1. May mắn là một trong những người có cơ hội xem phim đầu tiên. Sau khi xem xong mình có thử lướt 1 vòng MXH, và ngạc nhiên là chỉ có 2 luồng suy nghĩ hoàn toàn đối lập, 1 bên là những bài đăng khen phim rất nhiều và có phần seeding trong các group, 2 là những bài review mang tính rất phiến diện, chê bai hầu như mọi thứ trong phim và phủ nhận hoàn toàn công sức của đoàn làm phim. Mình nghĩ mình nên viết 1 vài dòng review trung lập vì bản thân là một người cực kỳ thích nhạc Trịnh và Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ VN vĩ đại nhất đối với mình.
Dành cho những người không đủ kiên nhẫn để đọc hết bài viết này, để trả lời cho câu hỏi phim có hay và đáng xem không thì đối với mình là có, đặc biệt là với những người đã yêu thích và có một chút hiểu biết về Trịnh Công Sơn từ trước.
2. Những điểm làm mình thích nhất ở phim
_Dàn Cast
+ Đây là một lời khen dành cho đạo diễn khi đặt tên phim là Em Và Trịnh, vì quả thật các cô gái trong phim quá xuất sắc, mặc dù thời lượng phim và kịch bản còn hạn chế, mình sẽ nói kỹ hơn ở phần sau. Nổi bật nhất chắc là 3 cái tên Michiko, Bùi Lan Hương và Hoàng Hà. Mình cảm giác như 3 cô gái này sinh ra để đóng 3 vai này vậy. Vai diễn Michiko của Akari đóng vai trò như một dòng suối trong trẻo, dẫn người xem đi qua từng thước phim hồi ức của TCS. Bài hát mà Michiko hát ở đầu phim để chuyển cảnh từ hiện tại về quá khứ cũng là bài hát làm mình ấn tượng nhất phim vì nó quá mượt mà, làm mình đã rất kỳ vọng vào phần sau của bộ phim.
+ Về phần Bùi Lan Hương, như đã nói ở trên, ngay từ khi xem trailer, mình đã quyết tâm sẽ ra rạp ngay vì BLH toát ra 1 cái nét gì đó rất Khánh Ly, từ giọng hát cho tới nét tự nhiên như không diễn. Cho tới lúc bước chân ra khỏi rạp mình vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, không ngờ BLH lại có thể diễn hay như vậy, đối với mình BLH là một trong những ca sĩ trẻ có giọng hát lạ và kỹ thuật nhất hiện tại, quá phù hợp để đóng vai Khánh Ly - nàng thơ gắn liền với sự vĩ đại của âm nhạc TCS.
+ Nhưng điểm sáng nhất của phim chắc chắn là Hoàng Hà, Hoàng Hà cũng là một trong những lý do chính làm mình follow phim ngay từ khi biết dàn cast. Mình đã theo dõi Hoàng Hà từ những dự án nhỏ trước đó, cũng như Hoàng Dũng hay Kim Tuyên, có những tài năng chưa thật sự nổi tiếng mà mình mong 1 ngày sẽ đạt được thành công vì họ xứng đáng và Hoàng Hà là một trong số đó. Mình đã rất mong đợi Dao Ánh sẽ là điểm nhấn của phim, vì có thể nói Dao Ánh là mối tình đẹp nhất và quan trọng nhất đối với TCS từ màn ảnh nhỏ cho tới ngoài đời. Và thât may mắn là Hoàng Hà đã hoàn toàn chinh phục mình. Một nét đẹp ngây ngô của cô gái tuổi 16, một mối tình đẹp làm người nhạc sĩ day dứt cả 1 đời, tất cả đều đã được thể hiện trong phim.
_Hình ảnh, xây dựng bối cảnh
Sau khi coi phim và đọc chia sẻ của anh Chung Chí Công - đồng thiết kế sản xuất của phim, mình phải dành 1 tràng pháo tay cho nỗ lực xây dựng bối cảnh đoàn phim. Sự chỉn chu trong từng khung hình làm mình phải tấm tắc khen phim thật đẹp cả buổi. Tất nhiên không có gì là hoàn hảo, nhưng mà việc đoàn phim đã thật sự cố gắng đầu tư từng chút về bối cảnh thông qua lời kể của những người trong cuộc quả thật rất đáng trân trọng. Có những khung cảnh cứ ngỡ chỉ lờ mờ trong đầu qua những trang sách hay nghe 1 bản podcast cũ lại lần lượt hiện lên một cách đẹp đẽ nhất trong phim. Ấn tượng nhất đối với mình là cảnh nhảy của Michiko và TCS ở Đà Lạt, cảnh Dao Ánh ở sân ga. Từng khung hình đẹp không thua gì một bộ phim nước ngoài.
_Âm nhạc:
+Đây chắc chắn là yếu tố mà mỗi người ra rạp mong đợi nhất ở phim này. Mình nghĩ là phim đã làm tốt ở khoản này, đặc biệt là việc hầu hết các ca khúc trong phim đều được chính các diễn viên tự hát, đem lại một sự hài hòa nhất định về mặt cảm xúc. Từng ca khúc bất hủ của TCS vang lên làm mình cảm thấy rất bồi hồi, và mình tin là những người yêu nhạc Trịnh cũng sẽ cảm thấy vậy. Ngoài ra thì những bản hòa tấu không lời cũng được biên soạn một cách tỉ mỉ và tròn trịa.
+Duy chỉ có một vài điểm chưa ổn, điển hình là việc sự phân bố của âm nhạc trong phim chưa đồng đều, có lúc thì khá dồn dập liên tiếp làm cảm giác như đạo diễn đang cố để đem được càng nhiều bài hát vào càng tốt, có cảnh cần thêm nhạc thì lại bị thiếu. Thêm một hạn chế nữa có lẽ do các diễn viên chưa có một khoảng thời gian dài hát nhạc Trịnh như các danh ca, nên âm nhạc tuy hay nhưng hơi trôi, khá khó để bước ra rạp mà thực sự ấn tượng với một ca khúc nào nếu không phải là người nghe nhạc Trịnh từ trước.
3. Bao nhiêu lời khen ở trên có lẽ là đủ, giờ đến phần điểm trừ đối với mình.
_ Kịch bản, thoại phim
+Đầu tiên có thể thấy rõ nhất là phần kịch bản, đây chưa bao giờ là điểm mạnh của Phan Gia Nhật Linh. Với mình thì phim quá ngắn và thiếu hụt về mặt cảm xúc. Mình đã khá bứt rứt khi bước ra khỏi rạp, và ước phim có thêm khoảng 30-45p chia đều cho mỗi nàng thơ, cho mẹ của TCS cũng như nhóm bạn của ông thêm khoảng 5p, để khán giả có thể thấy chemistry giữa các nhân vật phụ và TCS rõ ràng hơn, cũng như mỗi câu chuyện nhỏ có cái kết thỏa đáng hơn. Đạo diễn đã ôm đồm quá nhiều nhân vật, câu chuyện, từ tình yêu cho tới thời chiến dẫn đến không câu chuyện nào được giải quyết trọn vẹn.
+Người phụ nữ TCS yêu nhất là mẹ ông cũng đã không có được mối liên kết đủ bền chặt để người xem đồng cảm với TCS ở những cảnh cuối phim. Kể cả Dao Ánh hay Khánh Ly cũng phải tự cứu lấy nhân vật của mình bằng diễn xuất thay vì 1 kịch bản đủ tốt và trọn vẹn. Phim đã hoàn toàn có thể cắt bớt 1 vài tuyến truyện phụ để tập trung nhiều hơn vào những mạch chuyện chính nhưng rất tiếc lại không. Đạo diễn có một dàn cast quá chất lượng nhưng lại không tận dụng được. Có lẽ điểm cứu cho phần kịch bản còn lỏng tay này việc cho Michiko làm đường dẫn truyện, dẫn đến việc có thể tạm chẹp lưỡi cho qua vì cứ coi như mỗi phân cảnh trong phim là một hồi ức đứt quãng của nhạc sĩ, nên thiếu liền mạch âu cũng là lẽ tất yếu.
+Thoại phim: Phần này thì việc phim trân trọng nguyên tác, đưa những câu văn mà TCS đã nói/đã viết vào phim là đáng khen. Chắc nhiều người sẽ thấy hơi sượng khi nghe Avin đọc những lá thư viết cho Dao Ánh, nhưng thực tế TCS đã viết nguyên văn như vậy. Và có những lời chỉ hay nhất khi đọc thầm trong đầu chứ nói ra thì sẽ hơi gượng. Tuy nhiên điểm mình không hài lòng không phải là những lời thư, mà là việc các câu thoại khác của TCS cả 2 phiên bản đứng tuổi và trẻ đều rất thiếu tự nhiên, cảm giác như ngoài đọc thư, diễn viên còn đang đọc thoại chứ không phải diễn. Hạn chế lớn nhất chính là vì bất đồng ngôn ngữ vùng miền, quả thật việc bắt diễn viên không phải người Huế tập nói tiếng Huế quá khó, và rất tiếc là phim đã thất bại trong khoản này.
_Diễn viên
+Thật ra lúc đầu đây là điểm trừ đối với mình nhưng sau khi coi phim mình đã ít nhiều thay đổi. Diễn viên chỉ có 1 vai mình không thích từ đầu và rất tiếc đó lại là vai chính của phim. Avin Lu từ trailer đã không toát ra cái vẻ phong trần và sương gió của TCS mà thiên về nét hơi nhu nhược, thêm phần phải giả giọng Huế không tới làm mình phải đặt 1 dấu hỏi rất lớn trước khi ra rạp. Tuy nhiên sau khi xem xong thì mình đã thông cảm hơn, đặc biệt là những cảnh đàn hát không thoại của Avin vẫn ổn, đặc biệt phải lặp lại thêm một lần nữa "Em và Trịnh" - dàn cast nữ từ những bóng hồng cho tới những người mẹ đều đã giúp nâng tầm nam chính lên khá nhiều.
_Truyền thông:
Đáng lẽ nếu chỉ có những ý ở trên thì mình đã không phải viết thêm những dòng này. Nhưng quả thật điểm làm mình bất mãn nhất là việc các nhà phát hành phim đã tạo ra 2 phiên bản và PR đây là 2 phiên bản khác nhau khai thác 2 hành trình riêng biệt. Mình ra rạp xem phim "Trịnh Công Sơn" với mong đợi được xem trọn vẹn những cảnh còn thiếu Và phim này có thể nói là một sự lừa dối và coi thường khán giả trắng trợn, mình chẳng cần phim phải xuất sắc hay gì, nhưng không tin được là các nhà sản xuất có thể đưa ra một phiên bản chẳng khác gì bản kia và chỉ đơn giản là cắt đi cảnh của Michiko, thêm 1 vài câu thoại cho có. Nếu đặt mình ở tâm thế của một người chưa từng xem phim Em và Trịnh thì phim này quá tệ về mặt kịch bản, vì như đã nói ở trên, bản phim kia vẫn còn ngắn và thiếu hụt về lời giải cho các câu chuyện. Bản phim này còn ngắn hơn và trôi tuột đi một cách vô nghĩa và chẳng đem lại gì ngoài việc kiếm thêm tiền cho nhà phát hành. Lần đầu mình bước chân ra rạp mà cảm thấy bị như bị lừa và chân thành khuyên nếu bạn có thích TCS thì hãy xem "Em và Trịnh" chứ đừng ra rạp xem phim kia để khỏi phải tốn tiền vô nghĩa và rước bực vào người như mình.
4. Lời kết
Tính mình thì vẫn luôn công bằng, cái gì ra cái nấy. Mặc dù đã có một trải nghiệm rất tệ với phim "Trịnh Công Sơn" nhưng nếu đặt riêng "Em Và Trịnh" lên bàn cân thì đây vẫn là một phim đáng xem, đáng trân trọng vì nỗ lực của dàn cast cũng như đoàn phim để đem đến những hình ảnh gần gũi hơn của một huyền thoại nhạc âm nhạc nước ta. Mình mong mỗi người nếu đã có công ra rạp sẽ dành thêm chút thời gian để đọc và hiểu thêm về TCS để không hiểu nhầm về ông sau khi xem phim. TCS tuy mang tiếng đào hoa đa tình nhưng thât sự tình cảm hơn 30 năm dành cho Dao Ánh đã nói lên sự chung tình của ông. Bỏ qua những điểm trừ, bản thân mình sau khi xem phim xong đã càng ngưỡng mộ TCS hơn, mình đã phải đặt ngay cuốn sách chứa những lá thư của TCS viết cho Dao Ánh vì mối tình này quá đẹp và đem lại cho mình nhiều cảm hứng. Hãy ra rạp nếu là 1 người yêu nhạc Trịnh, ít nhiều phim sẽ đem lại cho ta một góc nhìn gần gũi hơn về một tượng đài âm nhạc bất hủ, như vậy đã là một thành công rồi.