Giết con chim nhại” là một tác phẩm ẩn chứa chiều sâu và ý nghĩa to lớn. Qua việc tái hiện bức tranh về những bất công, những góc khuất tối tăm trong cuộc sống đặc biệt là chế độ phân biệt chủng tộc đang diễn ra gay gắt vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, tác giả đã lên án gốc rễ cội nguồn tạo nên sự bất công trong xã hội, từ đó hết mực trân trọng vào vẻ đẹp và bản tính lương thiện của con người. Sự ích kỷ, sự độc ác, sự dũng cảm, tình yêu thương, định kiến và kiêu hãnh được kể qua góc nhìn của một đứa trẻ 8 tuổi - Scout khiến cho bức tranh đó hiện lên vừa ngây thơ vừa cay đắng nhưng cũng đầy tính nhân văn. Mạch chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày của Jem, Scout, bố - luật sư Atticus, và biến cố lớn khi bố Atticus bào chữa cho một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng.

Bản tính tốt đẹp của con người luôn tồn tại trong cuộc sống

Cuộc sống ở Maycomb cũng như bất kỳ nơi nào trên trái đất này đều tồn tại cả cái xấu lẫn cái tốt. Những bà hàng xóm nhiều chuyện, không ngại thêu dệt những câu chuyện gây tổn thương và đem lại tai tiếng cho người khác. Số đông khủng khiếp những người da trắng kỳ thị và phân biệt người da đen. Giáo viên của Scout - người “có thể ghét Hitler một cách dữ dội rồi lại trở mặt suy nghĩ tồi tệ về người khác ngay tại quê nhà”. Bác Alexander người đại diện cho thế hệ cũ, luôn giữ những quan điểm bảo thủ trong quan niệm về đúng, sai; về vị trí thấp kém của người phụ nữ trong xã hội. Những người lớn sẵn sàng chĩa mũi dùi vào những đứa trẻ chỉ vì cha của chúng bào chữa cho “mọi đen”. Hay những người không học thức, sống cay cú về cuộc đời như ông Ewell, kẻ sẵn sàng đẩy một người lương thiện vào tù và ra tay giết trẻ con để trả thù.
Tuy nhiên, bên cạnh những vệt đen xám xịt đó vẫn rực rỡ những mảng màu sáng về đức tính lương thiện và bản chất tốt đẹp của con người.

Nhân vật Boo Radley

Boo Radley xuất hiện trong những câu chuyện rùng rợn mà người dân và những đứa trẻ ở khu vực Maycom truyền tai nhau về một kẻ điên chuyên ăn thịt mèo, không bao giờ ra khỏi nhà. Boo như một nỗi ám ảnh, một con ma đối với Jem, Scout, Dill. Nhưng dần dần ông xuất hiện trong cuộc sống của những đứa nhỏ một cách thầm lặng với sự quan tâm đầy ấm áp, nhẹ nhàng bằng những món quà được dấu trong hốc cây sồi như kẹo cao su, hai con búp bê bằng xà phòng được khắc vô cùng tinh tế, đó là đồng xu có in hình người da đỏ biểu trưng cho sự may mắn, là chiếc huy chương đánh vần từ xa lắc xa lơ,.. Boo không bao giờ ra khỏi nhà, vì vậy những thứ quý giá nhất đối với ông đều đã rất cũ. Ông dành tặng chúng cho Jem và Scout. Boo còn xuất hiện qua hình ảnh chiếc chăn được lặng lẽ khoác lên vai Scout trong đêm đông lạnh giá, qua lần ông đã ra khỏi nhà để giải cứu anh em Jem khỏi cái chết do ông Ewell gây ra.

Bà Dubose

Dư luận bang đều cho rằng bà Dubose là một bà già xấu xa nhất trần đời với những lời lẽ cay độc, ác nghiệt. Mỗi lần Jem và Scout đi ngang qua nhà bà, bà đều dùng những từ ngữ khủng khiếp để nói về bố Atticus, và châm chọc về tương lai của Jem. Nhưng bố Atticus vẫn bảo Jem đến nhà bà đọc sách cho bà mỗi ngày trong vòng một tháng. Bố Atticus đã giúp Jem nhận ra rằng bà là một quý bà dũng cảm đã sống chung với căn bệnh quái ác của mình như thế nào, rằng: “Bà có quan điểm riêng về mọi thứ, rất khác quan điểm của bố,[...] Bố muốn con thấy một điều gì đó ở bà, bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì thay vì có ý nghĩ can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi biết mình thất bại trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra."

