Kì 1: Cuộc gặp đầu tiên với ông Hồ.


Lời dẫn: Charles Fenn, một nhà báo Mỹ gốc Anh, được bổ nhiệm làm Trung uý tình báo cho Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ vào năm 1943. Một năm sau, Fenn được đưa đến mặt trận Trung Quốc để làm công tác tình báo chống Nhật. Lúc này, tình báo Mỹ rất cần thông tin tại chiến trường Việt Nam, nhưng vì nhiều lí do mà mạng lưới của OSS (tổ chức tiền thân của CIA) không thể vươn tới đây. Fenn cần sự hỗ trợ từ những người bản địa như Hồ Chí Minh…
**
Trong lúc bế tắc vì chưa tìm ra được nhân vật nào tại Việt Nam đủ tin cậy để hợp tác trao đổi tin tình báo, Fenn chợt nhớ tới Shaw - một phi công Hoa Kỳ được cứu sống bởi Hồ Chí Minh. Ông Hồ không chịu nhận thưởng sau phi vụ này, mà chỉ yêu cầu được gặp Tướng Claire Lee Chennault, chỉ huy Quân đoàn Không lực thứ 14 Hoa Kỳ tại mặt trận Trung Quốc. Yêu cầu của ông Hồ bị bác bỏ bởi chính sách của Hoa Kỳ lúc này không cho phép tướng lĩnh tiếp xúc với người Annamite vì có thể làm người Pháp tại đây phiền lòng.

Trong hình ảnh có thể có: 9 người, mọi người đang ngồi

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ nguyên Giáp (áo trắng) gặp gỡ các sĩ quan OSS vào mùa hè năm 1945 để thỏa bàn chiến dịch chống quân đội Nhật Bản.
Thông qua một nhân viên thư tín, Fenn được tin ông Hồ đang ở Côn Minh. Ông vẫn thường xuyên lui tới Văn phòng thông tin chiến tranh Hoa Kỳ (OWI) tại đây để “đọc tạp chí Time và bất cứ tin tức nào đang diễn ra”. Từ khi xuất hiện tại đây vào hè năm 1944, ông Hồ gây ấn tượng mạnh cho người Mỹ nhờ “trình độ tiếng Anh của mình, sự thông minh và niềm quan tâm sâu sắc tới quân Đồng minh”. Thậm chí OSS đã từng có ý định thuê ông làm phát thanh viên. Tuy nhiên kế hoạch bị huỷ vì sự phản đối từ Lãnh sự quán Pháp.
Fenn nhờ OWI sắp xếp một cuộc hẹn với Hồ Chí Minh vào ngày 17/3/1945.
**
Sáng đó ông Hồ đến cùng với một vài thanh niên khác, gồm cả ông Phạm Văn Đồng. Lúc đó ông Hồ mang bí danh “Lucius”, nhưng Fenn và những người Mỹ khác đều gọi ông là “Cụ Hồ”, đơn giản vì ông già hơn họ.
Fenn đặt nghi vấn về việc Việt Minh là tổ chức Cộng Sản, ông Hồ trả lời “một vài người trong Việt Minh là Cộng Sản, nhưng một số khác thì không”. Fenn tiếp tục hỏi “Có phải ông đang chống lại người Pháp?”, Hồ Chí Minh trả lời “Cũng không hẳn. Nhưng không may là người Pháp lại chống lại chúng tôi”.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhóm "Con nai" của OSS.
Sau đó Hồ Chí Minh đồng ý giúp đỡ OSS về việc thu thập, báo cáo tin tình báo qua máy radio và giải cứu phi công Mỹ, với điều kiện “Mỹ phải công nhận Việt Minh”. Và ông Hồ cũng tuyên bố luôn là Việt Minh sẵn sàng hợp tác với Mỹ, với TQ và thậm chí kể cả Pháp, nếu họ có yêu cầu.
Sau cuộc gặp, Fenn cảm thấy khá hài lòng về ông Hồ, tuy nhiên để chắn chắn, Fenn hẹn ông gặp mặt lần nữa vào hai ngày sau. Những thông tin mà Hoa Kỳ có được về Hồ Chí Minh gần như là con số 0, nhưng người Pháp nói rằng “Hồ là một người cộng sản kiên cường chống Pháp”. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng không thích ông Hồ. Tuy nhiên Fenn được cấp trên cho phép hợp tác với Hồ Chí Minh nếu cảm thấy ông Hồ muốn làm.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, trẻ em, cây, giày, ngoài trời, thiên nhiên và nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoảng năm 1944.
PS: Thực chất, ngay từ năm 1942, thông qua tướng Trương Phát Khuê của chính quyền Tưởng Giới Thạch, ông Hồ Chí Minh đã làm quen với một số sĩ quan Hoa Kỳ đang hoạt động ở Trung Quốc, nhờ chuyển tới Đại sứ Hoa Kỳ ở Trùng Khánh yêu cầu Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật, giúp Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không nhận được bất cứ một sự ủng hộ nào. Theo Thiếu tá Archimedes L.A.Patti, chỉ huy OSS, thì lí do là bởi "người Pháp và người Trung Hoa ở Trùng Khánh đã hoạt động chống lại việc người Mỹ muốn sử dụng Việt Minh, mặc dù lúc đó OSS ở Trung Quốc đánh giá cao vốn quý của ông Hồ trong lĩnh vực công tác tình báo và chiến tranh du kích". (Theo báo điện tử CAND).
**
(Còn tiếp)
Admin #Rosie, Facebook Tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam, lược dịch từ tài liệu “The OSS Role in Ho Chi Minh’s Rise to Political Power”, Bob Bergin.