Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:

Ngày nay, hễ nhắc đến cụm từ "Tam Quốc" là đa phần... không, thực ra thì hầu hết chúng ta đều tự động liên tưởng đến một và chỉ một "Tam Quốc" mà thôi - Tam Quốc Trung Hoa (220-280). Cũng khó trách được khi tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa cùng hàng loạt các bộ phim truyền hình lịch sử cùng tên đã khiến cho cụm từ "Tam Quốc" in sâu trong não chúng ta với chỉ một khái niệm là Tam Quốc của Trung Hoa cổ đại.
À nhưng dĩ nhiên bài viết này không nói về Tam Quốc Trung Hoa. Tôi chỉ mượn nó làm mở bài mà thôi. Bài viết này sẽ giới thiệu với mọi người về một "Tam Quốc" khác, không phải thuộc lịch sử Trung Hoa, mà thuộc lịch sử Triều Tiên. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một cách sơ bộ và tóm lược nhất có thể về thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Triều Tiên, kéo dài từ năm 57 TCN đến năm 668 SCN. Mặc dù kéo dài hơn Tam Quốc Trung Hoa rất nhiều nhưng chắc chắn Tam Quốc Triều Tiên sẽ khó mà hấp dẫn hay lôi cuốn như bên Trung Quốc được, nhưng nếu xét riêng trong lịch sử Triều Tiên thì đây vẫn là một thời kỳ khá hấp dẫn và thú vị.

I. Thời kỳ tiền Tam Quốc

1. Sự sụp đổ của vương quốc Gojoseon

Trước thời kỳ Tam Quốc, trên bán đảo Triều Tiên lúc bấy giờ gồm nhiều quốc gia lớn nhỏ khác nhau. Theo Tam Quốc di sự - bộ sách được biên soạn vào thế kỷ 13 chép về các thần thoại, truyền thuyết của đất nước thì trong số các quốc gia ở trên bán đảo lúc bấy giờ, vương quốc Gojoseon (Cổ Triều Tiên) được coi là vương quốc quan trọng nhất với việc định hình nên đất nước. Không phải do Gojoseon có lãnh thổ lớn nhất hay mạnh nhất về quân sự, mà là do nền văn hóa của bán đảo Triều Tiên hầu hết đều là di sản từ nền văn hóa của Gojoseon. 
Tuy vậy, Gojoseon thành lập bao giờ, có bao nhiêu đời vua thì sử liệu chính thống không thực sự ghi chép rõ ràng nên chỉ có thể coi số liệu từ các truyền thuyết để xác định. Tam Quốc di sự chép rằng Gojoseon được thành lập vào năm 2333 TCN bởi Dangun Wanggeom. Theo truyền thuyết, một người con trai của Thiên đế đã hạ phàm, dùng phép thuật để biến một con gấu thành một người phụ nữ và thụ thai cho nó. Con gấu... à quên, người phụ nữ sau đó đã hạ sinh một đứa bé, chính là Dangun sau này, người thành lập vương quốc Triều Tiên (tên gốc của vương quốc là Triều Tiên, nhưng sau này các sử liệu đều sửa lại thành Cổ Triều Tiên để phân biệt với triều đại Triều Tiên sau này). Cũng theo Tam Quốc di sự thì vua Dangun ở ngôi đến gần 1500 năm, đến khoảng năm 1122 TCN, một người tên là Cơ Tử đã dẫn 5000 người rời Trung Quốc (lúc này đang là triều đại nhà Thương) và đến Gojoseon. Cơ Tử sau này trở thành vua Gojoseon.
Bản đồ bán đảo Triều Tiên vào năm 108 TCN
Gojoseon có lẽ cũng đã được nhắc đến trong sử liệu Trung Quốc từ thế kỷ thứ 7 TCN nhưng không rõ ràng lắm cho đến những ghi chép của thế kỷ thứ 4 TCN. Trong tác phẩm Sử ký của nhà sử học Tư Mã Thiên, ông cũng đã chép rằng Gojoseon đã tồn tại từ đầu thế kỷ thứ 2 TCN. Vì vậy, Gojoseon thực sự tồn tại như là một vương quốc từ lúc nào thì khó mà kiểm chứng được, nhưng chắc chắn là nó đã là một vương quốc vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN vì cư dân của các nước Tề, Yên, Triệu không chịu nổi ách thống trị của nhà Tần nên đã chạy sang Gojoseon và sinh sống ở vùng tây bắc vương quốc. Lúc này ở Gojoseon đang là triều đại của vua Jun Wang (Chuẩn Vương). Đến đầu thế kỷ thứ 2 TCN, Vệ Mãn - một vị tướng nước Yên đã dẫn hơn 1000 bộ thuộc chạy sang Gojoseon và được vua Jun Wang cử đến trấn thủ miền tây bắc. Ở đây thì Vệ Mãn đã bắt đầu xây dựng lực lượng của riêng mình và đến năm 194 TCN thì Vệ Mãn kéo quân về kinh thành, lật đổ vua Jun Wang và lên ngôi vua. Vua Jun Wang chạy xuống nước Jin và tị nạn ở đó, ông lập một tiểu quốc và tự xưng là Hàn Vương. Sau khi Jun Wang chết, tiểu quốc này sát nhập vào nước Jin. 
Về phần Vệ Mãn, ông lên ngôi vua Gojoseon và triều đại của ông kéo dài độ gần 90 năm, đến khi Gojoseon bị Hán Vũ Đế thôn tính năm 108 TCN. Sau khi sụp đổ, Gojoseon bị chia làm 4 quận là Lạc Lãng, Chân Phiên, Huyền Thổ và Lâm Đồn. Nhưng sau đó chính quyền nhà Hán tại 4 quận này liên tiếp gặp phải sự chống đối của nhân dân Gojoseon và cuối cùng đến năm 82 TCN thì nhân dân nổi dậy đấu tranh, buộc quân Hán rút khỏi 3 quận và chính quyền nhà Hán chỉ còn giữ được một vài vùng của quận Lạc Lãng mà thôi.

2. Thời kỳ tiền Tam Quốc

Sau khi Gojoseon bị nhà Hán thôn tính thì các quốc gia còn lại trên bán đảo cũng rơi vào tình trạng chia cắt. Phần phía bắc của bán đảo và vùng Mãn Châu chia cắt và trở thành các vương quốc như Buyeo (Phù Dư), Goguryeo (Cao Câu Ly), Okjeo (Ốc Trở), Dongye (Đông Uế) và một vài vùng lãnh thổ nhỏ. Trong số các vương quốc này, Goguryeo dần nổi lên và trở thành một thế lực mạnh mẽ, dần chinh phục các quốc gia láng giềng, cuối cùng thu lại được lãnh thổ của Gojoseon trước đây vào năm 314 SCN. Goguryeo được coi là thành lập năm 37 TCN, dù có một vài ghi chép nói rằng nó được thành lập từ năm 75 TCN, thậm chí ngay đầu thế kỷ thứ 2 TCN. 
Ở phía nam, nước Jin thì chia làm ba vùng lãnh thổ là Jinhan (Thìn Hàn), Byeonhan (Biện Hàn) và Mahan (Mã Hàn). Ba vùng lãnh thổ này gọi chung là Tam Hàn, dù sau này có đôi lúc cụm từ "Tam Hàn" cũng dùng để chỉ ba vương quốc trên bán đảo Triều Tiên vào thời kỳ Tam Quốc. Trên vùng lãnh thổ của Mahan, vương quốc Baekje (Bách Tế) được thành lập năm 18 TCN và dần thu được hầu như tất cả lãnh thổ của Mahan. Trên lãnh thổ Jinhan, 6 bộ tộc đã thành lập một liên minh và rồi sau đó dẫn đến sự thành lập của vương quốc Silla (Tân La). Silla được cho là thành lập năm 57 TCN dù lúc đó nó chưa thật sự là một nhà nước thống nhất với các đặc điểm giống như Baekje hay Goguryeo. Byeonhan thì phát triển thành liên minh của các bộ tộc Gaya (Già Da) và sau này bị Silla thôn tính.
Bởi các điều này diễn ra liên tục, một số sử gia coi Tam Quốc bắt đầu từ khoảng thời gian sau khi Gojoseon sụp đổ, song cả ba quốc gia đều đã không thực sự thống trị bán đảo như những vương quốc cho tận đến khoảng những năm 300 SCN.
Các vương quốc trên bán đảo thời kỳ tiền Tam Quốc

II. Thời kỳ Tam Quốc

Thời kỳ kéo dài từ năm 57 TCN (năm mà được coi là năm Silla thành lập) đến năm 668 SCN (năm mà Goguryeo sụp đổ trước liên minh Đường-Silla) được gọi là thời kỳ Tam Quốc. Cụm từ này lần đầu được sử dụng trong bộ Tam Quốc sử ký – bộ sử liệu thành văn đầu tiên của Triều Tiên được biên soạn bởi học giả Kim Busik dưới triều vua Cao Ly Nhân Tông và hoàn thành năm 1145. Sau thời kỳ Tam Quốc là thời kỳ Nam-Bắc quốc với quốc gia Silla thống nhất ở phía nam và vương quốc Balhae (Bột Hải) ở phía bắc. Tam Quốc, đúng như cái tên, là thời kỳ mà ba quốc gia lớn mạnh nhất ở bán đảo là Goguryeo, Baekje và Silla cát cứ, kìm kẹp lẫn nhau, đồng thời xâm chiếm và thu phục các quốc gia và lãnh thổ nhỏ bé hơn bên cạnh. Trong số Tam Quốc, Goguryeo là quốc gia có vùng lãnh thổ to lớn nhất và thường xuyên phải đối mặt với vấn đề từ những cuộc xâm lược của Trung Quốc, đặc biệt là những cuộc xâm lược của nhà Tùy và nhà Đường. Baekje được coi là vương quốc anh em với Goguryeo nhưng nhanh chóng rơi vào thế yếu và bị lấn át. Silla mặc dù ban đầu nhỏ bé nhất và cũng ổn định muộn nhất nhưng lại là quốc gia có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất. Cuối cùng thì chính Silla đã liên minh với nhà Đường và thống nhất Tam Hàn, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.

1. Vương quốc Goguryeo (Cao Câu Ly)

1.1 Thành lập

Theo Tam Quốc sử ký, một hoàng tử của vương quốc Buyeo đã buộc phải rời bỏ đất nước vì cuộc tranh chấp ngai vị giữa các hoàng tử Buyeo. Ông là người đã thành lập vương quốc Goguryeo vào năm 37 TCN tại vùng đất Jolpon nằm giữa sông Áp Lục và sông T’ung-chia. Ông chính là Go Jumong, vị vua đầu tiên của Goguryeo, về sau được tôn là Đông Minh Thánh Vương (Dong Myeong Seong Wang). Một số ý kiến khác lại cho rằng Goguryeo đã được thành lập ngay từ thế kỷ thứ 2 TCN. Hán thư chép rằng cái tên Cao Câu Ly (tức Goguryeo trong tiếng Hán) đã được nhắc đến từ năm 113 TCN tại quận Huyền Thổ - một trong 4 quận được nhà Hán lập nên sau khi Hán Vũ Đế thôn tính Gojoseon. Cựu Đường thư thì lại chép rằng vua Đường Thái Tông có lần đã nói rằng Cao Câu Ly có lịch sử độ 900 năm. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng Goguryeo đã được thành lập từ năm 75 TCN bởi vì cùng vào năm đó, một nhóm cư dân của bộ tộc Yemaek đã tấn công vào quận Huyền Thổ và trong số đó, có thể có cả người của Cao Câu Ly.
Tuy thế, các ghi chép từ Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tam Quốc sử ký hay thậm chí cả Nhật Bản thư kỷ cũng đều chép rằng Goguryeo được thành lập năm 37 TCN hoặc sớm hơn một chút, vào giữa thế kỷ 1 TCN. Các bằng chứng khảo cổ học cũng khẳng định rằng các bộ tộc Yemaek đã thống nhất và tập trung lại từ thế kỷ thứ 2 TCN nhưng không có bằng chứng để cho rằng họ được gọi (hoặc tự gọi mình) là người Goguryeo. Việc dân cư của Goguryeo có cả người Yemaek được nhắc đến chính xác lần đầu tiên trong Hán thư là vào năm 12 TCN khi có một cuộc nổi dậy đòi ly khai khỏi quận Huyền Thổ. Khi mới thành lập, dân cư của Goguryeo chủ yếu là người từ vương quốc Buyeo và người từ các bộ tộc Yemaek, vì vậy, rất có thể một thành viên hoàng tộc của Buyeo đã đào thoát sang nơi này rồi trở thành thủ lĩnh các bộ tộc Yemaek và rồi kiến lập Goguryeo. Điều này trùng với những ghi chép hay truyền thuyết về vị vua đầu tiên của Goguryeo là Go Jumong.
Tạo hình vua Jumong trong bộ phim truyền hình "The legend of Jumong"
Về phần Go Jumong, ông được nhắc đến lần đầu tiên là trong ghi chép từ tấm bia Quảng Khai Thổ được dựng bởi Trường Thọ Vương – Jangsu-wang, con trai của Quảng Khai Thổ Thái Vương – Gwanggaeto-taewang để ghi công lao của vua Gwanggaeto trong việc mở rộng đất nước. Tấm bia ghi rằng Go Jumong là con trai của vua Buyeo là Geumwa với phu nhân Yuhwa (theo Tam Quốc sử ký và Tam Quốc di sự). Tuy nhiên vua Geumwa chỉ là cha nuôi của Jumong, còn cha ruột ông là Hae Mosu, một vị anh hùng của Buyeo. Hae Mosu được biết đến với vai trò là thủ lĩnh nghĩa quân Damul mà phần đông trong số đó là những du dân của Gojoseon, đội quân này được lập ra với mục đích ngăn chặn sự xâm lấn và đố hộ của nhà Hán, cứu thoát các du dân ra khỏi sự áp bức. Tuy nhiên, gần đây lại có ý kiến cho rằng Jumong là cháu nội của Hae Mosu chứ không phải con trai.
Jumong là người thông minh, giỏi võ nghệ, nhất là bắn cung, chính điều này đã dấy nên sự ganh ghét của thế tử Buyeo là Daeso khiến Daeso âm mưu hãm hại Jumong. Jumong may mắn thoát nạn, sau đó ông trốn khỏi Buyeo. Tuy vậy, về xuất thân thực sự của Jumong thì tấm bia và các sử liệu sau này không trùng nhau. Tấm bia Quảng Khai Thổ chép rằng Jumong đến từ Bukbuyeo (Bắc Phù Dư) còn Tam Quốc sử ký cũng như Tam Quốc di sự lại chép rằng Jumong đến từ Dongbuyeo (Đông Phù Dư), dù thế, các chi tiết sau đó thì lại giống nhau. Jumong lưu lạc đến vùng đất Jolbon, kết hôn với Soseono – con gái của thủ lĩnh vùng Jolbon, cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng rất lớn với Jumong vì nó đã cho ông cả tài lực lẫn vật lực để sau đó thành lập Goguryeo.
Trong Tam Quốc sử ký, phần Baekje bản kỷ, chép rằng Soseono là con gái của Yeon Tabal, một quý tộc giàu có và hùng mạnh ở Jolbon. Tuy nhiên Soseono không phải vợ đầu tiên của Jumong mà là vợ thứ hai. Sau khi kiến lập Goguryeo, người vợ cả cùng con trai Yuri của Jumong đến Goguryeo, Yuri sau đó kế vị Jumong và trở thành Yurimyeong-wang (Lưu Ly Minh Vương) còn Soseono cùng hai con trai khác là Biryu và Onjo rời Goguryeo, xuống phía nam để thành lập quốc gia mới - về sau chính là vương quốc Baekje.

1.2 Mở rộng lãnh thổ - chiến tranh Bắc Ngụy - Goguryeo

Khi mới thành lập, Goguryeo là một quốc gia với địa hình đa phần là đồi núi, thiếu đất canh tác, trồng trọt nên thường xuyên ở trong tình trạng thiếu lương thực và không đủ nguồn tự cung. Do đó họ phải thường xuyên mở các cuộc tấn công vào các quốc gia láng giềng nhằm cướp phá để vừa là mở rộng lãnh thổ, vừa là gia tăng tài nguyên cho đất nước. Đến đời vua thứ 6 là vua Taejo-daewang (Thái Tổ Đại Vương), ông đã cải cách lại hành chính bằng cách giao cho năm gia tộc lớn nhất đất nước cai quản năm tỉnh khác nhau, điều này đã giảm bớt sự phân chia quyền lực và tập trung nó vào hoàng tộc, không như các đời vua trước vẫn phải chia sẻ ít nhiều quyền lực tối cao cho các gia tộc lớn. Vua Taejo cũng là người đã trực tiếp tham gia vào đối ngoại cũng như quân sự và phát triển chúng. Những cuộc tấn công, xâm lược của Cao Câu Ly sang các quốc gia lân bang đã giúp Goguryeo buộc các quốc gia này phải triều cống, và thậm chí khống chế họ về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Dưới đời vua Taejo, Goguryeo đã chinh phục các quốc gia như Okjeo và Dongye, biến họ thành chư hầu và chịu sự phụ thuộc từ Goguryeo, ông cũng đã chinh phục các bộ tộc ở miền bắc Triều Tiên và miền tây nam Mãn Châu. Sau khi có được nguồn nhân lực và vật lực dồi dào từ việc chinh phạt các bộ tộc láng giềng, Thái Tổ xua quân tấn công các quận Lạc Lãng, Huyền Thổ và Liêu Đông ở khu vực tây bắc Triều Tiên, Mãn Châu và bán đảo Liêu Đông ngày nay; và trở thành một thế lực độc lập với các quận nhà Hán.
Thông thường, vua Taejo vẫn cho phép thủ lĩnh của các bộ tộc bị chinh phục tiếp tục cai quản bộ tộc của mình, nhưng họ phải chịu sự giám sát của các quan lại địa phương thuộc dòng dõi vương tộc Goguryeo và phải cống nộp nặng nề. Thái Tổ và những người kế vị ông tiếp tục khai thác nguồn nhân lực và vật lực mới đó để tiếp tục các hoạt động bành trướng về phía tây bắc. Những điều luật mới được ban hành nhằm quản lý tầng lớp bình dân cũng như tầng lớp quý tộc. Những thủ lĩnh các bộ tộc cũng dần dần bị thu hút vào tầng lớp quý tộc trung ương. Ngôi vua cũng trở thành cha truyền con nối thay vì anh em nối ngôi quanh, điều này giúp củng cố sự vững mạnh của triều đình.
Trong quá trình mở rộng lãnh thổ, Goguryeo khó tránh khỏi xung đột với các lực lượng quân sự của nhà Hán ở các quận của lãnh thổ Gojoseon cũ và ở Mãn Châu. Mối đe dọa từ nhà Hán đã buộc Goguryeo phải dời đô từ Jolbon về Gungnae bên bờ sông Áp Lục. 
Khi nhà Đông Hán sụp đổ năm 220 SCN, các quận dưới sự cai trị của nhà Hán cũng ly khai và trở thành các thế lực độc lập và trở thành mối nguy thường trực với Goguryeo. Trước tình hình đó, vua thứ 10 của Goguryeo là Sansang-wang (Sơn Thượng Vương) quyết định thiết lập mối quan hệ hòa hiếu với Bắc Ngụy mới thành lập (chính là Bắc Ngụy do Tào Phi, con trai Tào Tháo thành lập sau khi cướp ngôi nhà Hán). Vua Sansang đã sai sứ giả sang tiến cống Bắc Ngụy năm 220. 
Đến năm 238, vua Goguryeo là Dongcheon-wang (Đông Xuyên Vương) thành lập liên minh quân sự với Ngụy Minh Đế nhằm tấn công vào Liêu Đông để tiêu diệt thế lực của Công Tôn Uyên. Tướng nước Ngụy chính là Tư Mã Ý, dẫn 4 vạn quân đi đánh dẹp Liêu Đông và sau ba tháng, liên quân Ngụy - Goguryeo đã thắng lợi, dẹp bỏ hoàn toàn lực lượng của Công Tôn Uyên ở Liêu Đông.
Ngay sau khi chiến thắng, liên minh này dần bị tan rã và cuối cùng bị phá bỏ năm 242 khi vua Dongcheon cho quân tấn công các khu vực phía tây Liêu Đông. Để đáp trả lại hành động này, vua Minh Đế nhà Ngụy đã cử Vô Khâu Kiệm khởi 1 vạn quân từ U Châu đi đánh Goguryeo. Vua Dongcheon thì khởi 2 vạn quân từ kinh thành Gungnae dưới chân núi Hwando để chống lại quân Ngụy. Hai đội quân gặp nhau ở nơi giao cắt của hai con sông là Fu'er và Hunjiang.
Hình minh họa binh lính Goguryeo
Về diễn biến trận đánh, có nhiều ghi chép khác nhau. Tam Quốc sử ký thì chép rằng quân Goguryeo ban đầu đánh thắng hai trận liền, giết và bắt sống quá nửa quân Ngụy. Vì vậy vua Dongcheon tỏ ra khinh thường Vô Khâu Kiệm. Ông quyết định kéo 5000 kỵ binh hạng nặng đến đánh một trận cuối để quét sạch quân Ngụy khỏi đất nước nhưng bị rơi vào cái bẫy do Vô Khâu Kiệm lập ra và khiến toàn quân tan rã. Quân Ngụy sau đó liên tục truy kích khiến quân Goguryeo bị thảm bại nặng nề, vua Dongcheon chạy trốn sang phía đông với chỉ hơn 1000 người còn sót lại. Hồi ký của chính Vô Khâu Kiệm thì lại chép là quân Goguryeo không thắng nổi trận nào và liên tục bị đẩy lùi. Không rõ bên nào mới là đúng, nhưng dù sao thì kết quả vẫn là Goguryeo đại bại, quân Ngụy kéo một mạch tới kinh thành và tàn phá nơi đây. 
Tuy nhiên, quân Ngụy không ở lại Goguryeo được lâu vì vấp phải sự chống cự của nhân dân. Ít lâu sau đó, vua Dongcheon kéo quân trở lại và đẩy lui quân Ngụy được khỏi đất nước. Chiến tranh Bắc Ngụy - Goguryeo kết thúc với phần thắng cuối cùng của Goguryeo, tuy nhiên cuộc chiến này cũng khiến Goguryeo bị tổn thất khá nhiều.

1.3 Phục hồi sau chiến tranh và những chiến dịch tiếp theo đó 

Trong vòng bảy thập kỷ sau chiến tranh với Bắc Ngụy, Goguryeo tập trung vào tái thiết quốc gia và gây dựng sức mạnh của mình và đến những năm đầu thế kỷ thứ 4, Goguryeo đã lấy lại được sức mạnh và bắt đầu đem quân đi tấn công các vùng Liêu Đông, Lạc Lãng và Huyền Thổ. Năm 302, Goguryeo chiếm được quận Huyền Thổ và bắt đầu vươn đến Liêu Đông. Đến năm 313, quận Lạc Lãng bị Goguryeo thôn tính và đến năm 314, quận Đái Phương ở phía nam Lạc Lãng cũng bị thôn tính nốt. Như vậy là đến năm 314, Goguryeo đã thống nhất được toàn bộ miền bắc của bán đảo, đồng thời giành lại được toàn bộ vùng lãnh thổ cũ của Gojoseon. Kể từ thời điểm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa Goguryeo với Baekje và Silla mới trở nên căng thẳng hơn. 
Tuy nhiên, quá trình bành trướng của Goguryeo phải tạm dừng lại vào khoảng những năm 340 do ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Ở Trung Quốc lúc này đang ở vào thời kỳ hỗn loạn Thập lục quốc (304 - 439). Nhà Tây Tấn trước đó đã bị suy yếu trầm trọng sau Bát vương chi loạn (291 - 306) khiến cho họ không còn đủ sức mạnh để ngăn cản các bộ tộc người Hồ (sử gọi là Ngũ Hồ) tràn vào Trung nguyên. Cuối cùng nhà Tây Tấn sụp đổ năm 316 khi Tấn Mẫn Đế bị giết, toàn bộ miền bắc Trung Quốc không còn nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Tấn nữa. Trước đó khi Ngũ Hồ tràn vào, một số thân thuộc nhà Tấn đã chạy xuống miền Giang Nam và đi theo Lang Nha vương Tư Mã Tuấn. Khi Tây Tấn diệt vong, Tư Mã Tuấn tái lập nhà Tấn ở Kiến Khang, lên ngôi và lấy hiệu là Tấn Nguyên Đế, nhà Đông Tấn bắt đầu. Dù vậy, Đông Tấn không có sức mạnh đủ để áp chế miền bắc nữa, cho nên ở miền bắc, hàng loạt các quốc gia lớn nhỏ thi nhau mọc lên rồi lại tàn lụi trong suốt quãng thời gian từ năm 304 đến năm 439.
Năm 342, Tiền Yên Thái Tổ của nước Tiền Yên (một trong Thập lục quốc) đem quân tấn công Goguryeo, đánh hạ được kinh thành và bắt được một số thành viên vương thất, trong đó có cả tổ tiên của Cao Vân (tức Ko Un), người sau này trở thành Bắc Yên Huệ Đế của nước Bắc Yên. Đến năm 371, một lần nữa Goguryeo chịu thất bại khi vua Geunchogo-wang (Cận Tiếu Cổ Vương) của Baekje tấn công và cướp phá thành Pyongyang - một trong những thành lớn nhất Goguryeo lúc bấy giờ. Chính vua Gogugwon-wang (Cố Quốc Nguyên Vương) của Goguryeo cũng tử trận tại đây. Sau những thất bại liên tiếp này, Goguryeo dần trở nên suy yếu. Con của vua Gogugwon sau khi lên ngôi, lấy hiệu là Sosurim-wang (Tiểu Thú Lâm Vương) đã tập trung vào việc tái thiết quốc gia và ổn định tình hình trong nước. Ông ban hành nhiều nhiều luật lệ mới, tôn Phật giáo làm quốc giáo (372) và lập ra học viện quốc gia mang tên Thái Học. Vua Sosurim cũng cải tổ và phát triển quân đội sau những thất bại cay đắng trước Tiền Yên và Baekje. Suốt thời gian trị vì của ông và người kế vị là Gogugyang-wang (Cố Quốc Nhưỡng Vương), Goguryeo dần dần lấy lại vị thế, những thành quả trong hai thời đại của vua Sosurim và vua Gogugyang đã đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn ngay sau đó - giai đoạn cực thịnh của Goguryeo.

1.4 Goguryeo đạt đỉnh cao

Sau khi vua Gogugyang qua đời năm 391, người kế vị ông, đồng thời là cháu trai vua Sosurim lên ngôi, lấy hiệu là Gwanggaeto-taewang (Quảng Khai Thổ Thái Vương). Ông được biết đến là một vị vua vĩ đại của Goguryeo, người đã mở mang bờ cõi của Goguryeo lên đến cực đại sau hàng loạt chiến dịch. Công trạng của ông được khắc trên tấm bia mang tên ông, được dựng bởi con trai ông là vua Jangsu (Jangsu-wang, tức Trường Thọ Vương). Trên đó chép rằng trong cuộc viễn chinh đến Buyeo, ông đã chinh phạt 64 thành trì và 1400 làng mạc, ngoài ra, ông còn đánh bại nước Hậu Yên, xâm chiếm lãnh thổ của các bộ tộc Buyeo, Mạt Hạt, khuất phục Baekje, làm tan rã liên minh Gaya-Silla và biến Silla thành chư hầu của mình. Vì điều này, bán đảo Triều Tiên tạm thời được thống nhất (dù khá lỏng lẻo) trong suốt nửa thế kỷ. Dưới thời vua Gwanggaeto, Goguryeo mở rộng lãnh thổ đến cực đại, kiểm soát 2/3 lãnh thổ bán đảo, hầu hết vùng Mãn Châu, một phần lớn Nội Mông và thậm chí có cả một phần lãnh thổ nước Nga.
Lãnh thổ Goguryeo thời điểm rộng lớn nhất
Đến đời vua Jangsu, căng thẳng giữa Goguryeo với Baekje và Silla bắt đầu gay gắt hơn, vì vậy ông đã dời đô về Pyongyang để tiện trấn áp hai quốc gia này hơn. Vua Jangsu tiếp tục thực hiện các chiến dịch còn bỏ ngỏ của cha mình, về phía nam, ông tấn công Baekje và chiếm được kinh thành Baekje năm 476, mở rộng thêm lãnh thổ về phía bắc. Sau đó đến đời vua tiếp theo - Munja-myeong-wang (Văn Tư Minh Vương), Goguryeo đã hoàn tất việc xâm chiếm Buyeo đánh dấu điểm xa nhất về phía bắc của biên cương, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng của nó đối với Baekje và Silla ở phía nam, cùng với các tộc người Mạt Hạt và Khiết Đan ở phía bắc.

1.5 Tranh chấp trong nội bộ, những cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc

Sau thời kỳ đỉnh cao phát triển về mọi mặt, Goguryeo bắt đầu suy yếu dần sau thời vua Munja-myeong. Đời vua thứ 22 là Anjang-wang (An Tạng Vương) mất đi mà không có người nối dõi nên em trai ông kế vị, là vua Anwon-wang (An Nguyên Vương, vua thứ 23). Trong thời kỳ trị vì của vua Anwon, nạn chia bè kết cánh trong triều đình trở nên mỗi lúc trầm trọng. Việc các con trai của ông sa vào việc tranh chấp ngôi vị Thế tử cũng khiến triều đình phân rẽ thành hai phe phái đối nghịch nhau quyết liệt cho đến khi ông lập con trai cẩ mới 8 tuổi làm Thế tử. Tuy nhiên ngay cả đến lúc đó, việc đấu đá nhau giữa các thế lực trong triều đình vẫn chưa chấm dứt. Các lãnh chúa địa phương cùng với quân đội riêng của họ thì đã trở thành các thế lực cát cứ tại địa phương, thoát li khỏi ảnh hưởng của triều đình. Nhân lúc Goguryeo đang suy yếu do những mâu thuẫn nội bộ, người Đột Quyết đã tấn công các thành trì ở vùng biên giới phía bắc Goguryeo và đoạt lấy một phần lãnh thổ của quốc gia này. Và các thế lực Baekje và Silla ở phía nam cũng nhân cơ hội này mở một đợt tấn công lớn vào Goguryeo năm 551 mà kết quả là Goguryeo bị mất toàn bộ vùng thung lũng sông Hán vào tay Silla. Vua Baekje lúc ấy là Seong-wang (Thánh Vương), vì tức giận khi Silla bội ước, nuốt trọn thung lũng sông Hán nên đã mở một cuộc tấn công vào biên giới phía tây Silla năm 553 nhưng thất bại. Vua Seong bị bắt và bị giết sau đó ít lâu.
Cuộc chiến này đã định hình lại tình thế của Tam Hàn lúc ấy: Goguryeo bị mất thung lũng sông Hán, một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng và cũng là vùng đất rất màu mỡ khiến tiềm lực của Goguryeo cũng đi xuống. Baekje còn thảm hơn khi họ suy yếu đi nhất và trở thành quốc gia yếu nhất. Silla từ chỗ yếu thế đã vươn mình trở thành một thế lực đủ mạnh để đối chọi với Goguryeo rộng lớn. Giành được thung lũng sông Hán, Silla đã có đường thông ra Hoàng Hải, mở được con đường giao thương và buôn bán trực tiếp với Trung Hoa và cũng đẩy nhanh quá trình tiếp thu văn hóa Trung Hoa cho quốc gia. Vì vậy Silla ít phải dựa vào Goguryeo để tiếp thu các yếu tố văn hóa, khoa học kỹ thuật tiến bộ từ Trung Quốc. Việc này cũng tăng cường mối quan hệ giữa Silla và Trung Quốc, mà đến sau này liên minh giữa Silla và nhà Đường đã khiến Goguryeo sụp đổ.
Ngoài ra, trong thời kỳ này, Goguryeo còn phải đối mặt với những cuộc xâm lược quy mô lớn liên tiếp của các triều đại Trung Quốc là Tùy và Đường. Những hoạt động bành trướng của Goguryeo đã động chạm đến thế lực của nhà Tùy, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia càng thêm căng thẳng. Những hoạt động quân sự của Goguryeo ở Liêu Ninh đã chọc tức nhà Tùy, dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia vào năm 598. Nhà Tùy là triều đại được thành lập từ vũ lực cho nên sức mạnh quân sự của họ là không thể bàn cãi. Sau khi diệt nước Trần vào năm 589, kết thúc thời đại Nam-Bắc triều đã chia cắt đất nước suốt ba thế kỷ, nhà Tùy đòi hỏi các quốc gia xung quanh phải coi Tùy là nước tối cao. Tuy nhiên, ở Goguryeo, Pyeongwon-wang (Bình Nguyên Vương) và người kế vị ông, Yeongyang-wang (Anh Dương Vương) đều không đồng ý mà muốn tiếp tục ngang hàng với Tùy như với các triều đại trước đây. 
Điều này đã chọc giận Tùy Văn Đế, cộng với việc Goguryeo thường xuyên có những cuộc tấn công vào biên giới Tùy. Tùy Văn Đế đã gửi thư cho vua Yeongyang, yêu cầu Goguryeo phải dừng ngay các cuộc tấn công vào nước Tùy và công nhận Tùy là bá chủ. Vua Yeongyang ban đầu làm như tuân theo lệnh, nhưng ngay sau đó đã liên minh với người Mạt Hạt mở một loạt các cuộc tấn công vào biên giới nước Tùy. Rốt cuộc, đến năm 598, Tùy Văn Đế đã cử con trai thứ tư của mình là Hán vương Dương Lượng khởi thủy bộ hai đường gồm 30 vạn quân kéo sang đánh Goguryeo. Tuy nhiên, cuộc xâm lược lần thứ nhất này là một thất bại toàn diện của Tùy, quân bộ kéo sang Goguryeo đúng vào mùa mưa nên binh lính không chịu nổi khí hậu, bệnh dịch, cộng thêm việc liên tiếp bị phục kích đã khiến quân Tùy bị kẹt cứng và không thể di chuyển được, đành phải chờ thủy quân. Còn thủy quân, vừa hứng phải bão khiến đa phần thủy quân tan tác, đến hải phận Goguryeo thì bị thủy quân Goguryeo dần cho tơi tả nên không làm gì được. Cuối cùng quân Tùy cũng phải rút về nước và chịu thất bại toàn diện.
Binh lính đời Tùy
Sau khi Tùy Văn Đế qua đời năm 604, người kế vị ông là Tùy Dạng Đế cũng liên tiếp mở các chiến dịch xâm lược Goguryeo vào những năm 612, 613 và 614. Tuy nhiên chỉ có chiến dịch năm 612 là diễn ra còn hai chiến dịch năm 613 và 614 đều bị hủy bỏ vì nhiều lý do khác nhau. Tùy Dạng Đế còn muốn mở một chiến dịch nữa vào năm 615 nhưng không thành vì nhà Tùy đã suy yếu sau các cuộc chiến liên miên, tình hình chính trị bất ổn và nhất là thảm bại trong chiến dịch năm 612 đã làm quân Tùy kinh hãi.
Chiến dịch năm 612 là một trong những chiến dịch xâm lược lớn nhất mà Goguryeo phải đối mặt. Tùy sử chép rằng Tùy Dạng Đế đã huy động tới 113 vạn quân và 2 triệu dân phu để thực hiện chiến dịch. Tuy nhiên chắc chắn con số này đã bị thổi phồng quá đáng bởi các nhà sử học có thiên hướng phê phán Tùy Dạng Đế nên cố tình thổi phồng con số để khiến thất bại thêm thảm hại. Mặc dù đúng là Tùy Dạng Đế đã huy động con số lớn hơn chiến dịch năm 598 rất nhiều nhưng vào thời điểm đó, thật khó để nước Tùy huy động được nguồn nhân lực lớn như vậy. Một ý kiến được đa phần ủng hộ là Tùy Dạng Đế đã huy động khoảng 50 - 60 vạn người cho chiến dịch lần này và cũng chia làm hai đường thủy bộ. 
Một đạo quân bộ lớn với hơn 30 vạn quân đã tấn công Goguryeo tại khu vực sông Liêu và chọc thủng các phòng tuyến của Goguryeo, tiến sát đến kinh Pyongyang và chuẩn bị hội quân với thủy quân Tùy - vốn mang theo viện binh, lương thảo và khí cụ công thành. Tuy nhiên, thủy quân Tùy vốn đã đến được Pyongyang trước quân bộ và đã mở một vài cuộc tấn công vào thành nhưng vì rơi vào ổ phục kích nên thủy quân bị tan tác và buộc phải rút chạy ra biển khiến quân bộ bị kẹt cứng ở Pyongyang và Tùy đã tính tới việc rút quân. Nhưng Goguryeo không để quân Tùy đến và đi thoải mái như vậy, đại tướng Eulji Mundeok đã đặt sẵn một cái bẫy trên đường rút lui của quân Tùy. Ông xây đập ngăn nước sông Salsu lại, làm như để cho quân Tùy thuận lợi rút qua, nhưng khi binh lính nhà Tùy đang qua sông, ông lệnh cho phá đập xả nước xuống, nhấn chìm hàng ngàn quân và chia cắt đạo quân Tùy làm hai. Đến lúc đó, Eulji mới tung đạo kỵ binh của Goguryeo vào để quét sạch những binh lính còn đang hoảng loạn. Đại quân nhà Tùy gần như bị quét sạch hoàn toàn. Sử chép lại rằng chỉ có gần 3000 người chạy được về nước - đúng là một thảm bại đau đớn.

Những cuộc chiến tranh liên miên đã khiến nước Tùy bị suy yếu nghiêm trọng, cộng với sự độc đoán, tàn bạo của Tùy Dạng Đế nên đã khiến nền móng của đế chế Tùy lung lay đến tận gốc rễ. Nhà Tùy bị diệt năm 618 và được thay thế bởi nhà Đường của Thái Tông Lý Thế Dân. Với nhà Đường, để tránh nguy cơ bị xâm lược lần nữa, vua Yeongnyu-wang (Vinh Lưu Vương) áp dụng chính sách thần phục nhà Đường một cách khá triệt để. Tuy rằng quả thật Goguryeo có được yên ổn với Trung Quốc, nhưng chính sách này đã khiến một số đại thần tỏ ra không vừa lòng, đặc biệt là quyền thần Yeon Gaesomun. Mâu thuẫn giữa hai phe ủng hộ và phản đối thần phục nhà Đường ngày càng lên cao, cuối cùng dẫn tới việc vua Yeongnyu mưu giết Gaesomun không thành năm 642. Sau đó ông bị Gaesomun phế bỏ và giết hại và cháu họ của ông lên thay, tức là vua Bojang-wang (Bảo Tạng Vương). Chính sách đối ngoại của Goguryeo chuyển từ thần phục nhà Đường chuyển sang đối nghịch với nhà Đường. Nhà Đường cũng lấy cớ trả thù cho vua Yeongnyu, khởi quân xâm lược Goguryeo.
Năm 645, Đường Thái Tông đích thân kéo 20 vạn quân tràn vào xâm lược Goguryeo và liên tiếp hạ được những thành trì nằm ở biên giới. Tể tướng Gaesomun quyết định tập hợp đại quân gồm 15 vạn quân chống trả với quân Đường một trận lớn. Tuy nhiên, Goguryeo thất bại nặng nề trong trận chiến đó, 2 vạn quân bị giết và gần 4 vạn bị bắt sống. Gaesomun buộc phải rút về Pyongyang. Quân Đường kéo tới thành Ansi, chốt chặn cuối cùng chắn giữa họ với kinh thành Pyongyang, chỉ là một thành nhỏ với 5000 quân do tướng Yang Manchun trấn thủ. Dù thế, quân Đường sa lầy ở đây tới gần 3 tháng mà không hạ được thành. Đến mùa đông năm 645, lương thực gần cạn mà thành Ansi chưa hạ được, quân Đường có ý định lui quân thì đến khi ấy, Gaesomun đem đại quân từ Pyongyang tới chi viện và đập tan quân Đường. Cuộc xâm lược của nhà Đường thất bại.

Sau khi Thái Tông qua đời năm 649, Đường Cao Tông tiếp tục thực hiện một vài cuộc xâm lược nữa vào năm 661 và 662 nhưng tiếp tục thất bại do Goguryeo vẫn còn Tể tướng Gaesomun. Tuy nhiên, những cuộc chiến liên miên đã góp phần làm suy yếu Goguryeo, cộng với việc các con của Gaesomun tranh giành quyền lực càng khiến Goguryeo trở nên bất ổn về nhiều mặt. Hơn nữa, đồng minh của Goguryeo lúc này là Baekje đã bị liên minh Đường - Silla tiêu diệt hoàn toàn năm 660, nên Goguryeo ở giữa gọng kìm của hai thế lực. Năm 666, Gaesomun qua đời, đến lúc này, không gì có thể cản nổi việc Goguryeo sụp đổ nữa.

1.6 Goguryeo sụp đổ

Năm 660, liên minh Đường - Silla tấn công và thôn tính Baekje, đồng minh của Goguryeo và liên tiếp tấn công uy hiếp Goguryeo những năm sau đó. Khi Gaesomun mất năm 666, dường như số mệnh của Goguryeo đã đến lúc tàn. Quân Đường và quân Silla tấn công từ hai mặt, quân Đường đánh từ phía bắc xuống, nhanh chóng vượt qua Liêu Ninh và hạ được kinh thành Pyongyang. Quân Silla từ phía nam đánh lên và tướng Kim Yushin nhanh chóng bắt Goguryeo phải đầu hàng. Cuối cùng vào tháng 11 năm 668, vua Bojang của Goguryeo bị bắt sống và đưa đi đày sang Trung Quốc, vương quốc Goguryeo chính thức sụp đổ và sát nhập vào Silla.
Vương quốc Goguryeo, thành lập năm 37 TCN, kéo dài đến năm 668 SCN, trải qua 28 đời vua với 705 năm lịch sử, cuối cùng đã sụp đổ. Sự sụp đổ của Goguryeo đã chấm dứt thời kỳ Tam Quốc kéo dài.

2. Vương quốc Baekje (Bách Tế)

2.1 Thành lập - mở rộng

Theo Tam Quốc sử ký, người sáng lập ra vương quốc Baekje là Onjo-wang (Ôn Tộ Vương) năm 18 TCN, ông đã dẫn một đoàn người rời Goguryeo đến vùng bồn địa sông Hán và lập quốc ở đây. Còn Tam Quốc chí của Trung Quốc lại chép rằng một trong số các bộ tộc vùng Mahan có tên là Baekje. 
Cũng theo Tam Quốc sử ký, Onjo là con trai thứ ba của vua Jumong nước Goguryeo. Sau khi con trai cả của Jumong là Yuri lên ngôi, Onjo cùng người anh của mình là Biryu rời Goguryeo cùng với mẹ là hoàng hậu Soseono. Onjo quyết định định cư tại thành Wiryeseong và gọi quốc gia của mình là Sipje còn Biryu chọn thành Michuhol mặc cho các chư hầu phản đối. Michuhol là vùng đất có nhiều đầm lầy và nước mặn nên cư dân của nó khó mà trồng trọt hay canh tác được, còn dân cư ở Wiryeseong thì có cuộc sống thịnh vượng hơn nhiều. Do đó, Biryu đã đến Wiryeseong và đòi ngai vàng với thân phận là con lớn. Onjo từ chối nên Biryu đã phát động chiến tranh song thất bại. Trong sự hổ thẹn, Biryu đã tự sát, lãnh thổ của ông được sát nhập vào Sipje và sau đó Onjo đổi tên nước thành Baekje. 
Vương miện của vua Baekje
Thời kỳ đầu mới lập quốc, Baekje vẫn còn yếu và thường phải đối diện với mối đe dọa thường trực từ các bộ tộc ở vùng Mahan. Dần dần qua đến thế kỷ đầu SCN thì Baekje mới tương đối kiếm chế được các bộ tộc Mahan, và đến đời vua thứ 8 là Goi-wang (Cổ Nhĩ Vường, trị vì từ 234 - 286) thì Baekje đã chính thức trở thành một vương quốc theo đúng nghĩa, khi nó tiếp tục củng cố liên minh và tầm ảnh hưởng với các bộ tộc Mahan. Nhật Bản thư kỷ chép rằng đến khoảng năm 249, Baekje đã mở rộng lãnh thổ được đến sát Gaya, quanh thung lũng sông Nakdong. Sử sách Trung Quốc lần đầu công nhận Baekje là một vương quốc là năm 345. Cũng theo Nhật Bản thư kỷ thì đoàn sứ giả đầu tiên của Baekje đến Nhật Bản vào năm 367. 
Đời vua thứ 13 là Geunchogo-wang (Cận Tiếu Cổ Vương) đã góp phần mở rộng lãnh thổ lên phía bắc sau cuộc chiến với Goguryeo mà kết quả là Baekje hạ được thành Pyongyang và giết chết vua Goguryeo năm 371. Ở phía nam thì họ thôn tính, sát nhập lãnh thổ của các bộ tộc Mahan vào khiến lãnh thổ Baekje đạt được cực đại vào năm 375.
Baekje vào thời cực đại - năm 375
Mặc dù chiến tranh và xung đột với Goguryeo, Baekje vẫn duy trì giao thương và buôn bán với họ, đồng thời tích cực tiếp thu văn hóa và tiến bộ khoa học, kỹ thuật từ Trung Quốc. Baekje chọn Phật giáo làm quốc giáo vào năm 384.
Do lợi thế ở gần biển Hoàng Hải nên Baekje phát triển mạnh về giao thương, buôn bán trên biển với các quốc gia như Trung Quốc hay Nhật Bản. Trong giai đoạn này, khu vực bồn địa sông Hán vẫn đóng vai trò là trung tâm đất nước. Quãng thời gian phát triển của Baekje kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 4, đầu thế kỷ thứ 5 thì dừng lại do chiến tranh với Goguryeo.

2.2 Suy yếu

Đầu thế kỷ thứ 5, Goguryeo đạt thời đại cực thịnh của mình và liên tiếp uy hiếp và tấn công Baekje khiến họ phải lui dần xuống phía nam. Đến năm 475, kinh thành Baekje rơi vào tay Goguryeo, vua thứ 21 của Baekje là Gaero-wang (Cái Lỗ Vương) cũng tử trận nơi đây, khu vực này bị Goguryeo đoạt lấy. Người kế vị vua Gaero là Munju-wang (Văn Chu Vương) dời đô về thành Ungjin - một thành nằm ở vùng núi, biệt lập với bên ngoài nhằm củng cố sức phòng thủ với những cuộc tấn công của Goguryeo. Hơn nữa, thời gian này Baekje liên minh với Silla nên thành Ungjin rất thích hợp để làm kinh đô do nó gần Silla hơn thành Wiryeseong trước đây.
Đến năm 538, vua thứ 26 của Baekje là Seong-wang (Thánh Vương) cho dời đô đến Sabi, một nơi thoáng đãng và thích hợp hơn để phát triển đất nước. Ông cũng cho đổi tên nước thành Nambuyeo (Nam Phù Dư) để ám chỉ nguồn gốc Baekje là từ Buyeo mà ra, tuy nhiên cách gọi cũ Baekje vẫn thông dụng hơn và vẫn được sử dụng như trước đây. Thời kỳ này Baekje không có nhiều phát triển về quân sự hay mở rộng được lãnh thổ nhưng lại là thời kỳ văn hóa phát triển nhất, đồng thời ngoại thương, buôn bán cũng phát triển hơn.
Liên minh Baekje-Silla chấm dứt vào năm 551 sau khi họ tấn công và chiếm được thung lũng sông Hán của Goguryeo. Silla bội ước, nuốt trọn vùng này nên khiến vua Seong nổi giận và kéo quân gây chiến vào năm 553. Tuy nhiên, Baekje thất bại, vua Seong bị bắt và bị giết ít lâu sau đó. Baekje từ lúc này trở đi không còn sự phát triển nào đáng kể mà ngày càng suy yếu.

2.3 Baekje sụp đổ

Năm 660, liên minh quân sự giữa Đường và Silla bắt đầu mở chiến dịch tấn công Baekje. Từ Silla, đại tướng Kim Yushin kéo 5 vạn quân tiến lên nhằm hội quân với đại binh nhà Đường. Nếu hợp binh lại được thì liên minh sẽ có 13 vạn quân, nhưng trước đó thì quân Silla phải ra được biển đã. Khi vua Ujia-wang (Nghĩa Từ Vương) của Baekje nghe được tin này, ông lập tức triệu tập quân đội nhằm đánh chặn đội quân Silla để tránh việc hợp binh với quân Đường. Tuy nhiên, lúc này quyền lực của triều đình Baekje đã giảm đi rất nhiều và vua Ujia cũng không nhận được sự ủng hộ từ các quyền thần nữa, cộng với tình hình trong nước thiếu ổn định nên cuối cùng vua Ujia chỉ có thể triệu tập được 5000 quân. 
Mặc dù thua kém quân số đến 10 lần, đại tướng Gyebaek vẫn quyết tâm tiến quân đến ngăn chặn quân Silla. Nơi sẽ diễn ra trận chiến quyết định vận mệnh vương quốc Baekje chính là đồng bằng Hwangsanbeol. Quân Baekje của tướng Gyebaek đến nơi trước và nhanh chóng thiết lập phòng thủ và dàn trận đợi quân Silla. Khi quân Silla đến nơi, tướng Kim Yushin ngay lập tức triển khai quân đội để tấn công. Quân Baekje tuy ít hơn nhưng đều quyết tử nên khiến quân Silla có phần sợ hãi. Baekje đẩy lùi được cả 5 đợt tấn công ban đầu của Silla. Tuy nhiên, do số lượng quá chênh lệch nên dần dần quân Baekje vỡ trận và thất bại, tướng Gyebaek tử trận, hầu hết quân Baekje đều bị giết dù họ đã gây được thiệt hại tương đối lớn cho quân Silla.

Như vậy là lực lượng cuối cùng của Baekje đã bị đập tan. Sau chiến thắng tại đồng bằng Hwangsanbeol, quân Silla hội quân với quân Đường và nhanh chóng tiến về kinh thành Sabi. Họ không mất nhiều công sức để hạ thành khi giờ đây Baekje không còn chút sức mạnh nào. Vua Ujia và con trai bị bắt sống và sau đó bị đưa đi đày sang Trung Quốc. Baekje chính thức diệt vong và sát nhập vào Silla. Vương quốc Baekje được thành lập năm 18 TCN, trải qua 31 đời vua và kéo dài 678 năm, cuối cùng bị diệt vong năm 660 SCN.

3. Vương quốc Silla (Tân La)

3.1 Thành lập

Trong số cả ba vương quốc thì có thể coi là Silla được thành lập sớm nhất khi liên minh giữa 6 bộ tộc vùng Jinhan đã thành lập trước cả khi vua Jumong lập quốc Goguryeo. Tuy nhiên, thực tế mà nói thì lúc ấy Silla chưa được coi là một quốc gia thống nhất với hình thể nhà nước và quyền lực tập trung. Quyền lực của người đứng đầu Silla luân phiên thay đổi giữa ba gia tộc kế nhau là gia tộc Park, gia tộc Seok và gia tộc Kim. Lúc ban đầu, Silla có tên gọi là Saro-guk (Tư Lô Quốc), là liên minh giữa các bộ tộc ở vùng Jinhan. Theo Tam Quốc di sự và Tam Quốc sử ký, người đứng ra thành lập nên vương quốc Silla là Park Geoseogan của gia tộc Park vào năm 57 TCN. Tuy nhiên, rất có thể ngay từ trước đó đã có một hình thái nào đó của một vương quốc xuất hiện, nhưng còn quá sớm và quá sơ khai để gọi là một quốc gia đúng nghĩa.
Mãi cho đến thế kỷ thứ 2 SCN, Silla vẫn chỉ được coi là một tiểu quốc trong số các tiểu quốc thuộc Jinhan mà thôi, dù nó là tiểu quốc mạnh nhất nhưng thực tế thì nó vẫn chưa thống nhất được các bộ lạc Jinhan. Điều này về cơ bản giống với tình trạng của Baekje. 
Những người đứng đầu Silla ban đầu không xưng là "Wang" (Vương) như Goguryeo hay Baekje mà họ xưng là "Isageum" (tiếng Triều Tiên cổ, nghĩa là "người cai trị). Đến đời vua Naemul (Nại Vật, 356 - 402) thì xưng là "Maripgan" - nghĩa là "lãnh tụ" hoặc "vĩ đại", có thể có liên hệ với tước vị "Khan" (Hãn) của Mông Cổ. Đến đời vua Jijeung (Trí Chứng, 500 - 514) thì các vua Silla mới dùng danh xưng "Wang" tức "Vương" như Goguryeo hay Baekje. 
Vương miện của vua Silla - thế kỷ thứ 5 SCN

3.2 Mở rộng lãnh thổ - thống nhất Tam Hàn

Đến đời vua Naemul, ở Silla cơ bản đã hình thành nên chế độ quân chủ kế vị, loại bỏ hệ thống nắm quyền luân phiên, tập trung được quyền lực cho triều đình, và người lãnh đạo đổi sang tước vị Maripgan. 
Đến thời vua Beopheung-taewang (Pháp Hưng Thái Vương) thì Phật giáo chính thức trở thành quốc giáo của Silla, quãng thời gian này, Silla liên tiếp mở các chiến dịch thu phục và sát nhập Gaya, mở rộng biên giới sang phía tây đến vùng bồn địa sông Nakdong. Đời kế vị của vua Beopheung là Jinheung-taewang (Chân Hưng Thái Vương), sức mạnh quân sự của Silla tăng lên đáng kể và đỉnh cao là chiến dịch tấn công Goguryeo vào năm 551 đã giúp Silla thu về được vùng thung lũng sông Hán màu mỡ và gia tăng lãnh thổ khá đáng kể. Silla vào lúc này đạt cực đại của nó trong suốt thời kỳ Tam Quốc, kiểm soát hoàn toàn phần phía đông của bán đảo. Vua Jinheung cũng là người lập ra hệ thống các Hwarang - những chiến binh trẻ tuổi có nguồn gốc quý tộc, nòng cốt cho lực lượng quân sự của Silla.
Lãnh thổ Silla khi ở cực đại
Ngoài ra, Silla cũng là quốc gia duy nhất trong Tam Quốc có đến ba vị nữ vương, đó lần lượt là Seondeok-yeowang (Thiện Đức Nữ Vương, 632 - 647), Jindeok-yeowang (Chân Đức Nữ Vương, 647 - 654) và cuối cùng là Jinseong-yeowang (Chân Thánh Nữ Vương, 887 - 897 của Silla thống nhất). Từ đời vua Jinheung đến đời của nữ vương Jinseong, Silla tập trung củng cố sức mạnh, ổn định tình hình để chuẩn bị cho công cuộc thống nhất Tam Hàn của vua Taejong Muyeol-wang (Thái Tông Vũ Liệt Vương, 654 - 661), người đã mở đầu cho việc thống nhất bán đảo.
Giữa thế kỷ thứ 7, Silla ngày càng trở nên mạnh mẽ trong khi Goguryeo suy yếu vì những cuộc chiến tranh liên tiếp với nhà Tùy và nhà Đường, còn Baekje thì vốn đã suy yếu ngay từ giữa thế kỷ thứ 6 rồi dù Baekje vẫn thường xuyên quấy rối biên giới Silla và thậm chí từng gây tổn hại khá nặng, nhưng nhìn chung lúc này Silla là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất trong cả ba. Vua Taejong sau đó đã thiết lập liên minh với nhà Đường và đến năm 660 thì chinh phục được Baekje, đến năm 668 dưới thời vua Munmu-wang (Văn Vũ Vương) thì chinh phục nốt Goguryeo, thống nhất được Tam Hàn.
Tuy nhiên, liên minh với Đường Cao Tông cũng có cái giá của nó. Silla mặc dù thu phục được cả Goguryeo lẫn Baekje, nhưng lại để mất phần phía bắc bán đảo và toàn bộ vùng Mãn Châu vào tay nhà Đường, hai vùng này sau đó phát triển thành một vương quốc mới với tên Balhae, cùng với Silla tạo nên cục diện Nam-Bắc triều. Ngoài ra, nhà Đường còn ngang nhiên thành lập An Đông đô hộ phủ trên đất Triều Tiên, coi như bán đảo này là đất của nhà Đường và định chia quận, huyện để cai trị như với Gojoseon ngày xưa. Dĩ nhiên là vua Munmu không chịu để yên, ông đứng lên kêu gọi dân chúng và các lực lượng cũ của Goguryeo và Baekje đứng lên đoàn kết đẩy lùi quân Đường và sau gần một thập kỷ chiến đấu, quân Đường đã buộc phải rút quân và Silla chính thức không còn phụ thuộc vào nhà Đường nữa. Thời kỳ Tam Quốc kết thúc.
Bản đồ bán đảo sau khi thời kỳ Tam Quốc kết thúc với Balhae ở phía bắc và Silla ở phía nam

3.3 Thời kỳ Silla thống nhất - suy yếu và sụp đổ

Sau khi đuổi quân Đường khỏi đất nước, Silla bước vào thời kỳ Silla thống nhất. Thời kỳ này của Silla mang đặc điểm là sự gia tăng quyền lực của quân chủ theo chế độ quý tộc chân cốt (jingol). Điều này được thực hiện theo sau những của cải và thanh thế có được sau khi thống nhất bán đảo, cũng như việc đàn áp thành công các cuộc nổi dậy trong giai đoạn đầu thống nhất, và khiến cho các quân vương có cơ hội thanh trừng các họ tộc mạnh nhất và các địch thủ trong nội bộ triều đình. Hơn nữa, trong giai đoạn kéo dài một thế kỷ từ cuối thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 8, các quân vương đã có những nỗ lực để tước bỏ chế độ quan liêu quý tộc trên lãnh địa của họ bằng cách xây dựng một hệ thống trả công theo tiền lương thay cho hệ thống cũ là các quan lại quý tộc sẽ được cấp đất để khai thác với chế độ lộc ấp.
Tuy nhiên đến cuối thế kỷ thứ 8, các sáng kiến của hoàng gia đã thất bại trước sự cản trở của thế lực quý tộc bảo thủ. Từ giữa đến cuối thế kỷ 8 đã chứng kiến các cuộc nổi dậy do các chi của gia tộc Kim lãnh đạo và kết quả là đã hạn chế quyền lực của hoàng gia. Nổi bật trong số này là cuộc khởi nghĩa do Kim Daegong lãnh đạo với thời gian lên đến ba năm. Một bằng chứng quan trọng cho sự xói mòn của quyền lực quân vương là hủy bỏ hệ thống chức điền và tái lập hệ thống lộc ấp có lợi cho tầng lớp quý tộc vào năm 757.
Cái chết của vua Hyegong-wang (Huệ Cung Vương) do bị ám sát vào năm 780 đã kết thúc quãng thời gian tương đối ổn định của Silla và bắt đầu bước vào thời kỳ mạt khi Silla dần suy yếu và hỗn loạn. Cái chết của vua Hyegong làm bùng lên một cuộc chiến nội bộ rộng khắp trong số các gia đình quý tộc cấp cao của vương quốc Silla. Với cái chết của vua Hyegong, trong những năm còn lại của Silla, quân vương đã bị mất nhiều quyền lực về tay các gia đình quý tộc hùng mạnh và dẫn đến việc triều đình không kiểm soát nổi thế lực địa phương nữa. 
Giai đoạn cuối của vương quốc được gọi là Hậu Tam Quốc, khi liên tiếp các thế lực đứng lên tự thành lập các quốc gia kế thừa của các vương quốc cũ như Hậu Baekje và Hậu Goguryeo. Lãnh thổ của Silla lại bị chia cắt và trở nên nhỏ bé, cuối cùng Silla bị Goryeo (Cao Ly) thu phục vào năm 935, chấm dứt 992 năm của vương quốc Silla với 56 đời vua. 

III. Thời kỳ Hậu Tam Quốc

Khoảng một thế kỷ rưỡi cuối của Silla là thời kỳ loạn lạc lại nổi lên khắp nơi. Silla bị chia cắt và rơi vào hỗn loạn bởi các vấn đề phát sinh từ sự lệ thuộc vào "chế độ cốt phẩm", một hệ thống tầng lớp cứng nhắc mà theo đó chỉ có những người xuất thân quý tộc mới có thể được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao. Hệ thống này đã bị lạm dụng như là một phương tiện để giúp hoàng tộc chiếm ưu thế chính trị và điều này đã gây nên nhiều bất ổn. Tầng lớp quý tộc địa phương đã tăng cường quyền thế của mình trong thời kỳ này bằng cách tập hợp quân đội của riêng mình và cát cứ khắp nơi. Sức mạnh của triều đình Silla suy yếu đến mức không thể ngăn cản quá trình này và đành chịu để mặc cho các thế lực cát cứ chia cắt đất nước. Không chỉ có hỗn loạn trong chính trị với những cuộc đấu đá nội bộ mà tình hình kinh tế của Silla cũng rất bi đát, sưu thuế cao khiến người dân cực khổ, quan lại quý tộc thì không còn chăm lo gì đến đời sống nhân dân nên khiến nhiều cuộc nổi dậy bùng lên, bắt đầu từ cuộc nổi dậy năm 889 dưới thời nữ vương Jinseong. 
Trong hoàn cảnh đó, các thế lực mạnh mẽ đã bắt lấy cơ hội, đứng lên nổi dậy và chiếm cứ đất đai của Silla, thành lập các quốc gia riêng, hình thành nên cục diện Hậu Tam Quốc với Hậu Baekje, Hậu Goguryeo.
Thời kỳ Hậu Tam Quốc
Tam Quốc sử ký chép rằng người sáng lập nên Hậu Baekje là Gyeon Hwon, một vị tướng của Silla dưới triều đại của nữ vương Jinseong. Lúc này nạn tham nhũng tràn lan, xung đột chính trị giữa các phe phái bùng lên dữ dội. Nạn đói rộng khắp đã tàn phá đất nước, khiến người dân tham gia vào các lực lượng nổi dậy. Các quý tộc địa phương, và các lực lượng quân sự mới xuất hiện và hình thành các căn cứ quyền lực của minh khắp đất nước. Triều đình đã cố gắng thực hiện một kế hoạch đánh thuế mạnh để đối phó với các cuộc nổi dậy. Vào thời điểm đó, Gyeon Hwon đang là tướng của Silla ở vùng Jeolla đã đứng lên tập hợp những người bất mãn với Silla và đến năm 892 thì ông tuyên bố thành lập Hậu Baekje, đặt kinh đô tại Wasanju.
Về phần Hậu Goguryeo, người thành lập nó là Kung Ye. Ông được cho là một thành viên thuộc vương thất Silla. Khi cuộc nổi dậy của nông dân bùng nổ năm 889, một số thế lực quý tộc địa phương cũng nhân đó đứng lên cát cứ như Gi Hwon và Yang Gil là hai thế lực mạnh nhất. Kung Ye ban đầu theo phò Gi Hwon năm 891 nhưng ít lâu sau đó bỏ đi vì không được trọng dụng. Ông sau đó theo lực lượng của Yang Gil năm 892 và trở thành tướng lãnh đạo của các đội quân nổi dậy sau khi đánh bại quân Silla tại địa phương và các nhóm nổi dậy khác. Hầu hết quý tộc địa phương ở Myeongju và Paeseo, bao gồm cả Wang Geon (người sau này thành lập vương triều Goryeo và là Cao Ly Thái Tổ), đã gia nhập lực lượng của ông, khiến cho ông thậm chí còn mạnh hơn so với thủ lĩnh Yang Gil. Cuối cùng ông đánh bại Yang Gil và thành lập quốc gia Hậu Goguryeo năm 901, chính thức mở ra thời kỳ Hậu Tam Quốc với Hậu Goguryeo ở phía bắc, Hậu Baekje ở phía tây và Silla ở phía đông. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, Kung Ye đổi tên nước thành Majin (Ma Chấn), đến năm 911 lại đổi tên nước thành Taebong (Thái Phong). 
Mặc dù Hậu Baekje ban đầu là thế lực đi đầu về sức mạnh quốc gia nhờ vào các đồng bằng phì nhiêu và mối quan hệ bang giao với Trung Quốc, Hậu Goguryeo về sau đã trở thành thế lực lớn nhất trong tam quốc và nhanh chóng mở rộng lãnh thổ của mình lên đến 3/4 bán đảo dưới quyền của Kung Ye và đại tướng Wang Geon. Tuy nhiên, Kung Ye ngày càng trở nên chuyên quyền và bạo ngược nên đã bị Wang Geon lật đổ năm 918. Wang Geon sau đó lên ngôi và đổi tên nước thành Goryeo (Cao Ly), cục diện tam quốc biến đổi thành Hậu Baekje - Goryeo - Silla. 
Suốt quãng thời gian từ năm 918 đến năm 935, ba quốc gia xung đột, chiến tranh liên miên nhưng chủ yếu vẫn là những cuộc xung đột giữa Hậu Baekje và Goryeo còn Silla đã quá suy yếu không thể làm gì. Đến năm 935, vua cuối cùng của Silla là Gyeongsun-wang (Kính Thuận Vương) đầu hàng Goryeo và chấp nhận để lãnh thổ của mình bị Goryeo thu phục. Hậu Baekje lúc này cũng đã suy yếu từ những bất ổn có sẵn trong nội bộ cũng như những cuộc chiến liên miên với Goryeo. Gyeon Hwon trao ngai vàng lại cho con út là Geumgang nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người con khác, dẫn đến biến loạn và cuối cùng con cả của ông là Singeom lên ngôi và giam cầm ông tại Kim Sơn tự. Geon Hwon sau đó đào thoát khỏi Baekje, gia nhập quân đội Goryeo để chống lại chính quốc gia ông đã thành lập. Hậu Baekje cuối cùng thất thủ và bị Goryeo chinh phục năm 936, chấm dứt thời kỳ Hậu Tam Quốc.
Như vậy, nhìn chung từ những năm cuối thế kỷ thứ 2 TCN, bán đảo Triều Tiên đã rơi vào bất ổn và hỗn loạn với sự sụp đổ của vương quốc Gojoseon, rồi sau đó rơi vào thời kỳ Tam Quốc với tranh chấp của Goguryeo, Baekje và Silla. Đến cuối thế kỷ thứ 7 SCN thì tạm đi vào ổn định trong khoảng gần 2 thế kỷ trước khi lại rơi vào tình trạng hỗn loạn với Hậu Baekje, Hậu Goguryeo rồi sau là Goryeo. Phải mãi đến tận năm 936, Goryeo sau khi chinh phục Hậu Baekje thì bán đảo mới thực sự thống nhất và bước vào triều đại mới với tên là Goryeo - Cao Ly, kéo dài từ năm 936 đến năm 1392.
*Bài viết sử dụng tư liệu từ những nguồn sau: