Trong buổi trao giải Oscar vừa rồi, phim Flow đã chiến thắng hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất. Phim cũng đã được nhiều người đánh giá và phân tích. Đa số đều có nhắc đến một ý đó là bộ phim đã lấy cảm hứng về trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh, tuy nhiên vẫn chưa khai thác sâu hơn về các khía cạnh có liên quan đến Thiên Chúa Giáo. Nên hôm nay, mình sẽ phân tích thêm vài ý khác mà sau khi xem xong mình cảm nhận được.
Về phần phân tích, mình sẽ xoay quanh chủ yếu về Ba Ngôi Thiên Chúa bao gồm: Chúa Cha, Chúa Con (Jesus), Chúa Thánh Thần. Thêm vào đó là ba hình ảnh trong phim mình muốn nhấn mạnh đến là Chim Trắng, Cá Voi và Nước.
1. Chim Trắng: Chim Trắng Đầu Đàn (CTDD) và Chim Trắng Con (CTC)
img_0
A. CTDD tượng trưng cho Chúa Cha:
- CTDD là người đứng đầu, có sức mạnh, quyền uy, có thể bay lên đến nên an toàn, vượt qua được sự hiểm nguy đang bao trùm cả thế giới (nước dâng lên hủy diệt mọi thứ).
=> CTDD toàn năng như Chúa Cha.
- Khi CTDD nhận ra sự phản kháng, bất tuân lệnh muốn giải cứu mèo đen, đã làm bị thương CTC. Mình suy đoán, có thể khi nhìn thấy điều đó, có lẽ CTDD đã nhận ra được một sứ mệnh cao cả khác mà CTC cần phải thực hiện. Bởi vì nếu thật sự muốn tiêu diệt và loại CTC ra khỏi đàn, CTDD có thể làm gãy cả hai cánh của CTC, cũng như với sức mạnh vượt trội có thể hoàn toàn giết CTC chứ không chỉ làm bị thương một cánh của CTC thôi.
=> Có thể xem đây là một thử thách mà CTDD (Chúa Cha) đang đưa ra để thử thách và tôi luyện CTC (Chúa Jesus). Tương tự như Chúa Cha để Chúa Con bị đóng đinh, chịu khổ để có thể tới một trạng thái cao hơn.
B. CTC tượng trưng cho Chúa Jesus:
- Đôi cánh tượng trưng cho tự do, sức mạnh. Nhưng khi đôi cánh ấy tạm mất đi, CTC đã mất đi sự tự do vốn có, không thể cùng đi cùng con đường với đồng loại của mình, buộc phải tham gia cùng những con vật khác để bắt đầu một hành trình hoàn toàn mới.
- Cái đôi cánh mang lại cho CTC là sự tự do thể xác, nhưng khi mất đôi cánh, CTC mới có thể đạt tới cảnh giới tự do linh hồn (phân đoạn CTC bay lên và tan biến cùng với ánh sáng).
- CTC cũng đã gián tiếp giúp các con vật khác học thêm những bài học cần thiết trong cuộc hành trình đó.
=> Sau khi CTC tan biến thì nước tự nhiên rút xuống. Ý này rất giống với việc Chúa Jesus hy sinh thân mình và cứu nhân loại. Khi này Chúa Jesus trong vai CTC đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
2. Cá Voi
img_1
- Đối với mình, cá voi trong phim là một nhân vật đặc biệt, cần được xem xét ở hai thời điểm khác nhau trong phim. Cá voi trước khi chết và cá voi sau khi tái sinh.
A. Cá voi trước khi chết tượng trưng cho Chúa Cha:
- Bản thân cá voi là loài vật to lớn nhất đại dương, rộng lớn và huyền bí.
- Đầu phim, cá voi rất ít xuất hiện, chỉ khi mèo đen gần sắp chết, cá voi mới xuất hiện để cứu lấy mèo đen.
=> Cá voi khi này là hình tượng cho Chúa Cha nhưng với ý nghĩa bảo vệ, che chở. Trái ngược với hình tượng CTDD (Chúa Cha) thử thách và tôi luyện.
