Buổi đêm ở Parma thật yên tĩnh. Người đàn ông ngồi đối diện tôi lo lắng, gần với hoang tưởng, sẽ có ai đó nghe lén cuộc trò chuyện. “Mọi người ở đây đều ghét tôi,” anh giải thích bằng giọng trầm lặng. Anh ngoái lại phía sau để kiểm tra, tuy vậy, người khác duy nhất trong quán ăn là một cô hầu bàn không có việc gì làm từ sau lúc phục vụ món osso buco bottoncini cho chúng tôi. Mùi thơm của tủy xương nướng khẽ bay lên. Bản cover “Valerie” của Amy Winehouse phát trên chiếc radio xa xôi.
“Tôi có thể nói xấu họ được không?” anh hỏi. Tôi trả lời có. Suy cho cùng, anh không được mời đến đây để vạch trần hành vi gian lận của tập đoàn xấu xa nào đó. Anh đến để nói cho tôi biết sự thật về pho mát parmesan.
Người đàn ông mà tôi đang ăn tối cùng là Alberto Grandi, học giả theo chủ nghĩa Mác, người nổi tiếng với một kênh podcast và là giám khảo tại Tiramisu World Cup năm nay ở Treviso. (“Tôi sẽ không bỏ lỡ cuộc thi, ngay cả khi tôi có hẹn ăn tối với Giáo hoàng đi nữa”) Grandi đã cống hiến sự nghiệp của mình để vạch trần những huyền thoại xung quanh ẩm thực Ý; đây là lần đầu tiên anh tiếp chuyện với báo chí nước ngoài. Khi Denominazione di Origine Inventata (Invented Designation of Origin),  cuốn sách ra mắt năm 2018 của anh, bắt đầu tăng doanh số bán hàng ở Ý, Daniele Soffiati, một người bạn, đã đề nghị anh cùng hợp tác sản xuất một podcast dạng spin-off.
Kể từ khi ra mắt năm 2021, chương trình (chỉ nói tiếng Ý) của họ, được gọi là DOI theo tên cuốn sách, đã có ba mùa và hơn một triệu lượt tải xuống. Điểm đặc biệt của Grandi là đưa ra những tuyên bố táo bạo về các món quốc hồn quốc túy: chẳng hạn, hầu hết người Ý chưa từng nghe nói đến pizza cho đến những năm 1950, hoặc carbonara là một công thức của Mỹ. Anh lập luận rằng nhiều món “kinh điển” của Ý, từ panettone đến tiramisu, đều là những phát minh tương đối gần đây. Một số tuyên bố của DOI có thể quen thuộc với những người trong ngành, nhưng hầu hết đều dựa trên những phát hiện của chính Grandi, một phần được phát triển từ các tài liệu học thuật hiện có. Kỹ năng của anh là chế biến các nghiên cứu học thuật trở nên dễ tiêu hóa. Và sứ mệnh của anh là phá vỡ những nền tảng mà trên đó người Ý chúng tôi đã xây dựng một nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng và cứng nhắc – trong đó cappuccini không được phép uống sau buổi trưa và tagliatelle phải có bề ngang dài chính xác 7mm.
Là một người Ý sống ở nước ngoài, khi nghe một chuyên gia ẩm thực trong nước nói rằng ẩm thực quốc gia của chúng tôi, với danh tiếng về truyền thống và tính nguyên bản, trên thực tế là dựa trên những lời dối trá, tôi có cảm giác như bị tiết lộ cho nghe một bí mật gia đình không thể nói ra mà tôi luôn nghi ngờ. Tôi luôn ghét sự cường điệu liên quan đến món Ý, cho dù đó là từ những người bạn nước ngoài quan tâm đến mức đáng lo ngại (như người New York rất thành thạo các công thức nấu mì ống Ý theo vùng miền) hay những người đồng hương kiểu mẫu đáng xấu hổ (một người bạn của tôi từ Napoli thậm chí từ chối đụng vào cà chua tươi ở Anh). Tôi cảm thấy thích thú, với chút bối rối, khi nghe tin các kệ siêu thị ở Ý bị vét sạch mọi thứ ngoại trừ mì hình ống trơn, thứ thường bị người Ý coi là kém chất lượng, trong giai đoạn mua hoảng loạn trong đợt đóng cửa vì Covid-19 đầu tiên.
