Ngày 10 tháng 3 năm 2024 vừa qua, lễ trao giải Oscar thứ 95 đã chính thức diễn ra. Không nằm ngoài dự đoán, tác phẩm 'Oppenheimer' của đạo diễn Christopher Nolan đã xuất sắc giành 7 tượng vàng Oscar các hạng mục quan trọng. Bộ phim kể về tiểu sử của Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử… “Khoan, không phải Einstein à?” - Hẳn nhiều người đến đây sẽ ngỡ ngàng khi nhận ra rằng bấy lâu nay, mình đã nhớ nhầm.
Đúng vậy, Albert Einstein thực ra không phải là cha đẻ của bom nguyên tử như mọi người vẫn tưởng. Nhưng quả đúng là nếu không có những nền móng do vị bác học vĩ đại của toàn nhân loại này thì có lẽ không chỉ bom nguyên tử mà nhiều thứ có tác động to lớn đến đời sống khác đều sẽ chẳng thể ra đời, và thế giới sẽ rất khác so với hiện tại. Nhưng mặt khác, Albert Einstein vẫn có những góc tối mà có rất ít người biết tới. 
Vậy, rốt cuộc Einstein là ai, đã làm những gì mà sức ảnh hưởng của ông ấy lại lớn tới vậy?

I, Cuộc đời Einstein phi thường thế nào?

1, Từ một đứa trẻ khác lạ

Ngay từ khi sinh ra, Einstein đã tỏ ra là một đứa trẻ khác thường. Người ta bảo rằng khi chào đời, Einstein là một cậu bé có cái đầu to hơn bình thường khiến mẹ của ông khó khăn trong quá trình sinh nở. Các bác sĩ đã rất vất vả mới có thể đưa ông ra khỏi cơ thể mẹ một cách an toàn. Không chỉ có cái đầu to bất thường, ngoại hình của Einstein lúc mới sinh ra đã không được "thuận mắt". Bác sĩ và y tá đều cho rằng lớn lên, ông sẽ mắc chứng bệnh chậm phát triển. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng họ hoàn toàn sai. Mặc dù có chút khó khăn trong khả năng nói và đôi chút tự kỷ, nhưng cậu bé Einstein vẫn học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên ở trường. Ngoài học giỏi trên lớp, Einstein còn có tài năng và đam mê âm nhạc. Từ lúc 5 tuổi, ông đã có thể chơi nhạc và càng bộc lộ niềm yêu thích âm nhạc khi bước sang tuổi 13. Ông thường tham gia chơi nhạc thính phòng với một vài nghệ sĩ và biểu diễn cho một vài người bạn của ông.
Khi lớn lên, gia đình Einstein chuyển tới Ý sống trong khi ông phải ở lại Munich để tiếp tục con đường học vấn. Bố ông dự tính sẽ cho ông theo học ngành kỹ thuật điện. Thế nhưng, Einstein không ưa gì hội đồng giáo dục tại đây. Lí do là bởi ông cho rằng phương pháp giáo dục của họ quá giáo điều và cũ kĩ, trong khi Einstein là người tò mò, thường hay tự đặt câu hỏi vượt khỏi khuôn khổ kiến thức truyền thống. Sau này, Einstein còn viết rằng:
“Tính sáng tạo của loài người sẽ bị mất đi nếu cứ tiếp tục phương pháp dạy và học thuộc lòng như thế”.
Tháng 9 năm 1896, Einstein chính thức tốt nghiệp bậc học phổ thông của Thụy Sĩ với điểm số cao ở nhiều môn, đặc biệt là điểm tuyệt đối ở 2 môn Toán và Vật lý. Ở tuổi 17, ông đỗ vào chương trình cử nhân sư phạm Vật lý và Toán học của trường ETH Zürich. 
Cũng trong cùng năm này, Mileva Marić, người vợ tương lai của Einstein, cũng vào trường ETH Zürich để học Sư phạm Toán và Vật lý. Đặc biệt hơn, bà lại còn là thiếu nữ duy nhất trong 6 sinh viên của lớp học. Tình bạn giữa 2 người sau này  sẽ phát triển thành tình yêu, kéo theo nhiều hệ lụy tới cuộc đời của cả hai. Nhưng chúng ta sẽ bàn tới lịch sử tình trường của ông sau.
Năm 1900, Einstein tốt nghiệp cử nhân sư phạm ETH Zürich. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học của ông chính thức được khai mở.

