Trong xã hội hiện đại, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, văn hóa và cách thức làm việc đã tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thế hệ. Những giá trị và tiêu chuẩn xưa cũ về chăm chỉ, thành công và cống hiến đang ngày càng bị đặt ra nghi vấn khi thế hệ trẻ – đặc biệt là Gen Z – lựa chọn một cách sống và làm việc khác biệt. Trong khi các thế hệ đi trước vẫn gắn liền với hình ảnh của những người lao động miệt mài, hy sinh vì công việc, thì Gen Z lại nổi bật với những quyết định sống linh hoạt hơn, chú trọng vào sức khỏe tinh thần và tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 
Chính vì vậy, không ít người đã nhanh chóng đưa ra những kết luận vội vã, cho rằng Gen Z là một thế hệ "lười biếng", thiếu động lực. Tuy nhiên, liệu có thật sự là như vậy? Hay thực tế, họ chỉ đang sống theo cách khác, cách mà những giá trị mới mẻ của thời đại hiện đại cho phép? 
Đây là một câu hỏi đáng được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các thế hệ và những lý do đằng sau sự lựa chọn của Gen Z. 

1. Sự khác biệt tư duy giữa các thế hệ.

Khi bàn về sự khác biệt trong tư duy giữa các thế hệ, nhiều người thường gán cho từng thế hệ những đặc điểm nhất định – như “Gen Z lười biếng”, “Gen Z ngông”, hay “Gen Y thực dụng”. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng những nhận xét này mang tính phiến diện và thường bị chi phối bởi định kiến thế hệ. Thực tế, ở bất kỳ thế hệ nào cũng tồn tại sự đa dạng trong tính cách, phẩm chất và tư duy. Có người trẻ năng động, cầu tiến; cũng có người trẻ thụ động, buông xuôi – giống như ở những thế hệ trước, cũng từng có người bị cho là nổi loạn, bất cần hay lười biếng.
img_0
Sự khác biệt thật sự không nằm ở việc thế hệ này “tệ hơn” hay “giỏi hơn” thế hệ kia, mà nằm ở bối cảnh xã hội, điều kiện sống, và những giá trị mà mỗi thế hệ được tiếp cận và hấp thụ. Vì vậy, thay vì phán xét, cần có cái nhìn công bằng và toàn diện hơn khi so sánh tư duy giữa các thế hệ.
Nhiều người nhìn Gen Z nằm dài ở nhà vào cuối tuần, tắt máy sau giờ làm, từ chối tăng ca hay im lặng rút khỏi những cuộc cạnh tranh gắt gao… rồi vội vàng cho rằng họ “lười”. Nhưng thực tế, sự khác biệt nằm ở tư duy về nghỉ ngơi – không phải ở mức độ nỗ lực. Với thế hệ trước, nghỉ ngơi là phần thưởng cuối cùng, chỉ đến sau khi họ đã cố gắng đến cạn kiệt. Còn với Gen Z, nghỉ ngơi và chữa lành là một phần quan trọng trong hành trình sống – được ưu tiên như một nhu cầu chính đáng, chứ không phải là “sự xa xỉ”.
Theo khảo sát của McKinsey (2022) “How does Gen Z see its place in the working world? With trepidation” (Nguồn: mckinsey), Gen Z là thế hệ coi trọng work-life balance nhất hiện nay. Họ sẵn sàng từ chối công việc lương cao nếu phải đánh đổi bằng giấc ngủ, thời gian cho bản thân, hoặc sự bình yên tinh thần. Họ không còn xem việc làm không ngừng nghỉ là thước đo của thành công – mà là khả năng sống cân bằng, đúng với giá trị của mình.
Với Gen Z, nghỉ ngơi và chữa lành không phải là sự trì hoãn hay yếu đuối, mà là bước cần thiết để tái tạo năng lượng và duy trì hiệu suất lâu dài. Gen Z lớn lên trong một bối cảnh khác với thế hệ cha mẹ – khi điều kiện sống đã dần ổn định hơn, công nghệ phát triển mạnh, và kiến thức về sức khỏe được lan truyền rộng rãi. Điều đó giúp họ sớm hình thành thói quen quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Với họ, nghỉ ngơi không phải là lười biếng, mà là cách để tái tạo năng lượng, sống hiệu quả hơn và bền vững hơn. 
Thế hệ cha mẹ – thường là Gen X hoặc đầu Gen Y – lớn lên trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thời kỳ hậu chiến, tái thiết kinh tế, mọi thứ đều thiếu thốn. Trong hoàn cảnh đó, sự chăm chỉ, kiên nhẫn và hy sinh được xem là tiêu chuẩn vàng. Họ phải "chịu đựng để vươn lên", đặt sự ổn định và an toàn lên hàng đầu. Nghề nghiệp lý tưởng là “ổn định, lâu dài”, sống tiết kiệm, và coi thành công là có được nhà cửa, tài sản và vị trí xã hội rõ ràng.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa các thế hệ trước không coi trọng sức khỏe. Thực tế, họ cũng nỗ lực chăm lo cho gia đình, kiên cường vượt qua khó khăn và hy sinh rất nhiều để xây dựng nền tảng cho thế hệ sau. Chỉ là, mỗi thời đại có một ưu tiên khác nhau – khi còn thiếu thốn, người ta ưu tiên “sống còn”; khi đã đủ đầy hơn, người ta bắt đầu nghĩ đến “sống khỏe”, “sống vui”.
Tư duy của các thế hệ vì thế không nên bị đặt lên bàn cân hơn – thua, mà cần được hiểu trong bối cảnh mà họ đã trải qua.
 Họ ý thức được rằng nếu cứ cố gắng trong mệt mỏi và tâm lý bất ổn, kết quả cuối cùng cũng không bền vững. Chọn tạm dừng, đi du lịch một mình, tìm đến trị liệu tâm lý, hay đơn giản là rút khỏi một môi trường tiêu cực – đó là cách họ lắng nghe cơ thể và bảo vệ sự ổn định bên trong. Ở một thế giới đang dần quá tải, biết cách chữa lành chính mình có lẽ không phải là xa xỉ, mà là kỹ năng sống còn.

2. Gen Z và văn hóa từ chối: Biểu hiện của sự lười biếng hay nhận thức rõ giá trị bản thân?

img_1

2.1“Từ chối – Một điều xa lạ với thế hệ trước”. Với nhiều người thuộc thế hệ Baby Boomer hay Gen X,

Khái niệm “từ chối” trong công việc từng là điều xa lạ, thậm chí khó chấp nhận. Họ lớn lên trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn. Họ lớn lên trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn – cả ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Ở Việt Nam, đó là giai đoạn hậu chiến tranh, nền kinh tế còn bao cấp, thiếu thốn đủ bề: từ lương thực, thực phẩm đến việc làm và dịch vụ y tế. Nhiều gia đình phải sống chật vật, làm lụng vất vả để mưu sinh. 
Trên thế giới, thế hệ này cũng chứng kiến nhiều biến động lớn: Chiến tranh Lạnh, khủng hoảng dầu mỏ, suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Những yếu tố đó khiến họ hình thành tư duy sống thực tế, coi trọng sự bền vững, tiết kiệm và chấp nhận hy sinh cá nhân để lo cho gia đình.
Với nền tảng như vậy, không khó hiểu khi thế hệ cha mẹ thường nhấn mạnh giá trị của “chịu khó”, “ổn định”, và đôi khi xem việc ưu tiên cho sức khỏe tinh thần hay sở thích cá nhân là điều xa xỉ hoặc “thiếu thực tế”. Họ không sai, chỉ là họ được rèn luyện để sống sót và vượt qua khó khăn, trong khi con cái họ lớn lên với điều kiện đã khác. Nơi sự chịu đựng, hy sinh và cam kết lâu dài được xem là đức tính quý. Vì vậy, việc nói “không”, dù là với sếp, với khách hàng hay với cơ hội – thường bị gắn với sự ích kỷ, ngông nghênh.
Một sinh viên mới ra trường từ chối nhận công việc ổn định tại một ngân hàng vì “không hợp gu sống” có thể khiến không chỉ gia đình mà xã hội cũng hoang mang. Công việc tại ngân hàng, đặc biệt là ở những vị trí ổn định, luôn được xem là mục tiêu lý tưởng của nhiều người, đặc biệt là trong một xã hội mà sự ổn định nghề nghiệp, thu nhập và phúc lợi là yếu tố quan trọng. Việc từ chối công việc này có thể khiến người khác nghĩ rằng sinh viên đó đang thiếu thực tế hoặc thiếu tôn trọng những cơ hội đã có.
Tuy nhiên, nếu sinh viên này thực sự có kế hoạch rõ ràng và một định hướng nghề nghiệp cụ thể, quyết định từ chối công việc ổn định có thể mang lại lợi ích lâu dài. Gen Z, với khả năng tư duy độc lập và khát khao tìm kiếm công việc có ý nghĩa, có thể thấy rằng sự linh hoạt và tự do trong công việc quan trọng hơn việc chỉ "kiếm tiền" hay có một công việc ổn định. Họ có thể đang tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê, sở thích, hoặc mục tiêu cá nhân, và điều đó hoàn toàn có thể là lựa chọn đúng đắn nếu họ đã chuẩn bị tốt.
Ngược lại, nếu sinh viên này từ chối công việc mà không có một kế hoạch rõ ràng, không chuẩn bị đủ kiến thức, kỹ năng và tài chính để tự đứng vững, thì đó lại là một vấn đề. Khi không có sự chuẩn bị đầy đủ, quyết định từ chối một công việc ổn định có thể dẫn đến sự chênh vênh trong tương lai, không chỉ với bản thân người đó mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, một sự lựa chọn thiếu suy nghĩ có thể khiến người ta lỡ mất cơ hội quan trọng và phải đối mặt với thất bại. Điều này không chỉ khiến người đó phải trả giá, mà còn có thể gây lo lắng cho gia đình, những người đã hy sinh rất nhiều để họ có thể học hành và trưởng thành.
Vì vậy, quyết định từ chối công việc là một sự lựa chọn có thể tốt hoặc xấu, phụ thuộc vào việc bạn có sự chuẩn bị đầy đủ hay không. Nếu có định hướng rõ ràng và hành động có kế hoạch, đó sẽ là lợi thế. Nhưng nếu không có kế hoạch, thiếu sự chuẩn bị, đó sẽ là cái hại lớn, không chỉ cho chính bản thân mà còn cho những người thân yêu xung quanh. Trong một thế giới đầy cơ hội nhưng cũng đầy thử thách, sự thận trọng và chuẩn bị luôn là chìa khóa quan trọng để đưa ra quyết định đúng đắn. 
Với thế hệ trước, “bám trụ” mới là biểu hiện của sự trưởng thành, quan điểm “bám trụ là trưởng thành” đúng trong hoàn cảnh cần sự kiên định, trách nhiệm, nhưng sai nếu bám trụ là do sợ hãi, áp lực hay từ chối thay đổi. Trưởng thành ngày nay có thể mang nhiều hình thức, kể cả là biết rời đi đúng lúc. Nhưng với Gen Z, điều đó chưa chắc đồng nghĩa với hạnh phúc.

2.2 “Từ chối – Khi Gen Z bảo vệ giá trị bản thân”. Với Gen Z, từ chối không phải là bốc đồng hay lười biếng - mà là cách họ bảo vệ giá trị cá nhân.

Khác với thế hệ trước – vốn quen chịu đựng để giữ công việc ổn định – Gen Z ưu tiên sự phù hợp và phát triển. Theo khảo sát của (Nguồn: Deloitte's 2023), hơn 50% Gen Z sẵn sàng nghỉ việc nếu không thấy cơ hội học hỏi hoặc không phù hợp với giá trị sống của họ.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều bạn trẻ chia sẻ lý do nghỉ việc vì “không được công nhận” hoặc “không thấy mình đang tiến lên”. Từ chối, với họ, không phải là bỏ cuộc – mà là chọn lựa có suy nghĩ: không đánh đổi giá trị bản thân chỉ để tồn tại.
 Ở góc nhìn ngược lại, cũng cần đặt câu hỏi: liệu Gen Z có đang quá thiếu kiên nhẫn? Để thấy mình đang tiến lên, đang tạo ra giá trị và được công nhận trong công việc là một quá trình dài cần nỗ lực, bền bỉ và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Nếu người trẻ rời bỏ công việc chỉ sau vài tháng vì cảm thấy “không phù hợp” hay “không được trao cơ hội”, thì liệu họ đã thực sự ở lại đủ lâu để học hỏi, thích nghi và chứng minh năng lực của mình chưa? Trong một thế giới thấm đẫm tư duy “nhanh – gọn – tức thì”, đôi khi kỳ vọng của Gen Z vượt nhanh hơn cả tốc độ phát triển tự nhiên của sự nghiệp. Và nếu không cẩn trọng, việc liên tục “reset” bằng cách nghỉ việc sớm có thể khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn: kinh nghiệm chắp vá, thiếu chiều sâu, khó định hình được bản thân thực sự muốn gì. Trưởng thành, xét cho cùng, không chỉ là biết rời đi đúng lúc mà còn là dám ở lại đủ lâu để hiểu bản thân, hiểu môi trường, và cho cả hai một cơ hội.
“Ranh giới mỏng manh giữa lười biếng và hiểu giá trị bản thân”. Tuy nhiên, văn hóa từ chối không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực. Một bộ phận Gen Z có thể từ chối quá sớm khi gặp phải những thử thách ban đầu trong công việc mà chưa thực sự nỗ lực thích nghi hay tìm cách giải quyết. Ví dụ, một số bạn trẻ chỉ mới làm việc trong vài tuần đã cảm thấy áp lực và quyết định bỏ cuộc mà không cố gắng vượt qua những khó khăn đầu tiên.
Bên cạnh những điểm mạnh đáng ghi nhận như sự chủ động, đề cao giá trị cá nhân và mong muốn sống đúng với bản thân, tư duy sống của một bộ phận Gen Z hiện nay cũng bộc lộ những mặt trái đáng suy ngẫm. Trong khi việc dám từ chối môi trường không phù hợp được xem là một dấu hiệu của sự tỉnh táo, thì ở một số trường hợp, quyết định nghỉ việc lại phản ánh sự thiếu kiên nhẫn, thậm chí là thiếu trách nhiệm với chính lựa chọn của bản thân.
Liệu có tồn tại những người “lười biếng” trong lao động hiện nay? Câu trả lời là: Có. Và điều này không chỉ đúng với Gen Z, mà là một hiện tượng chung trong xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là lối sống “tự do”, “không chịu áp lực”, “chỉ làm điều mình thích” đang bị một bộ phận người trẻ hiểu sai thành lối sống buông thả, né tránh thử thách và dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn. Họ có thể dùng mỹ từ như “bảo vệ sức khỏe tinh thần” hay “tìm lại sự cân bằng”, nhưng thực chất là chưa sẵn sàng đối diện với tính kỷ luật, sự nỗ lực và cam kết – những yếu tố thiết yếu trong hành trình trưởng thành.
Một thực tế khác cần được nhìn nhận là: chỉ vài tháng làm việc là chưa đủ để xác định rõ công việc đó có thực sự phù hợp hay không. Giống như một mối quan hệ, công việc cũng cần thời gian để hiểu – để điều chỉnh – để thích nghi. Nếu người trẻ liên tục rời bỏ công việc chỉ sau một thời gian rất ngắn, họ sẽ không có đủ dữ liệu để hiểu sâu ngành nghề, không đủ trải nghiệm để rút ra bài học và cũng không đủ thời gian để phát triển kỹ năng bền vững. Hệ quả là họ mãi ở trong vòng xoáy đi tìm "cái phù hợp" mà không hề xây dựng được nền tảng nào đủ vững chắc.
Không ai trách người trẻ vì khao khát được là chính mình, nhưng trưởng thành thực sự không phải là né tránh những gì không “vừa vặn”, mà là dám đối diện, kiên nhẫn vượt qua và tự làm cho bản thân mình trở nên phù hợp hơn. Gen Z cần hiểu rằng: trong một thế giới phức tạp và luôn thay đổi, không có công việc nào là hoàn hảo, và không ai “tìm thấy đam mê” nếu họ không thật sự dấn thân để hiểu sâu và nỗ lực vì nó.

3. Tư duy “làm hết việc” thay vì “làm hết giờ”.

Trong khi nhiều người vẫn giữ quan điểm phải “cày cuốc” để thành công, Gen Z đang chọn cách làm việc thông minh thay vì làm việc cực nhọc – một lối sống hiệu quả nhưng dễ bị hiểu nhầm là lười biếng.
img_2
“Làm việc chăm chỉ” đề cao thời gian và công sức bỏ ra, trong khi “làm việc hiệu quả” tập trung vào kết quả và cách tiếp cận thông minh. Người làm việc chăm chỉ có thể cống hiến hết mình nhưng dễ rơi vào lối mòn nếu thiếu chiến lược. Ngược lại, người làm việc hiệu quả biết ưu tiên, tận dụng công nghệ và tối ưu hóa thời gian để đạt mục tiêu với ít sức lực hơn. Nếu “chăm chỉ” là nỗ lực không ngừng, thì “hiệu quả” là biết nỗ lực đúng chỗ – một sự chuyển đổi tư duy tất yếu trong thời đại mới.
Báo cáo "Great Expectations: Making Hybrid Work Work" của Microsoft cho thấy 52% nhân viên Gen Z cho biết họ đang chuyển đến một địa điểm mới vì khả năng làm việc từ xa, so với 38% tổng thể, điều này cho thấy Gen Z không đặt nặng số giờ làm việc, mà quan tâm đến hiệu quả và sự tự chủ. [Nguồn: Microsoft ]
Thực tế, nhiều người trẻ thuộc Gen Z đang chọn những mô hình làm việc linh hoạt như freelancer, startup, hay digital nomad. Họ tận dụng tối đa các công cụ công nghệ để rút ngắn quy trình, loại bỏ những thao tác dư thừa và tập trung vào sáng tạo. Điều này cho phép họ tự chủ về thời gian, địa điểm làm việc và không bị bó buộc bởi mô hình “9-to-5” truyền thống. Thay vì gắn mình vào chiếc bàn làm việc suốt tám tiếng mỗi ngày, họ đo lường sự cống hiến bằng kết quả mang lại. Trong mắt một số người, sự tự do ấy có thể bị gán là thiếu nỗ lực, nhưng thực chất đó là biểu hiện của năng lực tự quản lý, của sự thức thời và khả năng thích ứng với nhịp sống hiện đại.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng lối làm việc này đòi hỏi mức độ kỷ luật và trách nhiệm cao. Không phải ai cũng có thể làm việc tự do mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Việc tối ưu hóa công việc không đồng nghĩa với việc né tránh áp lực, mà đòi hỏi sự tỉnh táo, biết rõ mục tiêu và giới hạn của bản thân. Do đó, vấn đề không nằm ở thế hệ, mà nằm ở cách mỗi cá nhân tiếp cận công việc của mình. Không thể quy chụp tất cả Gen Z là lười biếng chỉ vì họ không làm việc theo những khuôn mẫu cũ.
Một khảo sát của LinkedIn chỉ ra rằng 87% Gen Z ưu tiên công việc cho phép phát triển kỹ năng mới và hiệu suất cao, hơn là những công việc đòi hỏi sự chăm chỉ đơn thuần nhưng thiếu tính sáng tạo hoặc cơ hội phát triển. [Nguồn: LinkedIn ]
Tư duy “làm hết việc” phản ánh sự thức tỉnh về giá trị của thời gian, năng lượng và sự cân bằng trong cuộc sống. Đây không chỉ là một lựa chọn cá nhân mà còn là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang dần thay đổi cách hiểu về lao động và thành công. Và có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận những thay đổi ấy bằng một góc nhìn cởi mở hơn, thay vì tiếp tục gán nhãn “lười biếng” cho những người đang chăm chỉ theo cách của riêng họ: Gen Z đang thay đổi cách tiếp cận công việc bằng việc ưu tiên hiệu quả, tự do và ý nghĩa thay vì tuân theo khuôn mẫu làm việc truyền thống.

4. Gen Z và lối sống đề cao sức khỏe tinh thần: Lười biếng hay tỉnh táo?

Trong khi xã hội còn quen với việc coi bận rộn là thước đo của thành công và cống hiến. Những giá trị truyền thống vẫn còn nặng nề trong cách nhìn nhận công việc và cuộc sống, khiến cho bất kỳ ai không “cày cuốc” suốt ngày đêm đều dễ dàng bị đánh giá là thiếu nỗ lực hay lười biếng. Tuy nhiên, Gen Z lại đang làm một cuộc cách mạng trong cách họ nhìn nhận thành công, khi ngày càng có xu hướng tách biệt công việc khỏi cuộc sống cá nhân và coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Họ chọn sống chậm, nghỉ ngơi có chọn lọc, và quan tâm đến trị liệu tâm lý như một phần tất yếu của hành trình phát triển bản thân. Đây là một bước chuyển hóa đáng suy ngẫm, mở ra một quan điểm mới về sức khỏe và hiệu suất làm việc.
img_3
Sự gia tăng các vấn đề tâm lý trong xã hội hiện đại là một vấn đề không thể phủ nhận. Nghiên cứu từ tổ chức World Health Organization (WHO) chỉ ra rằng trầm cảm và lo âu đã trở thành những vấn đề sức khỏe toàn cầu, với tỷ lệ gia tăng ở thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z [Nguồn: World Health Organization ]. Cảm giác căng thẳng, áp lực công việc và sự kì vọng từ xã hội đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ. Trái ngược với việc lao vào công việc như cách mà thế hệ trước vẫn làm, Gen Z chọn cách đối diện với những vấn đề này bằng cách nghỉ ngơi, tham gia trị liệu, và thiết lập ranh giới rõ ràng trong công việc và cuộc sống. Thay vì đẩy mình đến giới hạn, họ nhận thức rõ ràng rằng sức khỏe tinh thần là yếu tố tiên quyết để duy trì sự sáng tạo và năng suất lâu dài.
Nếu như thế hệ trước coi việc “hy sinh bản thân” là chuẩn mực để chứng tỏ sự cống hiến, thì Gen Z lại xem đó là dấu hiệu của sự thiếu tự nhận thức và cân bằng. 57% Gen Z nhận thấy việc duy trì sức khỏe tinh thần và phòng ngừa kiệt sức là thách thức lớn nhất, nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý trong môi trường làm việc [Nguồn: Talentnet Vietnam ]. Thế nhưng, thế hệ đi trước từng phải đối mặt với áp lực phải làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí là quên đi nhu cầu cá nhân để hoàn thành công việc. Và đây là tiêu chuẩn mà họ coi là đỉnh cao của thành công. Tuy nhiên, Gen Z không chấp nhận cái nhìn cũ này mà thay vào đó, họ chú trọng sự phát triển bền vững, vừa có thể thăng tiến trong công việc, vừa giữ gìn được sức khỏe tinh thần và thể chất. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về bản thân và khả năng đối mặt với những thử thách mà không làm tổn hại đến chất lượng cuộc sống. 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có một số bạn trẻ lợi dụng việc "chăm sóc tinh thần" như một cái cớ để tránh né khó khăn và trách nhiệm. Trong một xã hội đang chuyển mình, việc tìm kiếm sự cân bằng đôi khi bị hiểu sai hoặc lạm dụng. Một số người có thể lợi dụng xu hướng này để trốn tránh những nhiệm vụ khó khăn, hoặc không đối mặt với thử thách. Tuy nhiên, việc phân biệt rõ ràng giữa chăm sóc tinh thần và né tránh khó khăn là điều quan trọng. Gen Z, trong đa số trường hợp, không né tránh khó khăn mà họ chỉ đơn giản là lựa chọn cách tiếp cận vấn đề khác, nhằm bảo vệ sức khỏe tâm lý và duy trì hiệu suất lâu dài.
Việc Gen Z quan tâm đến sức khỏe tinh thần không phải là biểu hiện của sự lười biếng mà là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Đây là sự thay đổi trong cách thức làm việc và sống sao cho vừa đạt được thành công, vừa duy trì được sự cân bằng trong cuộc sống. Lối sống của Gen Z chú trọng đến sức khỏe tinh thần và sự cân bằng trong cuộc sống, thay vì tập trung vào lối sống thụ động. Vì thế, đừng nên đánh giá họ một cách phiến diện, chúng ta nên hiểu rằng sự nghỉ ngơi và trị liệu tâm lý là những phương tiện cần thiết để xây dựng một cuộc sống làm việc và sống bền vững, từ đó góp phần vào sự phát triển cá nhân và xã hội.
Tựu trung lại, Gen Z không phải là những người "lười biếng" mà là thế hệ có cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về công việc và cuộc sống. Họ coi trọng sự cân bằng, nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe tinh thần như những yếu tố cần thiết để duy trì hiệu suất và phát triển bền vững. Thay vì chạy theo những giá trị cũ của sự hy sinh và làm việc cực nhọc, Gen Z đang xây dựng một cách tiếp cận công việc thông minh và ý nghĩa hơn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của thế giới hiện đại.
Có phải thành công luôn phải đi kèm với bận rộn và miệt mài?
Trong một thời đại, nơi công việc và sự bận rộn đôi khi trở thành thước đo thành công, Gen Z lại chọn một lối sống khác biệt. Họ không chạy theo guồng quay công việc, không để bản thân bị cuốn vào cuộc sống thụ động chỉ vì áp lực thành tích.
Chính sự khác biệt trong tư duy giữa các thế hệ dễ dẫn đến định kiến sai lệch về Gen Z, khi hành vi “nghỉ ngơi có chọn lọc” lại bị nhìn nhận như biểu hiện của sự lười biếng. Thế hệ này không chấp nhận lối sống thụ động, mà thay vào đó, họ biết cách tạo ra những khoảng thời gian nghỉ ngơi có chọn lọc để tái tạo năng lượng và duy trì sự sáng tạo. 
Họ hiểu rằng, để có thể làm việc hiệu quả và sống hạnh phúc lâu dài, không thể chỉ cống hiến hết mình cho công việc mà quên đi sức khỏe và nhu cầu cá nhân. 
Gen Z chọn nói "không" với những điều không phù hợp – không phải vì lười biếng, mà vì họ hiểu rõ giá trị của bản thân và quyền được lựa chọn. Thay vì đặt ra nghi vấn về họ, chúng ta hãy tự hỏi rằng mình có thể học hỏi những gì từ họ để sống cân bằng hơn trong cuộc sống ngày nay?
Và hơn hết, liệu chúng ta đã biết ta đang sống để làm việc, hay làm việc để được sống đúng nghĩa hay chưa?

Đôi nét về chúng mình:

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết!
Ngô Quyền Debate Club (NQDC) là CLB học thuật đầu tiên của THPT Ngô Quyền, nơi tư duy được mài giũa và tiếng nói cá nhân được trân trọng. Chúng tôi mang Tranh biện đến gần hơn với học sinh, giúp rèn luyện tư duy phản biện, lập luận đa chiều và sự tự tin trong giao tiếp. Đến với Spiderum, NQDC mong muốn kết nối với những người trẻ yêu tri thức, lan tỏa tinh thần tranh biện văn minh và cùng nhau khám phá những góc nhìn mới.
Chúng mình cũng hoạt động trên FacebookTikTok, rất mong nhận được sự ủng hộ từ các bạn! Đừng ngần ngại chia sẻ suy nghĩ của bạn, vì mỗi góp ý đều là động lực để NQDC phát triển hơn. Chúc bạn có một ngày tốt lành! 🚀