Cô Maudie

Cô là một góa phụ, người dân địa phương luôn đồn thổi những chuyện xấu về cô nhưng cô đã mặc kệ bọn họ và dồn tình yêu thương của mình vào những cây hoa mà cô trồng, cô trở thành một người bạn của Scout, Jem bằng cách tôn trọng ý kiến của chúng và quan tâm chúng một cách tinh tế như những người bạn. Cô Maudie đã nói với Scout rằng: “Chúng ta không bao giờ thực sự biết những gì xảy ra với người ta”. Vì vậy, đừng vội đánh giá người khác khi ta không thực sự hiểu về họ.
Trong mỗi con người cái tốt và cái xấu luôn tồn tại và đấu tranh với nhau. Những bài học mà Atticus dạy cho Jem và Scout xuyên suốt tác phẩm hướng đến sự trân trọng và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người, ông biết và thấu hiểu những hạn chế của con người, đứng vào vị trí của họ để thông cảm và thậm chí là tôn trọn “Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.

Vai trò của giáo dục

Tác phẩm xoay quanh những câu chuyện đời thường trong cuộc sống của anh em Jem và Sout, vì vậy tâm lý và thế giới quan của đứa trẻ được phản ánh một cách sinh động từ đó làm nổi bật vai trò của giáo dục trong đời sống. Anh em Scout đang trải qua giai đoạn định hình tính cách, những phản ứng trước cái tốt và cái xấu đều đi từ bản năng đến được sự định hướng của Atticus và tự mình cải thiện. Jem, Scout, Dill phải đối mặt với những cái xấu, với dư luận xã hội, đỉnh điểm khi bố Atticus trở thành luật sư bào chữa cho Tom Robinson một người da đen trong vụ án cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Mọi người ném đá ông, chửi ông bằng những từ ngữ cay độc như “kẻ yêu mọi đen”, trêu chọc Jem và Scout ở trường học. Bố Atticus muốn con mình phải đương đầu với những cái xấu nhưng vẫn giữ được sự dũng cảm, sự tốt bụng và những đức tính tốt đẹp khác của một “quý ông”. Từ “quý ông” đã giúp Jem và Scout cố gắng giữ bình tĩnh trước bất kỳ lời nhạo báng nào. Ông dạy cho con của mình cách tôn trọng quan điểm của người khác: “Họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ.” Nhưng cũng phải giữ vững quan điểm và nguyên tắc của bản thân: “Trước khi sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người”.
Atticus sống như một tấm gương để con mình noi theo, ông biết rằng việc ông bảo vệ cho Tom Robinson có thể khiến con ông đối mặt với những cái xấu quá sớm, ông biết rằng ông sẽ thất bại dù ông có chứng cứ chứng minh Tom vô tội, bởi nó đã thất bại hơn một trăm năm về trước, ông biết mình có thể gặp nguy hiểm và sự nghiệp của ông có thể đi xuống nhưng ông vẫn lựa chọn bảo vệ cho Tom. Vì chỉ có thể làm như vậy ông mới có thể thẳng thắn nhìn con của mình, và được chúng tôn trọng.
Dù cuộc sống không như mong muốn nhưng “Bố cố hết sức để yêu thương tất cả mọi người...Đôi khi bố cảm thấy khó khăn”. Mặc dù có nhiều lúc ông cảm thấy khó khăn nhưng ông vẫn không dừng việc yêu thương mọi người.
Trước những sự kiện xảy ra, Jem và Scout đều trăn trở về việc trên đời này có bao nhiêu loại người? Để rồi kết luận rằng “Mọi người đều phải học, không ai sinh ra đã biết, thằng Walter cũng thông minh theo mức của nó, đôi khi nó bị cản trở vì nó phải ở nhà giúp đỡ bố nó. Chẳng có gì sai với nó. Không, Jem, em nghĩ chỉ có một hạng người thôi. Đó là người.
Và bài học lớn không chỉ mang tính nhân văn mà còn truyền cảm hứng về một tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao vai trò của nhân quyền: "Chúng ta biết tất cả mọi người sinh ra là không bình đẳng theo cái nghĩa mà một số người thường muốn chúng ta tin - rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số người có cơ hội hơn bởi vì họ sinh ra đã có sẵn nó, một số đàn ông kiếm ra nhiều tiền hơn những người đàn ông khác, một số người phụ nữ làm bánh ngon hơn những người phụ nữ khác - một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người". Nhưng đứng dưới pháp luật mọi người đều như nhau, một nền lập pháp hướng đến sự bình đẳng của con người, một đất nước tự do phải hướng đến sự công bằng ít nhất là dưới sự bảo hộ của luật pháp. Mỗi cá nhân sẽ hòa vào cộng đồng, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong nền lập pháp và hành pháp vì vậy việc giáo dục những đứa trẻ để chúng hiểu việc giết một con chim nhại là tội lỗi cũng như việc đẩy một người vô tội vào tù.

Các hình ảnh biểu tượng trong tác phẩm

Hình ảnh con chim nhại

Hình ảnh con chim nhại xuất hiện trong tiêu đề và lặp lại nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm. “Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót cho chúng ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi". Nó biểu tượng cho tâm hồn trong sáng, cho bản tính lương thiện của mỗi con người. Một tạo vật được sinh ra để làm đẹp cho cuộc sống lại bị bắn chết thì chẳng phải đó là tội lỗi hay sao? Như Tom Robinson một người chất phác, cần cù, dù ở tầng lớp thấp nhất của xã hội bị nhiều người khinh bỉ nhưng anh vẫn yêu thương con người, giúp đỡ cô gái đáng thương nhà Weller và cảm thấy tiếc cho cô ta. Đó là một Boo Radley vì một sai lầm trong tuổi trẻ mà suốt phần đời còn lại bị nhốt trong nhà, bị mọi người lãng quên. Hay Jem, Scout, Dill đều là những đứa trẻ ngây thơ, thiện lương, những đứa trẻ “khóc về sự bất hạnh mà người này gây ra cho người kia mà không hề suy nghĩ. Khóc về điều bất hạnh người da trắng gây ra cho người da màu mà không hề ngừng lại nghĩ rã người da màu cũng là con người”. Những đứa trẻ đó nếu không được yêu thương, không được định hướng sẽ phải chết bởi viên đạn mang tên định kiến của xã hội.

Hình ảnh đóa hoa sơn trà

Đóa hoa trà xuất hiện cùng với nhân vật cụ Dubose - loại hoa mà bà Dubose gọi là hoa Tuyết - trên - đỉnh - núi. Sơn trà là loại hoa đại diện cho bang Alabama. Những cánh hoa dày, căng mọng, trắng muốt gợi lên vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi, biểu tượng cho vẻ đẹp của sự nghị lực. Lần đầu tiên, Jem đã phá nát vườn hoa sơn trà của bà Dubose, đây là loài hoa mà bà rất yêu thích và chăm sóc kỹ lưỡng. Chính vì vậy sau này, bà Dubose hay nhắc lại việc Jem đã phá những bông hoa xinh đẹp của bà như thế nào. Cuối cùng, khi những đóa hoa đã nở lại, rực rỡ cũng là lúc bà Dubose qua đời, món quà cuối cùng mà bà tặng cho Jem là một đóa hoa sơn trà tuyệt đẹp được cất cẩn thận trong một chiếc hộp nhỏ, lót bông xung quanh. Việc tặng hoa sơn trà cho một người đàn ông mang ý nghĩa đem lại điều may mắn. Bông hoa như một phần quà về lòng can đảm cho cả Jem và chính bà Dubose. Ngay từ cái tên “Tuyết-trên-đỉnh-núi” mà bà đặt cho nó đã thể hiện ý nghĩa và vẻ đẹp của loài hoa.
Định kiến luôn tồn tại, tốt và xấu cùng nhau đấu tranh, giữ được tâm lương thiện, đẹp đẽ như chính đóa hoa trà là điều thật đáng trân trọng. Sau tất cả những chuyện đã trải qua từ căm giận đến thấu hiểu, Jem đã học được bài học lớn về lòng can đảm từ bà Dubose. Nâng niu những cánh hoa nở to của là cách mà Jem gửi lời cảm ơn tới “quý bà”.
Lịch sử thế giới đã trải qua nhiều thay đổi và biến cố nhưng tác phẩm vẫn nguyên giá trị, nhắc nhở về việc đấu tranh cho một xã hội công bằng. Dù đâu đó, những bất công, những ích kỷ, xấu xa, ti tiện, độc ác vẫn len lỏi trong nhiều góc khuất của cuộc sống thì chúng ta vẫn tin tưởng và tìm về bản chất tốt đẹp, thiện lương ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người.