=> Vậy Chúa Cha vừa là CTDD và Cá voi, vừa thử thách, tôi luyện nhân loại, nhưng cũng đồng thời âm thầm giúp đỡ, bảo vệ nhân loại khi thật sự cần thiết. Rất giống với hình ảnh Chúa Cha toàn năng, có mặt ở mọi sự vật sự việc và mọi thời điểm.
B. Cá voi sau khi tái sinh tượng trưng cho Chúa Jesus:
- Cá voi khi nước rút đi, đã chết.
- Trong Kinh Thánh, khi Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập giá, Ngài đã thốt lên:
“Lạy Cha, sao Cha lìa bỏ con?” (Mác 15:34).
=> Có thể xem hình ảnh Cá voi đã chết như là khoảnh khắc im lặng của Chúa Cha đang thử thách nhân loại trong giờ khắc thử thách, khó khăn. Cá voi trong hình tượng Chúa Cha đã hoàn thành sứ mệnh của mình và cũng chuyển hóa (chết đi).
- Vào cuối phim, khi nước bắt đầu dâng lên lại, cá voi sống trở lại (tái sinh) với một vai trò mới đó là Chúa Jesus.
=> Hình tượng cá voi chết đi rồi sống lại rất giống hình ảnh của Chúa Jesus bị đóng đinh chết đi rồi tái sinh sau đó.
- Tổng kết: Ban đầu cá voi mang hình tượng Chúa Cha, sau đó cá voi chết cũng như vai trò của Chúa Cha ở cá voi đã kết thúc. Chúa Jesus trong hình tượng CTC khi hoàn thành sứ mệnh của mình và tan biến vào không gian, đã tiếp tục vai trò mới của mình lúc này là cá voi.
=> Việc cá voi vừa mang hình ảnh Chúa Cha vừa là Chúa Jesus cũng rất giống với những ghi chép trong Kinh Thánh đó là Chúa Cha và Chúa Jesus là hai thực thể tuy hai mà một tuy một mà hai, không thể tách rời.
3. Nước
img_2
- Nước trong phim đóng vai trò vừa là sự hủy diệt (đại hồng thủy nhấn chìm mọi vật) vừa là sự sống (nước cung cấp thức ăn, nước giúp cá voi sống lại).
=> Nước vừa mang đến thử thách và khó khăn (như Chúa Cha) vừa là sự sống và thanh tẩy (như Chúa Jesus)
4. Chúa Thánh thần
- Trong Kinh Thánh, Chúa Thánh thần được nhắc đến qua các hình tượng như chim bồ câu, lửa, gió, nước,..
- Ngoài ra Chúa Thánh Thần thường tượng trưng cho sự sống, sự hướng dẫn, sức mạnh thiêng liêng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian.
=> Từ đó có thể suy luận, cả ba hình ảnh Chim trắng, Cá voi và Nước có thể được xem là một hình ảnh ẩn dụ cho Chúa Thánh Thần.
5. Mối quan hệ âm dương (bonus)
img_3
- Chim trắng mang năng lượng dương (+), hướng lên.
- Cá voi sống dưới nước mang năng lượng âm (-), hướng xuống.
- Chim trắng là dương (+), nhưng cuối cùng chuyển hóa thành hư không hoặc là chết đi, trở về lại âm (-).
- Cá voi là âm (-), tuy đã chết nhưng cuối phim lại tái sinh, chuyển hóa từ âm sang dương (+).
- Nước tuy gốc là âm (-), nhưng bản thân nước mang đến sự sống cho vạn vật nên cũng có thể xem là có tính dương (+).
=> Như vậy cả ba hình ảnh chim trắng, cá voi và nước đều có sự cân bằng âm dương trong đó.
Và đó là tất cả những nhận định, phân tích của mình về phim Flow. Đây là bài viết đầu tiên của mình trên spiderum, nên chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Bài viết của mình mang nặng tính chủ quan nên có thể sẽ không đúng hoặc chưa phù hợp với một số bạn đọc. Rất mong mọi người đọc bài viết mình với tâm thế thoải mái. Mình rất sẵn lòng đón nhận góp ý, chia sẻ từ mọi người. Cảm ơn.