Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Thân,
Andy Lương

Quyển 1 - Những bài học - lòng biết ơn (1)

1. Từ ông nội ta - Verus

Ta học được về phẩm cách và khả năng kiểm soát bản thân.

2. Từ cha ta (qua những ký ức của ta và danh tiếng của ông)

Ta học được về sự chính trực và khí chất nam nhi.

3. Từ mẹ ta

Ta học được về:
lòng mộ đạo,
tính thương người,
khả năng kiêng khem - không những không thể làm điều sai trái mà thậm chí còn chẳng tưởng tượng nổi bản thân làm những điều ấy.
Và cách sống giản dị của bà - hoàn toàn đối lập với lề thói của những kẻ giàu sang.

4. Từ ông cố ta

Ta học được việc tránh trường công, thay vào đó nên thuê những thầy tư giỏi, và hiểu rằng những khoản như thế sẽ rất đáng để ta rộng tay chi tiêu.

5. Từ người thầy đầu tiên của ta

Ta học được việc không ủng hộ con này hay con khác trong cuộc đua ngựa, chiến binh này hay chiến binh khác trên đấu trường.
Việc kiên nhẫn chịu đựng những mệt mỏi khó chịu và không đòi hỏi nhiều. Thay vào đó, làm những việc mình cần làm, chỉ chú tâm vào công việc của chính mình, và không cho phép mình tốn thời gian nghe những lời rèm pha vu khống.

6. Từ Diognetus

Ta học được việc không tốn thời gian vào những thứ vô bổ. Không bị mê hoặc bởi pháp sư hay phù thuỷ trong những lời dự đoán xem số mệnh của họ, hay bùa phép, thần chú, và tất cả những thứ tương tự. Không quá chăm chú vào chọi chim chọi gà hay những thứ khác thường khiến người đời đam mê.
Việc luyện cho mình khả năng có thể lắng nghe những sự thật mất lòng.
Việc thực hành triết, và nghiên cứu về Baccheius, rồi Tandasis và Marcianus.
Việc tập viết những đoạn đối thoại như một người học trò.
Và việc chọn theo lối sống của người Hy Lạp - giường ván cứng như trong trại lính và áo choàng không tay giản dị.

7. Từ Rusticus

Ta nhận ra rằng ta cần phải trui rèn tính cách của mình với kỷ luật.
Việc không để bị phân tâm bởi đam mê với thuật hùng biện. Không viết luận về những vấn đề trừu tượng, hay thực hiện những nghi lễ đạo đức phô trương, không tự coi mình như một diễn giải hình tượng về Cuộc sống giản dị hay Một người chỉ sống vì người khác. Tránh khỏi những hùng biện vô bổ, thơ ca và văn chương ngôn ngữ quá kiểu cách hoành tráng.
Việc không ăn diện chỉ để đi dạo quanh nhà, hay có những hành động khoe mẽ tương tự. Không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề một cách giản dị nhất có thể trong những bức thư ta viết (như bức thư mà Rusticus viết cho mẹ ta từ Sinuessa). Và luôn cư xử một cách hoà nhã, sẵn sàng chấp nhận khi những người khiến ta tức giận hay phiền phức muốn làm lành.
Việc đọc một cách chú mục - không phải để mình thoả mãn chỉ với "có thể hiểu được chúng phần nào".
Và không để mình bị cuốn theo những kẻ ăn nói lưu loát một cách dễ dàng.
Và việc từ ông mà ta biết đến Epictetus cùng những bài giảng của người - và việc ông đã rộng lòng cho ta mượn chính sổ viết tay của ông khi theo học Epictetus.

8. Từ Apollonius

Ta học được khả năng suy nghĩ độc lập và sự kiên định không thể suy chuyển của tâm trí, khi nó hiểu được những mục tiêu cao nhất của mình, và không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì khác ngoài lý trí, dù chỉ một giây khắc. Luôn luôn vững vàng, dù là trong đau đớn cùng cực, hay bất hạnh khi mất đi đứa con của mình, hay trong những cơn đau ốm kéo dài.
Ông cho ta cơ hội mục kiến tận mắt một con người cương quyết nhưng vẫn linh hoạt, có thể nhân nhượng khi cần; không bao giờ cáu giận khi chỉ dạy hay hướng dẫn kẻ khác; một người có thể coi kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong việc diễn giải những nguyên tắc triết học chỉ là thứ giá trị nhỏ nhất của ông;
Và từ ông mà ta học được làm thế nào để thể hiện sự quý trọng những giúp đỡ của bạn bè một cách vừa đủ, không đánh mất lòng tự trọng nhưng cũng không tỏ ra vô ơn.

9. Từ Sextus

Ta học được về lòng nhân từ;
và hình mẫu về một gia đình mà người cha nắm quyền; và thế nào là sống thuận theo tự nhiên;
và thế nào là sự trang nghiêm không chút giả bộ màu mè;
và thế nào là quan tâm chân thật đến những mong muốn ước vọng của bạn bè; khả năng chịu đựng những kẻ ngờ nghệch, hay những người đề ra quan điểm khi chưa cân nhắc suy nghĩ kỹ càng. Khả năng của ông có thể hoà đồng cùng với bất cứ ai, để những cuộc trò chuyện với ông khiến người khác thoả mãn và vui sướng hơn bất cứ lời xu nịnh nào, và vì vậy ông rất được tôn kính bởi những người quen biết:
Việc có cho mình một tâm trí sáng suốt để vừa nghiên cứu vừa phân tích truyền đạt những nguyên tắc cần thiết cho cuộc sống theo một cách rất thông thái và khéo sắp xếp;
và ông cũng không bao giờ để mình giận dữ hay để bất cứ cảm xúc mạnh nào chế ngự bản thân, mà thay vào đó luôn tràn đầy tình yêu thương con người;
và ông biết làm thế nào để thể hiện sự tán đồng một cách đúng mực, không thái quá. Thực sự là một người học sâu hiểu rộng mà không bao giờ phô trương.

10. Từ Alexander nhà ngôn ngữ học

Ta học được khả năng kiềm chế bản thân, tránh chú mục tìm kiếm và sửa lỗi sai của kẻ khác, không khiển trách một cách hằn học những người nói sai ngữ pháp, dùng từ không chuẩn, hay phát âm từ ngữ không đúng, mà chỉ đơn giản trả lời câu hỏi của họ, hay đưa thêm ví dụ, hay tranh luận về chính nội dung của vấn đề (thay vì cách diễn giải ngôn ngữ về nó), hay đóng góp thêm những thứ có giá trị cho cuộc tranh luận - trong lúc đó ý nhị đưa vào những cách dùng ngữ pháp hay từ ngữ đúng (để người dùng sai có thể nhận ra mà không bị bẽ mặt).
Andy Luong
Bản tiếng Anh:
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)