Bỏ qua những thứ rất vĩ mô trong phần 1 bài viết Quốc Gia LGBT+, phần thứ hai này sẽ tập trung nhiều hơn khắc họa vi mô và cuộc sống thường nhật của những con người bên trong quốc gia đó.
Mình đã có 1 cú intro dài thoòng loòng cho LGBT – Một Quốc Gia Ẩn Giấu P1 rồi. Nên ở phần 2 này, vào thẳng bài viết luôn nhé :D

6/ HÌNH THỨC GIẢI TRÍ QUỐC DÂN: DRAG SHOW

Có dân số đông thứ 3 thế giới và bị phân chia ra TOÀN BỘ các vùng lãnh thổ, Quốc Gia LGBT+ vẫn duy trì được cho mình một loại hình giải trí “quốc dân” được các quốc gia khác yêu mến: DRAG – (viết tắt của Dressed Resembling a Girl)
Có lịch sử từ thế kỷ 17, Drag Queen hay Drag King chỉ những người ăn mặc khác với Giới Tính Sinh Học (Sex Assigned at Birth) của mình. Mục đích để biểu diễn các loại hình giải trí như Lip Sync, Hài Độc Thoại, Diễn Xuất,…
Nổi bật nhất có show Rupaul’s Drag Race với 4 giải Emmys, và Drag Queen có nhiều người theo dõi nhất trên Insta hiện nay là Trixie Mattel (trong hình) với 2,6tr người.
Nổi bật nhất có show Rupaul’s Drag Race với 4 giải Emmys, và Drag Queen có nhiều người theo dõi nhất trên Insta hiện nay là Trixie Mattel (trong hình) với 2,6tr người.
DRAG được yêu mến như vậy phần vì yếu tố giải trí, phần vì nó là cách để những người LGBT+ thể hiện cái tôi và niềm tự hào về “Giới” của họ, khi họ được là họ nhất. Điều này với các quốc gia khác có thể không quan trọng, nhưng với LGBT+ thì khác, vì không phải ai trong LGBT+ Quốc cũng được quyền tự do thể hiện bản thân trong môi trường sống của chính mình.
Tìm hiểu thêm về nguồn gốc và lịch sử phát triển của Drag tại đây: https://spiderum.com/bai-dang/Series-Lich-su-Bue-Due-tap-1-DRAG-QUEEN-hu6

7/ MÔN THỂ THAO MẠO HIỂM: COME OUT

Đua xe mạo hiểm? Không
Săn bắt bằng súng? Không
Rugby? Không
Không môn thể thao nào có thể mạo hiểm bằng bộ môn “Come Out” trong Quốc Gia LGBT+.
Một môn thể thao mà hiệp chơi có thể kéo dài từ lúc sinh ra đến tận cuối đời. Một môn thể thao mà bạn chỉ có 1 lượt chơi duy nhất, chỉ cần chệch khỏi lưới một phát, bạn nghỉ chơi luôn vì không có hiệp nào sau đó cho bạn chơi nữa. Và quan trọng hơn cả, bộ môn này hoàn toàn không có quy luật để bạn biết mình có đang chơi tốt hay không.
Hiểu nôm na, Come Out là khi một người quyết định cho người khác biết (thường là cha mẹ, bạn bè, người thân khác) mình là người dân của Quốc Gia Ẩn Giấu LGBT+. Và chiến thắng của “bộ môn mạo hiểm” này là khi người lắng nghe chuyện Come Out, hoàn toàn chấp nhận.
Điều này đồng nghĩa người Come Out đó từ nay sẽ có toàn quyền bộc lộ chính mình, thể hiện xu hướng “Giới” của mình, giới thiệu người yêu của mình cho gia đình một cách thoải mái. Một viễn tưởng mà người LGBT+ nào cũng muốn có.
Tuy nhiên, điều khiến “bộ môn” này mạo hiểm, là việc nếu họ Come Out nhưng không được chấp nhận/ chỉ chấp nhận một phần. Sẽ dẫn đến nhiều rủi ro:
- Cha mẹ trách, phạt, leo thang đuổi đánh con cái LGBT+ khỏi nhà
- Bạn bè nói xấu, cô lập và leo thang bắt nạt vũ lực học sinh LGBT+
- Tệ hơn cả, là hành hung, hate crime và tính mạng của người LGBT+
Vậy nên có những người quyết định không Come Out và sống khép kín với cả chính ruột thịt trong gia đình. Nhưng điều đó không giảm bớt rủi ro cho họ, nó còn tùy thuộc nhiều vào yếu tố chính trị, tôn giáo, giáo dục của xã hội họ sống nữa. Điển hình như việc dù có Come Out hay không, chỉ cần bạn có tình dục đồng giới ở Brunei và bị phát giác, bạn sẽ bị ném đá đến chết (luật năm 2019, đã có sửa đổi)
Quốc gia nào cũng có những câu chuyện buồn mà, phải không? Nhưng không sao, mọi thứ chắc chắn sẽ tốt hơn trong tương lai, cùng sự tiến bộ của Giáo Dục và Sự Chữa Lành.

8/ TÔN GIÁO - CONVERSION THERAPY

Nên lựa chọn tôn giáo nào?
Chỉ cần đi theo tôn giáo nào giúp chúng ta trở thành người tốt hơn, sống hạnh phúc hơn là được. Theo đó, chính phủ LGBT+ khuyến khích mọi người tự do trong việc lựa chọn niềm tin tôn giáo trong cuộc sống của mình.
Tuy nhiên vẫn có một điểm chung, đó là tất cả chúng tôi tại LGBT+ Quốc đều tin rằng địa ngục có tồn tại. Và địa ngục đó tên là Conversion Therapy – liệu pháp chuyển đổi xu hướng tính dục (Sexual Orientation) của một người.
Tại sao lại là địa ngục? Vì một khi bước vào Conversion Therapy, người ta tin rằng LGBT+ là vấn đề tâm thần hoặc đang bị ma quỷ kiểm soát.
Theo đó, họ sẽ làm các việc như dìm bạn xuống nước, dùng quyển kinh thánh đánh bạn (theo nghĩa đen) để trục xuất quỷ ma. Cực đoan hơn là tiêm hóc môn, sốc điện, phẫu thuật cắt các cơ quan liên quan đến bộ phận sinh dục, phẫu thuật thùy não… để bạn không còn “quốc tịch” LGBT+ nữa mà trở thành người dị tính, chỉ thích người khác giới.
Hiển nhiên, nó chả bao giờ có tác dụng. Và hiện tại đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ nghiêm cấm một phần/ toàn phần liệu pháp này.

9/ TỤ ĐIỂM GẶP GỠ, HẸN HÒ LÀM QUEN NHAU

Người có quốc tịch LGBT+ đều có kĩ năng giấu “chân thân” xuất sắc, nên nếu chỉ nhìn bên ngoài thì không thể đoán được họ có thực sự thuộc quốc gia LGBT+ hay không. Việc này vô tình làm việc tìm đối tượng làm quen, hẹn hò của họ trở nên khó khăn và đặc thù hơn các quốc gia khác.
Vây nên để “tìm được nhau giữa dòng đời”, những thành viên ẩn giấu của LGBT+ Quốc phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của mối quan hệ bạn bè, mạng xã hội và các ứng dụng kết đôi. Nên miếng trầu giờ xưa rồi, trong LGBT+ Quốc thì miếng bio giới thiệu bản thân mới là đầu câu chuyện. Điển hình như Tinder, HER, Lesly, Grindr, Blued, Asexual Cupid,… hoặc các Group trên MXH.

10/ OLYMPIC QUỐC GIA: DIỄU HÀNH PRIDE MARCH

Olympic của vương quốc Ẩn Giấu LGBT+ diễn ra xuyên suốt tháng 6 trên toàn thế giới, với tên gọi là Pride Month, bắt nguồn từ Stonewall 1969, một sự kiện quan trọng trong lịch sử LGBT+ đương đại. Chi tiết Stonewall 1969 có thể đọc tại bài viết cũ này của mình https://spiderum.com/bai-dang/Lich-su-Bue-Due-tap-2-StoneWall-dieu-hanh-Pride-Parade-dau-tien-tren-the-gioi-i4k
Pride March ở Việt Nam diễn ra lần đầu tiên vào năm 2012, tròn 10 năm trước
Pride March ở Việt Nam diễn ra lần đầu tiên vào năm 2012, tròn 10 năm trước
Hoạt động chính của “Olympic” Pride Month là Diễu Hành Tự Hào (Pride March/ Pride Parade).
Cơ bản vẫn sẽ luôn là những buổi diễu hành sôi động với âm nhạc, vũ công, xe diễu hành và những phục trang đầy màu sắc cùng diễu hành tại các trục đường lớn trong thành phố. Tôn vinh tất cả những gì cộng đồng LGBTQ+ đã đạt được trong những năm qua và tưởng niệm các thành viên trong cộng đồng LGBT+ đã ra đi vì khủng hoảng HIV/ AIDS từ năm 1980s.
Tùy vào bối cảnh xã hội của từng quốc gia nơi có Pride Parade diễn ra sẽ có hiệu chỉnh riêng. Riêng ở Việt Nam, Viet Pride là hoạt động nổi bật nhất trong chuỗi các hoạt động của tháng Tự Hào
[Còn tiếp]
-----------------------
Post Note:
Chào mừng bạn đến với series “Giới” Ngộ (Gender-lightenment), chơi chữ của “Giác Ngộ” (Enlightenment), nghĩa là tỉnh ra mà hiểu rõ. Vì có hiểu thì mới có thương, thương mình, thương những người giống mình, thương những người khác mình.
Dành tặng những người vẫn đang trên hành trình hiểu giới của chính mình. Các kiến thức trong Series này có 2 mục tiêu lớn:
- Phải đơn giản, tinh gọn nhất, giúp bạn hiểu về mình và thế “Giới” của mình.
- Phải phù hợp cho bất cứ cộng đồng Giới nào, không phân biệt trong ngoài LGBT+
Hi vọng bạn sẽ yêu thích, và mong gặp bạn ở số kế tiếp.
Chủ thớt: @danhnguyen1212
Nguồn ảnh: The Asean Post, ABC.net.Au, Pinterest…