[F&B] Japanese vibe - không chỉ là xu hướng, triết lý sống Nhật Bản mới là thứ níu chân khách hàng!
Người trẻ Việt đa phần biết đến Nhật Bản với các triết lý sống nổi tiếng như Minimalism, Ikigai hay Wabi Sabi qua sách báo, truyền...
Người trẻ Việt đa phần biết đến Nhật Bản với các triết lý sống nổi tiếng như Minimalism, Ikigai hay Wabi Sabi qua sách báo, truyền thông. Thế nhưng nếu để ý một chút, từ cuộc sống hiện đại hằng ngày, chúng mình sẽ tìm ra rất nhiều những giá trị Nhật sâu xa, đẹp và thiết thực chỉ nhờ “đi ăn” và “đi uống”. Văn hóa giờ đây không phải là thứ gì đó “khan hiếm”, phải trải nghiệm ở một đất nước xa xôi. Toàn cầu hóa (globalization) cho người trẻ cơ hội tiếp cận một nền văn hóa đẹp như Nhật Bản, chỉ nhờ hưởng thụ dịch vụ F&B khi đi vòng quanh Hà Nội.
Triết lý sống của người Nhật Bản - kim chỉ nam cho những người trẻ muốn “tìm về thế giới nội tâm”
Nhật Bản nổi tiếng với vẻ đẹp của văn hóa và ngôn ngữ. Tiếng Nhật thậm chí còn được bình xét là một trong những ngôn ngữ khó cảm thụ nhất trên thế giới. Có lẽ, nhận xét này xuất hiện là bởi các giá trị sống, giá trị thẩm mỹ và văn hóa của đất nước này đều được khéo léo gửi gắm vào từng vần tiếng. Vài từ ngữ ngắn ngủi, vài âm tiết vang lên nhưng ẩn chứa sau đó là vô vàn bài học cuộc sống. Học ngôn ngữ, không chỉ là học công cụ giao tiếp, mà còn là học “quyển guideline” giúp định hướng cuộc sống của chính mình.
Người trẻ đọc “Phong cách sống - Minimalism” hay “Ikigai - Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật” để tìm đến một liều thuốc bình yên cho tâm hồn. Cái “tĩnh lặng” và “sâu sắc” luôn là những tính từ đầu tiên hiện lên khi nghĩ về con người và cuộc sống tại xứ sở Mặt trời mọc. Có lẽ bởi áp lực cuộc sống, Gen Z, Gen Y nhẹ nhàng chôn mình ở một mảnh đất tâm hồn bình yên như thế. Đêm về bật đèn vàng, đọc đôi ba dòng tâm sự, cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn!
Bên cạnh việc tận hưởng cái "tĩnh" qua sách, Gen Z lựa chọn đắm mình trong những quán cafe, nhà hàng mở ra mang phong cách rất Nhật. Trong từng hơi thở của văn hóa Nhật, Zen (thiền tịnh) thấm sâu vào tấm thảm văn hóa như trong trà đạo, thơ haiku, hội họa, kịch, nghệ thuật, thậm chí cả võ sĩ đạo, kiếm đạo… Cái nhẹ nhàng ấy có lẽ là liều "tiên dược" mà ai cũng muốn có. Người trẻ dễ dàng tìm đến nơi ấy để “quẳng gánh lo đi vui sống” trong một khoảnh khắc nhỏ bé. Xã hội xô bồ và áp lực cuộc sống khiến người ta muốn lánh đục khơi trong, “mình đưa nhau đi trốn” xem chừng đã trở thành slogan quen thuộc không chừa riêng ai.
Tìm ra những nhà hàng, quán cafe mang triết lý Nhật Bản rồi!
Muốn tìm một quán cafe với decor Nhật Bản thật không hề khó. Đi một vòng quanh Hà Nội, chốc chốc lại thấy đâu đó biển hiệu nghe thật “Nhật”. Người ta truyền thông về chúng đầy trên mạng xã hội với dòng caption:
“ĐI ĐÂU ĐỂ SỐNG ẢO BÂY GIỜ! Chắc hẳn trong thời gian nghỉ dịch, ở nhà nhiều cũng khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi và bí bách, có phải không? Hẹn gặp nhau ở XXX Coffee nhé!” - trích content của một quán cafe mang phong cách Nhật Bản.
Đến check in thì dễ, nhưng để nhận lại một triết lí sống, một câu chuyện sống để tắm mát cho tâm hồn héo cạn và mệt mỏi thì lại khó! Nối đuôi nhau đến và đi như bao quán cafe khác, có lẽ không phải là điều một người muốn tìm đến giá trị cốt lõi trong văn hóa Nhật mong. Đến với dịch vụ F&B mang phong vị Nhật, tôi mong nhận lại câu chuyện, nhận lời sẻ chia từ tâm.
Masu và câu chuyện về chiếc cốc uống rượu sake truyền thống
Dù là hướng nội hay ngoại, tôi tin chúng ta vẫn cần những khoảng lặng trong tâm hồn, để tìm thấy "bình yên trong mắt bão". Một ngày mùa thu đẹp trời, tôi tình cờ đi qua con đường Lý Thường Kiệt và nhìn thấy Masu. Masu nhỏ, không có biển hoành tráng, to lớn và xù xì như những "nhà hàng Nhật Bản khác". Nó làm tôi đột nhiên muốn gột rửa mọi muộn phiền trong lòng, để bước tới, để đồng cảm.
Masu mang trong mình một tâm hồn Nhật thuần khiết. Từng câu chuyện được được chia sẻ gắn liền với một thứ cảm xúc ta khó gọi tên nếu không dùng chính xác một từ tiếng Nhật. Lướt một lượt trang facebook của Masu, tôi tin chắc rằng, người đọc có thể biết thêm nhiều thông tin và những ngôn từ Nhật Bản đẹp hơn bất cứ nơi nào.
Tôi biết về Omakase! Xuất phát từ động từ “Makasu” - có nghĩa là “tin tưởng”. Bạn có thể hiểu nôm na là "Hãy cứ tin tưởng để đầu bếp quyết định cái gì là quan trọng nhất." Khi thưởng thức Omakase, bạn không cần phải chia sẻ về khẩu vị của mình, sở thích của mình ra sao và càng không được quyền gọi món. Có lẽ chỉ ở văn hóa Nhật Bản, thực khách mới được ngồi quanh sushi counter, hồi hộp đợi điều gì sẽ xuất hiện trên đĩa.
Tinh thần Zen cũng được thể hiện rõ qua từng chi tiết của Masu. Zen ở đây không chỉ đơn giản là ngồi thiền một cách lặng yên mà ẩn bên trong là một lối sống cân bằng, ung dung, làm những việc hàng ngày một cách tự nhiên, không gò bó. Cách bài chí mang chút gió "wabi sabi" mang chút "minimalism" vừa quen vừa lạ. Mái hiên kiểu Nhật truyền thống, chiếc xe đạp dưới góc sân nhỏ, câu chuyện về tháng 6 ở Nhật, Kuishinbo story #1: Thịt bò Miyazaki - Món ăn gây sốt lễ trao giải Oscar,...
Pizza 4P's và tinh thần “Omotenashi” - chào đón khách với tất cả tấm lòng
Tinh thần Omotenashi được thể hiện qua 3 yếu tố sau: Xuất phát từ sự tận tâm, hạnh phúc trong công việc, trách nhiệm trong công việc được giao.
Lần đầu đến 4P's, tôi khá ngại ngùng vì sự bài trí quá hoàn hảo của nó. Từ cánh cửa bước vào nhà hàng tại Bảo Khánh cũng được chuẩn chỉnh từng chi tiết. Tôi và bạn được mở cửa đón chào và dẫn lên tầng 2, chiếc bàn ngập nắng cạnh cửa sổ chúng tôi đã đặt trước khi đến.
4P's mang đến cho tôi sự nhẹ nhàng khó tả, bình yên, tôi có thể hít thở nhẹ nhàng, ngó lơ mọi sự xô bồ trên phố phường Hà Nội. Khách hàng đến 4P's như cũng tự ý thức được vẻ đẹp rất Zen tại đây, họ nói chuyện nhẹ nhàng, chậm dãi hơn.
Tôi từng tìm hiểu về mô hình phân cấp trong quản trị chất lượng dịch vụ, và yếu tố tôi quan tâm nhất là thiết kế của nhà hàng. 4P's luôn khiến cho không gian quán rất ấm áp, gần gũi bởi đây luôn là một không gian mở. Ở đó khách hàng có thể tận mắt chứng kiến quá trình làm ra chiếc bánh pizza, chúng tôi được quan sát với một sự quan tâm đến sự hiếu khách của đội ngũ nhân viên.
Món ăn nhất định đến 4P's tôi sẽ ăn là "Mỳ cua sốt kem" và "Pizza cá hồi". Nhiều người nói loại pizza trên hơi khó ăn, thật không giống pizza chút nào, nhưng tôi thích nó! Bạn có thể chọn half-half pizza (mỗi loại 1 nửa chiếc) để khám phá nhiều hơn hương vị ở đây!
Tóm lại là: Phục vụ từ tâm chứ đừng chỉ từ "vỏ"
Tôi từng đến nhiều quán cafe, cửa hàng đồ ăn mang một chiếc vỏ rất Nhật, nhưng không khí ở đó thì không mang đến cho tôi thứ tôi muốn! Nhật Bản tất nhiên không phải ở đâu cũng nhẹ nhàng. Thành thị ở đất nước nào cũng xô bồ và vội vã, nhưng chính vì thế, khách hàng mới mong tìm thấy thứ gì đó thật khác biệt! Hãy phục vụ từ tâm để tạo nên giá trị văn hóa và cả tinh thần.
Kí tên,
Ngọc Pi
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất