Má Thị Di - nhân vật chính trong Những đứa trẻ trong Sương
Má Thị Di - nhân vật chính trong Những đứa trẻ trong Sương
Lần đầu tiên mình biết đến Những đứa trẻ trong Sương là thời điểm Oscar 2023 đang diễn ra, và bộ phim của đạo diễn trẻ người Việt này được đưa tin khá rầm rộ vì trở thành 1 trong 15 phim tài liệu hay nhất. Ngay từ lúc mới nghe tiêu đề, mình đã cảm thấy ấn tượng với hình ảnh thơ mộng nhưng chất chứa đầy thông điệp đằng sau cái tên ấy–một cái tên khiến mình liên tưởng ngay đến cuộc đời của những người dân thuộc về cao nguyên, của những đứa trẻ thuộc về núi rừng hoang dã. Cuộc sống nơi nền văn minh hiện đại vẫn chưa chạm được tới quá sâu này là một chủ đề trước nay mình vô cùng quan tâm, đặc biệt là giữa thời điểm vô vàn giá trị văn hoá và tư tưởng mới về nhân quyền đang xâm nhập Việt Nam. Có lẽ đó chính là lý do thôi thúc mình đi xem bộ phim này ngoài rạp, để trực tiếp tự trải nghiệm thông điệp đạo diễn muốn gửi ra thế giới, và những góc tối cần được soi sáng trong xã hội hiện nay. 
Từng thước phim mở ra không chỉ đưa mình đến với miền núi Sapa trùng trùng điệp điệp phảng phất mùi nương ngô, mà còn đến với những con người chân thành, chất phác vẫn đang sống với nhiều truyền thống đã cũ. Xuyên suốt bộ phim, xung quanh mình luôn là một màu mây u ám bao phủ lấy gió trời Tây Bắc, u ám từ hình ảnh người con gái trẻ tên Di–nhân vật chính của câu chuyện–lặng lẽ đi về phía núi đồi bao la vang vọng, u ám từ những dãy nhà cao nguyên không một ngọn đèn leo lét, u ám cả từ màu xanh lạnh ngắt trên những cánh đồng.
Sương mù trải dài trên núi đồi, bao trùm đến hết bộ phim.
Sương mù trải dài trên núi đồi, bao trùm đến hết bộ phim.
Bộ phim phác họa tỉ mỉ cuộc đời những con người bất hạnh bị buộc chặt với nhau bởi hủ tục xưa cũ, thế hệ này qua thế hệ khác. Những Đứa Trẻ trong Sương xoay quanh Di, một thiếu nữ 15 tuổi đang ở giữa những văn hóa truyền thống và hiện đại. Di bộc trực, bay bổng với nụ cười vô lo vô nghĩ luôn nở trên môi. Em còn là cô bé hồn nhiên với những suy nghĩ hồn nhiên như kiếm thật nhiều tiền, có thật nhiều người yêu–những ước mơ ngây ngô đến buồn cười giống chính mình thời còn niên thiếu. Từ những cảnh quay đầu tiên, mình được chứng kiến một sự văn minh đã cập bến bản làng sâu xa này–những chiếc điện thoại thông minh, những cây gậy selfie và mạng xã hội. Cô bé thường xuyên nhắn tin với bạn trai, làm quen với người lạ trên mạng, khúc khích với những tò mò, khám phá về tình cảm tuổi mới lớn. Tất cả như mang đến sự hiện diện đầy hy vọng của một xã hội mới cho con người nơi đây, một xã hội vượt khỏi những giá trị cũ kĩ, lạc hậu. Thế nhưng, Di vẫn cùng các bạn diễn trò tái hiện cảnh cướp vợ, nô đùa về một hình ảnh đám cưới đầy ép buộc đã được khắc sâu trong tâm trí người Mông muôn đời nay. 
Mỗi thước phim theo chân Di không chỉ vén màn về hiện thực kỳ lạ vẫn còn lưu truyền ở vùng núi Sapa, mà còn đưa khán giả vượt qua rào cản ngôn ngữ, phong tục để đến với nội tâm của tất cả nhân vật. Đây là điều mà đạo diễn Hà Lệ Diễm đã dành trọn hành trình 3 năm sinh sống nơi đây để có hơn 120 tiếng quay phim với khởi đầu chỉ là một chiếc máy quay đi mượn và kinh phí vỏn vẹn 7 triệu đồng. Khâu hậu kỳ cũng vô cùng vất vả khi ê kíp làm phim phải nỗ lực hàng tháng trời để phiên dịch tiếng Mông sang tiếng Kinh, nhằm truyền tải trọn vẹn những lời nói giữa các nhân vật. Đây là cầu nối vô cùng cần thiết, giúp mình trực tiếp được bước chân vào gia đình Di, cũng như đến bên những người phụ nữ Mông khác, và đồng hành cùng họ qua nhiều cung bậc cảm xúc về cuộc sống nơi đây. Họ là những người phụ nữ cả đời lam lũ bên củi than, đồng ruộng, bên sự ngược đãi của những người cha, người chồng. Chính trong gia đình Di, bản thân mẹ và chị gái của em cũng là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội thiếu văn minh, của một truyền thống từng là nét đẹp, nay đã trở nên đáng sợ. 
Di và Vàng (người yêu Di) đi chơi hội Tết
Di và Vàng (người yêu Di) đi chơi hội Tết
Phân đoạn đỉnh điểm trong phim được đặt bối cảnh khá khác biệt. Nó xảy ra khi Di đi chơi hội với Vàng - bạn trai của em, rồi bị “kéo" đi. Như một bộ phim giật gân, chúng ta không được tận mắt chứng kiến sự kiện, mà chỉ được biết khi mẹ Di gọi điện giục em về nhà. Trước cảnh này, hầu hết những tương tác giữa mẹ con Di đều là những khung cảnh rất đỗi đời thường ở khắp nơi, kể cả ở trong gia đình của chính mình. Đó là những lời qua tiếng lại về chuyện dọn dẹp, chuyện việc nhà, về cây chổi, góc bếp, hay thậm chí là về chuyện yêu đương. Đến khi biết con gái mình bị “bắt" đi, tình thương sâu sắc của bà dành cho Di đã phải tạm thời nhường chỗ cho cơn tức giận. Những cảm xúc giận rồi thương, thương rồi giận hiện rõ trên khuôn mặt người mẹ dân tộc ấy, nhưng cũng phảng phất gương mặt của chính gia đình mình. Có lẽ, dù là cuộc đời ở chốn vùng núi xa xôi, những con người thiểu số ấy cũng không hề khác thành phố văn minh của chúng ta đến thế. Và từ đây, hàng loạt xung đột xảy đến giữa các nhân vật với nhau, và bên trong cả chính nội tâm của họ.
Xung đột đầu tiên xoay quay khái niệm về sự đồng thuận - một khái niệm mờ ảo, dường như không hề tồn tại ở xứ sở sương mù này. Sau khi Di đi theo Vàng để rồi bị bắt ở lại làm vợ, chính mẹ Di cũng nói, “tự mang hai khúc xương lên xe về nhà người ta, chứ bố mẹ đâu có ép.” Và đúng như vậy, Di đã tự đi theo người mình yêu. Tuy nhiên, lý luận này của mẹ Di có rất nhiều điểm tương đồng với văn hoá victim blaming ở chính xã hội hiện đại. Liệu tình cảm của Di có phải là lý do chính đáng cho Vàng ép em đóng lại tương lai đang rộng mở, để về nhà sinh con, phục vụ gia đình, vĩnh viễn dập tắt mọi hoài bão? Hai cái cớ “tình yêu chân thành" và “truyền thống văn hoá" liệu có đủ mạnh để tước đoạt quyền tự chủ cuộc đời khỏi tay một người con gái?  
Và chính trong những thành phố lớn nhất, sự đánh tráo khái niệm này vẫn hiện hữu hàng ngày, khi ai cũng nghĩ hai người yêu nhau, hay đã kết hôn, thì hành động “cưỡng bức” không thể xảy ra. Chứng kiến Di bị kéo đi, chứng kiến khái niệm “đồng thuận" hoàn toàn bị gạt bỏ khỏi xã hội nơi này, lòng mình thực sự nóng như lửa đốt. Tất cả đang tái hiện lại khung cảnh đối với mình là đáng sợ nhất: phụ nữ trở thành nạn nhân của đám đông, của chính những người phụ nữ khác. Sự xung đột trong tư duy được diễn tả chân thực đến đau lòng, khiến mình thấy sợ hãi cho Di, cho mẹ Di, cho những em gái non nớt khác trong bản làng, và cho cả chính bản thân mình nữa. 
Một mâu thuẫn khá lớn nữa trong chuyển biến của bộ phim nằm ở tâm lý của Vàng sau khi bắt Di về làm vợ. Vàng yêu Di, muốn ở bên Di, đến mức lấy danh nghĩa truyền thống ngàn đời để “bắt" Di về nhà kể cả khi Di la hét oà khóc, nhưng em và gia đình vẫn không phải người tệ bạc. Sau khi chuyện xảy ra, nhà trường và cơ quan pháp luật nơi đây đã can thiệp đến hai gia đình, cụ thể là chia sẻ sâu sắc hơn với Vàng và Di. Có một phân cảnh đạo diễn ngồi xuống bên em, góc quay gần gũi, bình dị của chị Lệ Diễm  khiến mình cảm thấy giống như được trực tiếp đối thoại với Vàng. Em nói rằng em cảm thấy hối hận, rằng em đã mất tự chủ, và không hiểu sao lại làm thế. Vàng không phải người xấu, em chỉ là sản phẩm của môi trường xung quanh, sản phẩm của một truyền thống cũ kĩ nay đã trở thành hủ tục. Phải chăng đây chính là lý do khiến Những Đứa Trẻ Trong Sương thành công đến vậy?
Nữ đạo diễn đã khắc họa rõ rệt cùng lúc nhiều vấn nạn về nhân quyền, đặc biệt là của phụ nữ Việt Nam. Nhưng không hề có một chi tiết nào chỉ trích hay lên án cánh đàn ông nơi đây, bởi họ cũng chỉ là nạn nhân của những hạn chế trong giáo dục. Chị đã lựa chọn một góc nhìn gần gũi, trung thực, khách quan nhất có thể, rồi từ đó nhen nhóm hy vọng về tương lai. Khung cảnh quê hương của hủ tục tàn nhẫn ấy có những ngày sương giăng mịt mù, nhưng đôi khi cũng có những khoảng trời trong xanh, mây trắng bồng bềnh vờn núi. Những gian nhà sàn cũ kĩ dù tối tăm, bụi bặm, nhưng vẫn có ánh đèn trung thu rực rỡ bừng lên trong mắt trẻ thơ. Và trong chính làn sương mịt mù của đất trời Tây Bắc ấy, Di vẫn luôn nhen nhóm ngọn lửa hoài bão của chính mình. Em mong được đi học, được tự tay kiếm tiền, được đi đến những nơi cao hơn cả núi đồi trải dài quê hương, và được đưa cả mẹ đi cùng ra thế giới rộng lớn. Có lẽ vì chính những mảng màu sáng tối tương phản như thế nên bộ phim càng khiến mình lặng người. Không chỉ vì cố gắng hết mình của pháp luật khi nỗ lực phổ cập giá trị văn minh cho những bản làng lạc hậu, không chỉ vì cuộc sống thiếu thốn “cứ người Mông là nghèo” như lời mẹ Di nói, không chỉ vì những mảnh đời tăm tối vì hủ tục đeo bám… mà còn vì sự phức tạp bên trong của mỗi cá nhân, và vì ranh giới mỏng manh giữa “đi sau thời đại" và “xấu xa". 
Sau tất cả, bộ phim ám ảnh mình về những đứa trẻ lớn lên trong sương khói bếp lửa, sương khói núi đồi, sương khói ảo vọng về một tương lai, một cuộc đời không nằm trong lòng bàn tay của chính các em. Nhưng cùng lúc, Những đứa trẻ trong Sương vẫn để lại niềm tin, tia sáng le lói ấm áp trong lòng mình. Gần cuối phim, mẹ Di–dù mắc kẹt giữa tình thương dành cho con gái nhỏ và những ràng buộc của truyền thống–vẫn khuyên em đi tìm lấy ánh nắng cho riêng mình. Trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến giữa giá trị xưa cũ và văn hóa hiện đại, Di không đứng lên chống lại truyền thống mà tự tìm lối đi cho tương lai em hằng mơ ước. Bộ phim khép lại với đạo diễn Hà Lệ Diễm hé lộ cho khán giả vẻ đẹp cuộc sống rực rỡ qua những khung hình Sapa nguyên thủy, hùng vĩ, và trên tất cả là hy vọng về sự thay đổi tươi sáng hơn cho tương lai về nhân quyền. Đó là quyền được sống và mưu cầu một cuộc sống tự do, hạnh phúc tự do trong lòng một xã hội văn minh, tân tiến.