Nhà văn Adam Haslett viết về cách tìm tới sự thân thuộc với người thực thông qua nhân vật tưởng tượng, trong bài viết gốc trên Lithub
---
Một nhà trị liệu thân quen có lần chỉ ra với tôi rằng loạn thần có thể được định nghĩa là thứ niềm tin cố hữu vào một thế giới tưởng tượng, có thể kéo dài hàng tháng hay nhiều năm ròng, mà không một ai khác ngoài người bệnh cảm nhận được. Ông băn khoăn thành lời với tôi, phải chăng đây cũng là một định nghĩa đàng hoàng để mô tả một tiểu thuyết gia. Mới vừa kết thúc năm năm ròng chuyên chú vào thế giới tưởng tượng trong quyển sách mới nhất, tôi cho là ông ấy có lý. Và chuyện đó càng khiến tôi nghĩ ngợi về điều đã dắt dìu người ta đặt bút xuống sáng tác ngay từ đầu, cũng như mối quan hệ giữa đời sống tưởng tượng và đời sống thực của họ.
Một nghịch lý của viết lách chính là: nhằm khỏa lấp niềm thôi thúc muốn truyền đạt một điều gì đến ai khác, ta phải bỏ ra vô khối thời gian vò võ một mình. Trong trường hợp sáng tác một quyển sách, thời gian này lên đến nhiều năm cô độc; thoáng khi được mãn nguyện, thậm chí tiêu dao, nhưng phần lớn lại bị hoài nghi giày vò và đe dọa. Tréo ngoe thay, một lý do khiến nhiều nhà văn có khao khát được giao tiếp chính là bản thân họ đã từng trải qua cô độc; viết lách dường như là một phương tiện giúp họ vượt qua cô đơn và kết nối với người khác. Nỗi cô đơn ập xuống tuổi trẻ lại trở thành lựa chọn khi trưởng thành. Nguồn cơn gây ra hổ thẹn lại chính là điều kiện để sáng tạo. Ta thoái triệt mình khỏi thế gian cốt để đến gần nó hơn.
Cái nguyên nhân cố nhiên gây nên sự cô đơn nơi tôi ngày trước chính là việc cha tôi, người mà tôi năm 14 vẫn còn thấy chút quyến luyến, tự sát. Bởi ông đã đớn đau trải qua trầm cảm, tôi chưa từng có chút oán trách hay tức giận với ông. Trong tâm trí trẻ dại của mình, ông là một vị thánh tử đạo cho đại nghĩa vô hình.
Mất đi hoặc cha hoặc mẹ không phải là chuyện quá hiếm thấy và tôi đã làm điều phần lớn trẻ con sẽ làm mỗi khi thế giới của chúng tưởng như bị phá hủy. Tôi cố thờ ơ với những gì tồn sót. Tôi nhớ mình từng thấy tự hào ra sao trước hình ảnh so sánh chính tôi nặn ra nhằm lý giải cho tình cảnh bản thân: tôi kể với chúng bạn rằng mình từng bị bỏng, và hậu quả là tôi không còn cảm nhận được điều gì từ sức nóng khủng khiếp bởi cái chết của cha. Nói cách khác, tôi vô sự trước những quan tâm tủn mủn, những thất vọng tầm thường mà hầu hết đều mắc phải, bởi đơn giản là họ không sao hiểu nổi cái linh hồn sạn chai của tôi.

Dĩ nhiên là sai toét. Hơn lúc nào hết, tôi cần sự quan tâm săn sóc từ người khác. Tôi cần đến cồn cào quặn thắt. Tôi chọn một hình ảnh ẩn dụ kịch tích, Lãng mạn hòng che đậy sự thật này. Đó là bài học đầu tiên về giá trị che giấu của một câu chuyện. Vì đó chính là điều tôi đã chọn - bắt đầu nhào nặn một câu chuyện kể từ chính cuộc đời mình, đối thoại trước tiên với bản thân, rồi sau đó, khi bắt đầu viết xuống nhật ký, mang chúng vào trang giấy.
Một tâm trạng bất kỳ có thể khiến ta đau, thế nhưng viết ra một câu chỉn chu về tâm trạng kia lại chứa đựng một sự thỏa mãn, và một chút nào đó kiểm soát. Từ sức mạnh ít ỏi, riêng tư này, tôi còn có cả đôi chút khoan khoái, sự khoan khoái mà tính tới thời điểm ấy trong đời tôi hoàn toàn chẳng có, ngoại trừ khi dùng thuốc. Tạo ra nhạc tính từ một cụm từ, thứ nhạc tính âm vang những tinh cốt mà tôi từng đọc qua, là một cách thoát ly tôi có thể viện đến hết lần này tới lần khác.
Lúc ấy, bi thống trở nên an toàn. Việc hình dung tôi và những con người xung quanh như những nhân vật tưởng tượng có số phận an bài cho phép nỗi buồn trừu tượng tiến vào, đồng thời giữ chính nỗi buồn ấy ở một khoảng cách nhất định. Phải nhiều năm sau tôi mới đọc được câu viết trong tiểu thuyết Nỗi đau của Russell Banks, về hai anh em “mà cơ hội kết nối được với kẻ khác cao nhất nằm ở khả năng nhào nặn cho chính mình một trạng thái đồng điệu bi thương, tựa hồ cuộc sống của mọi người đều đã kết thúc,” nhưng khi vừa đọc thấy, tôi cảm nhận được ngay, không thể lẫn vào đâu, rằng mình đang bị một quyển sách bắt bài.
Lên đại học tôi học ngành ngôn ngữ Anh và được dạy về tự sự tiến trình lịch sử văn học vốn đương chuẩn mực bấy giờ. Nó đại để như thế này: bất chấp khả năng mô tả lẫn tầm nhìn xã hội, chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19 lại có cùng lý tưởng tư sản về một cá nhân tàng ẩn, mạch lạc và hợp hôn phối. Dưới sức ép của đời sống thành thị, chính tư tưởng ấy đã bị chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 20 can đảm dập tan và ấn pathos của một ý thức hiện đại bị chia cắt vào tới tận cú pháp trong câu. Nhưng rồi, khi đến thời, tự thân chủ nghĩa hiện đại cũng lộ ra nó gắn bó với một “đại tự sự” của văn hóa phương Tây, cái tiến trình vĩ đại bao gồm hàng loạt những tượng đài nghệ thuật, mà trước đó chủ nghĩa hiện thực đã tài tình tái lý giải, và kết quả thu được là nó đã tạo nên nhiều chương huy hoàng cáo chung một cốt truyện xuyên suốt đi từ Plato tới Joyce. Và thế là chúng ta tiến tới chủ nghĩa hậu hiện đại đương thời, với tính mỉa mai cắt xén, đo ni đóng giày cốt chỉ để phá vỡ tự sự kia và dứt bỏ những kỳ vọng đi kèm bằng cách chỉ ra rằng tồn tại hay không thứ mang tên ý nghĩa là một câu hỏi bất tận.
Khi còn trẻ, bài học tôi rút ra từ câu chuyện bên trên chính là, để tự xem mình là nhà văn, chúng ta cần phải luôn sáng tạo. Đây là điều mà mỗi thế hệ mới đều nên thực hiện: bóc trần những hình thức cũ và nghĩ ra một thứ ngữ pháp mới mẻ nương theo thời đại.
Rồi lại xảy ra biến cố. Tôi rời giới học thuật. Tôi chuyển tới New York sống và có một công việc. Và sau mỗi phiên làm việc tôi lại ngồi vào bàn căn phòng ngủ bé tẹo cố viết ra những câu chuyện làm lay động lòng người, giúp họ cảm nhận được điều gì đó. Bởi những gì đã trải qua với tôi và với những người xung quanh trước hết không đến từ sự áp chế của mỹ cảm hiện đại. Mà thực tế, chúng là dạng trầm cảm thứ cấp. Tới từ nhận thức rằng chẳng có gì là quan trọng. Dù ta chọn quan điểm nào thì luôn có thể chọn khác đi hay có thể chối bỏ. Ấy vậy mà đồng thời, bên dưới bộ dạng của một kẻ nhác lười, tôi quặn thắt trong nỗi cô đơn, nỗi đau và khao khát muốn có được sự gần gụi. Đó là những chủ đề mà phần lớn văn chương hậu hiện đại gần như chẳng chút hứng thú, ngoài việc xem như đối tượng để nhạo đùa.

Tôi tin chúng ta chỉ viết quyển sách chính mình muốn đọc. Là độc giả, cái mà tôi khao khát nhận về là sự công nhận, dẫu méo mó tới đâu, dành cho mớ ngổn ngang của phần đời mình đã trải qua, của nỗi đau và sự phi lý mỗi khi cố sức kết nối với kẻ khác bằng chút chân thành và cởi mở. Và thế là, dù còn chưa hoàn toàn nhận thức rõ mình đang làm gì, trong suốt vài năm sau đó, tôi có viết một chùm truyện ngắn về sau trở thành quyển sách đầu tay của tôi, trong đó mỗi câu chuyện đều là cách kịch tính hóa, lúc kiểu này lúc kiểu khác, cùng một nỗi khốn đốn: làm thế nào tìm thấy sự gần gụi trong một nền văn hóa rút cạn đi chính thứ ngôn ngữ ta dùng để mô tả thứ gần gụi đó. Làm sao để nắm bắt trải nghiệm đớn đau khi mà cách ta dùng để mô tả chúng bị cán bẹp bởi sự thương mại hóa những gì chúng ta thổ lộ. Kẻ thù chẳng phải trường phái Tân phê phán. Kẻ thù chính là sáo rỗng, hao gầy. 
Tôi cố sức viết một thứ văn xuôi có nhịp điệu tạo ra được một bầu không khí, một tính nhạc, dung dưỡng những sắc thái của tình trạng cô quạnh, của khao khát muốn vượt qua, cũng như cái cảm giác khi thì thất bại, lúc khác lại thành công xua sự cô độc ra khỏi nhận thức của người đọc. Khi ấy điều mà tôi tin, và vẫn tin, chính là giữa một thế giới thừa mứa truyền thông, giàu bạo lực và thường trực bị xao nhãng kia, cái tài nguyên nghệ thuật cần kíp nhất chẳng còn là phê phán về khả năng ngữ nghĩa nữa - chính văn hóa đại chúng đã làm thay vai trò này. Thay vào đó, cái thiết yếu chính là sản sinh ra một ý nghĩa cưỡng lại sự xao nhãng. Chủ nghĩa tư bản tiêu thụ lớn mạnh từ việc song song tạo ra nỗi cô đơn của con người và biến hàng ngàn phương cách thoát khỏi cô đơn thành hàng hóa. Một dạng phản kháng chống lại huống trạng này là trải nghiệm một sự gần gụi giữa con người với nhau thông qua nghệ thuật và cuộc sống bằng cách bền bỉ chú tâm vào những gì nằm ngoài và vượt ra khỏi không gian của thị trường.
* * * 
Nói thì có vẻ đơn giản vậy, nhưng dĩ nhiên chuyện phức tạp hơn thế nhiều. Nhà văn không chỉ đơn giản là kẻ sáng tác ra những phương thức thỏa đáng hòng chống lại sự thâm nhập ngày càng sâu khoét của các giá trị thị trường. Chúng tôi - chính tôi - cũng bị giăng mắc trong cái văn hóa ấy như ải như ai. Thực tế, chính nhờ phản ánh mà tôi nhận ra rằng cách mình đang ra sức mô tả ở đây, cũng chính là cách thức chúng ta hình thành nên những thế giới tưởng tượng, cho phép tôi vừa tránh né lại cũng vừa nếm trải sự gần gụi giữa người với người. Nếu như ta dành cả đời vun đắp khả năng nặn nhào chuyện kể thì chính khả năng đó cũng có thể cản không cho chúng ta nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt.
Chẳng hạn nhiều năm về trước, vì những lý do nào đó không còn nhớ nổi, tôi gọi cho Susan, người từng được thuê coi giữ tôi thuở bé. Tôi không nhớ gọi chị ta để làm gì, có lẽ để đưa tin với chị về dì của tôi, người mà chị vẫn còn liên lạc. Bất luận là lý do gì, tôi cũng chẳng hề qua lại tiếng nào với chị ấy suốt nhiều năm. Chị từng coi sóc anh em nhà tôi hơn một thập kỷ, như người thân trong nhà. Khi ấy, chị đã ngoài tứ tuần, đang sống với mẹ ở nhà tại Massachusetts, nơi chị được nuôi lớn, và làm cho chính quyền địa phương.
Lúc chị nghe máy và nói với tôi chị đang ở trong ổ, tôi có thể hình dung ra dễ dàng - tấm thảm dày, chiếc tràng kỷ hõm sâu, phía trên phủ một chiếc mền, cửa sổ nhìn ra con dốc băng xuống đường. Nghe tiếng tôi sau ngần ấy năm chị rất ngạc nhiên. Tôi khiến chị vô cùng bất ngờ. Sau khi nghe tôi truyền tải xong những gì phải trao đổi, chị thổ lộ rằng nhận được cuộc gọi hôm ấy từ tôi, mà chẳng phải hôm nào khác, quả rất kỳ lạ.
Lý do ở chỗ chị vừa mới phát hiện mẹ chị đã bỏ bê khoản trả thuế nhà cửa nhiều năm ròng và địa phương đang sắp sửa tịch biên nhà họ. Có lẽ tôi vừa mang tới cho chị một sự đồng cảm e dè nào đó. Tôi còn nhớ trước khi cúp máy, chị có nói, “Với chị, có lẽ cậu là người gần giống một đứa con trai nhất.” Và điều tôi nhớ rõ nét nhất lại chẳng nằm ở những lời lẽ chị thốt ra, mà ở cách mà tôi nghe thấy chúng.
Tôi nghe lời chị nói như một câu viết trong truyện ngắn. Kể về một phụ nữ tứ tuần sống trong ngôi nhà nơi sinh ra và lớn lên, phát hiện ra rằng điều vừa nghe thấy sẽ thay đổi cuộc sống của mình, và rồi, một cách có chút gì đó lạ lùng, nhận cuộc gọi từ cậu bé mình từng coi giữ ngày trước; điều này khiến chị cảm thấy một sự thức tỉnh, bởi nhận thấy hóa ra chính mình sẽ không bao giờ có con. Tôi không nghe những gì chị Susan nói ra, và rồi sau đó lại nghĩ ngợi về tiềm năng hư cấu của những gì chị vừa nói. Đấy chẳng phải sự nối tiếp. Tôi tiêu hóa lời chị nói như một sản phẩm tưởng tượng. Trải nghiệm điều chị trải qua vào thời điểm ấy trong vai trò một nhân vật tưởng tượng chứ không như người thật, một nhân vật với số phận trên trang giấy mà tôi có thể kiểm soát, cũng giống như cưỡng lại thực tại mà tôi đang nghe thấy: rằng người phụ nữ từng góp công nuôi nấng tôi, người mà tôi từng yêu thương bằng lối yêu thương vô tư và trọn đầy của trẻ con, nhưng rồi lại hầu như chẳng hề gặp gỡ hàng bấy năm trời, vẫn còn dành tình cảm cho tôi.
Trong tiểu luận về Vua Lear, triết gia Stanley Cavell nêu ra một giải thích thuyết phục cho những nan đề dai dẳng trong vở kịch. Vì sao vua Lear lại từ bỏ cô con gái mình yêu thương nhất, Cordelia, sau khi cô dám từ chối không chịu bắt chước những tán dương giả lả, nịnh hót của hai cô chị về tình cảm họ dành cho ông? Ông từ bỏ Cordelia, theo Cavell, vì khi Cordelia chọn không muốn giả trá tình cảm, cô đã phơi tỏ chân tình dành cho ngài. Và đó chính là điều mà đức vua không sao chịu nổi. Ngài có thể đồng tình với trá tình giả ý bởi thứ tình cảm ấy không hề đòi hỏi sự thân thương, thấu hiểu về bản thân, cũng không cần ông nhìn nhận sự yếu đuối và cái chết của chính mình. Tình yêu đích thực, ngược lại, đòi hỏi phải có tất cả những thứ này. Ngài từ bỏ Cordelia như để từ chối không muốn hiểu về mình. Đó là bi kịch của nhà vua.
Giữa chị Susan và tôi chẳng xảy ra gì kịch tính cả. Thế nhưng một luận điểm của Cavell cho rằng một lúc nào đó trong đời, tất cả chúng ta đều là vua Lear. Chúng ta xua đuổi tình yêu bởi nó hiện trước mắt chúng ta như một đòi hỏi: để nhìn nhận nhu cầu của người khác, và nhu cầu của chính chúng ta; để nhìn vào sự vô thường hữu tận của cuộc đời họ, và của chính chúng ta. Tất cả chúng ta đều có phương tiện để né tránh sự vụ này. Là một đứa trẻ cô độc, và về sau trong tư cách một nhà văn, tôi đã đạt được sự né tránh ấy thông qua một “một sự đồng điệu bi thương”, phong kín hiện tại như thể nó đã là quá khứ.
Những nhận thức ấy chẳng dễ dàng gì phủi đi. Chúng ta trở thành chúng, và chúng cũng chính là chúng ta. Nhưng cũng tại đây một nghịch lý của viết lách tự hiển lộ dưới hình vóc thiên bẩm. Bởi bất kể viết lách đòi hỏi niềm cô đơn to tát đến đâu chăng nữa, nó vẫn là một nỗ lực hòng kết nối với người khác.
Trong suốt năm năm cố sức duy trì từ tuần này sang tuần nọ một niềm tin vào thế giới song song trong quyển sách đang viết, tôi đã và đang kiến tạo một gia đình tưởng tượng, một gia đình có rất nhiều nét tương đồng với gia đình ngoài đời thực của tôi, nhưng đồng thời vẫn chỉ mang tính tưởng tượng, cấu thành từ những khát khao, nhói đau, từ nhu cầu muốn nhào nặn chuyện đời còn bỏ ngỏ thành một chuyện kể có ý nghĩa, một dáng hình hữu lý. Đó là suy nghĩ của tôi về cứu cánh của nghệ thuật. Chính là để bắc nhịp cầu qua cái rãnh phân cách đau đáu giữa mỗi chúng ta, dùng chính trải nghiệm bản thân để thiết lập một cái gì đó có thể sẻ chia. Người nghệ sĩ tự triệt thoái cốt để trở về. 
Phần lớn nỗ lực của riêng  tôi là cố sức hình dung chuyện trở thành một ai khác, thay vì chính mình, sẽ như thế nào. Trong một vài trường hợp, đó là trở thành những người tôi đã từng yêu thương. Và trong nhiều cách tôi chẳng hề ngờ tới, làm như vậy đã mang tôi lại gần bên họ. 
k.