Nếu ở hôm trước tôi có từng kể về Cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên với "Cuộc thập tự chinh của nhân dân" cực kỳ... hữu dụng, thì sau đó khoảng hơn 100 năm thì Byzantine, uh tội Byzantine dễ sợ, lại còn phải chịu đựng thêm một lần đối đầu với sự kinh hoàng, nhưng khác với những lần trước, Byzantine- hay đúng hơn là Constantinople từ đấy về sau đã xem như là sụp đổ hoàn toàn, và khởi nguồn của nó lại được gây ra bởi chính những người mà mới vài trăm năm về trước còn... giúp đỡ họ- Chính những người lính thập tự chinh. Chào mừng các bạn đến với cuộc thập tự chinh "có ích" nhất mọi thời, Cuộc Thập tự chinh lần IV- hay như tôi thích gọi là Thập tự sát vì những biến cố mà hệ quả của nó gây ra về sau.

 (Bài viết có tính chất tóm tắt ngắn gọn nhất có thể, và dĩ nhiên có thể sẽ không hoàn toàn đầy đủ thông tin, mong sự bổ sung và giúp đỡ của các Nhện).


 Một chút lịch sử xung quanh: Khi cuộc thập tự chinh lần thứ 3, nổi tiếng với việc Vua Richard Lioheart đấu với lại Saladin, kết thúc với kết quả là hòa ước giữa đôi bên vào năm 1192, Jerusalem nằm trong tay người Hồi Giáo nhưng người hành hương và thương buôn vẫn được đến nơi này vào năm 1192. Dù Richard cũng đã lấy lại kha khá lãnh thổ cho Thiên Chúa Giáo, nhưng nơi đất thiêng Jerusalem vẫn không thuộc về họ, mặc cho cái gọi là hòa ước, Jerusalem mới là quan trọng nhất. Thế nên khi Giáo Hoàng Innocent III lên ngôi, ngài đã tiếp tục theo truyền thống của Urban II là kêu gọi thêm một cuộc thập tự chinh (TTC) vào năm 1198, nhưng lần này thì mục đích là chắc chắn phải lấy được Jerusalem. Giáo Hoàng Innocent III cũng đã "cài thêm" điều khoản "mở rộng" là không chỉ những ai tham gia TTC mới có thể lên thiên đường, mà kể cả người trợ giúp về tài chính hay mọi thứ nữa, để giúp mọi thứ trơn tru hơn. Và số lượng người thật sự ủng hộ việc này thì khác với lần đầu là... chả bao nhiêu, vì nhiều quốc gia khi ấy còn đang kẹt với nội sự và chiến sự liên miên như Anh với Pháp chẳng hạn. Tuy nhiên lính thập tự cũng đã tìm được tiếng nói chung với nhau ở tại một... lễ hội đấu thương năm 1199, với người lãnh đạo là Thibaut III xứ Champagne... cho tới khi ông chết bất đắc kỳ tử vào năm 1201 và được thay thế bởi Boniface xứ Montferrat. Hãy nhớ tên ông này vì về sau sẽ có 1 vai trò cực kỳ quan trọng. (Trong đội quân này còn có Geoffrey xứ Villehardouin, người sẽ ghi chép lại những điều được kể sau)
Hình ảnh minh họa Giáo Hoàng Innocent III và việc kêu gọi Cuộc Thập tự Cathar năm 1209
 Thêm một điều khác biệt nữa là lần này quân thập tự sẽ không tiến tới Trung Đông theo con đường như tôi có kể với bạn ở Cuộc thập tự chinh lần đầu (Và cũng như hai lần sau đó nữa) là từ Tây Âu băng qua Anatolia- vốn là vùng chiến sự cực nóng để đến với Jerusalem nữa, mà họ nhắm đến Ai Cập trước rồi từ đó tiến đến Jerusalem. Ai Cập lúc bấy giờ đang thuộc trong Vương triều Ayubb khi kể từ năm 1174 Saladin lên làm Sultan khu vực này, và vào lúc 1200 thì em của Saladin quá cố là Al-Adil đang là Sultan. Biết rằng tuy Saladin đã qua đời, nhưng đế chế đạo Hồi vẫn còn hùng mạnh, thì việc chiếm lấy Ai Cập phá tan vương triều hùng mạnh nhất của Đạo Hồi chắc chắn sẽ tăng nhuệ khí quân thập tự lên rất cao và hạ tinh thần quân Hồi giáo, mở đường tiến đến Jerusalem. Một kế hoạch tuy tham vọng nhưng hợp lý... Nhưng sự thật là gần như chẳng có cái gì được tiến hành đúng như ý muốn quân thập tự vì một vài vấn đề rồi sẽ thay đổi cả bố cục thế giới.
 Nói chung là... Để đến Ai Cập, thì phải băng qua biển Địa Trung Hải... Mà muốn qua biển thì phải có thuyền. Thời trung cổ, nghĩ đến thuyền và cảng biển lớn ở Tây Âu có đầy đủ thiên thời địa lợi nhân hòa, bạn nghĩ đến đâu đầu tiên? Đúng rồi, là Cộng hoà Venezia, hay Venice ấy. Venice và quân thập tự nói chung cũng đã thống nhất với nhau một giao kèo là Venice sẽ xây tàu lẫn cho người lái tàu vâng vâng... Nhưng họ cần một năm, quân thập tự cũng cần một năm hội quân. Và sau một năm thì tình thế hai bên khá trái ngược, Venice thì... làm ăn quá "đảm bảo" khi cho quân thập tự một số lượng tàu thuyền cực khủng lên đến hơn 500 tàu chiến và vận chuyển lớn nhỏ các kiểu; trong khi quân thập tự thì tập trung được đâu chỉ có... khoảng trên 10 ngàn người, khác xa với con số dự tính ban đầu của họ là khoảng hơn 30 ngàn- lí do họ bảo Venice hãy làm đủ tàu để chở khoảng 33 ngàn lính và Venice đã hoàn thành quá... xuất sắc. 
Cộng hòa Venezia
 Rồi đến lúc trả tiền cho việc đóng tàu lại có một vấn đề lớn khác: Quân thập tự chinh không thể chi trả nổi số tiền 85.000 (hoặc 84.000, tùy nguồn sử liệu) đồng bạc marks mà Venice đưa ra. Như đã nói ở trên, số lượng quân thập tự không đông âu cũng do cái màn "không cần đi, đưa tiền trợ giúp cho ai đi giùm cũng lên thiên đường" mà Giáo Hoàng đã ban ra khiến cho lính thì ít nhưng "đại diện" cho khá nhiều người, và số tiền đó gần như phải bị "ma róc" ngay tắp lự vì vụ này. Quân Thập tự chỉ có thể chi trả cao nhất là 49.000 marks, mà đó đã là vét cạn kiệt túi quân lính lẫn chỉ huy rồi, vì suy cho cùng tất cả họ cũng chẳng hoàn toàn là quý tộc đại gia... Venice thế là đã nghĩ ra một diệu kế để khuyến mãi cho quân TTC hoặc để họ có thể chi trả chậm hơn hạn yêu cầu, đó là hãy giúp họ giành lại Zara- không, không phải cái hãng thời trang, mặc dù nếu bạn bảo người Ý đi đánh lộn vì thời trang thì cũng đúng- mà vì thành phố cảng Zara (hay Zadar ngày này thuộc Croatia) trong thời gian đó đang có ý chống đối sự ảnh hưởng tài chính của Venice, và Zara lại còn được "bảo kê" bởi vua Emeric của Hungary. 
 Bây giờ thì hãy suy nghĩ kỹ nha, Venice đang kêu quân TTC vốn dĩ đang có ý đại diện Thiên Chúa Giáo chống lại Hồi Giáo đi đánh một thành bang thuộc đất Thiên Chúa Giáo được chống lưng bởi một vị vua và đất nước cũng theo Thiên Chúa Giáo nốt. Chẳng phải quân mình đánh quân ta còn gì? Thế nhưng nợ thì cũng lãnh rồi, đa số thủ lĩnh đồng ý với cái promo code "Zara" này, tuy nhiên còn rất nhiều người- cả chỉ huy lẫn quân lính các phe nhỏ hơn không biết về giao kèo này, và họ cưỡi thuyền mới từ Venice đi đến... Croatia ngày nay. Có một câu chuyện cực kỳ buồn cười được kể lại là khi họ đến Zara, và biết đó là mục tiêu tấn công của mình- nhưng trên thành lại cắm cờ có dấu thập tự, nên tất cả đã rất lơ ngơ kiểu "Ủa, này thành Thiên chúa mà?". Không cần phải nói, rất nhiều phe quân lính trong dàn TTC đã kiểu "Ếu, không nhá, nope" và bỏ đi luôn, khiến cho quân số vốn không dày còn mỏng hơn. Nhưng rồi, DEUS VULT, những người còn ở lại cùng với Tổng trấn Venice Enrico Dandolo đã đập sấp mặt Zara vào ngày 24 tháng 11 năm 1202 sau hơn mười ngày vây hãm, chiếm lại quyền kiểm soát cho Venice. 
Công thành Zara
 Dĩ nhiên, Giáo Hoàng Innocent III không hề hài lòng với vụ này chút nào, nếu không muốn nói là giận sôi gan. Vì ngay từ đầu, Giáo Hoàng chỉ cho phép quân thập tự đánh chiếm Cairo, tuyệt nhiên không được đụng vào bất cứ vùng đất Thiên Chúa Giáo nào hết. Thế là Giáo hoàng tuyên bố vạ tuyệt thông với cả quân TTC lẫn Venice vì cái tội... chơi láo. Ngài tuyên bố (xin dịch thoáng thôi):
"Hãy xem vàng đã biến các ngươi thành thứ vũ khí và bạc khiến các ngươi mục ruỗng từ bên trong, rồi bỏ mặc kế hoạch thuần khiết của các ngươi và quay lưng tiến đến với một con đường không thể nào vượt qua... Khi các ngươi lẽ ra đã phải ngần ngại, đã phải đi đến nơi miền đất hứa thì cách ngươi lại tiến thẳng đến sa mạc".
 Thật ra thì chẳng bao lâu sau Ngài đã tha thứ cho toàn bộ đội quân này, vì chính những người lãnh đạo ngay từ đầu đã giấu kín thông tin vụ "không được đánh thành Thiên Chúa Giáo", trừ Venice thì vẫn bị vạ tuyệt thông vì tội xúi dại. Nhưng ngay tại thời điểm đó, lệnh tiếp theo Giáo Hoàng ban ra là tất cả phải đi đến Jerusalem ngay lập tức, bất kể kế hoạch. Lo sợ, các thủ lĩnh quân thập tự đã tiếp tục giấu tịt tin này và vẫn... lẩn quẩn ở Zara. Vấn đề tiếp theo là... Thành cũng đã đánh, nhưng nợ vẫn còn, trả sau thôi nhưng trước sau cũng phải trả... Vậy phải làm sao?
 Đó là lúc chúng ta phải nói về Byzantine. Sẽ đau đầu lắm đây. Thế này, cách đấy không lâu, năm 1195, Isaac II Angelos đã bị anh mình là Alexios III soán ngôi và tống giam. Rồi, bạn còn nhớ Boniface chứ... Ông ấy thật ra có mối quan hệ với Byzantine gần hơn mọi người nghĩ khi mà anh em của ông này đều cưới những người chị em của các hoàng đế Byzantine, trong đó có cả 1 người là em của Isaac II Angelos đã bị soán ngôi kể trên. Con của Isaac II Angelos, Alexios IV (Uh nhiều Alexios lắm) đã trốn khỏi Constaninople và trốn tại nơi của Phillips xứ Schwaben- em họ của Boniface. Tuy vẫn còn khá nhiều tranh cãi, nhưng ở một thời điểm nào đó Boniface đã gặp cả Phillip và Alexios IV, Alexios IV đã hứa sẽ.... trả 200.000 bạc mark cho quân TTC để giúp họ trả nợ lẫn sẽ "cấp phép" cho họ thực hiện cuộc TTC sau vụ vạ tuyệt thông của Innocent III nếu họ giúp ông ta đòi lại ngai vàng và giải phóng người cha mù lòa (do một hình phạt ở Byzantine). Cái này cũng khá khó giải thích, nhưng kiểu nếu như một cuộc TTC có... endorsement từ một vị vua và cả mang tính "kết nối Đông Tây" thì vẫn có giá hơn là kiểu tự phát, lẫn việc phương Đông và phương Tây vốn cũng có hiềm khích từ việc TTC không thành từ lâu, nên việc "kết giao" này cũng có lợi cho việc quân TTC sẽ nhân danh phương Tây mà xóa luôn sự ảnh hưởng của nhà thờ Byzantine ở phương Đông nếu có thể. Một trong những nguyên nhân khác cho việc này cũng là do Enrico Dandolo có tư thù với Byzantine do vào năm 1171 Byzantine đã hợp tác với Genoa và Pisa để tái chiếm Tây La Mã và đe dọa Cộng hòa Venice, thế nên Enrico Dandolo cũng rất có ý muốn... đánh Byzantine cho bõ ghét nên xúi luôn quân TTC (!) Nói chung có rất nhiều thuyết âm mưu về việc này.
Sau cùng, việc tiếp theo là quân Thập tự lại... leo thuyền đi từ một thành bang Thiên Chúa Giáo này đến ngay thành bang đại diện của cả Thiên Chúa Giáo ở phương Đông, Constantinople để mà... vây hãm và công thành! Mục tiêu ban đầu của quân thập tự là gì ấy nhỉ? Thôi kệ. DEUS VULT!
DEUS VULT!
Và cuộc vây hãm thành Constantinople bắt đầu vào ngày 24 tháng 6 năm 1203 đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Quân thập tự đã sử dụng chính những con tàu của Venice cho họ để tấn công vào những hướng mặt biển quan trọng để phá đi sự phòng thủ của Constantinople và chiếm được phía tây bắc của thành. Chung cuộc, cuộc đảo chính này đã thành công, Alexios III bỏ trốn, Isaac II Angelos và Alexios IV cùng giữ ngôi vua Byzantine. Điều buồn cười là, dân Constantinople chẳng ai ủng hộ Alexios IV cả, vì họ... chấp nhận Alexios III dù là kẻ phản trắc vẫn là một hoàng đế chính thống âu cũng cho những tuyên truyền cực hiệu quả trước đó của bộ máy nhà nước này.
Yay, cuối cùng quân thập tự cũng có thể đi đến Ai Cập, hay bằng cách quái nào đó đến Jerusalem mà Thánh chiến thật sự rồi phải không... Đáng tiếc, NOPE! Vẫn còn 200k chưa được nhận mà. Nhưng kho bạc Byzantine khi ấy trống trơn do Aleios III đã... "bỏ người chạy lấy của"- lấy đi vàng bỏ lại cả thân quyến, nên... Alexios IV cũng không hẳn là quỵt nợ, nhưng cũng chẳng trả liền được. Vì thế quân TTC lẫn quân Venice lại tiếp tục... cắm quân ở tại Constantinople cho đến khi nào có đủ tiền mới thôi, vì ai cũng cần số tiền ấy cả. Một mối quan hệ vốn dựa trên tiền bạc, và hai đội quân đánh chiếm Constantinople lại cho Alexios IV vốn đã không ưa Byzantine từ nhiều lí do, tiền lại trả không đủ- dẫu cho Alexios IV đã ra lệnh nấu chảy cả những đồ bằng vàng như thánh vật hay đồ vật trong cung điện để trả tiền cho quân TTC vẫn không đủ. Mọi thứ càng trở nên ảm đạm hơn.
Công thành Constaninople 1204
Một cú twist xảy ra vào năm 1204, khi một Alexios khác (Thiếu gì tên để chọn hả trời!), Alexios V Doukas- không có liên hệ gì nhà Angelos, đã nổi dậy âu cũng do dân tình không ai chấp nhận hai cha con ấy làm vua, đá đít họ ra khỏi ngai vàng (và tử hình luôn) và... cả gan tuyên bố sẽ phòng thủ và tống cổ bọn TTC ra khỏi đất của Constantinople bằng mọi giá. Và dĩ nhiên là khất nợ luôn. Thế nên, DEUS VULT, quân TTC tuyên chiến với Constantinople- phớt lờ luôn lệnh của Innocent III, và dẫu Alexios V có thể phòng thủ Byzantine như lời hứa của mình, nó cũng kéo dài không lâu. 
Ngày 12 tháng 4 năm 1204, quân TTC đã tiến được vào Constantinople, chủ yếu là vài chục lính Pháp vào được bên trong, phá tường thành còn quân Venice nhờ sức gió thúc thuyền đâm vào và cho tất cả quân lính tràn vào bên trong. Một cuộc thảm sát, đốt phá, cướp bóc không khác gì Jerusalem vào năm 1099, và dẫu cho đến ngày 13 thì Constaninople đã nằm trong tay quân thập tự, trong 3 ngày liên tục họ vẫn chém giết, cưỡng hiếp, đập phá hết toàn bộ lễ vật, thánh đường để lấy vàng và bạc từ đó... Constantinople- một biểu tượng của văn hóa phương Đông nay đúng nghĩa đã bị phá nát thành đống tro tàn (Ơn trời, Hagia Sophia cũng còn nguyên vẹn phần nào và bị cải thành Nhà thờ Công giáo thôi), hàng trăm năm lịch sử, cơ đồ của Arcadius và Justinian I ngày nào gần như sụp đổ hoàn toàn trong 3 ngày. 
Quân thập tự tiến vào Constantinople
Và thật ra thì... Cũng có một nhóm quân, bằng cách nào đó, đã đến được Jerusalem vào năm 1203 được dẫn dắt bởi Renard II xứ Dampiere với... 300 kỵ sĩ. Và cũng không ngạc nhiên khi họ cũng chẳng làm được gì to tát ở Đất Thánh để giúp Vương Quốc Jerusalem.
Tình hình thế giới sau khi Byzantine sụp đổ
Quân Pháp và Venice về sau chia nhau số tiền vàng bạc cướp bóc, và Byzantine khi ấy bị biến thành Đế Quốc Latin với nhiều vùng chư hầu được cai trị bởi từng lãnh đạo trong đội quân TTC khi đó, tàn dư của đế quốc Byzantine thì chạy về phía Đông Nam và thành lập hai đế quốc nhỏ là Đế Quốc Nicae và Epirus... Khoảng gần 60 năm sau thì Byzantine được tái thiết sau khi cuộc chiến Nicae-Latin kết thúc, nhưng Byzantine đã suy yếu đến mức cùng kiệt, không bao giờ có thể tìm lại hào quang xưa. Đây cũng chính là nền tảng cho việc Đế chế Ottoman đánh chiếm Byzantine vào năm 1453, xóa sổ Byzantine ra khỏi bản đồ thế giới.
Nuff said
Hoan hô Thập tự chinh lần IV, DEUS VULT! Để xem kết quả thế nào: Zara bị sấp mặt, Constantinople sấp mặt đến những hai lần và về sau tạch luôn... Còn bên Hồi Giáo thì thế nào ấy nhỉ, vẫn mạnh khỏe chẳng bị gì... Mục đích ban đầu là chiếm Jerusalem gần như bị quên luôn. Thôi thì cũng mừng, ít ra cũng có một đế quốc mới mang cái danh Đế quốc quân thập tự tồn tại được 50 mấy năm...