộ Glee, hậu vệ của đội bóng, nhưng cậu trai nhà quê phải chật vật để tìm kiếm con đường mình đi chậm hơn so với nhiều bạn bè đồng trang lứa khác. Tuy vậy, Quinn và Santana và đặc biệt là Finn Hudson (sẽ nói ở phần sau) là hai nhân vật để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn hẳn. 
 Xung quanh tôi, ít nhiều có những bạn nữ giành tình cảm cho Quinn Fabray. Dianna Agron thu hút người xem không chỉ vì đẹp ở mọi góc quay, mọi trang phục, mà đặc biệt hơn là cách diễn xuất trong nhân vật Quinn. Đội trưởng đội cổ vũ, con chiên ngoan đạo, nói không với việc đi quá giới hạn. Để rồi có thai ở độ tuổi 16, bị đuổi khỏi nhà, bị rút khỏi đội cổ vũ. Quinn còn hy vọng gì để sống, nếu không có những người bạn đã cho cô ở nhờ?
Quinn Fabray là một nhân vật đặc sắc về hành trình trưởng thành từ bên trong. Với vỏ bọc bên ngoài có thể xem là “hoàn hảo về mọi thứ”, sâu thẳm trong cô luôn tồn tại nỗi bất an khi tìm kiếm sự yêu thương và sự chấp nhận từ những người xung quanh. Hai tập thể hiện rõ nhất về sự chật vật ấy là ở phần 1 - khi người bố biết tin con gái có thai và phần 5  - kỷ niệm tập thứ 100 của Glee - cuộc trò chuyện của những người bạn cũ với Quinn về người bạn trai Biff thờ ơ của cô. Điều đáng buồn ở Quinn, cô có thể là bờ vai động viên và nhìn ra vẻ đẹp ở bất kỳ ai, nhưng lại luôn ngờ vực ở bản thân, phải cố gắng tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
Cảnh Quinn trấn an Mercedes sau khi cô bạn mình ngất xỉu vì giảm cân khiến tôi rơi nước mắt ở mỗi lần lướt qua. Đã có một thời, tôi từng bị châm chọc trong lớp vì phần hông quá to. Đã từng có lúc ép mình ăn uống cực khổ chỉ để có thân hình đẹp. Nên lời nói của Quinn là thứ vực dậy tinh thần cho bất kỳ ai đang tự ép cân mình một cách không đáng để làm hài lòng người khác.
“When you start eating for somebody else, so that they can grow and be healthy, your relationship to food changes. What I realized is that if I'm so willing to eat right to take care of this baby, why am I not willing to do it for myself? You are so lucky. You've always been at home in your body. Don't let Ms. Sylvester take that away from you.”
(Khi cậu bắt đầu ăn cho một người khác, để họ có thể lớn lên và khoẻ mạnh, mối quan hệ giữa cậu với đồ ăn bắt đầu thay đổi. Tớ nhận ra rằng nếu tớ cố gắng ăn uống đầy đủ để chăm sóc đứa bé này, tại sao tớ lại không làm điều này cho chính mình? Cậu rất may mắn. Cậu luôn thoải mái với cơ thể của cậu. Đừng để cô Sue tước đi điều đó.)
Nếu bạn đang trong tinh thần bất ổn với cơ thể mình, hãy bật lại Glee, xem lại hai đoạn trên. Hoặc nghe ca khúc Born This Way của Glee. Ngoài Quinn, một nhân vật mà nhiều người khá thích chính là Marley Rose (Melissa Benoist) từ mùa 4, chật vật với chứng bulimia. Có một phân cảnh khá đau lòng là Kitty (Becca Tobin) chê Marley mập quá đến mức cô móc họng để ói trước buổi diễn. Phân cảnh Ryder đến bên trấn an Marley cũng là đoạn khá hay. 

“Baby I was born this way”

Tôi mượn lời bài hát Born This Way của Lady Gaga để làm tiêu đề cho thứ mình muốn nói. Điều kỳ lạ thay, Born This Way là một tập trong mùa 2 của series phim này. Cảnh các diễn viên trong Glee mặc chiếc áo thun trắng in dòng chữ về những khuyết điểm họ tạo cho người xem một sức mạnh ghê gớm. Born This Way cũng chứng kiến sự come out về giới tính của hai nhân vật khó ngờ tới - Santana Lopez (Naya Rivera) - cô nàng cổ vũ tính cách xấc xược và Dave Karofsky (Max Adler), kẻ bắt nạt Kurt vì giới tính của cậu. 
Người xem không thể lãng quên nhân vật Kurt. Ban đầu, nhân vật Kurt Hummel không có trong kịch bản của Glee. Người thủ vai nhân vật Kurt - Chris Colfer ban đầu casting cho vai diễn Artie. Nhưng rồi nhà sản xuất quá ấn tượng cho Chris và sáng tạo thêm nhân vật Kurt. Chất giọng nam cao và nghe có cảm giác giống nữ, gương mặt dễ thương và gu thời trang khá chất, vai diễn này như được đo ni đóng giày cho Chris Colfer. Xuyên suốt mùa 1, đoạn phim Kurt come out với bố mình đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Nhắc đến nhân vật này mà quên nói đến người cha của cậu - Burt, một người đàn ông sửa xe nam tính, một mình nuôi con, sẵn sàng lao ra bảo vệ con trai là một thiếu sót lớn. Rất nhiều đoạn diễn của Burt, từ việc chấp nhận con là gay, lao vào đánh hay mắng kẻ bắt nạt con mình đã khiến nhiều người xúc động, thậm chí còn gọi ông là “người bố mà bất kỳ ai cũng muốn có được”.
Nếu Kurt dễ comeout hơn khi xuất phát điểm là kẻ yếu thế, nội tâm vững vàng và có sự ủng hộ hết mình từ bố, thì hành trình Santana thừa nhận với tất cả mọi người trong trường việc mình yêu cô bạn thân Brittany là lại chông gai, đau đớn hơn nhiều. Xuất phát người gốc Mexico, thành viên trong đội cổ vũ, luôn nổi bật và xinh đẹp, cô có những cuộc đối thoại khó khăn, những lần cố gắng thể hiện phần mềm yếu trải dài từ mùa 2 đến mùa 3. Điều này cũng tương tự với Dave Karofsky, và điều khá mừng là Glee đã xây dựng hình tượng Dave sau này trưởng thành, chững chạc và giàu lòng trắc ẩn hơn. Cô bạn gái của Santana, Brittany cũng có điểm nhấn khi là người đại diện cho cộng đồng song tính (bisexual). Ở mùa 6, họ cũng có một phần dũng cảm để mời bà của Santana tham dự đám cưới của mình. 
Ở thời điểm đang phát sóng Glee, những phong trào đòi hỏi quyền cho cộng đồng LGBTQ+ đang nở rộ. Riêng Việt Nam, mọi hiểu biết và chấp nhận về cộng đồng này còn rất mới mẻ và chịu khá nhiều định kiến của dư luận. Khi phát sóng trên StarWorld, những cảnh hôn giữa các cặp đôi đồng tính đã bị cắt hết. Thậm chí vào năm 2015, tập đám cưới của Blaine- Kurt, Santana - Brittany khi hai cặp tiến vào lễ đường cũng đã bị cắt luôn đoạn này. Tuy bị hạn chế, người xem vẫn có thể lên Youtube để xem lại những phân cảnh này.
Bên cạnh những dàn diễn viên cũ làm nền, nhân vật Unique từ cuối mùa 3 đến hết mùa 5 cũng là nguồn cảm hứng rất lớn cho những người chuyển giới. Nam diễn viên Alex Newell, á quân của The Glee Project mùa 2, cũng là một trans girl ngoài đời. Cảnh Unique hát “If I Were A Boy” trong nước mắt khi bị chế giễu lúc vào nhà vệ sinh nữ, hay ngậm ngùi khi không nhận được một vai nữ trong vở nhạc kịch Grease của nhà trường là những phân đoạn lấy nhiều cảm xúc của người xem.
Với cộng đồng LGBTQ+, Glee là nguồn cảm hứng lớn cho những người còn khép mình trong vỏ bọc bên ngoài. “Sẽ có một người nào đó yêu thương và chấp nhận tất cả mọi thứ ở con người bạn” không chỉ dành cho cậu trai ngồi xe lăn ước mơ được nhảy tự do trước mặt bạn gái mình, hay cô gái thừa cân khổ sở nhịn ăn để mặc vừa bộ đồ cổ vũ. Cũng không dành riêng cho cô gái châu Á giả giọng nói lắp hay cậu trai nhút nhát mắc chứng khó đọc. Nó dành cho tất cả những ai đang bất an, mặc cảm về thứ mình cho là xấu xí, nhưng lại hoá xinh đẹp trong mắt người khác. 
Nhân vật Sue Sylvester (Jane Lynch), huấn luyện viên đội cổ vũ nổi tiếng với những trò tai ương, kẻ thù đội trời chung của câu lạc bộ Glee, là một người cổ vũ cho các LGBT ở trường học nhiệt tình nhất, dù cô làm mọi thứ trong sự âm thầm. Tuy bề ngoài có phần khô cằn, độc ác, Sue Sylvester cũng là giáo viên có khả năng chấp nhận sự khác biệt tốt hơn Will, giải quyết mọi thứ triệt để và thúc đẩy từng thành viên trong Glee phát triển tối đa năng lực của mình bằng nhiều cách không hay ho lắm. Mối quan hệ của Sue với Becky - một cheerleader mắc hội chứng Down cũng tạo những khoảnh khắc ấm áp trong các tập phim.
Năm 2017, Glee có được phiên bản Việt Nam. Bối cảnh thay đổi từ trường trung học thành trường cao đẳng. Glee Việt Nam không được đón nhận nhiều do diễn xuất gượng gạo của các diễn viên và giọng hát vũ đạo không tốt ở nhiều người. Tuy nhiên, theo cảm nhận bản thân, Glee Việt Nam vẫn có những ca khúc hay từ những giọng ca nội lực (Hoà Minzy, Bích Ngọc, Lynk Lee), nhưng nhà làm phim đã không truyền tải được tinh thần chấp nhận sự khác biệt lẫn nhau một cách chân thật, hiệu quả nhất. Bởi vì để chuyển thể một kịch bản với nhiều câu chuyện đan xen phức tạp về xã hội, chủng tộc, giới tính ở một nền văn hoá phương Tây sao cho phù hợp với nền văn hoá phương Đông như Việt Nam, cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và thấu hiểu tâm lý đối tượng tuổi đang lớn này. 

Glee, những mất mát và chuyện hậu trường

Năm 2013, nam diễn viên Cory Monteith được phát hiện tử vong trong một khách sạn ở Vancouver. Sự mất mát này là nỗi đau vô cùng lớn với toàn thể các Gleek (tên dành cho các người hâm mộ Glee), ekip làm phim Glee và đặc biệt là người yêu kiêm bạn diễn Lea Michele (đóng vai Rachel). Ngay sau cái chết của Cory, nhà làm phim quyết định làm một tập để tưởng nhớ nam diễn viên quá cố với tên gọi “The Quarterback” vào mùa 5. Đó là tập phim duy nhất mà các diễn viên không diễn một giây phút nào, vì những giọt nước mắt, những cung bậc dồn nén về cảm xúc, đau khổ, gào thét của họ đều là thật. Họ đã không ngừng khóc trong lúc đóng tập này. Có một sự thật khá buồn để lý giải cho việc Rachel chỉ có một phần sân khấu nhỏ để nói về Finn và hát ca khúc “Make You Feel My Love”. Đó là vì Lea Michele khi ấy quá suy sụp trước sự ra đi của Cory, nên nữ diễn viên quá cố Naya Rivera đã thay cô diễn thay phân cảnh đánh nhau với huấn luyện viên Sue.
Sau sự ra đi của Cory Monteith, một vài năm sau, chúng ta lại chứng kiến Mark Sailing (đóng vai Noah Puckerman) tự sát do trước đó mang tội danh ấu dâm. Và một năm trước, các Gleek và cộng đồng LGBTQ+ vô cùng đau buồn khi Naya Rivera mất vì đuối nước khi cứu con trai trong một chuyến đi chơi, đúng vào kỷ niệm 7 năm sau ngày mất của người bạn thân Cory. Điều ngạc nhiên là cái chết của họ đã được tiên đoán trước qua những bài hát và đoạn diễn của họ ở các tập.
Bên cạnh cái chết của các diễn viên tài năng, những bê bối khác như các bạn diễn trong phim Glee lên tiếng về thái độ làm việc của Lea Michele, hay Naya Rivera từng viết trong tự truyện kể về chuyện “cơm không lành canh không ngọt” với Lea. Chuyện Melissa Benoist, diễn viên Supergirl kiêm diễn vai Marley trong Glee lên tiếng về việc mình bị bạo hành trong suốt quá trình còn là vợ chồng với nam diễn viên Blake Jenner (thủ vai Ryder) cũng khiến dư luận sốt sắng một thời. 
Sau cái chết của Finn Hudson, chất lượng của Glee có phần xuống dốc rất nhiều. Tuy phần trình diễn của các diễn viên ngày càng khá hơn, nhưng mất Finn đồng nghĩa là Glee đã mất đi một người thầy tận tâm cho lứa thế hệ Glee thứ 2. So với thầy Will Schuester, Finn Hudson là một người thầy có phần ấm áp hơn, ân cần hơn, đặc biệt là chấp nhận con người của nhân vật Marley hơn Will. Và một điều nữa, mọi thứ dần quá tập trung vào Rachel Berry, khiến nhiều nhân vật khác có nhiều điểm sáng không có cơ hội thể hiện sân khấu của riêng mình. Đó là lý do vì sao Glee chấm dứt ở mùa thứ sáu. 
Một tập đội Glee thi Nationals với ca khúc tri ân cho Finn Hudson
Tóm lại, nếu kỳ vọng vào Glee cho ra một season mà các diễn viên hội ngộ để đóng, cơ hội sẽ là rất khó. Vì với những mất mát, cũng như các mâu thuẫn thì khó để một ekip cùng tập hợp lại, làm sống lại câu lạc Glee thời phổ thông, một nơi an toàn để những đứa trẻ bay nhảy có thể trở về sau nhiều sự mệt mỏi. Tuy vậy, Glee vẫn sống trong lòng nhiều người, những đứa trẻ chúng tôi năm ấy, từng chật vật để tìm kiếm một chốn có thể chấp nhận sự khác biệt lẫn nhau. 

Và chúng ta đã từng sống như thế 

Cái kết của Glee,  tất cả diễn viên đều cúi đầu cảm ơn người xem qua ca khúc “I Lived”. Ở một thời khắc nào đó, chúng ta đã sống như thế, chật vật để kiếm hình ảnh bản thân. Dẫu cho biết bao lần bị những cú tạt nước lạnh tê tái người, bị chà đạp, chúng ta không ngừng tin vào một thế giới tốt đẹp hơn. 
Glee kết thúc, người xem cũng không trông chờ gì. Rồi sẽ có những bộ phim khác với giọng hát hay hơn, truyền cảm hứng hơn. Nhưng chúng tôi tự hào vì một thời đã từng có Glee, từng rôm rả chuyện trò và nhờ Glee, chấp nhận và yêu thương nhau. 
Mượn lại tựa đề ở đầu bài, câu nói động viên của Finn Hudson như một kim chỉ nam cho những ai đang buồn bã, thất vọng. Finn và Cory có nét giống nhau, đều có phần lạc lối và sa ngã trong cuộc đời. Nhưng rồi họ vẫn tiếp bước. Và sau mất mát của họ, tất cả thành viên trong Glee, và cả chúng ta, vẫn phải tiếp tục “phần trình diễn cuộc đời của mình.” 
See the world not as it is, but as it should be. Và rồi chúng ta cùng khoác vai nhau, hát vang ca khúc “Don’t Stop Believing”, động viên bản thân tin vào những điều tốt đẹp phía trước. 
“Strangers waiting
Up and down the boulevard
Their shadows searchin' in the night
Streetlight, people
Livin' just to find emotion
Hidin' somewhere in the night
Don't stop believin'
Hold on to that feelin'
Streetlight, people”