Giá như ba mẹ mình giàu hơn.. Giá như hồi bé mình được đi du lịch nhiều chỗ… Giá như mình sinh ra ở thành phố… Giá như bố mình là một doanh nhân… Giá như mình cũng có một cái điện thoại xịn… Và còn một tỷ thứ Giá như…
Mình rất thích khái niệm về kinh tế học, đó là môn học nghiên cứu về việc cách mà một cá nhân hay doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên sự khan hiếm. Vì mọi thứ là hữu hạn, bạn phải dựa vào nguồn lực hữu hạn đó,đánh giá nó và đưa ra quyết định. Từ những việc rất nhỏ, như mở tủ đồ ra và xem hôm nay sẽ mặc gì cho đến việc cân đo đong đếm để mua một ngôi nhà. Chúng đều dựa trên nguyên lý ấy. Tất nhiên, nếu bạn có đủ điều kiện, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn hoặc trông có vẻ sẽ dễ dàng hơn. Mình dùng rừ “trông có vẻ” vì đôi khi nếu ta không có một tư duy đúng đắn, có nhiều hơn sẽ dẫn ta đến việc sa đọa, mà người ta vẫn hay nói là vượt “sướng” khó hơn vượt khổ. Nhưng nếu bạn không có quá nhiều điều kiện, không sao cả, hãy ngồi lại xem xét những thứ bạn có về thời gian, tiền bạc và công sức, từ đó đưa ra những lựa chọn PHÙ HỢP với bản thân. Cái khó là ở đấy,nhưng đồng thời cái hay cũng là ở đấy, vì thông thường chúng ta hay nhìn người này người kia rồi so sánh, nhưng quên rằng, nguồn lực của mình khác họ.
Có thể so sánh là một thứ gì đó rất bản năng của mỗi con người, có người bảo là do môi trường giáo dục đã đào tạo chúng ta như thế, có người bảo là do ba mẹ hay so sánh con cái với nhau,… Chúng ta so sánh mọi lúc mọi nơi, nào là so với đồng nghiệp, so với bạn học, so với hàng xóm, hay ngớ ngẩn hơn là với một ai đó…trên mạng! Bài toán về sự so sánh đó thật sự không có điểm dừng, giống như một câu nói rất hay: Dù bạn là có là người giàu thứ 10 trên thế giới, vẫn có 9 người ở trên bạn, và dù bạn có ở vị trí giàu có số 1 thế giới, rồi cũng sẽ đến ngày có người vượt qua bạn. Nói như vậy không phải là bảo bạn ngừng cố gắng và hài lòng với vị trí của bạn hiện tại. Mà điều mình muốn gửi gắm ở đây là đôi khi chúng ta thực sự quên rằng chúng ta đang có những cái gì. Đặc biệt là với những người hay bị lạc lối, họ sẽ càng dễ bị trôi nổi và ở bất cứ đâu, họ luôn có cách khiến bản thân họ thất vọng vì họ luôn so sánh.
Bạn nghĩ rằng Giá như… thì bạn sẽ trở thành một cái gì đó tốt hơn hay những thứ đại loại như vậy. Nhưng bạn quên rằng, đó chỉ là những giả định bạn tự đặt ra cho bản thân, và bạn có chắc rằng, kể cả bạn đạt được sự “Giá như” đó, bạn sẽ không mắc phải vấn đề nào khác? Vì chỉ khi ở trong hoàn cảnh đó, bạn mới thực sự cảm nhận được nó như thế nào. Đã có một lần, mình tự nói với bản thân rằng, khi có nhiều tiền hơn mình sẽ tối ưu việc tập thể thao và dinh dưỡng. Thế nhưng, khi mình có thêm chút thu nhập, mình lại dùng tiền vào những thứ vớ vẩn và trở nên lười nhác. Phải mất một thời gian ngắn mới có thể quay lại thói quen tập thể thao như cũ. Sẽ không khó để bạn tìm được nhiều tấm gương những nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, gymer,.. trên Google, khi họ không có một tư duy đúng đắn về tài chính, thì khi họ có nhiều tiền hơn, họ đã sa đọa.
Mình nghĩ rằng, chính việc thiếu thốn đôi khi lại là hay, nó giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn, nỗ lực và bền bỉ hơn. Và hơn hết, đừng nghĩ rằng mình nên có cái này cái nọ mới có thể trở nên tốt hơn, mà hãy nhìn vào những gì bạn có hiện tại, bạn sẽ thấy rằng bạn còn hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Có thể bố mẹ mình không giàu, nhưng họ đủ giàu để cho mình ăn học và dạy mình những bài học cuộc sống ý nghĩa, mình biết, có người còn không có bố có mẹ.Có thể mình không được đi du lịch từ bé, nhưng nó lại khiến mình trở nên tò mò hơn bao giờ hết, và mình đặt mục tiêu cho bản thân để đi nhiều hơn để học hỏi nhiều hơn.Có thể mình không sinh ra ở thành phố, nhưng mình học được cách xoay sở khi bản thân ở trong tình huống khó khăn nhất.Có thể bố mình không phải là doanh nhân, nhưng ông ấy là một quân nhân, và thứ mình học được từ ông ấy là sự kỷ luật và bền bỉ,mà đó lại là thứ mà nhiều người khác không có được.Và còn tỷ thứ Có thể…nhưng…
Hãy thử thay đổi góc nhìn một chút, bạn sẽ thấy dễ thở hơn rất nhiều.
Vấn đề không nằm ở việc “Giá như”, mà nó nằm ở chính bản thân chúng ta. Vì nếu ta không có tư duy đúng đắn, thì có cho ta một tỷ thứ “Giá như”, ta vẫn sẽ chỉ đi phá hoại chúng mà thôi. Thứ chúng ta cần hướng đến, đó là sự bền bỉ, một con đường lâu dài. Nào, hãy để ý đi, tất cả những doanh nghiệp vĩ đại, họ đều bắt đầu từ sự khó khăn và thiếu thốn, họ không thể nào ngồi đó mà cứ “Giá như” được, không có doanh nghiệp nào mà “Giá như tôi có nhiều tài chính như Google, hay Giá như tôi có một trụ sở hoành tráng như Microsoft cả, họa chăng, nó chỉ là tầm nhìn và ước mơ, họ đặt mục tiêu để có nhiều tài chính, họ đặt mục tiêu để có một trụ sở mà mọi người phải ngước nhìn. Đối với cá nhân cũng vậy. Mình ít tiền thì chơi theo kiểu ít tiền, mình sức khỏe yếu thì mình chạy ngắn lại, mình thấp quá không chơi được bóng rổ thì mình đi xem người ta chơi bóng, … Với nguồn lực hữu hạn mà bạn còn làm nên chuyện và xoay sở tốt với nó, thì chắc chắn, khi cơ hội đến, bạn sẽ rất trân trọng nó và tận dụng nó một cách triệt để, mình tin là như vậy.