Gặp nhau cuối năm 2024: Khởi đầu gian nan cho quá trình đổi mới
Lại một mùa Gặp nhau cuối năm nữa trôi qua, và tất nhiên rồi, khi buổi chầu kết thúc cũng là lúc câu chuyện “Táo năm nay nhạt”, “Táo...
Lại một mùa Gặp nhau cuối năm nữa trôi qua, và tất nhiên rồi, khi buổi chầu kết thúc cũng là lúc câu chuyện “Táo năm nay nhạt”, “Táo năm nay nhảm”, “Táo năm nay không đọng lại được cái gì” được bàn tán rôm rả khắp nơi. Với tất cả sự khiêm tốn và tự hào rằng mình đã xem Táo quân, tên chính thức là Gặp nhau cuối năm từ năm 2009 đến giờ, xin mạn phép được nêu vài dòng cảm nhận về Gặp nhau cuối năm mùa 2024.
Nỗ lực đổi mới, và lần này là làm thật…
Trước hết phải dành lời khen cho Gặp nhau cuối năm mùa này khi đã “dũng cảm” thay máu gần như toàn bộ nhân sự của các năm trước. Có thể thấy ý tưởng của việc “nhường ngôi” đã xuất hiện từ năm 2021, khi mà Nam Tào – Bắc Đẩu đã đổi từ “bộ đôi đại thụ” chú Xuân Bắc – chú Công Lý sang 2 người đó là Duy Nam – Trung Ruồi. Hay cả mùa 2023 gần đây cũng đã sẵn sàng để chú Công Lý không cầm trịch sân khấu cùng chú Xuân Bắc nữa, mà chỉ cameo vài phút thôi. Nhưng những sự thay đổi đó chỉ dừng ở 1 – 2 vai trò chủ chốt. Còn năm nay, Táo quân quyết định đổi mới tất cả dàn nhân sự, trừ Ngọc Hoàng. Các Táo vẫn còn là Kinh tế, Giao thông, Văn thể, Xã hội, vốn là những vai không xa lạ ở các năm trước. Tuy nhiên, không còn là bộ tứ cô chú Quang Thắng, Chí Trung, Tự Long, Vân Dung nữa, mà là các gương mặt mới. Các vai trò phụ cũng được giao cho các diễn viên trẻ để họ thể hiện tiềm năng của mình.
Về format, năm nay có thể thấy Gặp nhau cuối năm đã và đang cố gắng “thoát vai” khỏi cụm từ “Táo quân”, với việc bối cảnh Thiên đình và buổi chầu không còn được đặt nặng nữa, khi nơi này chỉ xuất hiện ở cảnh đầu cho các “nhà sáng tạo nội dung bất chấp” vào kiếm content, và ở cảnh cuối khi các Táo và Ngọc Hoàng tổng kết những gì đã làm được, vốn bắt đầu lúc 21h15 và còn thêm 30 phút quảng cáo nữa.
Thay vào đó, phần lớn thời lượng dành cho buổi vi hành của Ngọc Hoàng và Nam Tào dưới một chung cư mini, và tất cả các miếng hài châm biếm đều được tập trung tại phân cảnh này.
Và phải công nhận là điều này có thành công ở một mức độ nhất định. Khán giả được lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, đã được tiếp xúc trở lại với kịch bản “anh Hoàng vi hành hạ giới” trong một chương trình Gặp nhau cuối năm chính thức (lần gần nhất Táo quân có kịch bản này theo tôi xem lại trên Youtube đó là năm 2006, và năm đó cũng quy tụ một dàn sao từ già tới trẻ khá “khủng”). Các vấn đề nổi cộm của năm 2023 được tập trung khai thác trong phân cảnh chung cư: từ những câu chuyện liên quan trực tiếp như ngõ hẻm phức tạp ở thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hệ thống thoát hiểm “cứ sập cửa khi có hoạn nạn xảy ra” – liên hệ tới các chuồng cọp ở chung cư; tình trạng mất nước dài ngày ở chung cư Thanh Hà; sai phạm trong xây dựng chung cư Khương Đình, dẫn tới sự cố cháy ở Hà Nội,… cho đến sự vụ thầy hiệu trưởng ăn chặn các học sinh vùng cao; bạo lực học đường giữa cô giáo dạy âm nhạc và học sinh; mâu thuẫn giữa nghệ sĩ Ngọc Lan và công ty bảo hiểm;… đều đã được gói gọn vào trong 1 phân cảnh chung cư, là một nơi ở hạ giới và cực kì gần gũi với người thường giúp đem lại cảm giác sát thực tế hơn so với những lời bẩm tấu ở trên Thiên đình thông qua lời qua tiếng lại của các Táo và bộ 3 lãnh đạo.
…nhưng vẫn chưa tới…
Tuy đã có nỗ lực đổi mới một cách toàn diện, nhưng không thể không đồng ý rằng Gặp nhau cuối năm mùa 2024 còn tồn tại nhiều thiếu sót và hạn chế.
Thứ nhất, tuy mang mác “thay máu diễn viên”, “đổi mới gương mặt Táo”, việc đổi này chỉ dừng ở việc đổi diễn viên, chứ không có sự “trẻ hóa” quá nhiều như một phần khán giả, trong đó có tôi, kỳ vọng. Nếu như ở năm 2021, Nam Tào – Bắc Đẩu được đổi từ “bộ đôi đại thụ” Xuân Bắc – Công Lý sang một bộ đôi diễn viên trẻ hơn nhiều là Duy Nam – Trung Ruồi, thì năm nay, các Táo chỉ đổi từ bộ tứ gạo cội là Quang Thắng, Tự Long, Vân Dung, Chí Trung sang Quốc Quân, Bá Anh, Quân Anh, Tú Oanh. Đây tuy là những gương mặt mới với Táo quân, nhưng cũng đều là những nghệ sĩ đã có tuổi nghề lâu năm, thậm chí là cùng thời với bộ tứ cũ. Những cư dân của chung cư mini cũng gồm nhiều gương mặt quen thuộc và tham gia Táo quân ở nhiều mùa trước như Trung Ruồi, Anh Đức, Mạnh Dũng,… Trừ Trung Ruồi đã từng đóng tới vai Bắc Đẩu ra thì những nghệ sĩ khác tuy chưa từng vào các vai chủ chốt, nhưng cũng đã quen với sân khấu Gặp nhau cuối năm và format Táo quân. Vậy nên, dàn cast tuy mới trong vai diễn, nhưng phần lớn đều đã có thâm niên và kinh nghiệm diễn xuất nhất định để hiểu và giữ lại được cái hồn của Táo quân: tổng kết lại một năm theo một góc nhìn vừa hài hước, vừa thâm thúy.
Dàn cast trẻ, tập trung chủ yếu ở phân cảnh đầu, tất nhiên rồi, nhận được ý kiến chê nhiều nhất. Giọng nói và lời hát khó nghe, diễn xuất “cringe”, thậm chí xuất hiện những comment “VTV vietsub Táo được không” là đủ để hiểu những khó khăn mà dàn nghệ sĩ trẻ đang phải đối mặt với sự khắt khe của những khán giả Gặp nhau cuối năm. Ở những năm trước, phần nhạc chủ yếu là chú Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội đảm nhiệm, thì khó mà kỳ vọng được ở dàn cast trẻ, dù đã có sự giúp đỡ của nhạc sĩ Tiến Minh, ở khoản lời nhạc. Còn về diễn xuất thì, well, khó mà kỳ vọng được họ sẽ đem lại ngay những sự hóm hỉnh, duyên dáng nhưng đầy “thâm nho” mà dàn cast gạo cội trước đó đem lại. Nhưng như vậy không có nghĩa không có điểm sáng. Điểm sáng mà cá nhân tôi thấy nằm ở bộ đôi bạn trẻ “nhường nhau” ở chung cư mini, khi họ đã khắc họa cái sự ngô nghê “miền núi” rất duyên mà vẫn rất thâm thúy. Tất nhiên cũng nhờ kịch bản nữa, nhưng thực sự là họ đã làm tròn vai trong phân cảnh này.
… và vấn đề cố hữu
Quảng cáo. Yes. Rất nhiều người khi đọc đến đây sẽ đồng tình với tôi rằng “bro ai chèn Táo quân vào quảng cáo thế.” Dẫu biết rằng Gặp nhau cuối năm là dự án “ăn nên làm ra” của nhà đài vào dịp Tết, nhưng việc lồng quảng cáo quá thô với tần suất dày đặc khiến cho trải nghiệm Táo quân những năm gần đây đối với tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Ngay từ đoạn anh Hoàng bước xuống hạ giới, gặp một người say, mà anh đã quảng cáo cho Chinsu, và sau đó 5 phút thì anh quảng cáo luôn việc đặt taxi của VNPay. Kì cục hơn nữa là trong phân cảnh gặp 2 bạn miền núi, bị ăn chặn, phải ăn mì tôm trộn cơm, anh Hoàng lại tặng họ mì Kokomi đại??? Vậy nên rất mong các mùa tới, Táo quân khắc phục được điểm này (mặc dù tôi biết là khó lắm, tiền về rồi biết sửa làm sao)
Một vấn đề khác nữa là edit. Năm nay dù không còn “Creatory”, lồng thật nhiều sound effect và cả tá tiếng cười bụp chéo, tuy nhiên việc cắt ghép để vừa vặn nội dung + quảng cáo trong trọn vẹn 2 tiếng khiến flow của chương trình bị ngắt mạch rất khó chịu, thậm chí là thô kệch. Như trong phân cảnh đầu, vừa múa xong, Thiên lôi còn đang vào nói chuyện với Táo Văn thể, thì đùng đâu ra 2 con cá chép ở phía sau, và còn nhiều cảnh cắt như thế. Đỉnh điểm là họ cắt luôn đoạn chào kết của cô Thảo Vân để… chèn quảng cáo. Đối với tôi, sau phần Ngọc Hoàng tổng kết, thì phần cô Vân cùng các Táo nói lời chào và chúc mừng năm mới khán giả là phần kết hoàn hảo, cũng như để vai trò của cô trở nên nổi bật hơn khi thời lượng xuất hiện của cô vốn đã rất ngắn rồi. Nhưng không, năm nay nhà đài “đá” phần này của cô đi luôn. Thực sự là chịu quả xử lí này của bên edit đấy. Nên là, lại một lần nữa, rất mong Táo quân mùa sau rút kinh nghiệm và xử lí tốt hơn khoản edit này.
“Gặp nhau cuối năm”
Suy cho cùng, chúng ta cứ nói “Táo quân năm nay thế này”, “Táo quân năm nay thế kia” mà không để ý rằng, tên chương trình là “Gặp nhau cuối năm”, và cụm từ “Táo quân” vốn là kết quả của sự thành công vượt mức kì vọng khi chương trình chọn format Táo quân chầu trời (Gặp nhau cuối năm mùa 2003 – mùa đầu tiên, Táo quân chỉ là một tiểu phẩm, chiếm một nửa thời lượng chương trình, nhưng do được khán giả yêu mến quá nên từ 2004 trở thành format chính của chương trình luôn). Vậy nên, cũng đã đến lúc khán giả nên dần được thích nghi với những gì đó mới, cụ thể là diễn viên, kịch bản và format mới. Trước đây, năm 2020, Gặp nhau cuối năm đã đổi format từ buổi chầu Táo quân sang làng quê và bị ném đá tơi tả do thay đổi quá đột ngột khiến cho khán giả bị choáng. Năm nay, vẫn giữ cốt Táo quân, nhưng Gặp nhau cuối năm đã tập trung nhiều hơn vào bối cảnh hạ giới, đời thường và gần gũi với người phàm hơn, cũng như không khiến khán giả cảm thấy rằng mình đã mất đi một món ăn, một nét văn hóa mới ngày Tết, mà thay vào đó là mình đang thưởng thức nó theo một cách khác tươi mới hơn. Vậy nên, dù còn nhiều hạn chế, nhưng Gặp nhau cuối năm 2024 đã làm tròn vai nhiệm vụ vừa giữ lại nét văn hóa “hóng Táo quân”, vừa nhen nhóm trong đó những tia lửa của sự “đổi mới”, “educate” khán giả về một format mới, một dàn diễn viên mới, để duy trì được sức hấp dẫn của series qua từng mùa, từng giai đoạn, từng thế hệ diễn viên và khán giả.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về Gặp nhau cuối năm mùa 2024? Hãy comment phía dưới cho mình biết nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất