[FUN FACT] CONOP 8888 và Osowiec - khi quân đội đương đầu với "zombie"
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài...
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Ngày này 10 năm trước, USSTRATCOM (Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ) đã xuất bản một bộ tài liệu rất đặc biệt để lưu hành nội bộ với cái tên CONPLAN 8888 (hoặc còn gọi là CONOP 8888), đề ra kế hoạch tác chiến với một thứ hoàn toàn bất ngờ: đại dịch zombie.
Vâng, Bộ Quốc Phòng Mỹ có một kế hoạch dẹp trừ zombie cực kỳ nghiêm túc 🐧.
Hoặc ít nhất là bán nghiêm túc.
Sự tình là trong mùa hè năm 2009 và 2010, lúc tiến hành đào tạo binh sĩ, một chi nhánh USSTRATCOM đã tình cờ phát hiện ra rằng nếu tích hợp những thứ lố bịch như sinh tồn trong đại họa zombie vào bài học, học viên sẽ trở nên hào hứng và chủ động hơn hẳn, dẫn đến một khóa đào tạo hết sức hiệu quả. Việc tích hợp các yếu tố chém như thế vô tình lại cũng cho phép bên đào tạo xây dựng những kịch bản thực chiến hơn, nhưng không phải dùng địch thủ là lính Trung Quốc hay gì tương tự, tránh việc nếu kịch bản đào tạo có bị lộ ra ngoài thì cũng không gây hiểu nhầm tai hại nào hết. Thế là họ quyết định cho xuất bản cái tài liệu CONOP 8888 chính thức này để giúp các cơ sở khác có nền tảng tích hợp vào công tác huấn luyện.
Mấy năm sau, USSTRATCOM đã chủ động đăng tải toàn bộ kịch bản lên Intellipedia để công chúng thoải mái áp dụng nó vào các mục đích cá nhân, với hy vọng việc này sẽ giúp tạo ra một bản kế hoạch còn ưu việt hơn nữa. Khổ mỗi cái vì kế hoạch nghe chém quá, phía quân đội sợ người ta tưởng là trò đùa và không nghiêm túc coi trọng nó, thế nên trong bản công bố cho công chúng, ngay phần đầu họ đã phải khẳng định luôn đây không phải là trò đùa, mà là một kế hoạch nghiêm chỉnh của quân đội.
Và nếu đọc sâu vào trong, ta thấy đúng là nó nghiêm túc thật.
CONOP 8888 bàn khá sâu về các vấn đề pháp lý, chính trị khác nhau có thể xảy ra nếu một ngày đẹp trời, xác chết đội mồ sống dậy. Như trong báo cáo có nói, cả luật pháp Mỹ lẫn luật quốc tế đều áp đặt giới hạn cho các hoạt động quân sự, nhưng chúng chỉ áp dụng nếu đối tượng của các hoạt động này là con người và động vật. Riêng với zombie, dù đó có là một thức sống mang mầm bệnh hay rôbốt cấu thành từ vật chất hữu cơ hay bất kỳ thứ gì mang đặc điểm khớp với ý niệm về zombie của dân chúng, gần như chẳng có luật nào giới hạn gì hết. Bên cạnh đó, trong trường hợp đại họa zombie xảy ra thật, đây sẽ là một trường hợp khẩn cấp quốc gia, và thiết quân luật khả năng cao sẽ được ban bố. Điều này đồng nghĩa với chính phủ sẽ có rất nhiều lựa chọn trong công tác nghênh chiến và diệt trừ zombie, kể cả khi hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Về phần chiến lược cụ thể để tiêu diệt zombie, CONOP 8888 đề xuất quân đội triển khai hoạt động theo 6 giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn đầu tiên là “định hình,” tập trung vào chuẩn bị các tiền đề cần thiết để triển khai những bước tiếp theo. Trong giai đoạn này, chính quyền sẽ chú trọng giáo dục và truyền thông về bản chất của lũ zombie cũng như các yếu điểm có thể tận dụng để tiêu diệt chúng cho các thành viên quân đội và công chúng. Đồng thời, chính quyền cần đảm bảo mình nắm giữ đủ các trang thiết bị bảo vệ CBRNE (tức đồ phòng hộ trước các cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, và chất nổ) phù hợp và thường xuyên theo dõi hướng lan truyền của đại họa để kịp thời ứng phó. Giai đoạn này được đề số “0,” cho thấy nó có thể được triển khai ngay cả khi chưa có dấu hiệu có biến.
Giai đoạn thứ hai, "ngăn ngừa," xoay quanh những động thái mang tính răn đe chính phủ có thể làm để đảm bảo không con zombie nào dám thò đầu ra. Đáng chú ý là ở giai đoạn này, câu mở đầu là một ghi chú to đùng, khẳng định rất rõ rằng bản thân bọn zombie không thể bị răn đe. Một khi bọn nó đã sổng ra thì ó dọa đằng trời cũng vô ích. Thay vào đó, đối tượng của giai đoạn này là những kẻ có thể đứng đằng sau một thảm họa zombie, chẳng hạn các phần tử khủng bố hoặc các chính quyền thù địch. Trong giai đoạn này, CONOP 8888 đề xuất liên tục thực hiện các cuộc tập trận để chứng minh khả năng hoạt động hiệu quả của quân đội trong môi trường bị zombie xâm lăng để các thế lực thù địch thấy nghiên cứu tạo ra zombie và sử dụng chúng như vũ khí chống lại Mỹ chỉ vô ích.
Nhưng đồng thời, cũng chính trong giai đoạn thứ 2 ấy (mặc dù đây là giai đoạn “1” chính thức), CONOP 8888 lại xúi chính phủ Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra zombie hoặc thứ gì đó tương tự để tạo thành một hệ thống răn đe tương tự như răn đe hạt nhân. Đây về cơ bản là một lời hứa Trạng chết Chúa cũng băng hà, dằn mặt các thế lực thù địch rằng nếu thả zombie vào Mỹ thì Mỹ cũng sẵn sàng thả zombie ngược lại để đáp trả. Các khu vực dân sự cũng như vùng sơ tán được tăng cường bảo vệ, đồng thời các ban bộ ở nhiều cấp khác nhau được hỗ trợ giám sát và quản lý những khu cách ly.
Giai đoạn tiếp theo, “nắm thế chủ động,” là lúc tình hình bắt đầu nóng lên. Mọi thành viên của USSTRATCOM sẽ bị yêu cầu chuyển sang trạng thái sẵn sàng, các cơ sở hoạt động của USSTRATCOM được triển khai gia cố, đồ bảo vệ CBRNE bắt đầu được phân phát đi khắp nơi, và bắt đầu triển khai các kế hoạch hoạt động phối hợp giữa các binh chủng khác nhau. Trong giai đoạn này, tùy tình hình mà chính quyền có thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô nhỏ nhằm kìm hãm hoặc triệt tiêu mối hiểm họa zombie từ trong trứng nước.
Sang giai đoạn thứ 4 (tức giai đoạn “3”), “trấn áp,” là lúc cuộc chiến diễn ra cam go nhất. Mọi cơ sở của USSTRATCOM sẽ bế quan tỏa cảng. Các lực lượng phòng vệ sẽ nhận được chỉ thị lập tức triệt tiêu mọi loại thức sống không phải con người mình bắt gặp, không cần quan tâm chúng trông ra làm sao. Chính phủ cũng sẽ triển khai các chiến dịch đánh bom vào những điểm nóng zombie hoặc những cơ sở có thể giúp đại dịch loang rộng, phạm vi ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Tối thiểu sau 40 ngày tiến hành trấn áp, CONOP 8888 chuyển sang giai đoạn tiếp theo là “bình ổn.” Các đội trinh sát sẽ được triển khai để thăm dò mức độ an toàn tại những địa điểm trọng yếu xung quanh các căn cứ USSTRATCOM cũng như sự toàn vẹn của các cơ sở hạ tầng. Mọi thông tin truyền về cho USSTRATCOM sẽ đều được phát tán qua kênh liên lạc mở, với mục đích cho các nhóm người sống sót “nghe trộm.” Nếu có ai tình cờ bắt được thông tin đấy, kể cả nếu không trực tiếp liên lạc được với quân đội, họ sẽ vẫn biết đâu là chỗ an toàn để tự di chuyển đến, giúp các hoạt động giải cứu diễn ra suôn sẻ hơn. Trong lúc tiến hành bình ổn, các hoạt động của giai đoạn 4 sẽ vẫn được tiếp tục triển khai (nếu tình hình yêu cầu), và sẽ có các đội đặc nhiệm chuyên lùng sục những cụm zombie nhỏ để trừ diệt hoàn toàn.
Cuối cùng, khi đánh giá tình hình đã đủ ổn định, CONOP 8888 sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng “khôi phục chính quyền dân sự.” Nhân sự USSTRATCOM sẽ được điều đến tất cả những khu vực thảm họa nơi chính quyền dân sự vẫn còn tồn tại để hỗ trợ họ tái xây dựng, khôi phục các dịch vụ thiết yếu, và ổn định xã hội. Các lực lượng quân sự bắt đầu tiến hành khôi phục khả năng tác chiến của mình và chuyển sang trạng thái sẵn sàng tái xuất quân nếu tình hình đòi hỏi. Đồng thời, các báo cáo cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ được chuyển ngược về để CONOP 8888 cập nhật và cải thiện những chỗ thiếu sót.
Thú vị một điều là CONOP 8888 không gộp chung mọi thứ vào một cái ô zombie mà đã chia chúng nó ra thành nhiều loại khác nhau, với bên cạnh loại do virút gây ra (được tính là zombie tự nhiên) thì còn có zombie sinh ra do chất phóng xạ, zombie hồi sinh bằng phép thuật, zombie do người ngoài hành tinh tạo ra, zombie dưới dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt, zombie cộng sinh và thậm chí cả zombie thực vật như trong Plants vs. Zombies.
Và đấy là còn chưa kể đến gà zombie đấy 🐧.
CONOP 8888 dài tận 31 trang, kể ra thì hơi lằng nhằng. Nếu quan tâm, anh em có thể đọc thêm ở đây:
Tuy nhiên, dù đã tiên liệu được khá đầy đủ các tình huống khả dĩ, CONOP 8888 vẫn có một sự thiếu hụt nho nhỏ. Cụ thể, vì muốn tránh động chạm đến các quốc gia khác, CONOP 8888 đã không đả động đến hay đưa ra phương án dự phòng gì cho một chủng "zombie" đầy chết chóc khác, từng xuất hiện tại một trận chiến khét tiếng trong lịch sử: zombie Nga.
Để giải thích kỹ hơn, chúng ta sẽ phải lần ngược về hơn một thế kỷ trước.
Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Nga và Đức từng tranh giành nhau rất găng Pháo đài Osowiec, một cứ điểm do phía Nga nắm giữ (nay thuộc về Ba Lan) nằm cạnh Sông Biebrza, phía Tây Białystok. Pháo đài nằm cách biên giới Đông Phổ 23 km, bảo vệ tuyến đường chiến lược giữa Sông Neman, Sông Vistula, và Sông Bug. Chính vì vị trí quan trọng của nó, phe Đức rất muốn chiếm đóng Osowiec, và đã nỗ lực tấn công pháo đài. Tuy nhiên, vì pháo đài quá kiên cố, chưa kể lính Nga chiến đấu quá hung hãn, cả 2 đợt tấn công của phe Đức (một đợt từ tận tháng 9/1914, và một đợt trong khoảng tháng 2-3/1915) đều chịu thương vong nặng nề và bị đẩy lùi.
Nhưng như các cụ đã nói đấy, quá tam ba bận, thế là đến đầu tháng 7/1915, phía Đức lại thử thêm lần nữa, với hy vọng lần này sẽ lập được kỳ tích.
Và quả đúng là một kỳ tích đã xảy ra, nhưng lại theo một cách khác hẳn kỳ vọng của phe Đức.
Dưới sự chỉ huy của Thống chế Paul von Hindenburg, một đội quân bao gồm 14 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công, 30 trọng pháo công thành dàn trận xung quanh Osowiec. Trong khi ấy, phía Nga chỉ có vỏn vẹn 500 binh sĩ thuộc Trung đoàn bộ binh 226 Zemlyansky và tầm 400 dân quân, chia thành nhiều tuyến phòng ngự dưới sự chỉ đạo của Trung úy Vladimir Karpovich Kotlinsky.
Dẫu rằng có lực lượng cao gấp gần chục lần địch thủ, những thất bại trong quá khứ vẫn dạy cho Hindenburg biết rằng chớ nên khinh thường lực lượng Nga. Thế là lần này để ăn chắc, Hindenburg quyết định sử dụng một chiến lược tàn khốc hơn: vũ khí hóa học.
Đến khoảng gần cuối tháng 7, 30 khẩu đội pháo phóng khí độc (cụ thể là hỗn hợp clo và brom) được chuyển đến tiền tuyến, chỉ chờ gió đổi hướng thuận lợi là khai hỏa. Sau hơn 10 ngày, gió bắt đầu đảo chiều, và thế là ngày 6/8, cuộc tấn bắt đầu.
Vào lúc 4 giờ sáng, một tràng khói xanh lè phà đến, bao trùm toàn bộ vị trí của lực lượng Nga, với vùng không gian ảnh hưởng trải dài tận 12km tính từ vị trí phóng, dâng cao hơn chục mét. Nơi ấy biến thành một vùng tử địa kinh hoàng, với tất cả mọi thức sống đều lăn đùng ra chết. Lá trên cây úa vàng hết và rụng lả tả, cỏ trở thành đen sì, chim chóc trên trời rơi lộp độp như mưa. Đến cả các khí cụ đồng cùng bị ố một lớp ôxít clo xanh lét.
Vì không được trang bị mặt nạ phòng độc, lính Nga chết như ngả rạ. Toàn bộ lực lượng tại các vành đai phòng thủ thứ nhất và thứ hai bị tiêu diệt, với chỉ một nhúm ở phòng tuyến xa nhất nhanh trí dùng băng gạc ướt che mặt là may mắn sống sót. Tuy nhiên, ngay cả những người lính ấy cũng hoặc ngộ độc nghiêm trọng, hoặc bị hóa chất thiêu đốt rất đau đớn. Bên cạnh đó, để bổ trợ cho cuộc tấn công bằng khí độc, phía Đức còn nã pháo liên tục vào các chiến hào của Nga, khiến thiệt hại của phe Nga càng lên cao tợn. Lúc mọi thứ đã ngớt, chỉ tầm dăm trăm người lính Nga dặt dẹo là còn khò khè sống được, với nhân sự tại các vị trí trọng yếu đều đã chết cả.
Sau cuộc tấn công tàn khốc kia, gần 7000 lính đức trang bị súng lưỡi lê bắt đầu tiến vào phòng tuyến của Nga. Phía Đức tin mình sẽ không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Quả thật là khi tiến đến vòng phòng thủ đầu tiên (tại một vị trí gọi là vị trí Sosna), tất cả những gì phe Đức bắt gặp là xác lính Nga nằm chết la liệt. Sau khi ung dung chiếm giữ vị trí này, phe Đức tiếp tục tiến sâu vào nữa.
Tuy nhiên, lúc này, những người sống sót ở phía Nga đã tụ tập lại. Khi hay tin quân Đức đã chiếm đóng các chiến hào chủ chốt tại vị trí Sosna, và hiện đang tiếp tục tiếp cận pháo đài, những người lính sắp chết đến nơi kia quyết định tổ chức một cuộc phản công. Dưới sự lãnh đạo của Trung úy Kotlinsky, tầm chưa đầy trăm nhân mạng thuộc đại đội 13 xách súng lên rời pháo đài, đi men theo một tuyến đường sắt để áp sát quân Đức. Khi đến vị trí cách địch khoảng 400 bước, Trung úy Kotlinsky cùng cả đoàn bắt đầu xộc đến tiến hành một cuộc tấn công cảm tử.
Vì không nghĩ là phe Nga vẫn còn người sống sót, phía Đức sửng sốt vô cùng. Bên cạnh đó, khi trông thấy một đoàn người thịt da lở loét, máu me nhoe nhoét trên mặt, với nhiều người thậm chí còn có những mẩu phổi oẹ ra treo lủng lẳng trên miệng, không đeo mặt nạ xộc ra khỏi vùng đất chết và lao về phía mình, toàn thể hàng ngũ Đức khiếp đảm vô cùng. Gần như tất cả 7000 người lính kia đều quay đầu bỏ chạy thục mạng. Số ít ỏi còn đứng trụ lại cũng sợ hãi rụng rời, và dẫu cho địch thủ của mình là một đám xác chết di động theo đúng nghĩa đen, họ vẫn nhanh chóng bị phía Nga triệt hạ.
Sau thành công không tưởng ấy, đại đội 13 tiếp tục truy đuổi địch ngược về tận những vị trí chúng đã chiếm đóng. Lúc này, hoảng loạn đã bị những người lính Đức bỏ chạy ban nãy làm lan xuống tận những chiến hào phe Đức mới chiếm được, và tất cả cũng giẫm đạp lên nhau chạy nốt, với nhiều người thậm chí còn bị vướng vào các chướng ngại dây kẽm gai. Cuối cùng, lực lượng của Kotlinsky dành chiến thắng vang dội, thu lại được tất cả các vị trí trọng yếu bị chiếm đóng, và tiếp tục chuyển sang giải cứu vị trí Cầu Rudsky ở phía sườn Tây.
Ở bên này thì phe Đức trụ lại khỏe hơn, và một trận chiến hết sức cam go bùng nổ. Tuy nhiên, vì cánh này tiến quá nhanh, một lượng lớn binh sĩ Đức cũng đã bị trúng chính khí độc của mình, làm sức tấn công của bên Đức suy yếu hẳn. Bên cạnh đó, những yếu tố tâm lý đã giúp Kotlinsky giành chiến thắng trong cuộc phản công đầu tiên cũng tiếp tục diễn ra ở đây, và phía Đức rốt cuộc đã bị đẩy lùi.
Và thế là đến tầm 11 giờ, cuộc chiến đã ngã ngũ. Bất chấp sự ưu việt về tất cả mọi mặt, phía Đức vẫn thất trận hoàn toàn, và Pháo đài Osowiec một lần nữa đứng vững.
Toàn bộ sự kiện này thực hư ra sao thì cũng hơi khó nói, bởi vì chủ yếu các nguồn tư liệu tham khảo để tái hiện trận chiến được trích ra từ báo cáo và nhật ký của những người lính Nga sống sót, và trên thực tế, đã có một số nhà nghiên cứu chỉ ra một số tình tiết bất nhất trong câu chuyện (anh em có thể tham khảo một nghiên cứu như vậy ở đây:
Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được những dữ kiện như sau:
- Ngày 6/8, 7000 quân Đức đã tiến hành tấn công Pháo đài Osowiec bằng vũ khí hóa học và pháo binh truyền thống, gây thương vong rất nặng nề cho một lực lượng Nga vốn dĩ đã lép vế sẵn rồi.
- Sau đợt tấn công mở màn, phía Đức đã tiến lên và chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong phòng tuyến Nga xung quanh Pháo đài Osowiec.
- Một toán lính Nga sống sót đã tiến hành phản công, và vì một lý do thần kỳ nào đó đã đẩy lùi được một lực lượng A) đông gấp bội mình, B) trang bị tử tế hơn hẳn mình, và C) nắm giữ những vị trí rất thuận tiện cho phòng thủ.
Chính vì những điều này, thiên hạ vẫn thường chấp nhận rằng hoặc lính Đức đã bị bộ dạng của binh sĩ Nga trực tiếp tác động đến tâm lý, hoặc họ cứ đinh ninh mình đang đi giữa một nghĩa địa hoang vắng và không kịp trở tay khi bị phản công, và từ đấy mà đã thất trận. Thế tức là dù nhìn theo kiểu nào, bản chất “xác chết đội mồ” của phe Nga cũng đều đóng một vai trò chủ chốt trong việc làm nên thắng lợi của họ, và đã đặt cho trận chiến này một cái tên hết sức metal: Attack of the Dead Men.
Nói gọn lại, bên cạnh bụi cây nói tiếng Việt, bông tuyết nói tiếng Phần, mây trời nói tiếng Đức, lịch sử còn có một nỗi kinh hoàng khác: xác chết nói tiếng Nga 🐧.
----- Xem bài viết gốc tại:
Redirecting...
Bài về CONOP 8888 hồi trưa làm mình nhớ lại một trận chiến khét tiếng trong lịch sử. Đây có thể coi như phiên bản giống với một cuộc đụng độ giữa một lực lượng quân đội và một bầy zombie nhất ta từng được chứng kiến ngoài đời. Thậm chí đến cả cái tên chính thức của nó cũng hợp lý không thể chệch đi đâu được: Attack of the Dead Men.www.facebook.com
Bài về CONOP 8888 hồi trưa làm mình nhớ lại một trận chiến khét tiếng trong lịch sử. Đây có thể coi như phiên bản giống với một cuộc đụng độ giữa một lực lượng quân đội và một bầy zombie nhất ta từng được chứng kiến ngoài đời. Thậm chí đến cả cái tên chính thức của nó cũng hợp lý không thể chệch đi đâu được: Attack of the Dead Men.www.facebook.com
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất