Search Inside Yourself (SIY) là tên của một cuốn sách, cũng là tên của một khóa học về nâng cao trí tuệ cảm xúc dành cho nhân viên Google, với kẻ chủ mưu là Chade Meng Tan (Meng), một kĩ sư kì cựu tại đây.

Meng gia nhập Google từ năm 2000 và được gọi là anh chàng kĩ sư zui tánh. Ước mơ cháy bỏng của anh là xây dựng các điều kiện cho nền hòa bình thế giới, nghe oách chưa. Meng có tham vọng biến thiền trở thành một ngành khoa học và đưa thiền vào cuộc sống. Anh đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và học tập từ những người có tên tuổi, và đã sử dụng nhiều dẫn chứng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm cùng với các bài học từ thiền của đạo Phật trong SIY. Nổi bật có thể kể đến như: Đạt lai Lạt ma, Mathieu Ricard, Daniel Goleman, Thích Nhất Hạnh (<3), Norman Fischer, Malcolm Gladwell...
Trong đó, Mathieu Ricard được coi là người hạnh phúc nhất thế giới. Nhà sư Tây Tạng này từng là tiến sĩ di truyền học phân tử tại Học viện Pasteur. Ở đây người ta ước lượng mức độ hạnh phúc thông qua hoạt động tương đối giữa một phần thuộc vỏ não trước trán bên trái với bên phải, bên trái càng mạnh so với bên phải thì càng tích cực và ngược lại. Não của ông đã được quét và cho ra kết quả nằm ngoài biểu đồ. Và Mathieu là người hạnh phúc nhất từng được đo lường cho tới thời điểm SIY được viết ra.
Kinh nghiệm từ các nghiên cứu và tu tập của những con người này đã truyền cảm hứng để Meng phát triển một khóa học, với mục tiêu tối hậu là giúp người tham gia đạt được bình an, hạnh phúc, đóng góp cho hòa bình thế giới, thông qua thiền. SIY có nền tảng khoa học vững chắc, thực tiễn, được diễn giải bằng ngôn ngữ tự nhiên và dễ hiểu. Khóa học này được áp dụng tại Google từ năm 2007, thực hiện trong vòng 20 tiếng trải dài qua 7 tuần. Những lợi ích mà học viên có thể đạt được đó là trau dồi trí thông minh cảm xúc, tối ưu hóa bản thân bằng cách tự phát triển kiến thức và tự làm chủ bản thân, tạo ra thói quen hữu ích cho tâm trí, từ đó nâng cao năng suất làm việc, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo Meng, thiền không có gì bí ẩn, thực ra nó chỉ là rèn luyện tinh thần. Là một kĩ sư và thiền sinh nhiều năm nên anh trình bày những hiểu biết và đúc kết của bản thân về thiền ở một góc nhìn đơn giản mà sâu sát với bản chất của thiền và khoa học hiện đại về tâm lý, hành vi, khoa học thần kinh... Trong SIY, độc giả sẽ được hướng dẫn về rất nhiều hình thức thiền cùng với những bức vẽ minh họa hài hước và không thể gần gũi hơn. Từ thiền chánh niệm, thiền đi, thiền nghe, thiền nói chuyện, thiền tổng hợp, tới cách quét cơ thể, ghi chép cảm xúc, khám phá giá trị và mục đích tương lai, thiền phục hồi, thiền yêu thương. Ở đây anh còn chia một số loại thiền ra hai hình thức chính thống và không chính thống, trong đó chính thống là tạo ra một môi trường chuyên biệt để cùng nhau thực hành, còn không chính thống là tự mình thực hành vào bất kì hoàn cảnh nào trong đời thực.

Giọng viết luôn tràn đầy sự dí dỏm và thành tâm mong muốn lan tỏa thiền tới tất cả mọi người.
Dưới đây là trích dẫn bài tập Yêu Thương và Cũng Như Mình Mà Thôi

Chuẩn bị

Ngồi trong tư thế thoải mái cho phép bạn vừa cảnh giác vừa thư giãn trong cùng một lúc. Bắt đầu với việc để tâm trí nghỉ ngơi trên hơi thở trong hai phút.
Nghĩ về một người mà bạn quan tâm. Hình dung ra người đó. Nếu muốn, bạn có thể sử dụng một tấm hình hoặc một đoạn phim về người đó.

Cũng như mình mà thôi

Giờ hãy đọc thật chậm rãi hướng dẫn dưới đây cho chính mình nghe, cứ hết một câu lại ngưng lại để suy ngẫm:
Người này có một cơ thể và một tâm trí, cũng như mình mà thôi.
Người này có các cảm giác, cảm xúc, và suy nghĩ, cũng như mình mà thôi.
Người này, vào một lúc nào đó trong cuộc đời, đã từng buồn bã, thất vọng, giận dữ, đau đớn, hay hoang mang, cũng như mình mà thôi.
Người này, trong cuộc đời, đã từng trải qua những nỗi đau về thể xác và  tinh thần, cũng như mình mà thôi.
Người này muốn thoát khỏi đau đớn và khốn khổ, cũng như mình mà thôi.
Người này muốn khỏe mạnh và được yêu thương, muốn có những mối quan hệ trọn vẹn, cũng như mình mà thôi.

Yêu thương

Giờ chúng ta hãy để một số lời chúc khởi lên.
Tôi chúc người này có sức mạnh, có nguồn lực, có sự hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng như mặt xã hội để vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
Tôi chúc người này được thoát khỏi khổ đau.
Tôi chúc người này hạnh phúc.
Vì người này là một con người, cũng như mình mà thôi.
(Ngưng lại)
Giờ tôi chúc tất cả mọi người hạnh phúc.
(Ngưng dài)

Kết thúc

Kết thúc bằng việc để tâm trí nghỉ ngơi trong một phút.
Thiền để làm gì? Thiền để hạnh phúc. Và quyển sách này được trao đi như một trong những món quà của Google đối với thế giới, theo lời Meng. Được xây dựng bởi lý trí luôn yêu cầu mọi thứ rõ ràng, xác đáng của một kỹ sư, cộng với tình cảm của một người mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp tới cộng đồng, thông qua một kĩ thuật mà ai cũng có thể tiếp cận, SIY sẽ là một cánh cửa mở ra một tầm nhìn mới cho những ai khát khao cảm nhận trọn vẹn cuộc đời và nhân sinh. Xét đến cùng, nhờ đó mà người ta có thể yêu mình yêu người, và chung sống trong hòa bình.

Với mình, động cơ của Meng với SIY là một điều cốt yếu giúp nó được yêu mến, và động cơ đó được gửi gắm ở mọi chương sách. Chính tiêu đề "hãy tìm kiếm bên trong bạn" cũng đã có tác dụng gợi ý về một điều mình cần ghi nhớ, dù có ở trạng thái nào. Mong sao ai cũng có thể khai mở điều gì đó, từ chính ngay bên trong mình. Bởi biết đâu trong một khoảnh khắc, một người cho rằng anh ta đã hiểu hết về thế giới bên ngoài lại cảm giác lạc lõng tột cùng khi anh nhận ra mình chẳng hiểu gì về bản thân. Và thiền sẽ trở thành một cứu cánh cho những tâm hồn "ưa khủng hoảng và hay lạc lối" giữa thời đại thế giới phẳng mà không phẳng này. Nhiều doanh nghiệp nên cân nhắc xây thêm phòng thiền bên cạnh phòng gym cho nhân viên của mình.

Hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí. Hạnh phúc bên trong có tính chất lây lan. Hãy cứu thế giới khi bạn rảnh. (Meng - người chuyển ngữ cho những người khôn ngoan)