Sự giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm tại môi trường công sở thường được đánh giá là chuyện dễ dàng và đương nhiên. Tuy nhiên, khi đặt các thành viên vào bối cảnh cần sự tương tác liên tục và phối hợp linh hoạt trong khâu tổ chức và chạy chương trình một sự kiện lớn, sức ép về thời gian, sự linh động xử lý sự cố… dễ dàng lộ ra mắt xích yếu về “sự yếu kém giao tiếp”. Điều này không chỉ xuất phát từ một mà có thể đến từ tất cả các thành viên trong team. Liệu trong đội nhóm của bạn có từng gặp tình huống này và bạn đang cải thiện điều đó như thế nào? 
Khi tôi còn làm việc tại công ty cũ, team luôn làm việc trong môi trường thoải mái, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc - đó dường như là vỏ bọc hoàn hảo của việc “giao tiếp hiệu quả” tại văn phòng. Nhưng một bài học đáng nhớ về việc bị đứt gãy giao tiếp khi cùng chạy một chương trình sự kiện cho doanh nghiệp đã giúp chúng tôi cải thiện sự hoạt động teamwork của mình hơn rất nhiều lần. Đó cũng là lần đầu tiên tôi “combat” với đồng nghiệp khi chúng tôi đều không nhận trách nghiệm về bản thân. Tất nhiên, sau kết thúc sự kiện chúng tôi cũng đã cùng nhau nhận sai và rút ra những bài học để cải thiện phối hợp teamwork, đặc biệt nhấn mạnh tới việc đứt gãy giao tiếp mà chúng tôi đã gặp phải. 
Lỗ hổng trong giao tiếp hai chiều dễ gặp phải
Cô bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã tự xử lý thêm sự cố không thể livestream sự kiện trên fanpage khi cô đang ba đầu sáu tay với việc quay video khách hàng, diễn giả, background… mà không “cầu cứu” các thành viên khác. Trong khi đó, những thành viên khác, trong đó có tôi - ở ngay gần đó, lại đang khá rảnh với những nhiệm vụ đã hoàn thành.
Có thể thấy rằng, cô bạn đã mắc phải lỗi giao tiếp khi không nhờ sự giúp đỡ của đồng đội mà tự mình loay hoay xử lý công việc. Ngay chính tôi, tôi cũng mắc lỗi giao tiếp khi không linh hoạt phát hiện ra sự cố của đồng nghiệp mình.
Như vậy, để đạt được sự giao tiếp hiệu quả trong teamwork của một chương trình sự kiện không chỉ dừng lại ở việc các thành viên cập nhật và phản hồi thông tin liên tục. Bên cạnh đó, mỗi một thành viên trong nhóm cần hiểu được không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình được phân công mà bản thân từng thành viên cần biết bao quát, giám sát toàn bộ sự kiện để luôn phát hiện sự cố phát sinh của các thành viên khác. 
Một thành viên làm chưa tốt - đó cũng là kết quả cuối cùng của cả team
Một phần, tôi cũng đã từng đổ lỗi việc người giám sát sự kiện đã không bao quát và điều phối tốt trong suốt quá trình, do đó mới xảy ra sự cố và không khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, tôi đã quên rằng, chúng tôi là một team, việc làm chưa tốt của một thành viên cũng chính là kết quả của cả team, chúng tôi cần biết hỗ trợ và động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc thì mới có thể cùng nhau gắn kết và tạo nên những kết quả tốt cho tổ chức của mình. 
Nhìn chung, sự giao tiếp giữa các thành viên bị ảnh hưởng, chắc chắn sẽ gây tác động thụt lùi tới hiệu quả, hiệu suất, kết quả làm việc teamwork - điều mà không tổ chức hay leader nào mong muốn. Đặc biệt đối với sự thành công của một sự kiện, chú trọng vào việc nâng cao giao tiếp trong đội nhóm vô cùng quan trọng trong việc giúp các thành viên phối hợp dễ dàng với nhau, hiểu ý đồng đội và trên tất cả tạo mối liên kết gắn bó để cùng hướng đến mục tiêu chung.