A! Xin chào. Có một sự thật là mình không giỏi trong việc trau truốt câu chữ, thế nên mình nghĩ gì viết nấy còn ai đọc được bài viết này thì ráng có gì đọc nấy vậy. Hôm nay là ngày 29. Và hiện tại đã là 22h54 rồi. Mình không thuộc tuýp người ngủ muộn nên thật sự... đang rất buồn ngủ.
Hôm nay mình sẽ nói về chủ đề: Sự yếu đuối của cảm xúc. Mọi người có thể để ý: cảm xúc của chúng ta luôn ở trạng thái hoàn toàn bị động. Đôi khi ta có thể trở nên vui vẻ vì một số thứ nhỏ nhặt nhưng cũng có thể khóc rất lớn chỉ vì một vài cử chỉ vô tâm. Cũng giống như khi đi trong mưa thì chúng ta có cảm giác man mác buồn còn lúc cảm nhận được ánh nắng nhẹ thì tự nhiên lại cảm thấy có gì đó tươi vui trong lòng. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Những cảm xúc đó ở đâu mà ra? Và tại sao chúng ta phải hiểu điều này? 
Đầu tiên, rốt cuộc những cảm xúc đó từ đâu mà ra
Cảm xúc chẳng bao giờ tự nhiên mà có cả. Nó xuất phát từ những việc mà chúng ta làm và bị tác động, ảnh hưởng bởi mọi thứ xung quanh. Bạn cứ thử nghĩ kĩ mà xem. Hãy thử tìm hiểu lí do hôm nay khiến mình vui, thứ gì làm mình buồn. Nếu có lí do thì ắt hẳn trạng thái bị động của cảm xúc trong bạn đang được kích hoạt (Kể cả bạn bị trầm cảm và chẳng có lí do gì vẫn cảm thấy trống rỗng thì trước đó ắt hẳn phải có lí do khiến bạn bị trầm cảm). Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Việc thả rông cảm xúc sẽ giúp cho bạn dễ dàng cảm nhận được sự vui vẻ đồng nghĩa với nó là khiến bạn dễ dàng bị tổn thương hơn. Tại sao? Vì bạn để những cảm xúc của mình phụ thuộc hoàn toàn vào mọi thứ, mọi người xung quanh thay vì việc kiểm soát chúng một cách hợp lí và tập trung vào bản thân.
Vậy tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến vấn đề này và chủ động hóa cảm xúc lại quan trọng đến thế?
Đó là vì bản thân của chúng ta. Không ai muốn lúc nào cũng phải loanh quanh, lẩn quẩn cùng với những suy nghĩ tiêu cực rồi tự mình tủi thân phải không nào? Khi chúng ta biết cách điều chỉnh những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống đồng nghĩa với việc chúng ta biết cách chấp nhận và vượt qua những khó khăn, lúc đó cuộc sống sẽ trở nên vô cùng tuyệt vời và hơn nữa thái độ sống của chúng ta có thể bằng một cách nào đó sẽ giúp ích được rất nhiều người.

Vậy làm thế nào để chủ động hóa lũ cảm xúc hỗn loạn này?
Thật ra chẳng có gì là tuyệt đối. Nhưng chúng ta hoàn toàn một phần nào đó có thể điều chỉnh cảm xúc sao cho có lợi cho bản thân nhất có thể. Và dưới đây là 3 bước cơ bản để chủ động hóa cảm xúc:
(Thường thì chủ động hóa cảm xúc sẽ hữu ích khi bạn gặp phải cảm xúc tiêu cực nên những cách dưới đây chỉ áp dụng cho việc giải quyết cảm xúc tiêu cực)
Bước 1: Take it easy! Luôn thật bình tĩnh và đừng suy nghĩ quá lên mọi chuyện. Suy nghĩ kĩ càng là tốt nhưng suy nghĩ quá nhiều thì không hề. Nhiều khi mọi chuyện chẳng phức tạp như bạn nghĩ bởi luôn có những khía cạnh khác nhau và có góc khuất nào đó mà bạn chảng thể biết đến. Tuy nhiên, nếu như bạn vẫn không thôi lo lắng vì một điều gì đó thì tốt nhất nên làm một cái gì đó (lành mạnh) để giảm stress như nghe nhạc, ăn hoa quả, chơi thể thao... tốt nhất là nên đi ngủ.
Bước 2: Biết chấp nhận cảm xúc của mình và đừng coi nó là một cái gì quá tệ. Cảm thấy buồn bã là một chuyện như cơm bữa mà ai cũng gặp phải. Thế nên, hãy chấp nhận nó và sau đó, khi bạn đã cảm thấy ổn hơn thì hãy tìm cách giải quyết hoặc nếu không quan trọng thì hãy bỏ qua. Hãy học cách tha thứ và buông bỏ. Tránh chỉ vì những cảm xúc mà làm tổn thương nhau. Bạn hãy nhớ: Luôn thật lòng với cảm xúc của chính mình và của người khác.
Bước 3: Ngừng đi tìm hạnh phúc mà hãy tự tạo ra những thứ làm cho mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Cái trạng thái tìm kiếm hạnh phúc sẽ khiến cho bạn bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống. Hãy thử trải nghiệm những thứ mới, tự tạo ra niềm vui cho riêng mình và tận hưởng những giây phút đáng nhớ cùng với những người mà bạn yêu quý nhé!
Bài viết hết mất rồi! Các bạn nhớ chủ động hóa thành công nhé! 
Cảm ơn mọi người vì đã đọc bài viết nha.
grint.