2, Cho tới một nhà khoa học có tầm nhìn vượt xa Thời Đại

Sau khi tốt nghiệp đại học, Einstein đã mất gần hai năm khó khăn trong việc tìm một vị trí giảng dạy để có thu nhập ổn định. Cuối cùng, bố của một người bạn thân ông, nhờ quen biết với Giám đốc Cục sáng chế đã giúp ông trở thành thẩm định viên tại Cục sáng chế Liên bang Thụy Sĩ. Trong thời gian làm việc ở nơi đây, ông chủ yếu thực hiện đánh giá các sáng chế cho các thiết bị điện từ. Năm 1903, ông vào biên chế lâu năm của Cục.
Có thể nói, công việc trong quãng thời gian này có ảnh hưởng to lớn tới các lý thuyết khoa học của ông về sau. Thông qua các thí nghiệm tưởng tượng về việc truyền tín hiệu và sự đồng bộ hóa của đồng hồ, ông đã đạt đến những ý tưởng mang tính cách mạng của mình về không gian, thời gian và ánh sáng. Những vấn đề cũng được đề cập đến trong một số phát minh được gửi đến để nhận được đánh giá từ ông.
Dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian này, Einstein đã cùng với những người bạn ông gặp ở Bern thành lập một câu lạc bộ thảo luận hàng tuần về khoa học và triết học, mà ông nói đùa là "Viện hàn lâm Olympia". Họ thảo luận về các nghiên cứu các triết gia, khoa học gia nổi tiếng. Nhiều chủ để trong đây có ảnh hưởng tương đối lớn đến sự nghiệp của Einstein sau này. 

II, Một nhà khoa học vĩ đại

Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, Einstein đã xuất bản hàng trăm cuốn sách và bài báo. Ông đã xuất bản hơn 300 bài báo khoa học và 150 bài báo phi khoa học. Vào ngày 5 tháng 12 năm 2014, các trường đại học và cơ quan lưu trữ công bố công bố các bài báo của Einstein, bao gồm hơn 30.000 tài liệu độc đáo. Ngoài công việc tự mình thực hiện, ông còn hợp tác với các nhà khoa học khác trong các dự án bổ sung bao gồm số liệu thống kê Bose–Einstein, tủ lạnh Einstein và những dự án khác…
Với sự đóng góp của Einstein, nền khoa học tự nhiên của thế giới đã được nâng cao đáng kể. Ông đã mở ra một thế giới mới của những khái niệm, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, từ đó tạo ra những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như vật lý, hóa học, toán học, thiên văn học và khoa học vật liệu. Với các phát minh của mình như Thuyết tương đối, Công thức thể hiện mối tương quan giữa khối lượng và năng lượng (E = mc²), Thuyết lượng tử ánh sáng và nhiều phát minh khác, Einstein đã mở ra một cánh cửa mới cho nền khoa học, đưa nó tiến bộ và phát triển đáng kể.

1, Năm điều kì diệu thay đổi thế giới

Ngày 30 tháng 4 năm 1905, Einstein hoàn thành luận án tiến sĩ của mình dưới sự hướng dẫn của giáo sư vật lý thực nghiệm Alfred Kleiner. Luận án của ông có tiêu đề "Một cách mới xác định kích thước phân tử". Sau đó, ông được trao bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich vào ngày 15 tháng 1 năm 1906. Trong cùng năm, ông công bố bốn bài báo đột phá về “hiệu ứng quang điện (lượng tử ánh sáng)”, “chuyển động Brown”, “thuyết tương đối hẹp”, và “sự tương đương khối lượng và năng lượng” (tức công thức E=mc2 trong đó E là năng lượng, m là khối lượng, và c là tốc độ ánh sáng trong chân không), khiến ông được chú ý tới trong giới hàn lâm trên toàn thế giới. Ngày nay, các nhà khoa học gọi bốn bài báo này cộng với luận án tiến sĩ trước đó của ông là Năm điều kỳ diệu của Einstein.
Nổi bật nhất trong bốn bài báo, đó là Thuyết tương đối. Lý thuyết này của Einstein đã thay đổi cách nhìn của con người về không gian, thời gian, vật chất và năng lượng. Gần cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học tin rằng không gian được lấp đầy bởi vật chất gọi là aether và ánh sáng là các sóng truyền trong aether đó. Tuy nhiên, các thí nghiệm về sau đã chứng minh rằng tốc độ ánh sáng không thay đổi theo hướng và góc độ nhìn từ trái đất. Bằng sự thiên tài của mình, Einstein đã nhận ra rằng lí do cho hiện tượng này, đó là bởi không gian và thời gian không phẳng, mà được bẻ cong do sự hiện diện của vật chất. Với mục đích làm rõ hiện tượng đó, ông đã phát triển các phương trình mô tả sự cong của không gian và thời gian, và chứng minh rằng lực hấp dẫn là dẫn xuất từ sự cong này. Như thế, sự xác lập của thuyết tương đối đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về không gian và thời gian. Đây là một phát hiện đột phá, đưa ra một cách tiếp cận mới về vật lý và mở ra một loạt các phát minh khác như mô hình vũ trụ, viễn thông, máy tính và nhiều lĩnh vực khác.
Tiếp theo, công thức E=mc² của Einstein đã giúp ta hiểu rõ hơn về quan hệ giữa vật chất và năng lượng, và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của năng lượng hạt nhân và các ứng dụng của nó. Có thể nói, Einstein đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành năng lượng nguyên tử. Những ứng dụng của nó như lò phản ứng hạt nhân, bom nguyên tử… đều có sự góp sức to lớn của ông.
Về chuyển động Brown, tuy hiện tượng này đã được phát hiện ra từ rất lâu về trước vào năm 1827, khi nhà thực vật học người Anh Robert Brown quan sát thấy chuyển động “tự phát ngẫu nhiên” của hạt phấn hoa trong nước. Tuy thế, hiện tượng này chỉ được biết đến rộng rãi sau nghiên cứu của Albert Einstein vào năm 1905, về tính chất định lượng của nó. Từ một loại chuyển động hỗn độn khó hiểu, Einstein cùng nhiều nhà khoa học khác đã cho thấy đó là sự hỗn loạn có quy luật, góp phần làm rõ hơn các quy luật chuyển động của phân tử trong không gian và mang tới nhiều ứng dụng to lớn trong ngành vật lý về sau.
Cuối cùng, thuyết lượng tử ánh sáng của Einstein đã giải thích được nhiều hiện tượng quang học khó hiểu trước đó và mở ra một cánh cửa mới cho lĩnh vực này. Đó là bước đột phá đầu tiên trong sự phát triển của lý thuyết lượng tử và đã đóng góp rất nhiều cho công nghiệp hiện đại nhưng cũng mở ra nhiều câu hỏi lớn cho khoa học.
Như vậy, có thể nói, với các phát minh của mình, Einstein đã thay đổi cách nhìn của con người về vũ trụ, mở ra một loạt các cánh cửa mới cho khoa học và công nghệ và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền khoa học thế giới. Einstein đã trở thành một biểu tượng của sự sáng tạo. Điều này đã có tác động lớn đến công nghiệp và cả cuộc sống của con người.

2, Bước tới đỉnh cao với thuyết tương đối rộng

Năm 1908, chỉ sau 5 năm kể từ lúc chính thức bước chân vào giới khoa học, Einstein đã làm được một điều không tưởng: giành được sự ngưỡng mộ từ toàn thể các nhà khoa học khác. Giới hàn lâm khi ấy coi ông là nhà khoa học hàng đầu, và Đại học Bern mời ông về làm giảng viên của trường. Các năm sau, ông viết đơn thôi việc tại Cục bằng sáng chế và cũng thôi vị trí giảng viên để đảm nhiệm chức danh Privatdozent (một học vị đặc biệt tại Đức) về vật lý tại Đại học Zürich.
Albert Einstein chụp ở phòng giám đốc trên phòng gác mái viện Kaiser Wilhelm
Albert Einstein chụp ở phòng giám đốc trên phòng gác mái viện Kaiser Wilhelm
Ông trở thành giáo sư thực thụ tại Đại học Karl-Ferdinand (nay là Đại học Charles) ở Praha năm 1911. Năm 1914, ông trở lại Đức sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc của Viện Kaiser Wilhelm về vật lý (giai đoạn 1914–1932) và giáo sư tại Đại học Humboldt, Berlin, với một điều khoản đặc biệt trong bản hợp đồng cho phép ông được tự do trước những nghĩa vụ giảng dạy. Ông trở thành thành viên của Viện hàn lâm khoa học Phổ. Năm 1916, Einstein được bổ nhiệm làm chủ tịch của Hội Vật lý Đức (giai đoạn 1916–1918).
Do lý thuyết tương đối (hẹp) còn nhiều tiềm năng để phát triển và vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời nên Einstein quyết định sẽ phát triển thêm cho thuyết này trong tương lai. Trong năm 1911, dựa trên những suy luận có từ năm 1907 về nhu cầu mở rộng thuyết tương đối hẹp, ông đã tìm ra hiện tượng dịch chuyển đỏ do hấp dẫn, và ước đoán cho độ lệch của tia sáng phát ra từ ngôi sao ở xa sẽ bị lệch bởi trường hấp dẫn của Mặt Trời. Đây chính là cốt lõi cho một lý thuyết còn vĩ đại hơn cả thuyết tương đối hẹp: đó là thuyết tương đối rộng. Cuối năm 1915, ông đã công bố thuyết tương đối rộng với giới học thuật. Vào thời điểm này, lý thuyết đã dần có dạng giống với phiên bản hiện nay.
Ước đoán của Einstein sau đó được xác nhận bởi đoàn thám hiểm người Anh dẫn đầu bởi Arthur Eddington trong quá trình theo dõi nhật thực vào ngày 29 tháng 5 năm 1919. Tuy vậy giá trị ước đoán chỉ bằng một nửa so với giá trị chính xác. Dù vậy, đây vẫn là một dấu mốc quan trọng cho thấy hướng đi đúng đắn của ông. Các tờ báo quốc tế nhanh chóng đăng tải sự kiện này và Einstein bỗng chốc trở nên nổi tiếng toàn thế giới, ngay cả với những người chẳng có chút kiến thức khoa học nào. Ngày 7 tháng 11 năm 1919, tờ báo tin tức hàng đầu của Anh, The Times in một dòng chữ tựa đề trên trang nhất viết là:
"Cách mạng trong Khoa học – Lý thuyết mới về Vũ trụ – Các tư tưởng của Newton đã bị lật nhào".
Einstein đọc diễn văn khi nhận giải Nobel
Einstein đọc diễn văn khi nhận giải Nobel
Sau này, Einstein đã tìm ra được phương trình trung tâm cho thuyết tương đối rộng, nhờ đó các kết quả dự đoán về sau đã hoàn toàn chuẩn xác. Cũng bởi lẽ đó, năm 1921, Einstein vinh dự nhận giải Nobel Vật lý. Do thuyết tương đối là một thuyết vẫn còn đang tranh cãi trong giới học thuật, nên hội đồng giải Nobel đã trao giải cho ông vì những giải thích về hiện tượng điện quang và các đóng góp cho vật lý. Ông cũng nhận huy chương Copley từ Hội Hoàng gia năm 1925.

III, Một con người hết lòng vì Nhân loại

Bận bịu với công việc là thế, nhưng Einstein vẫn có khá nhiều trăn trở về những trường phái tư tưởng, chính trị trên thế giới. Có thể nói, những đóng góp của ông cho nền hòa bình thế giới cũng lớn lao chẳng kém gì những đóng góp của ông cho khoa học tự nhiên cả.

1, Căm ghét chiến tranh

Đầu tiên, Einstein là một người luôn thể hiện rõ quan điểm phản đối chiến tranh của mình. Tháng 2 năm 1933 khi đang thỉnh giảng ở Hoa Kỳ, Einstein đã quyết định không trở lại nước Đức bởi vì Đảng Quốc xã, một phe phái hiếu chiến lên nắm quyền. Ông tới Bỉ bằng tàu biển vào cuối tháng 3. Trong chuyến hành trình, ông nghe được tin ngôi nhà và chiếc thuyền buồm của ông ở Berlin đã bị Đảng viên Quốc Xã tịch thu. Ngay khi đến Antwerp, Bỉ vào ngày 28 tháng 3, ông đã bày tỏ thái độ phản đối bằng cách đến lãnh sự quán Đức để từ bỏ quyền công dân. Như vậy, Einstein đã tỏ rõ mình không muốn dính líu tới quốc gia độc tài hiếu chiến này.
Sau đó Einstein tạm trú tại Bỉ trong một vài tháng trước khi chuyển sang Anh. Cũng trong thời gian này, ông và nhiều trí thức Do Thái khác bị bài trừ khỏi xã hội Đức. Các nghiên cứu làm nên tên tuổi một thời của ông nay trở thành mục tiêu để Đảng Quốc xã công kích, chế nhạo. Trong một bức thư gửi cho người bạn, nhà vật lý Max Born, người cũng đã rời nước Đức để chuyển sang sống tại Anh, Einstein cay đắng viết:
"... Tôi phải thừa nhận rằng sự tàn bạo và hèn nhát đến một cách thật bất ngờ".
Sau nửa năm sống và nghiên cứu tại Anh, tháng 10 năm 1933, Einstein quay trở lại Hoa Kỳ, nơi mà ông cho là phù hợp nhất với quan điểm sống của mình. Đến năm 1935 ông chính thức nộp đơn xin nhập tịch công dân Mỹ và tới năm 1940 thì được phê duyệt. Nói về văn hóa Mỹ, ông đánh giá cao "chế độ nhân tài" và “dân chủ” của quốc gia này. Einstein viết:
“Sự mới mẻ đến với đất nước này là đặc điểm dân chủ trong nhân dân. Không ai hạ mình trước người khác hay tầng lớp khác... Thanh niên Mỹ có may mắn không phải đối mặt với các rắc rối từ những truyền thống lỗi thời”.
Dù vậy, tuy coi chiến tranh là căn bệnh và kêu gọi chống lại chiến tranh, nhưng Einstein cũng sẵn sàng ủng hộ những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Năm 1933, sau khi Hitler trở thành lãnh đạo tối cao ở Đức, ông đã khẩn thiết kêu gọi các nước phương Tây hãy chuẩn bị sẵn sàng để chống lại sự tấn công của Đức Quốc Xã trong tương lai.

2, Bình đẳng bác ái

Thứ hai, đó là Einstein mang chủ trương bình đẳng. Yêu nước Mỹ là thế, nhưng ông, vốn là một người mang trong mình dòng máu Do Thái đang bị đàn áp tại Đức, nên cũng ghét cay ghét đắng nạn phân biệt chủng tộc vốn đang diễn ra trong xã hội Hoa Kỳ. Ông liên tục tham gia các phong trào chống đối sự phân biệt chủng tộc tại đây, cũng như liên tục thể hiện sự tự hào khi là một người Do Thái.
Trong suốt thời gian hoạt động đấu tranh của mình, Einstein là thành viên của nhiều nhóm quyền công dân, bao gồm đại hội Princeton của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP). Khi W.E.B. Du Bois bị cáo buộc làm gián điệp Cộng sản, Einstein đã tình nguyện làm nhân chứng, và cáo buộc đã được bác bỏ ngay sau đó. Tình bạn của Einstein với nhà hoạt động Paul Robeson kéo dài đến 20 năm. Cả hai cùng giữ chức đồng chủ tịch của Cuộc vận động người Mỹ nhằm chấm dứt phân biệt đối xử với người da màu.
Bởi những hoạt động chính trị-xã hội tích cực này mà ông đã từng được Thủ tướng Ben Gurion mời làm Tổng thống Israel khi quốc gia này đang trong giai đoạn thành lập. Tuy nhiên, nhìn thấy trước viễn cảnh thống khổ sẽ xảy ra với người dân Palestine, ông từ chối:
“Kính gửi ngài đại sứ. Tôi rất cảm động về lời đề nghị trở thành tổng thống Israel nhân danh Thủ tướng Ben Gurion, nhưng cũng rất buồn vì phải từ chối lời đề nghị này. Do cả cuộc đời của tôi chỉ biết cống hiến cho khoa học nên tôi cho rằng mình không đủ tố chất và kinh nghiệm để điều hành công việc của một quốc gia. Hơn nữa, tuổi tác và sức khỏe là rào cản vô hình khó có thể giúp tôi hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Thế nhưng cho dù có ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một người Do Thái. Ước nguyện của tôi là muốn thấy một Nhà nước Do Thái chung sống hòa bình với các dân tộc Arab khác. Tôi hy vọng đất nước Israel sẽ tìm được một người kế thừa xứng đáng cho cố Tổng thống Weizmann”.
Lí do là bởi tuy Einstein tự coi mình là thành viên của phong trào Chủ nghĩa phục quốc Do Thái và ủng hộ quyền của người Do Thái được trở về Palestine, nhưng ông cũng ủng hộ sự bình đẳng “một Palestine tự do, hai quốc gia” trong đó người Do Thái và người Ả Rập sẽ chia sẻ chủ quyền. Trong một lá thư gửi Thẩm phán Jerome Frank năm 1945, Einstein viết:
“Chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng có ảnh hưởng rất tốt đến người Do Thái… Những người Do Thái có cảm giác mạnh mẽ về tình đoàn kết dân tộc Do Thái được trang bị tốt hơn nhiều để vượt qua mọi nguy hiểm và các nguy cơ bằng phẩm giá… [nhưng] Tôi rất ghét chủ nghĩa dân tộc - thậm chí cả chủ nghĩa dân tộc của người Do Thái. Nhưng tinh thần đoàn kết dân tộc của chúng ta bị ép buộc bởi một thế giới thù địch, chứ không phải do cảm giác hung hăng mà chúng ta gắn với từ 'Chủ nghĩa dân tộc'”.
Hay như trong một lá thư khác năm 1946 gửi Maurice Dunay, ông nhấn mạnh:
"Tôi ủng hộ việc Palestine được phát triển như một Quê hương của người Do Thái, nhưng không phải là một quốc gia riêng biệt".

3, Lên án sự trục lợi từ khoa học

Dù yêu hòa bình và đề cao chủ nghĩa dân tộc, Einstein vẫn có một quyết định khiến ông phải hối hận cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay - bom nguyên tử.
"Tôi không biết trong chiến tranh thế giới lần thứ ba, sẽ sử dụng loại vũ khí gì. Nhưng tôi biết chắc rằng, trong chiến tranh thế giới thứ tư người ta sẽ chỉ có thể dùng gậy gộc và đá!"
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1939, khi một nhóm các nhà khoa học Hungary bao gồm nhà vật lý Leó Szilárd cố gắng cảnh báo Washington rằng phe Quốc xã đang thực hiện các nghiên cứu bom nguyên tử. Tuy vậy, cảnh báo của nhóm đã không gây sự chú ý đến giới chính trị. Einstein và Szilárd, cùng những nhà khoa học tị nạn khác gồm Edward Teller và Eugene Wigner, "coi họ có trách nhiệm để cảnh báo người Mỹ về khả năng chế tạo thành công bom nguyên tử của các nhà khoa học Đức, và rằng Hitler rất quyết tâm có được một thứ vũ khí như vậy." Hè 1939, vài tháng trước khi nổ ra chiến tranh ở châu Âu, Szilárd khuyên mời Einstein ký vào một bức thư gửi đến tổng thống Franklin D. Roosevelt để cảnh báo ông về khả năng này. Bức thư cũng đề cập đến chính phủ Hoa Kỳ nên họ đã chú ý và tham gia trực tiếp vào nghiên cứu urani cũng như chuỗi phản ứng dây chuyền.
Bức thư được cho là có khả năng "thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho phép nghiên cứu vũ khí hạt nhân". Tổng thống Roosevelt không thể gánh rủi ro khi Hitler sở hữu bom nguyên tử trước. Vậy là Hoa Kỳ tham gia vào cuộc "chạy đua" phát triển bom, tập trung vào đây rất nhiều nguồn lực tài chính, vật liệu, cơ sở cũng như tập hợp các nhà khoa học lớn vào dự án Manhattan, trong đó có Oppenheimer, người được mệnh danh là cha đẻ của bom nguyên tử. Kết quả như thế nào thì chúng ta cũng đã đều biết.
Sau Thế chiến thứ II, khi sự thù hằn giữa các nước đồng minh cũ trở nên căng thẳng. Nhiều nước đã sở hữu bom hạt nhân, và một cuộc chiến hạt nhân có nguy cơ đến gần. Nhận ra nguy cơ đó, Einstein cùng hai nhà khoa học khác là  With Albert Schweitzer và Bertrand Russell đã tích cực vận động để dừng việc thử nghiệm hạt nhân và bom trong tương lai. Năm 1954, một năm trước khi qua đời, Einstein kể cho người bạn già của mình, Linus Pauling rằng: 
"Tôi đã gây ra một trong những lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời — đó là khi tôi ký vào bức thư gửi tổng thống Roosevelt khuyến nghị nên chế tạo bom nguyên tử; với một số biện hộ — sẽ nguy hiểm hiểm nếu người Đức có được nó...".

3, Quan điểm tiến bộ về chính trị

Có thể nhiều người sẽ bất ngờ, nhưng quan điểm chính trị của Einstein, một người đã chọn trở thành công dân Mỹ, lại ủng hộ chủ nghĩa xã hội và phê phán chủ nghĩa tư bản. Điều này đã được ông trình bày chi tiết trong các bài tiểu luận của mình là "Tại sao nên theo chủ nghĩa xã hội?". 
Tuy cũng là ủng hộ chủ nghĩa xã hội, nhưng trái với xu hướng tung hô một chiều của nhiều người theo xã hội chủ nghĩa, Einstein luôn đưa ra các phê bình của mình một cách thẳng thắn. Năm 1925, ông chỉ trích Bolsevik là “không có hệ thống chính quyền được quản lý tốt" và gọi sự cai trị của họ là "chế độ khủng bố và một thảm kịch trong lịch sử nhân loại". Sau đó, ông đã áp dụng một quan điểm ôn hòa hơn, chỉ trích các phương pháp của họ nhưng lại ca ngợi kết quả của chúng, điều này được thể hiện qua nhận xét năm 1929 của ông về Vladimir Lenin:
“Ở Lenin, tôi tôn vinh một con người đã hy sinh toàn bộ bản thân mình, cống hiến toàn bộ sức lực để đem đến công bằng xã hội. Tôi không thấy phương pháp của anh ấy là phù hợp. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: những người như ông là những người bảo vệ và đổi mới lương tâm nhân loại.”
Einstein cũng có ấn tượng sâu sắc về Mahatma Gandhi, người mà ông đã trao đổi nhiều qua thư từ. Ông mô tả Gandhi là "hình mẫu cho các thế hệ mai sau". Mối liên hệ ban đầu được thiết lập vào ngày 27 tháng 9 năm 1931, khi Wilfrid Israel đưa vị khách Ấn Độ VA Sundaram đến gặp người bạn Einstein tại ngôi nhà mùa hè của ông ở thị trấn Caputh. Sundaram là đệ tử và đặc phái viên của Gandhi, người mà Wilfrid Israel đã gặp khi đến thăm Ấn Độ và thăm nhà của nhà lãnh đạo Ấn Độ vào năm 1925. Trong chuyến thăm, Einstein đã viết một bức thư ngắn cho Gandhi và lá thư này được chuyển cho ông thông qua phái viên của ông, và Gandhi đã nhanh chóng trả lời bằng lá thư của mình. thư riêng. Mặc dù cuối cùng Einstein và Gandhi không thể gặp nhau như họ mong đợi nhưng mối liên hệ trực tiếp giữa họ đã được thiết lập thông qua Wilfrid Israel.

IV, Những góc tối trong cuộc đời

Đến đây thì bạn tưởng rằng Einstein là một con người hoàn hảo, một hình mẫu lí tưởng đúng không nào. Cơ mà rất tiếc, nhân vô thập toàn. 

1, Một người chồng tệ

Các bạn còn nhớ cô gái đồng môn Mileva Marić mà chúng mình đề cập ở trên chứ? Sau khi nảy sinh tình cảm nam nữ và làm một số chuyện các cặp đôi yêu nhau làm, Marić có thai. Vì chưa muốn kết hôn ngay nên Einstein đã để bà trở về nhà bố mẹ đẻ tại Novi Sad thuộc Serbia để sinh con trong bí mật. Vào cuối tháng 1 năm 1902, Marić sinh hạ đứa con gái đầu lòng tên là Lieserl, khi này Einstein đang ở Berne, Thụy Sĩ. Tuy vậy, Lieserl chỉ sống được đến 1 tuổi rồi qua đời. Nguyên nhân tử vong chưa bao giờ được công khai, nhưng khả năng cao là do sốt ban đỏ.
Einstein chính thức kết hôn với Mileva Marić vào năm 1903 và có đứa con trai đầu vào năm tiếp theo. Bà Marić dần lùi về sau để đảm nhiệm vai trò nội trợ, thậm chí từ bỏ việc theo đuổi tấm bằng của mình ở trường ETH Zurich để có thể hỗ trợ cho chồng. Tuy vậy, theo như “Scientific American”, có khả năng rất cao là Marić đã giúp đỡ Einstein rất nhiều trong việc phát triển các dự án, trong đó có cả thuyết tương đối. Có nhiều chi tiết củng cố giả thuyết này, Mileva cũng là một nhà vật lý xuất sắc, và Einstein hay dùng danh xưng “chúng tôi” thay vì “tôi” trong các lá thư có nhắc đến các công trình của mình.
Con trai thứ hai của họ, Eduard "Tete" Einstein sinh tại Zürich vào tháng 6 năm 1910. Cứ tưởng ông sẽ có một gia đình êm ấm, đó là cho tới khi ông ngoại tình với chị họ của mình, Elsa Löwenthal. Cảm thấy không còn hứng thú với cuộc hôn nhân đầu tiên, Einstein đã nảy sinh tình cảm với bà Elsa. Bất chấp việc vẫn còn là vợ chồng với bà Marić, Einstein vẫn công khai quan hệ tình cảm với Elsa. Dĩ nhiên là Marić có phát giác và yêu cầu Einstein ở lại với gia đình. Ông có làm vậy, nhưng với một số điều kiện được đặt ra. Trong đó bao gồm việc Marić phải chuẩn bị cơm ngày 3 bữa, im lặng khi được yêu cầu, rời đi khi được ra lệnh, không được can dự tới các mối quan hệ cá nhân khác của ông.
Năm 1914, Einstein dời đến Berlin để được gần với tình nhân của mình hơn. Mới đầu thì Marić và con trai có chuyển vào sống cùng. Nhưng chẳng mất bao lâu, Marić mất hết sự kiên nhẫn và quay lại Zurich cùng con trai. Sau đó, ông đã li hôn với người vợ đầu để có thể dành toàn tâm toàn ý cho cô bồ nhí, mặc cho cả hai đã có với nhau ba mặt con.
 Ngày 14 tháng 2 năm 1919, Marić và Einstein cuối cùng cũng đã ly dị sau khi sống ly thân trong 5 năm. Einstein ngay sau đó đã kết hôn với người chị họ vào ngày 2 tháng 6 cùng năm. Hai người không có con chung và hai cô con gái riêng của Elsa được Albert đối xử như con đẻ, được mang họ của ông: Ilse Einstein và Margot Einstein. Nhưng những đứa con trai của ông và Marić thì không được như vậy. Ông xác định luôn rằng bản thân chỉ có trách nhiệm gửi tiền chu cấp cho hai đứa con trai, một đứa đang ở cùng vợ cũ và một đứa đang ở trong… trại tâm thần. Ý tưởng ban đầu là nếu Einstein đoạt giải Nobel, tất cả số tiền thắng giải sẽ được chuyển vào một quỹ tín thác. Marić chỉ có thể lấy được khoản tiền lãi, chứ tuyệt nhiên không được chạm vào chỗ tiền còn lại.
Năm 1935, Elsa Einstein được chẩn đoán các bệnh liên quan đến tim và thận; bà qua đời tháng 12 năm 1936. Người vợ cũ, bà Marić, không bao giờ quay lại với Einstein và cũng mất sau đó 12 năm. Và thế là suốt 7 năm cuối đời, Einstein sống một mình trong sự cô độc.

2, Một người cha tồi

Như đã biết, Albert Einstein đã kết hôn 2 lần trong đời, nhưng ông chỉ có 3 người con ruột với người vợ đầu. Lần lượt là Lieserl Marić (1902 – 1903?), Hans Albert Einstein (1904 – 1973) và Eduard "Tete" Einstein (1910 – 1965). Chỉ có một người con có thể lớn lên bình thường là Bernhard Caesar Einstein. Vợ chồng Einstein và Marić đều là những người thông minh và tài năng hơn người, nên ông đã đặt những kỳ vọng rất cao vào các con mình. Khi chúng không được như ý của ông, ông đã xem chúng như những “thất bại”.
Nói một cách không ngoa thì ngoài việc lăng nhăng, Einstein còn là một con người có phần gia trưởng và cay nghiệt. Ông đối xử với con của mình theo những tiêu chuẩn khắt khe, và trên hết là phải vừa lòng ông. 
Đứa con đầu lòng của ông được cho là đã bị đem cho nhận nuôi từ rất nhỏ. Lí do cô bé bị “cho đi” là bởi bị mù bẩm sinh, điều này được coi là một “thất bại” trong mắt Einstein. Một vài người khác thì cho rằng đứa con này đã qua đời do bệnh đậu mùa. 
Đứa con út Eduard cũng chẳng khá khẩm hơn, bị mắc bệnh tâm thần từ khi sinh ra. Chỉ có Hans Albert, đứa con trai thứ hai là còn sống khỏe mạnh và phát triển bình thường. Có thể nói, đây là đứa con duy nhất “qua vòng gửi xe” trong mắt của Einstein.
Hans Albert cùng cha Albert Einstein và mẹ Mileva Marić
Hans Albert cùng cha Albert Einstein và mẹ Mileva Marić
Thế nhưng, mọi thứ chính thức đổ vỡ khi Hans ghi danh vào Học viện Bách khoa Zurich - nơi cha mẹ cậu từng theo học. Hans chọn ngành kỹ sư dân dụng, đi ngược với kỳ vọng của cha anh. Dù thành tích thuộc top đầu của trường, nhưng việc theo học ngành ấy của Hans vẫn được Albert Einstein gọi là "một ý tưởng kinh tởm". Cũng bởi lẽ này, suốt quãng thời gian dài, hai cha con Albert Einstein liên tục bất đồng về quan điểm sống cũng như sự nghiệp.
Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Năm 23 tuổi, Hans Albert kết hôn với người vợ đầu tiên. Sự lựa chọn bạn đời này của Hans một lần nữa bị Einstein phản đối kịch liệt, bởi người vợ này không chỉ hơn anh 9 tuổi, mà còn mắc chứng lùn bẩm sinh. Vốn sẵn định kiến về đứa con “thất bại” của mình, Einstein tuyên bố rằng ông cực kì lo ngại "nguồn gen xấu" của cả hai sẽ gây di hại cho thế hệ sau của dòng họ:
"Nếu chúng nó không có con cái thì tôi mới có thể an nghỉ bình yên".
Vâng, bạn không nhầm đâu, đây chính là những gì mà Einstein đã viết trong một bức thư đấy. Khó có thể tin một nhà bác học vui tính, yêu đời như Einstein lại có thể viết ra những dòng bi quan và cay độc tới vậy về đứa con trai duy nhất “từng đạt chuẩn” của mình.
Rất lâu sau này, Hans và Einstein được cho là đã dần hàn gắn mối quan hệ khi Hans nhiều lần đề nghị cha cho lời khuyên về nghề nghiệp và cuộc sống. Mặc dù đã phần nào hàn gắn được những bất đồng, tuy nhiên Einstein vẫn nhiều lần chì chiết đứa con trai duy nhất mà ông còn có thể đối diện để chì chiết) đã chọn đi theo sự nghiệp khác với định hướng mà ông kì vọng.
Trong một lần trả lời trước truyền thông, Hans Albert từng đau đớn thừa nhận:
"Tôi có lẽ là “dự án” duy nhất mà cha tôi từ bỏ".

V, Hành trình kì lạ của bộ não Einstein

Sau một đời đủ những đắng cay ngọt bùi, ngày 18 tháng 4 năm 1955, nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein chính thức trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76 tại bệnh viện Princeton, tiểu bang New Jersey, Mỹ. Theo nguyện vọng của ông, gia đình Einstein đã tổ chức một lễ tang hoàn toàn riêng tư và chỉ có duy nhất một nhiếp ảnh gia là Ralph Morse của tạp chí Life đến tham dự. Những bức ảnh cuối cùng về Einstein cũng được giấu kín. 60 năm sau, tạp chí Life mới có cơ hội cho đăng tải một số bức hình mà Morse chụp ngày chôn cất thiên tài khoa học này.
Ngay sau khi Einstein qua đời, bác sĩ Thomas Harvey đã mở hộp sọ của ông, tiêm chất chống phân hủy vào động mạch não, đặt vào trong dung dịch bảo quản bộ não được xem là thông minh nhất lịch sử để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Hành động này đã khiến Harvey bị sa thải tại bệnh viện. Kể từ đó, bộ não của cố thiên tài Einstein luôn đi theo Harvey cho tới năm 2005, Harvey giao nộp lại mẫu vật quý báu này cho bệnh viện Princeton.
Trí thông minh của Einstein đến từ đâu? Bộ não của bậc thiên tài này có gì đặc biệt hơn với người thường? Đến nay bí ẩn về trí tuệ của nhà khoa học vĩ đại này vẫn chưa có lời giải.
Dù như thế nào đi chăng nữa, một điều mà không ai có thể phủ nhận, là Albert Einstein đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1955, Albert Einstein bị chảy máu trong do vỡ động mạch chủ, mà trước đó đã được phẫu thuật bởi bác sĩ Rudolph Nissen năm 1948. Trong bài điếu văn tại tang lễ của ông, nhà vật lý hạt nhân Robert Oppenheimer tổng kết lại về Einstein:
"Ông hầu như không có bản chất phức tạp và sự trần tục... Luôn luôn ở trong ông là sự thuần khiết tuyệt vời lúc như đứa trẻ lúc thì uyên thâm bướng bỉnh."
Sau này, trong phần lời nói đầu của cuốn sách "Subtle is the Lord..." nhà vật lý và lịch sử khoa học Abraham Pais có viết:
“Nếu được nói một câu ngắn gọn về tiểu sử Einstein, tôi có thể nói rằng "ông là con người tự do nhất mà tôi đã từng biết", và một câu về sự nghiệp khoa học của ông, tôi có thể viết rằng "giỏi hơn bất kỳ ai".