“Tất cả đều là vấn đề về danh tính,” Grandi nói trong lúc ăn món osso buco bottoncini. Anh là một tín đồ của Eric Hobsbawm, nhà sử học theo chủ nghĩa Mác người Anh, người đã viết về cái mà ông gọi là sự phát minh ra truyền thống. Grandi nói: “Khi một cộng đồng nhận thấy mình bị mất đi ý thức về bản sắc do bất kỳ cú sốc lịch sử hoặc rạn nứt nào với quá khứ, họ sẽ bịa ra những truyền thống để đóng vai trò như những huyền thoại nền tảng”. Grandi cho biết, từ khoảng năm 1958 đến năm 1963, trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau nhiều năm nghèo đói thời chiến, Ý đã chứng kiến ​​sự tiến bộ tương tự như Anh đã chứng kiến ​​trong suốt một thế kỷ trong Cách mạng Công nghiệp.
“Trong một thời gian rất ngắn, những người Ý, vốn chỉ có bánh mì theo khẩu phần, bỗng có cuộc sống sung túc. Mức độ thịnh vượng này hoàn toàn không thể lường trước được và đối với họ vào thời điểm đó nó dường như sẽ kéo dài mãi mãi”. Đất nước cần một bản sắc để giúp họ quên đi những khó khăn trong quá khứ, trong khi những người di cư sang Mỹ cần những huyền thoại đề cao nguồn gốc khiêm nhường của họ.
Các thành phần của <i>cacio e pepe, gricia, carbonara</i> và <i>amatriciana</i>. Ý tưởng là việc thêm hoặc bớt dù chỉ một nguyên liệu thành phần được chỉ định sẽ biến món mì ống này thành một món mì ống khác © Joao Fazenda
Các thành phần của cacio e pepe, gricia, carbonaraamatriciana. Ý tưởng là việc thêm hoặc bớt dù chỉ một nguyên liệu thành phần được chỉ định sẽ biến món mì ống này thành một món mì ống khác © Joao Fazenda
Panettone là một trường hợp điển hình. Trước thế kỷ 20, panettone là một loại bánh mì dẹt mỏng, cứng, với một nhúm nho khô bên trong. Nó chỉ được người nghèo ăn và không có mối liên hệ nào với lễ Giáng sinh. Panettone như chúng ta biết ngày nay là một phát minh công nghiệp. Vào những năm 1920, Angelo Motta, từ thương hiệu thực phẩm Motta, đã giới thiệu một công thức bột nhào mới và bắt đầu “truyền thống” về món bánh panettone hình mái vòm. Sau đó vào những năm 1970, đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các siêu thị, các tiệm bánh bắt đầu tự làm bánh panettone hình mái vòm. Như Grandi viết trong cuốn sách của mình, “Sau một hành trình ngược kỳ lạ, panettone cuối cùng đã trở thành thứ mà trước đây nó chưa từng là: một sản phẩm thủ công”.
Tiramisu là một ví dụ khác. Nguồn gốc gần đây của nó được ngụy trang bằng nhiều lịch sử huyền ảo khác nhau. Nó xuất hiện lần đầu trong sách dạy nấu ăn vào những năm 1980. Thành phần chính của nó, mascarpone, hiếm khi được tìm thấy bên ngoài Milan trước những năm 1960, và bánh quy tẩm cà phê chia các lớp là Pavesini, một món ăn nhẹ ở siêu thị ra mắt vào năm 1948. “Ở một đất nước bình thường,” Grandi mỉm cười nói, “chẳng có ai quan tâm đến việc một loại bánh được phát minh ở đâu [và khi nào].”
Anh nói, parmesan đã xuất hiện từ rất xa xưa, cách đây khoảng một thiên niên kỷ. Nhưng trước những năm 1960, bánh phô mai parmesan chỉ nặng khoảng 10kg (trái ngược với tảng bánh xe nặng 40kg mà chúng ta thấy ngày nay) và được bọc trong một lớp vỏ đen dày. Kết cấu của nó béo và mềm hơn so với ngày nay. Grandi nói: “Một số người thậm chí còn nói rằng loại phô mai Parmesan chất lượng thì khi bị ép sẽ phải có thể nhỏ ra một giọt sữa. Ở thời hiện đại, món cặp đôi tương tự với nó là phô mai parmesan của Wisconsin.” Anh cho rằng những người Ý nhập cư tới Mỹ vào đầu thế kỷ 20, có lẽ đến từ vùng Po’ phía bắc Parma, đã bắt đầu sản xuất phô mai ở Wisconsin và không giống như những người làm pho mát ở quê nhà Parma, công thức của họ chưa từng thay đổi. Vì vậy, trong khi Parmigiano ở Ý qua nhiều năm đã trở thành một loại pho mát cứng, có lớp vỏ đẹp, được tạo hình bánh xe khổng lồ, thì parmesan của Wisconsin vẫn giữ nguyên gốc.
Trong các câu chuyện ẩm thực Ý hiện đại, nhiều con đường dẫn đến nước Mỹ. Cuộc di cư ồ ạt từ Ý sang Mỹ đã tạo ra những nền văn hóa ẩm thực đan xen sâu sắc đến mức việc cố gắng phân biệt cái này với cái kia là không thể. “Ẩm thực Ý thực sự mang đậm chất Mỹ hơn là chất Ý,” Grandi thẳng thắn nói.
Pizza là một ví dụ điển hình. “Những đĩa bột phủ đầy nguyên liệu,” như cách gọi của Grandi, đã phổ biến khắp Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ: piada, pida, pita, pitta, pizza. Tuy thế, năm 1943, khi những người lính Mỹ gốc Ý được cử đến Sicily, họ viết thư về nhà với vẻ không tin nổi: ở đây không có tiệm bánh pizza nào cả. Trước chiến tranh, Grandi nói, pizza chỉ được tìm thấy ở một số thành phố miền nam nước Ý, nơi nó được chế biến và ăn trên đường phố bởi những người dân tầng lớp thấp. Nghiên cứu của ông cho thấy nhà hàng chính thức phục vụ riêng pizza đầu tiên xuất hiện không phải ở Ý mà ở New York vào năm 1911. “Đối với cha tôi vào những năm 1970, pizza cũng kỳ lạ như sushi đối với chúng ta ngày nay,” anh nói thêm.
Sau cuộc gặp với Grandi, tôi đến thăm bà ngoại 88 tuổi của mình, Fiorella Tazzini, tại nhà bà Massa, Tuscany. Như mọi khi, bà chỉn chu gọn gẽ trong chiếc sơ mi màu kem hồ và áo len đan màu đen. Ngoại Fiore, như lũ cháu hay gọi, rót cho chúng tôi một ít trà thảo mộc và đưa ra một đĩa bánh quy. Trà tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng của dầu chanh. Chúng tôi ngồi trong một căn bếp sạch sẽ với những tấm rèm có họa tiết điển hình những năm 1960, cũng chính là nơi mà khi tôi còn nhỏ, bà thi thoảng sẽ cho tôi ăn mấy món đồ đông lạnh kèm cái nháy mắt “Đừng nói với mẹ cháu nhé!”
Bà hồi tưởng: “Bà nhớ tiệm bánh pizza đầu tiên mình thấy là khi bà khoảng 19 hoặc 20 tuổi gì đó, ở Viareggio, cách nhà bà nửa tiếng. Còn với phô mai mozzarella thậm chí còn muộn hơn, chắc là vào thập kỷ 60s; lúc đó mẹ của cháu đã ra đời rồi. Lúc đó người ta cũng mở một siêu thị ở đây.”
Mozzarella đến từ miền nam nước Ý, cách đây hàng trăm dặm. Để tìm hiểu thêm, tôi gọi cho bà cố người Sicilia của một người bạn. Chín mươi lăm tuổi và hơi đãng tai, Serafina Cerami trả lời điện thoại ngay lập tức. “Trước chiến tranh, bọn bà đã ăn rất nhiều phô mai mozzarella ở Sicily!” bà nói như hét trên ống nghe. Giống như pizza, phô mai mozzarella nhanh chóng trở nên nổi tiếng toàn cầu thông qua làn sóng di cư hàng loạt đến Mỹ từ miền nam nước Ý.
So sánh ký ức của bà với ký ức của bà tôi, có thể thấy rõ rằng các món ăn vào ngày “Chủ nhật” quốc hồn của Sicily (aubergine parmigiana, cannoli, pasta con le sarde) được phổ biến nhờ sự đóng góp của người miền Nam cho các Phố Ý nhỏ tại Mỹ (t/n: tương tự China Town – Phố Hoa). Mặt khác, bà tôi lớn lên với tordelli alla masse (bánh tortelli tươi cỡ lớn có nhân thịt, nấu trong nước sốt ragú) và cappelletti in brodo (bánh tortelli tươi nấu nước luộc gà), những món gần như hoàn toàn không được biết đến bên ngoài khu vực .
Cả Cerami ở Sicily và bà tôi ở Tuscany đều nhớ ngày trước đã ăn nhiều đậu và khoai tây - những nguyên liệu không thường dùng trong ẩm thực Ý - trước chiến tranh. Nhưng sự đánh giá cao ngày càng tăng đối với các món ăn từ các vùng nghèo hơn của Ý ở Anh và Mỹ đã phục hồi phần lớn cucina povera (t/n: món ăn người nghèo), như món gnocco fritto của vùng Emilia, pappa al pomodoro của Tuscany và polenta phía bắc.
Đối với Grandi, câu chuyện về carbonara gói gọn một cách hoàn hảo ý tưởng của Hobsbawm về “sự phát minh ra truyền thống”. Để làm sáng tỏ vấn đề xoay quanh món ăn được toàn nước Ý yêu thích này, tôi gọi cho Bernardino Moroni, ông nội 97 tuổi của một người bạn ở Rome. “Bọn ông chỉ ăn pasta vào Chủ nhật,” ông nói trong một cuộc gọi điện video. Ông giải thích, bữa ăn thời thơ ấu của mình chủ yếu là các loại đậu và rau từ vườn của gia đình. Khi tôi hỏi về carbonara, một món ăn được cho là chủ yếu của người Rome, ông rời mắt khỏi màn hình. “Có lẽ mỗi năm một lần ông được ăn amatriciana [một công thức có cà chua và thịt xông khói], khi gia đình có thể kham được việc giết một con lợn. Nhưng trước chiến tranh, ông chưa bao giờ nghe nói đến carbonara.”
Đó là bởi, như nhà sử học ẩm thực Luca Cesari, tác giả cuốn Lược sử mì ống, đã nói, carbonara là “một món ăn Mỹ sinh ra ở Ý” và nó chỉ mới ra đời từ Thế chiến thứ hai. Câu chuyện mà hầu hết các chuyên gia đều đồng tình là đầu bếp người Ý, Renato Gualandi, lần đầu tiên làm món này vào năm 1944 trong một bữa tối ở Riccione dành cho quân đội Hoa Kỳ với các vị khách trong đó có Harold Macmillan. Gualandi sau này nhớ lại: “Người Mỹ có thịt xông khói chất lượng tuyệt vời, kem rất ngon, một ít pho mát và lòng đỏ trứng dạng bột. Cesari bác bỏ những lầm tưởng cho rằng carbonara là thức ăn của những người thợ than người Ý thế kỷ 18 là “thiếu tính lịch sử”.
Đối với những người Ý sinh ra sau những năm bùng nổ kinh tế, carbonara có một bộ nguyên liệu bất di bất dịch: thịt má lợn, phô mai pecorino kiểu Rome, trứng và hạt tiêu. Nhưng công thức nấu ăn ban đầu của món này rất đa dạng. Công thức xưa nhất được in ở Chicago vào năm 1952 và có thịt xông khói Ý chứ không phải thịt má lợn. Các công thức món này ở Ý cùng thời thì có nhiều thứ đa dạng: từ gruyère (1954, trên tạp chí La Cucina Italiana) đến “prosciutto và nấm xào thái mỏng” (1958, nhà hàng Rome’s Tre Scalini). Cho đến tận những năm 1990, thịt má lợn mới bắt đầu thay thế thịt xông khói.
Nhưng cũng chính carbonara đã khơi dậy một số chủ nghĩa giáo điều ẩm thực cực đoan nhất. Nhiều người Ý ngày nay học cách nấu món này tại nhà theo một bộ quy tắc với tiêu chí rằng đây là “món mì ống Rome cho gia đình”, cùng với cacio e pepe, gricia và amatriciana. Theo ý tưởng này, việc thêm hoặc bớt dù chỉ một nguyên liệu thành phần được chỉ định sẽ biến món mì ống này thành một món mì ống khác, và bất kỳ sự sai lệch nào so với các quy tắc đều là vấn đề đáng quan tâm ở cấp độ quốc gia. Vào năm 2015, thị trấn Amatrice đã đưa ra tuyên bố chính thức nhằm chấn chỉnh đầu bếp từng đoạt sao Michelin Carlo Cracco, sau khi ông tiết lộ rằng mình thích cho tỏi vào món amatriciana. “Chúng tôi tin chắc rằng đây là sự lỡ lời từ vị đầu bếp nổi tiếng”, tuyên bố viết. “Chúng tôi chắc chắn rằng ông chỉ có ý tốt.”
Thái độ lố bịch của người Ý đối với sự thuần khiết ẩm thực này có mặt tối. Vào năm 2019, tổng giám mục Bologna, Matteo Zuppi, đã đề xuất bổ sung một số món “bánh tortellini chào mừng” không có thịt lợn vào thực đơn tại tiệc lễ hội San Petronio của thành phố. Nó nhằm mục đích như một cử chỉ hòa nhập, mời gọi các công dân Hồi giáo tham gia vào các lễ kỷ niệm vị thánh bảo trợ thành phố. Lãnh đạo đảng Liên minh cực hữu Matteo Salvini không đồng tình. Ông nói: “Họ đang cố gắng xóa bỏ lịch sử, văn hóa của chúng ta”.
Khi Grandi can thiệp để làm rõ rằng, nhân bánh tortellini không có thịt lợn cho đến cuối thế kỷ 19, chủ tịch Hiệp hội tortellini Bologna (chức danh có thực đấy) đã xác nhận rằng Grandi nói đúng. Trong các công thức nấu ăn lâu đời nhất, nhân bánh tortellini được làm từ thịt gia cầm. “Đây là lý do tại sao tôi làm những gì tôi làm,” Grandi nói. “Để chứng tỏ rằng những gì chúng ta coi là truyền thống trên thực tế không phải là truyền thống.”
Ngày nay, đồ ăn Ý là món chủ đạo hấp dẫn, tương tự như các phụ nữ trẻ xinh đẹp và bóng đá thời Berlusconi, đối với các chính trị gia cánh hữu. Là một phần của chiến dịch bầu cử vào năm 2022, thủ tướng Giorgia Meloni đã đăng một video TikTok, trong đó một bà được một bà lão dạy cách gói tortellini bằng tay. Trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Meloni, Francesco Lollobrigida, đề xuất thành lập một đội đặc nhiệm để giám sát tiêu chuẩn chất lượng trong các nhà hàng Ý trên khắp thế giới. Ông lo ngại rằng các đầu bếp có thể làm sai công thức nấu ăn hoặc sử dụng nguyên liệu không phải của Ý. (Số lượng các sản phẩm thực phẩm truyền thống được liệt kê chính thức hiện đạt con số đáng kinh ngạc là 4.820.)
Một tìm kiếm trên Google cho “Salvini mangia” (Salvini ăn) cho ra một chuỗi các ảnh kỳ quặc: Salvini há miệng ngấu nghiến spaghetti, Salvini ngoạm một chiếc pizza khổng lồ, Salvini đeo tạp dề đang kiểm tra dãy bày prosciutto (t/n: đùi lợn xông khói), tiếp là Salvini giơ ngón tay cái cho món cannoli của Sicily, Salvini phanh ngực trần nướng thịt, Salvini rám nắng nhét một chiếc gelato vào miệng, Salvini buồn ngủ cắn vào bánh mì nướng Nutella.
Những chính trị gia này hiểu được sức mạnh của cái mà Grandi gọi là “chủ nghĩa ẩm thực quốc gia”. Ai quan tâm nếu thứ văn hóa ẩm thực truyền thống mà họ quảng bá một phần dựa trên sự dối trá, hay các công thức nấu ăn do các tập đoàn chế ra, hay thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ? Ít có điều gì yên lòng và dễ chịu hơn việc một xem một bà lão làm bánh tortellini.
Mọi thứ không phải lúc nào cũng vậy. “Thế hệ ông bà chúng ta biết đó là lời nói dối,” Grandi nói, nhấm nốt ngụm rượu prosecco cuối cùng trong ly. “Mối quan tâm về lịch sử nguồn gốc thành phần là một hiện tượng rất gần đây.” Quả thực, thật khó để tưởng tượng rằng những người sống sót sau Thế chiến thứ hai bằng cách ăn hạt dẻ, như ông tôi đã làm, lại lo lắng về việc sử dụng thịt má lợn thay vì thịt thăn trong công thức mì ống. Hay như Grandi nói, ““Truyền thống” của họ là cố gắng để không chết đói.”
Khi được hỏi liệu nỗi ám ảnh về ẩm thực quốc gia có phải bắt nguồn từ những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số như anh, một thế hệ chưa từng trải nghiệm ẩm thực Ý trước thời kỳ mở rộng sau chiến tranh hay không, anh mỉm cười: “Quả thực, giống như nhiều thứ khác, đây cũng là lỗi của chúng ta”.
Tuy thế, việc tin vào những truyền thống lâu đời của cả đất nước bạn và của những quốc gia khác có thể khiến người ta thấy dễ chịu. Người tiêu dùng toàn cầu hoan nghênh các chuyên gia nổi tiếng về thực phẩm Ý, những người đã tạo ra sách, podcast và chương trình truyền hình với theo đuổi “tính nguyên bản” một cách ám ảnh. Khi đầu bếp người Ý Gino D'Acampo chỉ trích người dẫn chương trình truyền hình Anh Holly Willoughby vào năm 2010 vì đã gợi ý rằng carbonara có thể được làm bằng giăm bông, nói rằng "nếu bà tôi có bánh xe thì cũng có thể gọi bà là một cái xe đạp", đoạn clip đã trở nên viral. Chúng ta vừa yêu vừa ghét bức tranh biếm họa về người đầu bếp người Ý theo chủ nghĩa thuần khiết đến mức ám ảnh.
Toàn bộ hoạt động kinh doanh đã phát triển xung quanh huyền thoại về một truyền thống ẩm thực cổ xưa không bị ảnh hưởng bởi các mốt ẩm thực hiện đại. Giống như các công ty du lịch sắp xếp các buổi học nấu ăn với những bà ngoại người Ý chính gốc tại nhà riêng. (“Tôi có hẳn riêng một người bà người Ý!” một người bạn người Anh kể với tôi về kỳ nghỉ của Tuscany.) Nhưng kiểu cố định vào truyền thống này vốn đã bị hạn chế. Như Grandi đã chỉ ra, truyền thống không gì khác hơn là một sự đổi mới đã trở nên thành công.
Bà tôi thắc mắc liệu tôi có thích bánh quy của bà không. Tôi chỉ ăn một cái thôi. Bà giới thiệu cho tôi nhiều lựa chọn hơn: panforte, torrone, cantuccini. Sau đó, bà từ từ đứng dậy và lấy cuốn sách dạy nấu ăn năm 1967 từ tủ đựng đồ sành sứ. Chúng tôi cùng nhau lướt xem. Có món salad orecchiette đầy màu sắc với húng quế, hạt thông và cà chua bi; những cuộn mì spaghetti với thịt viên trên những chiếc khay sáng bóng như điêu khắc; những miếng thịt bê nướng xiên được sắp xếp một cách nghệ thuật trên cùng một đĩa với món pappardelle. Cũng giống như món carbonara của những năm 1960, những công thức nấu ăn này rất phong phú và không theo quy định. Tôi có thể thấy trong các trang này tất cả sự phấn khích tột độ của một quốc gia đã vượt qua được một đường ranh giới. Từ những hàng bánh mì và những quả bom cho đến Kế hoạch Marshall, những chiếc Vespa và pizza phô mai buffalo mozzarella.
Cũng tại ngôi nhà này, vào những năm 1980, ngoại Fiore từng phục vụ món lasagna cho một số vị khách người Anh theo lời nhờ của bác tôi. Bà kể, món lasagna được nấu từ nguyên liệu đông lạnh. Cuộc sống lúc đó bận rộn và, dù sao, bà cũng chẳng nề hà khi phục vụ bữa ăn chế biến sẵn ở siêu thị; trong chiến tranh, đó là một điều xa xỉ một người có thể mơ. Không ai trong số các vị khách nghi ngờ rằng bà đã không tự tay chế mọi nguyên liệu tại nhà, và mọi người đều rất phấn khởi, bao gồm cả ông bác người Ý của tôi. Bà kể chuyện, rồi nhìn tôi và nháy mắt.
___________________________
Tác giả: Marianna Giusti